Mô hình xã hội lý tưởng

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 123)

Nhìn chung, cùng là dòng tư tưởng vì dân, nhưng Nguyễn Trãi có xu hướng hoài cổ, mơ về một xã hội lý tưởng bình yên, thịnh trị thời Nghiêu Thuấn. Ông mong muốn xã hội hiện tại được cải biến ít nhiều, chăm lo cho đời sống nhân dân để trở lại trạng thái ổn định, hưng thịnh, để “thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận, oán sầu” giống như các bậc tiên vương, tiên đế thời nhà Chu - Trung Quốc đã làm. Nguyễn Trãi yêu nước, thương dân, trong tư tưởng và cả cuộc đời của ông đều xoay quanh một chữ “dân”, thật xúc động! Tình cảm thì sâu sắc, tư tưởng thì lớn lao, nhưng không thể biến thành hiện thực trong hoàn cảnh xã hội và sự gò bó của ý thức hệ đó. Tư tưởng thân dân của ông trong xã hội đó là một sự đối lập giữa cái cao cả và cái thấp hèn, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Bởi thế, Nguyễn Trãi đã lâm vào bi kịch - bi kịch của thời đại quân chủ hà khắc triệt tiêu các giá trị dân chủ. Do vậy, có thể nói, tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi chứa đựng rất nhiều giá trị tiến bộ và tích cực về việc xây dựng một chế độ chính trị vì dân, một nền chính trị theo hướng phát triển bền vững, nhưng hướng phát triển của nó vẫn nằm trong bế tắc, thiếu tính hiện thực, và thực tế chỉ là một bi kịch của thời đại đó.

Ngược lại, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển của xã hội. Tư tưởng dân chủ của Người là hướng

đến một xã hội tương lai trong đó người dân là chủ, xây dựng một chế độ đảm bảo chế độ làm chủ của nhân dân. Xuyên suốt tư tưởng của Người là sự thống nhất, đầy đủ và chặt chẽ của mô hình xã hội dân chủ lý tưởng, toàn diện mà người ta hướng tới. Bên cạnh đó, bản thân Hồ Chí Minh cùng thời đại của Người - thời đại độc lập dân tộc hướng lên chủ nghĩa xã hội - đều nhằm thực hiện những lý tưởng cao đẹp ấy trên thực tế.

Có thể nói, trong tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi không có vấn đề tầm vóc thời đại, dù những giá trị tốt đẹp tiến bộ mà ông đặt ra có tính ưu việt, nhưng xã hội mà ông hướng đến vẫn là xã hội phong kiến, nhưng ở Hồ Chí Minh lại đặt ra vấn đề tầm vóc thời đại. Từ ý thức hệ công nhân, Người đã vươn tới những tầm cao tư tưởng của thời đại, đất nước phải phát triển theo dòng thời đại, theo xu hướng của thời đại. Người có khát vọng về dân tộc Việt Nam phải là một dân tộc sánh vai với các cường quốc năm châu, trở thành một dân tộc thông thái. Nếu như Nguyễn Trãi chỉ dừng ở xây dựng một quốc gia độc lập, phú cường, tự chủ, thì Hồ Chí Minh muốn xây dựng một quốc gia dân tộc, một đất nước xã hội chủ nghĩa và mục tiêu cao nhất là cộng sản chủ nghĩa, xã hội Việt Nam phải là một xã hội xã hội chủ nghĩa văn hoá cao. Ở đây, Hồ Chí Minh đã vươn tới những giá trị tiên tiến của thời đại chủ nghĩa xã hội, là sự phát triển đảm bảo chắc chắn nhất cho nền độc lập của dân tộc ta. Còn độc lập chủ quyền và phú cường trong phong kiến thì lúc thịnh, lúc suy, lúc được, lúc mất, luôn bị dình dập, đe doạ bởi họa ngoại xâm, cũng như phụ thuộc chặt chẽ vào sức mạnh của mỗi vương triều thống trị. Con đường phát triển của Nguyễn Trãi cũng nằm trong xã hội công xã, nông nghiệp, nông thôn. Đến Hồ Chí Minh đã có sự phát triển về chất, xã hội Người hướng đến

xã hội hiện đại, giàu có, văn minh với ba hệ giá trị lớn là: độc lập, tự do,

hạnh phúc; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Vì vậy, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh vừa mang tính khoa học, vừa mang tính cách mạng triệt để, có tính thực tiễn cao, là nền tảng chỉ đạo cho quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam.

Tóm lại: từ sự phân tích hệ vấn đề gồm năm điểm như trên, ta có thể thấy rằng:

Phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh so với Nguyễn Trãi thực chất là

sự phản ánh những biến đổi của thời đại và lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ

XX ở xã hội Việt Nam. Tư tưởng thân dân và dân chủ tựu chung lại là những câu trả lời đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện thực đương thời đang đặt ra.

Từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh có một mối liên hệ về mặt lịch sử và lôgíc, biểu hiện ở cả mặt giống nhau và khác nhau trên phương diện hoàn cảnh lịch sử; ý thức hệ; bài học dựng nước và giữ nước; quan niệm về dân và mức độ dân chủ; mô hình xã hội lý tưởng. Ở đây, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc và phát triển từ Nguyễn Trãi. Đó chính là những tinh hoa giá trị truyền thống lịch sử với những biểu hiện thuỷ chung, nhân nghĩa, hoà hiếu…Đặc biệt, khát vọng hoà hiếu của Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh trở thành văn hoá hoà bình, văn hoá khoan dung. Mong muốn của Nguyễn Trãi về một đất nước thịnh trị, quốc thái dân an, quan hệ bang giao hoà thuận, ở Hồ Chí Minh đã gắn độc lập dân tộc, phồn thịnh quốc gia với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, cho nên đó là chủ nghĩa quốc tế chân chính. Hồ Chí Minh đã vươn đến những giá trị tiên tiến của thời đại, với những giá trị hiện đại, văn minh, dân chủ, công bằng, bình đẳng, tự do hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, trong chế độ cộng hoà thời cổ đại đã có nền dân chủ chủ nô, nhưng quyền lực chỉ giới hạn trong giai cấp chủ nô, những người tự do và hơn thế nữa, phủ nhận quyền dân chủ, chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm của quần chúng lao động đông đảo là nô lệ. Phải đến thời kỳ phát triển của Chủ nghĩa Tư bản, trên cơ sở xã hội công dân và Nhà nước pháp quyền, con người mới được được giải phóng khỏi chế độ chuyên chế và một nền dân chủ, một truyền thống dân chủ thực sự mới được xây dựng, vừa mang tính giai cấp, vừa phản ánh bước tiến của văn minh nhân loại. Vấn đề có tồn tại hay không chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam đến nay

vẫn còn là tranh cãi của các học giả, nhưng về cơ bản đều thống nhất Việt Nam không tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ, cũng không trải qua thời kỳ phát triển của Chủ nghĩa Tư bản, nên cũng không có điều kiện xây dựng nền dân chủ chủ nô và dân chủ tư sản và không có truyền thống dân chủ từ những hình thức và chế độ đó. Theo đó, có nhiều ý kiến cho rằng, những yếu tố dân chủ trong truyền thống của Việt Nam còn quá thấp và gần như không có. Tuy vậy, nghiên cứu lịch sử tư tưởng, đặc biệt là dòng tư tưởng vì dân trong lịch sử, mà điển hình là tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi, ta hiểu rằng những yếu tố để xây dựng một nền dân chủ, văn hoá thân dân, vì dân đã là một giá trị mang tính truyền thống vẫn tồn tại xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam. Nó trở thành một cơ sở quan trọng, là cội nguồn tư tưởng để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.

Sự kế thừa Nguyễn Trãi của Hồ Chí Minh cho ta một bài học về khả năng: tiếp biến văn hoá để phát triển. Hồ Chí Minh không những am hiểu, thấm nhuần những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chọn lọc, thâu thái vào mình, biết kết hợp với tinh hoa văn hoá nhân loại để kết tinh thành những giá trị mới, tạo nên bước phát triển nhảy vọt về tư tưởng, chưa từng có trong lịch sử.

KẾT LUẬN

1. Nghiên cứu những biến đổi lịch sử từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh ta thấy một mạch nguồn liên tục của nền chính trị chân chính của dân tộc Việt Nam: nền chính trị yêu nước, thương dân, lấy dân làm gốc. Nếu như văn hoá là những giá trị còn lại khi lịch sử đã đi qua, thì những văn hoá chính trị vì dân đó đã khẳng định một truyền thống của nền chính trị nước ta, là bài học xây dựng chế độ chính trị tiến bộ và phát triển mà cha ông ta đã đúc rút qua những trải nghiệm thăng trầm của lịch sử.

Xét cho cùng, thì chúng ta đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa cũng là vì lợi ích của nhân dân, vì mục tiêu hướng tới một cuộc sống tốt đẹp của con người, trong đó nội dung cơ bản nhất là dân chủ. Thực hiện dân chủ thì mọi quyền lực của con người mới được đảm bảo. Một hằng số đã được nhân loại tiến bộ khẳng định để đánh giá sự phát triển, đó chính là: con người. Con người là thước đo của sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, xây dựng một xã hội đảm bảo quyền con người, đảm bảo dân chủ là quy luật phát triển hợp thời đại. Quy luật đó đã được những nhà tư tưởng Việt Nam mà điển hình cho hai thời đại khác nhau là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã nêu lên một cách vô cùng sâu sắc trong tư tưởng thân dân và dân chủ của họ.

2. Có thể nói, nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc biểu hiện ở tư tưởng và hành động của những con người chính trị Việt Nam mà đại diện là hai anh hùng dân tộc, hai danh nhân văn hoá thế giới: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh không chỉ vượt thời đại, kết tinh những tinh hoa tư tưởng dân tộc và thế giới, mà nó còn được minh chứng trong những bài học thành công và sự phát triển của đất nước trên thực tế. Những tư tưởng ấy đã nâng họ lên thành

biểu tượng cho con người chính trị vì dân, biểu tượng tư tưởng của nền chính trị tiến bộ ở Việt Nam. Chúng ta hôm nay và mãi mãi mai sau phải kế thừa, phát triển những thành tựu tư tưởng đó một cách sáng tạo.

Không có một sự phát triển xã hội nào mà không tựa vững chãi trên cái nền của truyền thống lịch sử, trên những mạch nguồn giá trị liên tục của quá khứ đã được thử thách qua thời gian. Cũng không thể phát triển, càng không thể trở thành hiện đại để hội nhập nếu không biết tiếp thu tinh hoa của thế giới và nhân loại.

3. Thân dân của Nguyễn Trãi và dân chủ của Hồ Chí Minh là những kết tinh tư tưởng vì dân trong truyền thống cũng như tiếp thu có chọn lọc những sáng tạo tinh hoa của thế giới hiện đại. Tám mươi năm đã qua, Đảng cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện lãnh đạo quá trình dân chủ hoá ở nước ta trên cơ sở kế thừa những tư tưởng thân dân truyền thống, đặc biệt là Nguyễn Trãi và không ngừng vận dụng thực hiện tư tưởng dân chủ của Người. Nhiều thành tựu về dân chủ đã đạt được. Tuy nhiên, dân chủ thực ra vẫn là một bài toán khó của lịch sử. Xung quanh vấn đề này còn tồn tại những khó khăn đòi hỏi chúng ta giải quyết.

4. Vì thế, trong tiến trình nhân loại đấu tranh giành quyền dân chủ nói chung và xây dựng xã hội dân chủ, thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi không chỉ có tinh thần cách mạng, mà phải có tri thức khoa học. Nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng tiến bộ trong di sản dân chủ của dân tộc và thế giới là điều vô cùng cần thiết để con đường chúng ta đi có cả niềm tin và trí tuệ dẫn dắt./.

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)