Phạm vi quan niệm về Dân và mức độ quyền lực của dân

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 117 - 123)

Nếu như quan niệm về Dân được xem là nền tảng xác định tính chất, phạm vi và mức độ dân chủ, thì chính phạm vi rộng rãi, bao quát trong tư tưởng về dân của tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh đã cho thấy một nấc thang phát triển vượt trội trong tư tưởng dân chủ của Người so với tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi. “Hồ Chí Minh đã kế thừa và đảo lộn quan điểm truyền thống trước đây về dân” [42; tr. 48].

Ở thời kỳ phong kiến, quan niệm về dân chủ yếu chỉ dừng ở tầng lớp trên, quan lại, địa chủ,…Quan niệm về dân của Nguyễn Trãi bao hàm cả những người dân nghèo, những người lao động dưới đáy xã hội đã là một sự tiến bộ vượt bậc. Nhưng, Dân trong tư tưởng của Nguyễn Trãi cũng chỉ là

thần dân. Đến thời đại Hồ Chí Minh, phạm trù công dân mới xuất hiện trong sự xác lập làm cơ sở để xây dựng chế độ dân chủ. Quan niệm về dân đến Hồ Chí Minh đầy đủ và rộng lớn hơn nhiều. Dân ở đây không chỉ dừng lại trong phạm vi tầng lớp, giai cấp, hoặc thu gọn trong một bộ phận của xã hội, mà đã bao chứa cả dân tộc và mang tính quốc tế. Điều đó làm cho tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính nhân loại.

Sự tiến bộ trong quan niệm về dân ở tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi bởi ông đã xem dân là nền tảng, là gốc để xây dựng xã hội, nhưng như thế, dân trong tư tưởng của ông cũng mới chỉ dừng lại ở “dân bản” chứ chưa đạt trình độ “dân chủ”. Đến Hồ Chí Minh thì quan niệm về dân đã có sự đổi mới về chất. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ “dân bản” mà mở rộng thành “dân chủ”. Đến tư tưởng Hồ Chí Minh, dân là chủ thể xã hội rộng lớn, đông đảo, chứ không phải là cá thể riêng biệt nào. Dân luôn được đặt trong cộng đồng: dân - dân tộc - nhân

loại. Dân là chủ thể quyền lực của xã hội, được ghi nhận và khẳng định quyền

làm chủ của mình trên mọi phương diện. Ta thấy rằng, chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh dân mới được tôn vinh nhất. Có thể nói, chính chủ nghĩa Mác - Lênin là điểm thăng hoa và hoàn thiện triết lý nhân sinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp Người có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về dân. Đó là nền tảng cho việc xác lập tư tưởng dân chủ ở một mức độ và phạm vi rộng lớn.

Nội dung tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh đã cho thấy tính toàn diện trong tư tưởng về dân của Người:

Nếu tiếp cận xã hội ở các mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, thì nội dung tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi chủ yếu chú ý vai trò của người dân ở góc độ chính trị. Chỉ xem xét dưới góc độ chính trị bao gồm ba mặt: tư tưởng, thể chế và hành động, thì tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi mới chủ yếu nhấn mạnh ở mặt giá trị tư tưởng. Trong khung khổ hạn của chế độ phong kiến, Nguyễn Trãi không có điều kiện, cơ sở, cơ hội để xây dựng một thể chế ghi nhận, bảo vệ quyền làm chủ của dân. Hành động thực hành những quyền

lực đó càng là điều không tưởng. Vì thế, vị trí, vai trò và chút ít quyền lợi của dân mới chỉ được đề cập đến với thái độ cảm thông, yêu thương, trân trọng (thân dân) của một nhà chính trị có tâm, có tầm với tấm lòng yêu thương dân sâu sắc. Nó chưa được ghi nhận bởi những quy định và thể chế bằng luật pháp. Vì vậy, tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi mới chỉ có giá trị nhân văn chứ chưa có tính pháp lý. Nó mãi mãi là nỗi suy tư, là điều mong muốn của nhà tư tưởng vĩ đại đó, mãi mãi là điều ước ao của nhân dân trong xã hội quân chủ thiếu tính nhân đạo, và nhân văn. Hay nói các khác, với tư tưởng thân dân của mình, Nguyễn Trãi đã gửi gắm những giá trị tư tưởng và ước mơ vượt thời đại mà không thể thực hiện trong hiện tại xã hội phong kiến. Phải đến Hồ Chí Minh, ước mơ đó mới có thể trở thành sự thật.

Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh đã thể hiện tính toàn diện của dân chủ vô sản trên cả ba mặt: dân chủ về chính trị, dân chủ trong kinh tế và dân chủ ở lĩnh vực văn hoá - xã hội. Nghiên cứu tư tưởng dân chủ của Người, ta có thể thấy rằng, tính chất toàn diện và sâu sắc trước hết thể hiện trong vấn đề nhận thực về dân chủ. Cách định nghĩa dân chủ của Hồ Chủ tịch: dân chủ là “dân là chủ và dân làm chủ” không những chỉ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện được nội dung căn bản theo nghĩa gốc của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, mà còn nhấn mạnh dân chủ ở cả hai phương diện năng lực và hành động, cả ở pháp lý và thực tế. Nó là sáng tạo mang đậm phong cách Hồ Chí Minh: ưa sự giản dị, dễ hiểu, nói là để hướng dẫn hành động, nên tránh sự rườm rà, khó hiểu. Ngoài ra, tính toàn diện còn được thể hiện trong nội dung tư tưởng, trên cả ba mặt: giá trị tư tưởng, xây dựng thể chế và thực hành dân chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, sau khi giành độc lập, nhân dân đã xây dựng chế độ mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà nay là cộng hoà xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể chế bảo vệ quyền làm chủ của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại diện cho trí

tuệ, đạo đức và quyền lợi của giai cấp công nhân và của dân tộc. Nhằm hiện thực hoá những giá trị tư tưởng về dân chủ, Hồ Chí Minh chú trọng đến việc xây dựng chế độ đó là điều kiện, cơ sở thể chế để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong toàn bộ tư tưởng của Người ta vừa thấy sự giản dị mà thiết thực, sâu sắc mà lại luôn chú trọng thực chất, với đặc trưng nổi bật là nói đi đôi với làm. Tấm gương thực hành dân chủ của Người đã thể hiện tư tưởng cách mạng và một nhân sinh quan tiến bộ về con người. Dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành mục đích, động lực của sự phát triển xã hội.

Vai trò của nhân dân trong xã hội

Đặt tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi trong xã hội đương thời, ta có thể thấy rằng, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng chế độ phong kiến đương thời, vai trò của người dân mới được Nguyễn Trãi phát hiện và khẳng định một cách tương đối đầy đủ với cái nhìn yêu thương và tiến bộ như thế. Dân là lực lượng cơ bản của cách mạng, là lực lượng làm nên sức mạnh của đất nước, quyết định thành bại của một triều đại và là lực lượng làm ra của cải vật chất để nuôi sống xã hội, làm đẹp cho xã hội. Qua đó cho thấy, nhân dân rất quan trọng, cần phải được yêu thương, kính trọng và đảm bảo an dân. Tuy vậy, với quan điểm đó, người dân vẫn nằm ở tầng lớp dưới trong xã hội phong kiến tôn ti hà khắc. Họ vẫn là đối tượng để vua quan phong kiến cai trị, lãnh đạo, quan tâm. Thân phận của họ đã được ghi nhận nhưng vẫn nằm trong sự định

đoạt của vương triều. Do vậy, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Trãi dù sâu sắc,

tiến bộ song vẫn chỉ dừng lại là sự yêu thương, ghi nhận của một bậc quân thần tâm huyết và gần dân, mà chưa biến thành quy định xã hội, ý thức xã hội để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, khi tiếp thu ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi mục tiêu là xây dựng một chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa thì người dân mới được khẳng định vai trò trung tâm, vai trò làm

chủ của mình. Vai trò của họ trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh không chỉ là đối tượng quan trọng cần được quan tâm, không những là nền tảng xã hội, nền tảng đất nước, mà họ thực sự là những người chủ cả trên khía cạnh pháp lí (là chủ) và khía cạnh thực tế, hành động (làm chủ). Người dân lần đầu tiên được trở về, đánh giá và nhìn nhận với quyền vốn có của họ: quyền của người chủ xã hội, người chủ đất nước. Theo đó, Nhà nước phong kiến là Nhà nước cai trị, thì Nhà nước dân chủ mà Hồ Chí Minh muốn xây dựng là Nhà nước phụng sự nhân dân. Vua quan phong kiến là người cai trị dân, thì cán bộ, công chức trong thời đại Hồ Chí Minh trở thành đầy tớ trung thành của người dân. Nhân dân trở về vị trí trung tâm quyền lực. Đây là một bước tiến bộ về tư tưởng, một cuộc cách mạng trong quá trình đầu tranh dân chủ, là sự sâu sắc và toàn diện trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh trên cơ sở kế thừa tư tưởng thân dân truyền thống.

Mối quan hệ về con người là nội dung cốt yếu của hai tư tưởng

Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và dân chủ của Hồ Chí Minh đều bao chứa hai nội dung cốt lõi là: thân dân và chính tâm. Nội dung đó thể hiện mối quan hệ của nhà cách mạng với bản thân và với dân chúng. Thân dân biểu mối quan hệ với nhân dân. Còn chính tâm (minh đức) là đạo đức cách mạng, lại biểu hiện mối quan hệ với bản thân.

Thân dân của Nguyễn Trãi chỉ dừng lại là trân trọng, cảm thông, yêu thương nhân dân, biểu hiện thái độ gần gũi của một vị quan với dân chúng. Đến Hồ Chí Minh, mới phát triển từ thân dân đến dân chủ để vươn lên người làm chủ. Trong tư tưởng dân chủ vừa thâu thái được tinh hoa dân tộc, vừa mang tính vượt thời đại của Hồ Chí Minh, ta thấy được quá trình phát triển dân chủ ấy. Đó là một quá trình biện chứng lâu dài, thể hiện sự đấu tranh cách mạng gian khổ để giành quyền dân chủ của mình: từ thời đại phong kiến đến thời đại độc lập xây dựng chủ nghĩa xã hội - thời đại Hồ Chí Minh.

Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều chủ trương chính tâm. Nhưng chính tâm của Nguyễn Trãi mới chỉ dừng lại ở tu dưỡng cá nhân, ý thức được

bổn phận trách nhiệm của người làm quan phải “an dân trị quốc”. Còn chính tâm ở Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở bản thân mình. Đó là hành động vì dân, đem lại lợi quyền của dân, phát triển đời sống nhân dân, luôn vươn lên tầm dân tộc, thời đại nhằm thực hiện dân chủ rộng rãi, triệt để và thực tế. Chính tâm theo Người, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tư tưởng, hành vi đạo đức cao cả của cá nhân lãnh tụ, mà phải được xây dựng thành lẽ sống đạo đức của nhiều người, của toàn Đảng, toàn dân. Người cho rằng, làm người thì phải chính tâm, người cách mạng, cán bộ công chức càng phải chú ý rèn cho mình minh đức đó. Mỗi người đều phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Do đó, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh ta thấy Người chú ý đến dân chủ thực chất, biến dân chủ từ tư tưởng thành hành động, từ khả năng thành hiện thực. Sự kế thừa, phát triển mang tính cách mạng này trong tư tưởng Hồ Chí Minh được xây dựng trên ý thức hệ dân chủ, cách mạng, và còn bởi một nhà cách mạng Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng dân chủ uyên bác, khoa học và sống theo triết lý hành động. Một triết lý thấm đẫm tình yêu nhân dân và tính cách mạng, rất khoa học và cũng rất nhân văn. So với Nguyễn Trãi, đó quả là một sự khác biệt lớn lao không thể vượt qua được. Nó chỉ có thể thực hiện ở thời đại độc lập tự do và cách mạng của Hồ Chí Minh.

Như vậy, cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều thân dân và chính tâm. Song Nguyễn Trãi yêu dân, muốn chăm lo cho dân, nhưng không thể biến những giá trị tư tưởng đó thành hiện thực, nên lâm vào bi kịch. Còn Hồ Chí Minh, không chỉ dừng lại ở tình yêu đơn thuần, mong ước tốt đẹp cho nhân dân như Nguyễn Trãi, trên lập trường khoa học, cách mạng và giải phóng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện một xã hội hiện đại, Người chuẩn bị điều kiện và nỗ lực xây dựng trên thực tế chế độ và môi trường đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ. Cũng là chính tâm, nhưng chính tâm của Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, là chính tâm cho mọi người và vì mọi người, chứ không bó hẹp là cách tu dưỡng bản thân của Nguyễn Trãi.

Cùng là những vị lãnh tụ vì dân, nhưng sự khác biệt đó làm cho tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh mang tính toàn diện, thiết thực và cách mạng hơn nhiều. Ở Hồ Chí Minh, tình yêu luôn gắn liền với hành động, tư tưởng luôn phải chú ý đến hiện thực hoá. Trong đó, thước đo cho mọi sự tiến bộ và phát triển là ở sự sung túc, hạnh phúc của nhân dân trên thực tế. Nó là sự phát triển tư tưởng thân dân ở một đỉnh cao mới, hoà quyện với những tinh hoa và tiến bộ của tư tưởng nhân loại về dân, không những thế, nó còn được thực hiện trong một hoàn cảnh mới, một thời đại độc lập xây dựng nền dân chủ toàn diện, thực sự vì dân trên cơ sở những thành quả cách mạng lớn lao mà nhân dân đã đạt được.

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 117 - 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)