Quan niệm của Nguyễn Trãi về chữ dân

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 41)

Để thấy được tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi phải bắt đầu từ quan

niệm của Nguyễn Trãi về chữ “dân”. Theo PGS Võ Xuân Đàn thì trong các

văn bút của Nguyễn Trãi, chữ dân được nói tới 155 lần, chưa kể các từ đồng nghĩa tương tự như bách tính, sinh linh, xích tử….

Nguyễn Trãi là một nhà Nho, nhưng quan điểm về dân của Nguyễn Trãi với Nho giáo đã có sự khác biệt rất rõ nét. Xuất phát điểm đó đã giúp ông vượt qua cái nhìn bó hẹp của Nho giáo về dân.

Trở lại với Nho giáo nguyên thuỷ, chữ “dân” của Khổng Tử trước hết

là chỉ người nô lệ, đối lập với chữ “nhân” để chỉ người chủ nô. Khổng Tử chỉ

nói “ái nhân” mà không bao giờ nói “ái dân”. Trong thiên “Ung dã” của “Luận ngữ”, khi Tử Lộ hỏi: “Nếu như một người ra ơn cho dân rất rộng và có thể giúp đỡ được lớp chúng (nô lệ) thì thế nào? Có thể gọi là nhân được

không?”, Khổng Tử đáp: “nếu được như thế, sao chỉ gọi là nhân? Hẳn là thánh rồi! Việc đó Nghiêu, Thuấn cũng khó mà làm được!”. Ý Khổng Tử nói đó là chuyện không tưởng, làm sao có thể làm được? Trước sau Khổng Tử chỉ xây dựng một lý luận đạo đức cho người cai trị gọi là “quân tử”. Chủ trương khoan dân của ông chỉ là để bóc lột dân cho được bền lâu, vì lợi ích lâu dài của quân tử, chứ đâu phải là vì bản thân nhân dân. Chữ “dân” này sang thời Mạnh Tử lại có nội dung khác đi ít nhiều. Dân có nghĩa là “dân tự do” gồm quý tộc bị sa sút, một số nô lệ được giải phóng, thương nhân và thợ thủ công sống ở thành thị. Mạnh Tử chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, trong đó dân ở đây là chỉ dân tự do ở thành thị. Còn dân cày, dân quê là đối tượng mà ông khinh miệt: “không có quân tử thì không có ai để cai trị dân quê (dã dân), không có dân quê thì không có ai để nuôi quân tử”. Để làm rõ quan điểm về chữ “dân”, có một vấn đề rất đáng lưu ý đó là hàm nghĩa của

chữ “người”. Theo Luận ngữ tân thám (Luận ngữ tân thám. Nhân dân xuất

bản xã xuất bản) của Triệu Kỷ Bân thì trong sách Luận ngữ, chữ “người” chỉ chuyên dùng để chỉ những kẻ trong tầng lớp thống trị. Còn những người trong hàng bị trị thì đều gọi là “dân”. Tóm lại, theo quan niệm của Nho giáo, thì dân ở đây chỉ là tầng lớp dưới, là đối tượng cần phải cai trị, giáo hoá, nên họ có tư tưởng chăn dân, huệ dân, cai trị dân. Những quan niệm này hoàn toàn trái ngược với quan niệm về dân của Nguyễn Trãi, mặc dù ông cũng là nhà Nho. Khác với Khổng Tử và Mạnh Tử, Nguyễn Trãi quan niệm chữ “dân” đồng

nghĩa với chữ người, là nền tảng quan trọng của xã hội, lực lượng chính của

khởi nghĩa bảo vệ đất nước, phát triển xã hội. Dân với ông không phải là đối tượng để giáo hoá, mà là đối tượng để chăm sóc, “nhân nghĩa”, “an dân”.

Tiếp thu và phát triển tư tưởng Nho giáo bao gồm cả quan điểm về dân trong hoàn cảnh Đại Việt không phải đến Nguyễn Trãi mới xuất hiện. Trong các triều đại phong kiến độc lập trước đó vấn đề này đã được quan tâm. Từ thời Lý, dân đã được quan tâm, triều đình thực thi những chính sách vì dân.

Phát triển thêm một bước, đến thời Trần, Trần Quốc Tuấn chủ trương “nới sức dân” để làm kế “bền rễ sâu gốc”. Tuy vậy, vị trí của người dân trong đất nước, quan niệm về nhân dân bị chế ngự bởi tư tưởng thần quyền và khung khổ trung quân rất lớn. Người dân lao động chỉ là đối tượng để cai trị nhằm bảo vệ cho quyền lợi và sự trị vì của vương triều phong kiến, chứ không phải là lực lượng nền tảng của đất nước. Trong quan niệm của Lý Thường Kiệt cũng như Trần Quốc Tuấn về đất nước đều vắng mặt dân. Lý Thường Kiệt nói đến nước chỉ nói đến vua: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, còn Trần Quốc Tuấn dăn dạy, thôi thúc tướng sĩ chiến đấu cũng nhằm bảo vệ “thái ấp” của vua chúa và “bổng lộc” của tướng sĩ. Chỉ đến Nguyễn Trãi mới xuất hiện quan điểm về dân với tư cách là nền tảng xã hội, là đối tượng được quan tâm. Theo đó, chiến đấu bảo vệ đất nước không phải vì vua quan, tướng sĩ mà là việc làm “nhân nghĩa”, cốt để “an dân”. Trong nhiều phạm trù quan trọng đều có sự xuất hiện của dân, gắn liền với dân: chữ trời gắn với chữ dân, chữ quân và chữ dân, chữ nước và chữ dân. Đến Nguyễn Trãi, quan niệm về dân đã được mở rộng hơn rất nhiều, phong phú và mới mẻ, là bước tiến mới trong tư tưởng thân dân.

Còn một thực tế nữa khiến nhân sinh quan của Nguyễn Trãi trong quan niệm về dân có sự tiến bộ, đó chính là thực tiễn nhiều năm chung sống với nhân dân lao khổ. Ông từng sống cuộc đời nghèo khó cùng cha ở làng Nhị Khê sau khi ông ngoại mất. Ông cũng đã sống 10 năm gần dân ở thành Đông Quan khi bị quân Minh giam lỏng đã gần gũi nhân dân, có thời gian nếm mật nằm gai cùng nghĩa quân Lam Sơn. Chính điều này giúp ông hiểu dân, càng thêm yêu thương họ, có cái nhìn đúng đắn hơn về vị trí của họ trong xã hội. Nhận thức về dân cũng vì thế mà rõ ràng, bao quát và xác đáng hơn.

Chữ “dân” của Nguyễn Trãi không chỉ là tầng lớp trên, mà ông còn

đặc biệt chú ý đến những tầng lớp nhỏ bé trong xã hội. Khi nói đến dân, trước

hết ông hướng về “người dân trong thôn cùng xóm vắng”, “dân manh lệ”, “xích tử”, “sinh linh”, “bách tính”, “thương sinh” bốn phương…những thành

viên của công xã làng mạc. Dân theo Nguyễn Trãi còn là những “dân đen” đang bị “thui trên lò bạo ngược”, là những “con đỏ” “đang bị hãm dưới hố tai ương”, là “tứ phương manh lệ” đang tụ nghĩa về Lam Sơn, đã nổi dậy khắp nơi hưởng ứng, ủng hộ hoặc trực tiếp chiến đấu dưới cờ khởi nghĩa. Họ là những người thấp cổ bé họng đáng thương nhất, nhưng cũng là đối tượng hăng hái và yêu nước nhất, là lực lượng chính làm nên thắng lợi của kháng chiến. Họ còn là những người trong “thôn cùng xóm vắng” trực tiếp làm ra của cải cho xã hội. Họ là lực lượng to lớn có sức mạnh như nước: “phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (thuyền bị lật mới biết sức dân như nước) [44; tr.85]. Ông dùng những từ quen thuộc của cổ văn để gọi dân. Những người lao động đó chỉ đến Nguyễn Trãi mới được coi là dân, mới được nhìn nhận, trân trọng, yêu thương, đánh giá đúng sức mạnh và vị trí của họ.

Như thế, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, quan niệm về dân đã được mở rộng, không chỉ bó hẹp trong tầng lớp trí thức, thống trị, mà còn bao gồm cả những người nông dân, nô lệ, những người lao động yêu nước, những kẻ dưới đáy xã hội. Dân là đối tượng cần được bảo vệ, yêu thương, cũng là nền tảng của xã hội và động lực của khởi nghĩa. Quan niệm về dân của Nguyễn Trãi là nền tảng tư tưởng cho tư tưởng thân dân của ông.

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 41)