Thiền và Kệ

Một phần của tài liệu Cẩm nang sống thiền (Trang 163)

M. S SAGHARAKSHITA

Thiền và Kệ

Kệ: gọi tắt của âm chữ Phạn Kệ đà, cũng đọc là Già tha, Già đà, dịch là Tụng, Phúng tụng. Kệ là đạo từ được thăng hoa thành thơ như một bài ca sung mãn, nói lên bằng âm thanh và vần điệu của con người vượt thế; một thể loại văn học của nhà chùa, đặc biệt tại Trung Hoa và Việt Nam. Người viết nên kệ phần nhiều là các Tì kheo, Thiền sư, và đôi khi Cư sĩ.

Hình thức căn bản của Kệ là thể thơ bốn câu, với số chữ của mỗi câu bằng nhau: năm hoặc bảy chữ – ngũ ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Cũng có những bài trường thi cả trăm câu, dài ngắn xen kẽ, để giải thêm cho rộng nghĩa một bài thuyết pháp. Cũng có những kệ gồm bốn câu ba chữ hoặc bốn chữ.

Có nhiều loại kệ. Kệ ca tụng công đức của Phật, Bồ Tát. Kệ gom đại ý của một thời kinh, một cuộc thuyết pháp. Kệ bày tỏ lòng cảm mến, lòng tin tưởng vào Tam Bảo. Kệ nói lên ý nguyện và tâm niệm tu trì trong ngày thọ giới. Kệ thổ lộ cảm giác an lạc nhẹ nhàng khi đã đi hết đường trần, hoàn thành công việc đã làm. Loại kệ có tính giáo huấn được gọi là Kiệt, nghĩa là thâu tóm hết ý nghĩa.

Giữ đúng qui định nghiêm ngặt của thể thơ như một lối giới luật, và vượt qua chúng như một người chứng ngộ, Kệ cho thấy sự kết tinh và hài hòa của con tâm tăng tiến, phóng khoáng, trang trọng, ung dung tự tại, và mức độ giác ngộ của hành giả. Kệ xuất hiện trước Thiền. Từ ngày có Thiền, Kệ thành chứng đạo ca của người đốn ngộ, một loại thơ vượt thơ, tình ý phơi phới trong trạng thái hồn nhiên vô ngã vô tư nghị. Trong Bích Nham Lục và Vô Môn Quan, Kệ là chìa khóa giúp thiền sinh phá công án. Thí dụ bài Kệ trong Vô Môn Quan, công án thứ 19:

Xuân có trăm hoa, thu có trăng Hạ về gió mát, tuyết đông giăng Ví lòng thanh thản không lo nghĩ Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.

(Trần Tuấn Mẫn dịch).

Một bài kệ tụng nổi tiếng của Thiền sư Trung hoa Linh Vân Chí Cần, tả lại khoảnh khắc ngắm hoa đào nở mà triệt ngộ:

Ba chục năm qua tầm kiếm khách Bao lần lá rụng với cành trơ

Từ khi được thấy hoa đào nở

Cho đến ngày nay chẳng chút ngờ.

Trần Nhân Tông, Thiền sư khai sáng phái Trúc Lâm Yên Tử, để lại nhiều bài thơ là kệ, kệ là thơ, trong đó có bài:

Thân như hơi thở ra vào mũi, Ðời giống mây trôi đỉnh núi xa, Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng Ðâu được ngày xuân để luống qua.

Và dưới đây là bài kệ lưu truyền của Lục Tổ Huệ Năng lúc đang là cư sĩ, được Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn, sau khi nghe bài kệ, trao y bát:

Bồđề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?

[Bồđề vốn không có cây,

Gương sáng cũng không phải đài. Nguyên lai không có vật gì cả, Bụi đời còn bám vào đâu?]

Và bài kệ về yếu chỉ Thiền Tông của Sơ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma:

Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự,

Trực chỉ nhân tâm Kiến tánh thành Phật.

Một phần của tài liệu Cẩm nang sống thiền (Trang 163)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)