Quan niệm về “dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 67 - 70)

Quan niệm về “dân” xuất phát từ quan niệm tổng thể về “con người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân cũng là người, là một người, mà cũng là muôn người. Nhưng khái niệm “dân” đã được khái quát ở mức cao nhất, trở thành một phạm trù, một học thuyết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh, khái niệm “dân” trước hết xuất phát từ khái niệm con người. Trên lập trường tư tưởng Mác xít, con người ở đây trước hết cũng được xét trong các quan hệ của nó: “chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” [33; tr.644]. Hơn nửa thế kỷ trước đây, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người đã nói rõ tất cả những gì Người hiểu biết, mong muốn, điều quan tâm lớn nhất, đều quy tụ vào độc lập tự do hạnh phúc cho tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Nhân dân nói ở đây là những người lao động đang đấu tranh xóa bỏ ách nô lệ để tự giải phóng mình, để trở thành tự do và làm chủ, không chỉ trên đất nước của Người mà còn là tất cả những ai đang bị đọa đầy, đau khổ trên trái đất. Từ cơ sở của phạm trù dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh ta thấy phạm vi rộng lớn, tính giai cấp, dân tộc và nhân loại, tính khái quát và nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của Người.

Khái niệm dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một phạm trù rất rộng. Theo Người, dân ở đây là số đông, là tất cả con Lạc, cháu Hồng, là già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái.

Dân chính là khối quần chúng đông đảo có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và có tinh thần đoàn kết, muôn người như một. Ở đây, khái niệm dân, nhân dân, đồng bào, quần chúng, dân chúng… được dùng đồng nghĩa. Nhưng về cơ bản, dân trong quan niệm Hồ Chí Minh là nhân dân, là quần chúng nhân dân lao động, là đồng bào, là tất cả “trừ bọn việt gian, bán nước, trừ bọn phát xít, thực dân, là những ác quỷ mà ta phải cương quyết đánh đổ” [31; tr.644], trong đó lực lượng trung tâm vẫn là liên minh công - nông - trí thức.

Khái niệm “dân” được Hồ Chí Minh sử dụng với hàm nghĩa sâu rộng, rõ rệt và nhất quán. Tuy nhiên, trong tư tưởng của Người, không có con người trừu tượng. Bao giờ Người cũng nói đến con người cụ thể, lịch sử, tùy theo từng giai đoạn của lịch sử cụ thể, gắn liền với từng thời điểm cách mạng. Dân

được xác định một cách rõ nét, nó thể hiện được tính toàn diện và lịch sử cụ

thể. Trước hết nhân dân Việt Nam được Người khẳng định là “hai mươi triệu con Lạc cháu Hồng” [35; tr.497], là tất cả những ai yêu nước thương nòi. Nhân dân với những biểu hiện cụ thể của nó, rất khác nhau, như những ngón tay có ngón dài, ngón ngắn trên một bàn tay. Nhân dân Việt Nam là không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, trai gái, già trẻ, dòng giống, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong nhân dân, Hồ Chí Minh cũng xác định vai trò “gốc” cách mạng là công - nông (lực lượng đông đảo nhất, chịu nhiều áp bức, đau khổ nhất). Khi thành lập Mặt trận Việt Minh, trong “kính cáo đồng bào”, Người kêu gọi “toàn dân đoàn kết”. “Toàn dân” ở đây bao gồm: các bậc phụ huynh, các bậc hiền huynh chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương (thương nhân và các nhà kinh doanh), các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương. Trong chương trình Việt Minh, khi nói về phổ thông đầu phiếu, Hồ Chí Minh viết: “hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam nữ, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ bọn Việt gian phản quốc” [31; tr. 585]. Riêng đối với giai cấp tư sản Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng có cái nhìn khác với nhiều nhà cách mạng đương

thời. Người coi tư sản Việt Nam là một bộ phận của nhân dân, cũng chịu chung số phận áp bức. Trong Tuyên ngôn độc lập, khi tố cáo tội ác của bọn thực dân, Hồ Chí Minh viết: “chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên” [32; tr. 2]. Sau này, khi đấu tranh bảo vệ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp của các nhà tư sản nước ta trong kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt trong tuần lễ Vàng. Cách nhìn của Hồ Chí Minh về tư sản Việt Nam cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của Người về giai cấp này trong thực tiễn của xã hội và cách mạng. “Dân” nhiều khi còn được Hồ Chí Minh xác định rất cụ thể: khi kêu gọi toàn dân kháng chiến, Người viết: “cậu bé chăm chỉ học hành trong nhà trường cũng là kháng chiến. Anh dân cày cày cuốc ngoài đồng ruộng, anh thợ cặm cụi trong nhà máy, chị bán hàng buôn bán ngược xuôi, ông già xách giỏ đi câu cũng là kháng chiến. Các công chức, các nhà báo mải miết trước bàn giấy, cạnh tủ sách cũng là kháng chiến. Các y sinh, khán hộ lăn lộn bên giường bệnh cũng là kháng chiến. Các nhà giàu có đem hết tài lực mở mang xưởng thợ, khai thác ruộng đất cũng là kháng chiến. Đó là toàn dân kháng chiến” [32; tr. 84].

“Dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là nhân, là lòng nhân nghĩa. Người nói, “nhân nghĩa là nhân dân”; “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”. Quý trọng dân là quý trọng con người, nhất là công nhân, nông dân, đó là vốn quý nhất của xã hội. Đó cũng là trí thức - những nhân tài của đất nước. Phải giúp đỡ, tin cậy anh chị em trong giới trí thức để họ đem hết tài năng ra phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trong lịch sử, đến thời Hồ Chí Minh, “dân” không phải là phạm trù mới, lần đầu xuất hiện. Ở Việt Nam, phạm trù dân cũng được phát triển khá rộng, gắn liền với truyền thống “thân dân” của dân tộc. Trong quan niệm rất tiến bộ của Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV, phạm trù này đã mở rộng rất nhiều, đặc biệt, có những giai đoạn lịch sử, như đầu thế kỷ XX, chưa bao giờ những từ dân trí, dân khí, dân sinh, dân quyền, dân chủ, những vấn đề liên quan đến

dân lại được nhắc đi, nhắc lại nhiều đến thế. Nó đã mở rộng khái niệm thông thường về dân. Nhưng dân là ai? Dân được hình dung trong tập hợp như thế nào? Dưới con mắt của các nhà Nho Việt Nam, dù là truyền thống, hay duy tân, cải cách, trước, hay cùng thời với Hồ Chí Minh, thì dân thường vẫn là “dân đen”, vẫn là “ngu dân”, là đối tượng cần được giáo hóa, cai trị. Đến giai đoạn đầu thế kỷ XX, các nhà Nho duy tân nhấn mạnh đến dân quyền, cũng tức là dân chủ, nhưng khái niệm dân về cơ bản vẫn nằm trong những khuôn khổ chật hẹp của ý thức hệ phong kiến, giới hạn trong những tư tưởng giai cấp. Người dân vẫn chưa được đặt đúng vị trí của họ. Nguyễn Ái Quốc, kế thừa được tư tưởng “thân dân”, “dân là gốc” trong tư tưởng chính trị Việt Nam và tính thể chế, pháp quyền trong tư tưởng chính trị phương Tây để đảm bảo quyền lực của nhân dân, với một lòng tin dân, trọng dân, yêu dân sâu sắc, Người đã phát triển phạm trù “dân” lên một tầm cao mới. Nó vừa mở rộng về phạm vi, đối tượng, vừa sâu sắc, nhất quán và toàn diện.

Đối với Hồ Chí Minh, dân là cao nhất, là bao trùm, là tất cả. Đó là nền tảng tư tưởng, xác định thái độ của Người về dân: thái độ trọng dân, kính dân, tin dân và đi tới những việc làm và cuộc đời hết lòng vì dân.

Trở lại khái niệm gốc của dân chủ ở trên, ta đã thấy rằng, xác định được nhân dân là ai sẽ cho thấy phạm vi và mức độ dân chủ đến đâu. Tiếp cận tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh từ phạm trù “dân” giúp chúng ta trở về với

cách tiếp cận bản chất của dân chủ. Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

rất rõ rệt, nhất quán, đầy đủ và rộng lớn, cho thấy nền tảng của tư tưởng dân chủ rộng rãi, toàn diện và tiến bộ trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu Sự phát triển từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh (Trang 67 - 70)