II. Nguồn VLĐ thường
2. Các giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Công ty
2.4. Có kế hoạch tập trung vốn bằng tiền, đáp ứng nhu cầu thanh toán đúng hạn
toán đúng hạn
Dự trữ tiền mặt (tiền tại quỹ và tiền gửi ngân hàng) là điều tất yếu mà doanh nghiệp nào cũng phải làm để đảm bảo việc thực hiện các giao dịch kinh doanh hàng ngày cũng như đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh doanh trong từng giai đoạn phát triển. Thực tế cho thấy, lượng vốn bằng tiền của công ty đang chiếm một tỷ trọng tương đối trong tổng tài sản, trong đó chủ yếu vẫn là tiền gửi ngân hàng. Lượng tiền này sẽ giúp công ty đảm bảo được khả năng thanh toán của mình. Tuy nhiên việc dự trữ quá nhiều tiền mặt so với nhu cầu sẽ dẫn đến việc ứ đọng vốn, tăng rủi ro về tỷ giá (nếu dự trữ ngoại tệ), tăng chi phí sử dụng vốn (vì tiền mặt tại quỹ không sinh lãi còn tiền gửi ngân hàng thường có lãi suất rất thấp so với chi phí lãi vay của công ty). Do đó, công ty cần xây dựng các mô hình dự báo tiền mặt để xác định cho mình lượng tiền dự trữ hợp lý nhất, tránh hiện tượng dự trữ quá ít gây giảm khả năng thanh toán, qua đó giảm uy tín với nhà cung cấp, mất cơ hội giành được các khoản ưu đãi hay quá nhiều gây ứ đọng và tăng chi phí sử dụng vốn, từ đó sẽ đưa ra được các biện pháp xử lý hợp lý nếu dự trữ quá nhiều hoặc quá ít.
Đối chiếu với tình hình thực tiễn tại công ty cổ phần dệt kim Hà Nội như hiện nay khi mà sản phẩm của công ty mang tính mùa vụ khá cao thì sẽ có những khoảng thời gian nhất định nhu cầu tiền mặt của công ty tăng cao và những khoảng thời gian khác, nhu cầu lại giảm xuống. Với những khoảng thời gian mà nhu cầu tiền mặt tăng cao, lượng tiền dự trữ là không đủ, công ty có thể áp dụng một số biện pháp để tăng tiền mặt như:
- Đẩy nhanh tiến trình thu nợ, giảm số lượng hàng tồn kho.
- Giảm tốc độ thanh toán cho các nhà cung cấp bằng cách sử dụng hối phiếu khi thanh toán hoặc thương lượng lại thời hạn thanh toán với nhà cung cấp.
- Bán các tài sản thừa, không sử dụng; hoãn thời gian mua tài sản cố định và hoạch định lại các khoản đầu tư.
- Giãn thời gian chi trả cổ tức, sử dụng dịch vụ thấu chi của ngân hàng hoặc vay ngắn hạn; sử dụng biện pháp “bán và thuê lại” tài sản cố định.
Ngược lại, với những khoảng thời gian mà nhu cầu tiền mặt thấp, lượng tiền dự trữ trở nên nhàn rỗi thì công ty có thể sử dụng những khoản tiền đó vào các hoạt động như:
- Thanh toán các khoản thấu chi, sử dụng các khoản đầu tư qua đêm của ngân hàng, sử dụng hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với điều khoản rút gốc linh hoạt.
- Đầu tư vào những sản phẩm tài chính có tính thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ), đầu tư vào cổ phiếu quỹ ngắn hạn.
- Với tiền mặt thừa trong dài hạn công ty có thể đầu tư vào các dự án mới, tăng tỷ lệ cổ tức, mua lại cổ phiếu, thanh toán các khoản vay dài hạn…