Khái niệm “dân chủ” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 70 - 73)

Dân chủ là một vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của con người, và xã hội. Dân chủ cho thấy giá trị, sự tự do của con người và mức độ phát triển tiến bộ của thể chế, xã hội. Nó còn là điều hệ trọng đối với sự thành bại của chế độ. Chính vì vậy, dân chủ là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm. Trong di

sản lý luận kinh điển Mác xít, cũng có không ít những định nghĩa về dân chủ. Các học giả trong nước và ngoài nước bàn luận sôi nổi về vấn đề này.

Hồ Chí Minh đã nêu ra một quan niệm về dân chủ mà nếu coi đó là định nghĩa khoa học thì quả thật hiếm thấy một định nghĩa nào ngắn gọn, hàm súc, cô đọng, phản ánh thực chất của dân chủ đến thế. Đây cũng là định nghĩa dân chủ đang được giới khoa học ngày nay sử dụng rộng rãi, cũng như ngày càng có nhiều nghiên cứu ghi nhận những giá trị bao quát và sâu sắc của nó. Sử dụng cách diễn đạt dưới dạng hỏi và đáp giúp cho người dân ít học hoặc có học đều dễ nhớ, dễ hiểu, Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “dân chủ là thế nào?”, rồi Người tự trả lời: dân chủ là: dân là chủ; dân làm chủ.

Định nghĩa thật đơn giản, rất dễ hiểu, thể hiện phong cách giản dị mà sâu sắc của Hồ Chí Minh. Nhưng với Hồ Chí Minh, giản dị không có nghĩa là giản đơn. Chỉ trong vòng 6 chữ Người đã diễn đạt khái niệm dân chủ - một khái niệm có nội hàm rất rộng. Định nghĩa này ngắn gọn về câu chữ, hàm xúc về nội dung và giản dị về cách diễn đạt. Trong đó, khái niệm dân chủ được biểu đạt qua hai nội dung chính rất rõ ràng: một là, dân là chủ; hai là, dân làm chủ.

Dân là chủ: là muốn khẳng định địa vị người chủ trong chế độ chính trị,

trong xã hội và nhà nước thuộc về người dân. Dân là chủ có nghĩa là đối lập với nô lệ, những thần dân, hay thảo dân trong chế độ phong kiến quan chủ, cũng như thân phận nô lệ trong tình cảnh bị thực dân thống trị. Dưới chế độ phong kiến, chế độ quân chủ, dân chủ với tư cách là một chế độ đã không tồn tại. Ở đó chỉ tồn tại hình thức “chủ của dân”. Mọi quyền hành, sức mạnh đều tập trung trong tay của nhà vua. Vua được xem là thiên tử, mọi người có trách nhiệm phải cung phụng vua như bổn phận cho dù đó là minh quân hay bạo chúa. Đó là mối quan hệ thần dân. Còn trong chế độ chính trị mới, khi nhà nước dân chủ ra đời, nhìn trong hệ quy chiếu địa vị quyền lực, thì dân là chủ thể quyền lực. Với Hồ Chí Minh, tư tưởng dân chủ thể hiện dưới khía cạnh “dân là chủ” là rất thống nhất và nhất quán. Theo Người, dân là chủ, nên cán bộ,

công chức phải phục vụ dân, là đầy tớ của dân. Chính phủ phải phục vụ dân. Chính phủ không chăm lo đời sống của dân, làm tốt trách nhiệm của mình với dân thì “dân có quyền đuổi chính phủ đi”. Như vậy, dân là chủ thể gốc của

quyền lực và nhà nước là chủ thể đại diện cho quyền lực của dân. Nhà nước là

vật thể mà dân là chủ sở hữu, là chủ thể ủy quyền. “Dân là chủ” còn biểu hiện vị thế xã hội, tính tích cực chính trị và địa vị pháp lý của người dân.

Dân chủ còn là dân làm chủ. “Làm chủ” thể hiện vai trò, năng lực của người chủ. Nó phản ánh năng lực thực thi dân chủ của người dân. Năng lực đó được biểu hiện ở trình độ học vấn văn hóa, bản lĩnh, ý thức, trách nhiệm…, đó là nội hàm của năng lực dân chủ, thể hiện hành vi làm chủ. “Làm chủ” là muốn nhấn mạnh đến hành động của dân, biểu hiện năng lực thực hành dân chủ, thước đo về trình độ phát triển ý thức dân chủ của dân.

Giữa “dân là chủ” và “dân làm chủ” có mối quan hệ biện chứng với nhau. “Dân là chủ” là cơ sở để “dân làm chủ”. “Dân làm chủ” sẽ thể hiện và khẳng định được địa vị “là chủ” của nhân dân. Chỉ khi vị trí là chủ của người dân được xác lập thì vai trò làm chủ của dân mới được xác định. Tức là, địa vị là chủ của người dân phải được quy định rõ ràng bằng pháp luật, việc thực hành dân chủ mới có thể thực hiện trên thực tế. Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh dân chủ phải được thể hiện toàn diện trên cả hai mặt giá trị và hành động, lý luận và thực tiễn, nói phải đi đôi với làm, tư tưởng phải trở thành hiện thực. Đó là những mặt, những biểu hiện, những cấp độ của dân chủ. Theo đó, dân chủ với Hồ Chí Minh không phải là giá trị khuôn sáo, xa vời trên danh nghĩa. Nó thể hiện một chế độ dân chủ thực sự, dân chủ toàn diện, thể hiện sự ưu việt của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, giữa “dân là chủ” và “dân làm chủ”, Người vẫn nhấn mạnh mặt “dân làm chủ”, tức là khía cạnh thực hành, hành động dân chủ. Nếu như “dân là chủ” mới là khả năng,

tiền đề, thì “dân làm chủ” mới biến khả năng đó thành hiện thực của dân chủ.

chủ mới có giá trị thực tế, quyết định, còn dân chủ không hoàn toàn chỉ là xác định vị trí là chủ của dân. Theo đó, khái niệm dân chủ ở đây không những đã trở về với nguyên khái niệm gốc là “quyền lực thuộc về nhân dân”, mà còn nhấn mạnh các mặt biểu hiện của quyền lực ấy và phát triển, sâu, rộng, trên cơ sở một quan niệm mới về dân.

Khái niệm dân chủ với nội dung “dân là chủ” và “dân làm chủ” của Hồ Chí Minh vừa thể hiện tính khoa học lại vừa hiện đại. Nó xuất phát từ tư tưởng thân dân, “nước lấy dân làm gốc” trong truyền thống lịch sử, mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi, vừa kế thừa và phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ, phản ánh đúng thực chất của dân chủ ở thời đương đại, lại vừa thể hiện những sáng tạo của Người được đúc kết bằng cả sự hiểu biết sâu sắc cùng với tình yêu đối với nhân dân và sự nỗ lực hoạt động cách mạng thực tiễn để tranh đấu cho lợi quyền của dân. Chính vì thế, định nghĩa về dân chủ của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 70 - 73)