Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi là một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời ông. Nội dung tư tưởng này được thể hiện trên nhiều khía cạnh: thân dân là thương dân, vì dân, an dân; là sự khoan dung, độ lượng, nhân nghĩa; là lý tưởng xây dựng đất nước thái bình…Thân dân ở Nguyễn Trãi trở thành cội nguồn của sức mạnh “dân như nước, chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước”.
2.1.2.1. Vai trò quan trọng của dân * Dân làm nên sức mạnh của đất nước
Một thực tế lịch sử đặt ra đối với tất cả các quốc gia dân tộc, đối với mọi chế độ chính trị là nhìn nhận, xử lí mối quan hệ giữa dân với nước. Là một nhà quân sự yêu nước, thương dân, chủ thể của tư tưởng thân dân - Nguyễn Trãi - cũng nhìn nhận nhân dân trước hết trong mối quan hệ này. Ông thấy rõ mối quan hệ giữa nước và dân, dân và nước. Nước và dân hoà quyện với nhau. Với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân và cứu nước là để cứu dân, chiến đấu vì nước phải kết hợp với chiến đấu vì dân, đó là sự nghiệp “chí nhân”, “đại nghĩa”. Đó chính là bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp tìm ra con đường cứu nước, an dân của Nguyễn Trãi. Vì vậy, trả nợ nước, thù nhà hay cứu khổ cho nước cho dân đều là một.
Chủ nghĩa yêu nước đã xuất hiện sớm ở Việt Nam, nhưng qua mỗi thời kì lại có sự phát triển, cùng với sự thay đổi trong quan niêm về mối quan hệ về nước - dân, trong đó Nguyễn Trãi đã đánh dấu một bước phát triển lớn. Trở lại những triều đại phong kiến Đại Việt trước đó, hình thức biểu hiện của tư tưởng yêu nước đã có sự thay đổi. Thời Lý, Lý Thường Kiệt phát động kháng chiến, tập hợp quân đội chiến đấu là vì hoàng đế (Nam quốc sơn hà nam đế cư). Còn sang thời Trần, Trần Quốc Tuấn lại vận động tướng sĩ quyết đánh giặc nhằm bảo toàn “thái ấp”, “bổng lộc” của vua quan tướng sĩ: “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi bền vững, mà các ngươi cũng đời đời hưởng thụ bổng lộc” (Hịch tướng sĩ). Trong tư tưởng chính trị đại diện của Lý, Trần đó đã biểu hiện rõ ràng tinh thần yêu nước, nhưng họ không ghi nhận quyền lợi chung của dân tộc, không thấy dân đâu cả. Tư tưởng trung quân là hình thức của tư tưởng yêu nước thời kỳ này. Nhưng trung quân, trung nghĩa bao giờ cũng hẹp hơn và nông cạn hơn tư tưởng yêu nước, cũng tựa như vua chúa dẫu anh hùng và tiêu biểu đến đâu vẫn chưa phải là tất cả nước nhà. Vua và triều đến rồi mất, chứ nhân dân, sông núi thì vạn thế trường tồn. Đến Nguyễn Trãi, Dân yên hay dân không yên là một tiêu chuẩn để đánh giá tình thế nước nhà, cũng như chính sự của triều đại. Nguyễn Trãi đã gần gũi với nhân dân, sống
cuộc sống dân dã và cũng đã từng nếm trải những ngày cay đắng cùng dân, nên ông luôn cảm thông với nỗi khổ của họ. Ông đau xót trước cảnh mất nước, đau xót trước cảnh nhân dân đang bị “sống trên lò bạo ngược, dưới hố tai ương”. Ông thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, tận mắt chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, dân tình điêu đứng dưới ách đô hộ của quân Minh. Cho nên, cứu nước cũng là cứu dân, yêu nước gắn liền với thương dân, nhân dân làm nên sức mạnh của đất nước. Các lớp quan hệ này thống nhất và xuyên suốt trong tư tưởng Nguyễn Trãi.
* Dân quyết định sự thành bại của một triều đại.
Thời phong kiến, do bị chi phối bởi quan niệm thần quyền và thế quyền, nên các triều đại cho rằng sự tồn tại, phát triển của mình dựa vào trời, vào vua
(thiên tử). Nhưng theo Nguyễn Trãi, toàn bộ sự hưng vong của một triều đại là dựa vào dân. Năm 1430, thay mặt Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi phân tích sự thất bại của ba đời Trần, Hồ, Minh một cách rõ ràng: nhà Trần mất là vì “dân nghèo nháo nhác vì cơm áo” “mặc dân khốn khổ, nhân dân oán mà không biết, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc…”, bọn quý tộc “vàng bạc chất đống…sánh núi cao”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”; nhà Hồ bỏ ra biết bao công sức để chuẩn bị kháng chiến. Thế mà chỉ trong vòng nửa năm cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc Minh. Cũng chỉ vì triều Hồ “chính sự phiền hà”, “để đến nỗi lòng dân oán trách”, “lấy gian trí mà hiếp lòng dân… gia dĩ thuế mà phiền, lao dịch nặng, pháp luật ngặt, hình phạt nghiêm. Chỉ vụ ích kỷ phì gia, chẳng nghĩ đến khổ dân, hại nước”; nhà Minh mất là vì “chuyên chém giết để ra oai, coi mạng người như cỏ rác”...Tuy sự bại vong của mỗi triều đại có nguyên cớ trực tiếp khác nhau, nhưng đều có nguyên nhân căn bản, chủ yếu là ức hiếp trăm họ, xa dân, chưa được lòng dân. Nguyễn Trãi thấy được sức mạnh của dân trong các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp trong thời bấy giờ. Từ Lạng Giang đến Thái Nguyên, từ Đồ Sơn đến Trường Yên, từ Thanh Hoá đến Nghệ An,
Thuận Hoá. Ở miền núi thì có “phong trào áo đỏ” rộng lớn của các dân tộc ít người. Ở các châu huyện miền xuôi, đến phụ cận thành Đông Quan thì dấy lên hàng loạt cuộc nổi dậy, phần lớn là của thổ hào, nông dân và nô tỳ.
Từ thực tế lịch sử đó, Nguyễn Trãi đã rút ra kinh nghiệm quan trọng có tính quy luật: triều đại thịnh hay suy, mất hay còn đều do sức mạnh của dân quyết định. Trong bài Chiếu về việc làm bài “hậu tự huấn” để răn bảo thái tử (số 7) ông viết: “…vả lại mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [65; tr.85]. Những người tham gia đại cuộc, dẫn dắt trăm họ phải thấm nhuần điều đó. Nguyễn Trãi đã lý giải và dẫn ra những bài học về nhận thức và thực tiễn hết sức sâu sắc, thuyết phục về vai trò to lớn của dân trước sự thành bại của một triều đại, cũng như sự hưng thịnh của một quốc gia. Nhân dân chính là động lực đánh đổ triều đại này, dựng lên triều đại khác. Đó là bài học đúng đắn, quan trọng mà trong chế độ quân chủ với sự ngự trị của thần quyền và thế quyền rất khó nhận ra cũng như thực hiện được. Chỉ đến Nguyễn Trãi - một con người nhìn xa trông rộng, lấy trí ở nơi dân, “có một tấm lòng” cũng là “âu việc nước”, với tình yêu nhân dân sâu sắc và trí tuệ vượt tầm mới khái quát được những bài học chính trị như là chân lý ấy. Trong lịch sử nền chính trị Việt Nam, ngay từ thế kỷ XV, tư tưởng này của Nguyễn Trãi là sự tiến bộ vượt bậc, là thành tựu rất đáng tự hào trong di sản tư tưởng của dân tộc ta.
* Dân không chỉ làm nên sức mạnh của đất nước, quyết định sự thành bại của một triều đại, trong thời kỳ kháng chiến, đối với Nguyễn Trãi, dân là lực lượng cơ bản, sức mạnh chính yếu của cuộc kháng chiến.
Qua Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng, cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa của dân, của “tứ phương manh lệ”, tức là của những người dân lao khổ đang bị “thui trên lò bạo ngược”, “giam hãm dưới hố tai ương”, đang bị quân xâm lược giày xéo. Họ cũng đã cùng nhau “dựng gậy làm cờ cùng tìm minh chủ”, cùng chung “bụng dạ cha con” hết
thảy một lòng vì nghiệp lớn: đánh đuổi quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến này, lần đầu tiên “tứ phương manh lệ” - tầng lớp khốn cùng nhưng đông đảo của xã hội - được công khai thừa nhận là lực lượng kháng chiến cơ bản, nhất là trong những năm tháng gian nguy nhất của cuộc kháng chiến. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “nếu nhà làm sử không lầm thì đây là lần đầu tiên mà “manh lệ” bốn phương được công khai thừa nhận là lực lượng kháng chiến cơ bản đặc biệt trong những năm tháng gian nguy nhất của cuộc kháng chiến”. Và từ đó đến Nguyễn Đình Chiểu thì “dân xóm dân lân” - những tầng lớp khốn khổ nhất trong xã hội đương thời - mới lại được nhìn nhận đúng đắn và ca tụng xứng đáng. Rồi để đến sau này, sang thời kỳ hiện đại, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, những tầng lớp nhân dân lao động khốn khổ được giác ngộ, đào tạo và trở thành những lực lượng cơ bản của kháng chiến, của xã hội, làm nên những thắng lợi vĩ đại. Với tấm lòng thương dân, tin dân, Nguyễn Trãi đã nhận thức sâu sắc vai trò quyết định của dân trong những biến thiên của lịch sử. Ông khẳng định: có được lòng dân, cố kết nhân dân thì mới lấp được công to, làm lên việc lớn. Nhìn nhận và đánh giá như vậy về người dân, đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong tư tưởng chính trị thân dân ở Nguyễn Trãi, là nguồn gốc sâu xa của chiến thắng vĩ đại đánh đuổi giặc Minh của nhà Lê. Từ chỗ:
“Nhân tài lác đác như lá mùa thu Tuấn kiệt lưa thưa như sao buổi sớm, Bôn tẩu trước sau đành đã thiếu người,
Vạch kế bày mưu lại càng thiếu kẻ” [23; tr.30]
“Quân bất quá vài trăm người” nhưng nhờ “dân chúng bốn phương dắt díu nhau mà theo” cho nên sức mạnh của cuộc khởi nghĩa không ngừng được tăng lên, đội quân nhân nghĩa của Lam Sơn “đánh Nam dẹp Bắc chẳng nơi nào mà không thu phục” [43; tr.467].
Như vậy, từ chỗ nhận thức được vai trò to lớn của nhân dân đối với công cuộc giải phóng dân tộc, Nguyễn Trãi đã đi đến chủ trương huy động mọi sức dân vào cuộc kháng chiến. Bình Ngô sách chính là đường lối chính trị cố kết lòng dân, thân dân để tập hợp sức mạnh của dân tiêu diệt quân xâm lược. Bình Ngô sách ít nói đến đánh thành mà nói nhiều đến kế “tâm công”, không đánh mà địch phải đầu hàng. Đó là chiến lược “đánh vào lòng người”, tức là phải tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân căm thù giặc và nổi dậy đánh chúng. Đồng thời ông cũng dùng đủ mọi hình thức vận động, tuyên truyền làm tan rã hàng ngũ địch. Tư tưởng đánh lâu dài đã được thể hiện rõ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Đó là một quá trình dài nghĩa quân Lam Sơn xây dựng lược lượng và phối hợp tác chiến. Từ chủ trương khi chiến, khi hoà để tranh thủ thời gian, từ phương châm chỉ đạo tác chiến tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu để tiêu diệt từng bộ phận địch, bồi dưỡng lực lượng ta, cho đến chủ trương vừa đánh vừa sản xuất, xây dựng căn cứ địa….tất cả đều thấm nhuần một tinh thần kháng chiến lâu dài, kháng chiến dựa vào nhân dân, tin vào sức mạnh của chính nghĩa và nhân dân. Lịch sử đã chứng minh đường lối chiến lược đó là hoàn toàn đúng đắn.
Từ thực tiễn kháng chiến 10 năm chống quân Minh, Nguyễn Trãi đã nêu bật một chân lý sáng ngời của chiến tranh giữ nước là: đoàn kết toàn dân, cả nước chung sức đánh giặc. Bởi thế, sức mạnh của cuộc khởi nghĩa là sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, của mọi tầng lớp nhân dân từ lao khổ đến những người có địa vị, nhờ sự đồng lòng ủng hộ đó của nhân dân mà khởi nghĩa từng bước vượt qua khó khăn, gian khổ đến thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, sau khi giải phóng dân tộc, khi chiến tranh đã kết thúc, Nguyễn Trãi không quên nhắc đến nhân dân với một vị trí xứng đáng, đó là một bước tiến lớn so với lịch sử.
* Nhân dân đối với Nguyễn Trãi còn có vai trò quan trọng nữa bởi họ là
lược lượng làm ra của cải vật chất để nuôi sống xã hội, làm đẹp cho xã hội.
Đây là cách nhìn nhân văn mới đầy tiến bộ về dân. Nếu như trước đây, Mạnh Tử nói rằng: “Không có quân tử thì lấy ai trị dân quê, không có dân quê thì lấy ai nuôi quân tử” [23; 176]. Trần Khánh Dư, một vị tướng thời Trần thì tuyên bố: “Tướng là chim ưng, quân với dân là vịt, lấy vịt nuôi chim ưng thì có gì lạ” [57; tr.292]. Đối lập với thái độ đó, nhà Nho Nguyễn Trãi lại khuyên: không nên phung phí của dân, Nguyễn Trãi cho rằng: “Thường nghĩ những quy mô lộng lẫy đều do sức lao khổ của quân dân”. Không chỉ quý trọng công sức của cải người dân làm ra, Nguyễn Trãi còn thấy được lực lượng cơ bản tạo nên của cải vật chất cho xã hội, vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử :
“Những quy mô to lớn, tráng lệ đều do công sức khó nhọc của quân và dân”, “hướng về nhân dân ”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” và “lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Bởi vậy, nếu như các Nho sĩ đương thời nói: “ơn vua, lộc nước”, thì Nguyễn Trãi lại tự dặn lòng rằng: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” [6; tr.977]. Đây là sự khác nhau rõ rệt trong cách đánh giá về dân của Nguyễn Trãi với các nhà Nho trước đó và đương thời.
Như vậy, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, người dân có vai trò quyết định đến sự phát triển và tiến bộ của toàn xã hội, tư tưởng ấy không khái quát thành lý luận, nhưng trong mỗi suy nghĩ, hành động, thơ văn của ông luôn khẳng định điều đó. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của quần chúng nhân dân với sự phát triển của xã hội mà ông luôn chủ trương an dân, thân dân. Đó là một lôgíc thống nhất trong toàn bộ tư tưởng cũng như hành động, trong cả cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi nhìn ra lực lượng cứu nước, mối liên hệ giữa dựng nước và giữ nước với đoàn kết nhân dân, xây dựng đất nước Đại Việt chính là dân Đại Việt. Từ đó, yêu nước và thân dân luôn gắn liền với nhau. Nguyễn Trãi yêu nước nồng nàn, nhưng không chỉ là sông, núi, đất đai…mà chủ yếu là nhân
dân. Nhân dân mới là nhân tố trọng yếu để xây dựng đất nước. Cho nên, tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi có giá trị thực tiễn cao, là một nét độc đáo trong tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Trãi và chỉ có Nguyễn Trãi mới có tư tưởng như vậy.
2.1.2.2.Thương dân, trọng dân, chăm lo đến đời sống của nhân dân
Yêu nước, thấy được vai trò quan trọng của nhân dân, cho nên Nguyễn Trãi thương dân, trọng dân, chăm lo đến đời sống của nhân dân. Dân trở thành chuẩn mực. Chăm lo đến đời sống của nhân dân là mục tiêu tối thượng. Sự nghiệp nhân nghĩa, an dân là sự nghiệp chân chính của các vua quan và vương triều phong kiến.
* Dân là chuẩn mực quy chiếu đánh giá mọi khái niệm chuẩn mực của Nho giáo
Nguyễn Trãi là một nhà Nho, nhưng trong toàn bộ các công trình của mình, ông không bao giờ sử dụng phương pháp suy luận của Nho giáo mà thay bằng phương pháp suy luận truyền thống, xuất phát từ nhân vật trung tâm là nhân dân. Với Nguyễn Trãi, dân mới là gốc và như thế, mọi khái niệm khác, cả những khái niệm căn cốt làm thành nền tảng của hệ tư tưởng Nho giáo đều phải quy chiếu về dân. Quan điểm về chính danh, tu thân không còn được nhìn xuất phát từ người quân tử, chỉ gắn với quân tử như cách mà những người xuất thân từ của Khổng, sân Trình vẫn làm; đã có sự thay đổi trong quan niệm về chữ “nhân”, “lễ”, “nhạc” của Nguyễn Trãi so với Nho giáo Khổng - Mạnh.
Chữ Nhân của Khổng Tử là chỉ đạo đức cá nhân, không liên quan đến số phận của dân. Đạo nhân là đạo của quân tử chứ không phải là đạo của thất