Đặc điểm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Một phần của tài liệu Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 36)

Kiểm tra của Đảng là xem xét tình hình chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nói chung hay một công việc cụ thể được giao để đánh giá, nhận xét về mỗi cá nhân hay một cơ quan, tổ chức Đảng. Kiểm tra là để làm rõ đúng, sai, được thực hiện theo đúng quy trình, sau kiểm tra phải kết luận, nếu có vi phạm đến mức phải xử lý thì báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Giám sát của Đảng là hoạt động chủ yếu để quan sát, theo dõi trực tiếp, thường xuyên, liên tục đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý nhằm hướng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên theo đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; đoàn kết nội bộ, phẩm chất đạo đức; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo, đề xuất tổ chức đảng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những đặc điểm (nét riêng biệt) khác với công tác kiểm tra, giám sát nói chung khác, với công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát của đảng là công tác đảng, do các tổ chức đảng và đảng viên tiến hành theo quy định của Đảng. Các tổ chức đảng vừa là chủ thể kiểm tra vừa là đối tượng kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có các đặc điểm sau đây:

- Là công tác đảng, một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, được tiến hành trong nội bộ Đảng.

Công tác xây dựng Đảng có nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, bao gồm: Công tác văn phòng; công tác chính trị tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; công tác dân vận; công tác tài chính đảng... và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tương ứng với mỗi nhiệm vụ công tác đó, có một cơ quan (tổ chức) đảm nhiệm, hoặc một cơ quan đảm nhiệm một số nhiệm vụ công tác. Tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng mỗi thời kỳ mà Đảng ta lập các tổ chức tham mưu, giúp việc tương ứng để thực hiện các nhiệm vụ công tác đó. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác đảng, một bộ phận của công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, nhưng trước hết là của các cấp ủy đảng, của chi bộ. Khi Đảng ta mới thành lập và đi vào hoạt động, công tác kiểm tra, giám sát của đảng chủ yếu do chi bộ, cấp ủy các cấp đảm nhiệm. Từ năm 1948 đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng do cấp ủy, tổ chức đảng và ban kiểm tra (nay là Ủy ban kiểm tra - cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng) thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức và được Điều lệ Đảng quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát của đảng là công tác đảng, được quy định trong Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng;

do các tổ chức đảng và đảng viên được phân công tiến hành tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của mỗi tổ chức được Điều lệ Đảng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác đảng, nên phải tuân theo các nguyên tắc, phương pháp cơ bản của công tác đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và cán bộ, công tác tư tưởng văn hóa và các mặt công tác khác của Đảng để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng.

- Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ.

Về mặt nguyên tắc, bất kỳ tổ chức và thành viên nào trong tổ chức đều bình đẳng trước kỷ luật của tổ chức đó. Theo quy định của Điều lệ Đảng, mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Sự bình đẳng trước kỷ luật đảng bắt nguồn từ sự bình đẳng về chính trị trong Đảng, không phân biệt đảng viên có chức vụ cao hay thấp, tuổi đảng nhiều hay ít. Có như vậy mới tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nếu không có sự bình đẳng trước kỷ luật đảng thì sẽ có sự phân biệt đối xử, "ghét thì xử nặng, ưa thì xử nhẹ"; ghét thì kiểm tra xem xét trách nhiệm; ưa thì bỏ qua không kiểm tra, giám sát, hoặc kiểm tra, giám sát qua loa, hình thức... Buông lỏng kỷ luật sẽ mở đường cho bọn phá hoại chui vào Đảng để phát hoại Đảng. Có bình đẳng trước kỷ luật thì tất cả tổ các tổ chức đảng và đảng viên đều phải tuân thủ, phục tùng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật khi có vi phạm. Mỗi đảng viên phải thấy được chức vụ là do Đảng, do tổ chức phân công, không phải đó là "đặc quyền, đặc lợi" riêng của mình.

- Các tổ chức đảng và đảng viên vừa là chủ thể kiểm tra vừa là đối tượng kiểm tra, giám sát.

Để mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thi hành triệt để, đúng đắn trong thực tế, mọi đảng viên, tổ chức đảng đều phải tự kiểm tra và phải chịu sự kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc bắt buộc của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng trên ba phương diện:

Thứ nhất, tổ chức đảng và đảng viên phải tự mình kiểm tra đối với chính bản thân mình. Thứ hai, tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và đảng viên có thẩm quyền cấp trên. Thứ ba, tổ chức đảng phải tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới thuộc phạm vi được phân công lãnh đạo, quản lý. Việc tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng xuất phát từ đặc điểm tổ chức đảng và đảng viên vừa là chủ thể kiểm tra, vừa là đối tượng kiểm tra, giám sát. Có như vậy mới đảm bảo sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được thực hiện toàn diện, đầy đủ, nghiêm minh và triệt để trong toàn Đảng, không có ngoại lệ đối với bất cứ tổ chức đảng và đảng viên nào.

- Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của mọi tổ chức đảng và đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng.

Mỗi tổ chức đảng (các cấp ủy, chi bộ, các ban của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp) có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền khác nhau, nên nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng cũng khác nhau. Vì thế, mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, nhưng tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà mỗi tổ chức chức đảng có phạm vi kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật khác nhau. Mỗi tổ chức đảng và đảng viên, phải theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của mình để tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Vì vậy, Điều lệ Đảng vừa quy định tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát

của Đảng, vừa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của các tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.

- Quá trình kiểm tra phải vận dụng đúng đắn mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc; lấy tự giác, tự phê bình và phê bình làm chính, coi trọng công tác giáo dục tư tưởng trong công tác kiểm tra, giám sát; lấy hiệu quả kiểm tra, giám sát làm thước đo cho kết quả hoạt động.

Để việc kiểm tra, giám sát có chất lượng và hiệu quả, đòi hỏi tổ chức đảng và đảng viên phải vận dụng đúng đắn mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc, nhưng phải nêu cao tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình là chính. Bởi lẽ, tự giác không chỉ là phương tiện mà là mục đích của công tác xây dựng Đảng - Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Vì chỉ có chính bản thân đảng viên được kiểm tra mới thấy được rõ thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm của bản thân, nếu tự phê bình tốt thì giúp cho bản thân thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận thức rõ lỗi lầm của mình để sửa chữa, khắc phục.

Để giữ vững và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, đòi hỏi tổ chức đảng và đảng viên vừa phải tự kiểm tra, vừa phải chịu sự kiểm tra, giám sát (bắt buộc). Tính bắt buộc trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên còn ở chỗ, khi được tổ chức đảng hoặc đảng viên có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật thì phải cộng tác, không được thoái thác, chống đối hoặc đối phó trong quá trình kiểm tra, tự phê bình và phê bình, đấu tranh làm rõ đúng sai và phải chấp hành nghiêm chỉnh cuộc kiểm tra.

Quá trình kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức tự kiểm tra và kiểm tra. Nó vừa mang tính tự giác vừa mang tính bắt buộc đối với đảng viên và tổ chức đảng. Mục đích của kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhằm để giáo dục, tự hoàn thiện là chính. Do đó, tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên tự giác tự kiểm tra và kiểm tra và chịu sự giám sát, thấy được ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, điều chỉnh hành vi, việc làm cho phù hợp.

Tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật thường có tâm lý, biểu hiện bức xúc, có sự phản ứng, thiếu cộng tác, thiếu tự giác, thành khẩn, thậm chí đối phó. Vì vậy, đi đôi với tự giác, tự phê bình và phê bình, cần coi trọng việc làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật, thậm chí cả đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên có liên quan (như tổ chức đảng quản lý tổ chức đảng hoặc đảng viên được kiểm tra và đảng viên có liên quan), giúp công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đạt kết quả và hiệu quả.

Khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, phải bảo đảm theo các nguyên tắc, phương pháp công tác đảng, nguyên tắc, phương pháp, thủ tục của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên vừa phải đảm bảo nêu cao tính tự giác, tính bắt buộc, vừa phải kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình với việc giáo dục, thuyết phục, động viên mới đem lại chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)