Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh nêu lên một bài học mang tính quy luật để dựng nước, giữ nước và xây dựng một chế độ chính trị bền vững, đó là bài học dựa vào dân, vì mục đích cao cả của nhân dân. Tư tưởng của họ đã chỉ ra rằng, muốn cứu nước, xây dựng và phát triển đất nước phải dựa vào dân mới có sức mạnh, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của dân mới đúng đắn, chính nghĩa và phải vì mục đích cuối cùng là dân mới thực chất, bền vững. Đó là bài học lịch sử mang tính truyền thống đã được khẳng định qua nhiều thời đại, chỉ ra bởi cả những thực tế thành công cũng như thất bại, mang tính quy luật và có ý nghĩa phổ biến cho những giai đoạn lịch sử sau mà Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã tổng kết, phát triển ở mức độ tinh hoa.
Tuy nhiên, nếu như bài học đó được Nguyễn Trãi khái quát trong tư tưởng trọng dân, thân dân, thì Hồ Chí Minh lại làm sâu sắc và mở rộng từ
trọng dân, thân dân đến trọng dân, trong pháp, dân chủ và làm chủ. Cùng là
tiến trình của lịch sử. Muốn cứu nước, giải phóng, phát triển đất nước, duy trì sự vững bền của một chế độ chính trị thì phải dựa vào dân, xa dân là thất bại. Sự phát triển của tư tưởng từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh còn cho thấy vai trò, sức mạnh của dân ngày càng quan trọng, cần phải được phát huy, xã hội phát triển cũng có nghĩa là quyền lực của dân cần phải được thực hiện. Chỉ dừng lại ở những tình cảm, mong muốn như Nguyễn Trãi thôi thì chưa đủ, trong xã hội hiện đại Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, những giá trị tư tưởng đó phải được thể chế hoá, hiện thực hoá, quá trình làm chủ của người dân hoàn thiện thì khi đó mới giải phóng sức mạnh và nguồn lực to lớn ở nơi dân đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển xã hội.
Không chỉ sâu sắc, khoa học ở tầm lý luận, bản thân những chiến công trên thực tế, những thành quả xây dựng đất nước mà Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đạt được đã chứng minh cho sự đúng đắn của bài học thân dân trong lịch sử và dân chủ thời hiện đại. Đó thực chất là bài học của quy tụ lòng người, của đại đoàn kết dân tộc. Bài học về xây dựng và phát triển, giải quyết các mối quan hệ cá nhân và tập thể, đạo đức và quyền lực, giải phóng và phát triển. Tất cả nhằm hướng đến một sự phát triển bền vững, nhân văn, trở về với những giá trị đích thực tốt đẹp của con người. Và như thế, thân dân, dân chủ trở thành thước đo giá trị của mỗi triều đại.
Sự gặp nhau giữa những tâm hồn, trí tuệ vĩ đại là cuộc gặp nhau ở sự
giản dị. Một sự giản dị bao hàm cái cốt lõi, sự phong phú, sâu sắc và thực chất
của nhà tư tưởng. Nó không có một chút gì chung với sự giản đơn, nghèo nàn, sơ lược, giáo điều trống rỗng. Đó là sự gặp nhau giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Trãi trong tư tưởng vì dân. Mặc dù có rất nhiều điểm cách biệt giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, nhưng trong tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh đã có điểm gặp nhau ở sự giản dị đó. Toàn bộ tư tưởng thân dân và dân chủ có nội dung vô cùng phong phú, nhưng cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều luôn đề cao tính thực chất, nhấn mạnh thực hành. Tất cả những
cầu kỳ, sáo rỗng, thiếu thực chất đều xa lạ với tư tưởng của hai nhà tư tưởng kiệt suất đó. Nói đi đôi với làm, nói và làm gắn liền với nhau. Chính vì vậy, tư tưởng thân dân và dân chủ ở đây có nội dung vô cùng phong phú, nhưng không giáo điều, phức tạp, không có những mệnh đề lý luận lớn, không đi sâu vào định nghĩa, khái niệm, tầm chương, trích cú. Không chỉ bởi họ là những nhà chính trị, nhà quân sự không chú trọng lập lý, mà bởi đó là những tư tưởng thiết thực của những con người hành động giản dị mà sâu sắc: Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do những giới hạn của hoàn cảnh xã hội, của thời đại Nguyễn Trãi thực hiện tư tưởng vì dân của mình giới hạn ở mức độ tư tưởng, mong muốn và phạm vi nhỏ hẹp của một vị quan, một quân sư trong triều, thì ở thời đại của Hồ Chí Minh, Người đã có những điều kiện để thể chế hoá, hiện thực hoá và phát triển tư tưởng toàn diện ở cả ba mặt giá trị tư tưởng, thể chế và thực hành dân chủ, đảm bảo cả tính pháp lý và tính nhân văn.
Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta. Nó thể hiện một quan niệm tiến bộ mà ông cha ta đã ý thức được từ rất sớm đó là: dựa vào sức dân để dựng nước và giữ nước. Sau này, tư tưởng đó đã được Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Mục tiêu và động lực phát triển xã hội đều nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi và dân chủ của Hồ Chí Minh đã đóng góp lớn lao vào kho tàng tư tưởng, đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đây là những giá trị quý báu, là niềm tự hào của nhân dân ta, là phương pháp, bài học tạo nên sức mạnh vô địch để đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.