6. Cấu trúc luận văn
4.1. Hội lệ làng ở vùng Mọc – Nhân Chính
Là vùng có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều phong tục đặc sắc, nhưng lễ hội vùng Mọc – Nhân Chính có thể được xem là một trong những nét độc đáo nhất, chứa đựng nhiều giá trị truyền thống và phong tục của vùng. Hàng năm, các làng ở vùng Mọc – Nhân Chính đều tổ chức hội riêng của từng làng. Thời gian tổ chức hơi lệch nhau một chút nhưng thường đều được tổ chức sau ngày Tết Nguyên đán. Địa điểm tổ chức là tại đình làng với lễ rước Thánh mang nhiều màu sắc tín ngưỡng địa phương.
Hội làng Mọc Cự Chính
Như đã nói ở phần trên, hai làng Cự Lộc và Chính Kinh do nằm cạnh nhau và có chung đình chùa nên từ lâu, hai làng có truyền thống thờ chung một Thành hoàng. Chương trình lễ hội năm nào cũng được diễn ra sau ngày Tết nguyên đán nhưng không khí chuẩn bị đã có từ nhiều tháng trước đó. Có điều khác với các làng khác trong vùng, hiện nay, làng Cự Chính vẫn tổ chức hội lệ hàng năm nhưng chỉ tổ chức phần tế lễ chứ không tổ chức rước Thánh như làng Mọc Quan Nhân.
Trước đây ở Cự Chính cũng có tổ chức lễ rước vào ngày 11 tháng Hai âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, lễ rước cũng không được tổ chức đều đặn hàng năm mà tùy theo điều kiện từng năm mới tổ chức. Trước hôm tổ chức lễ rước Thánh một ngày, vào ngày mùng 10, có làm lễ rước nước. Rước nước là một nghi lễ không thể thiếu được. Đám rước có các giai mang kiệu nước, người mang tàn quạt, trình tự lần lượt. Quy mô của lễ rước nước thường gọn nhẹ nhưng vẫn theo đúng bài bản và trang trọng.
Trong những năm gần đây, việc duy trì hội lệ hàng năm vẫn được chính quyền và người dân trong vùng thực hiện. Trước khi tổ chức, các cụ trong Ban tổ chức vẫn theo lệ xưa là xin phép chính quyền địa phương sau đó tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ . Thường thì Ban tổ chức lễ hội do các cụ trong Ban di tích lịch
81
sử của làng, Hội người cao tuổi đứng ra chịu trách nhiệm sau đó phổ biến đến từng hộ gia đình trong làng. Ban tổ chức sẽ bầu ra 1 trưởng ban, 2 phó ban và thống nhất thành lập các tiểu ban giúp việc cho lễ hội. Những người được lựa chọn đều phải là những người nhanh nhẹn, tháo vát, có tinh thần trách nhiệm và có hiểu biết về hội làng. Sau đó làng sẽ tìm cử ra một khởi chỉ. Bình thường trong lễ hội các làng ở Nhân Chính chỉ cần có 1 khởi chỉ nhưng do Cự Lộc và Chính Kinh là hai làng nên cần có 2 khởi chỉ. Trước đây, người được chọn làm khởi chỉ thường là con nhà khá giả, vì ngoài việc phải may quần áo trang phục cho bản thân thì họ còn phải nuôi giai trong quá trình diễn ra hội làng. Trong những năm đầu khôi phục lại lễ hội, làng Cự Chính đã thống nhất người được bầu làm khởi chỉ chỉ cần nộp cho làng 1 triệu đồng.
Vào ngày diễn ra lễ hội, cờ phướn được trang hoàng khắp các con đường dẫn vào làng và xung quanh đình. Lễ hội làng Cự Chính cũng gồm hai phần rõ rệt đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức bắt buộc, quan trọng nhất là lễ rước Thánh và tế lễ tại đình. Còn phần hội thì diễn ra nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn nghệ truyền thống thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.
Hội làng Mọc Quan Nhân
Cũng có nhiều những điểm chung trong cách tổ chức hội lệ với các làng anh em trong vùng. Hội làng Mọc Quan Nhân trước đây thường được tổ chức vào ngày 11 tháng Hai âm lịch. Khác với Mọc Cự Chính, làng Mọc Quan Nhân cứ 2 năm lại tổ chức lễ rước một lần. Sáng ngày 11 rước Thánh và tổ chức tế nam tại đình Hội Xuân, chiều rước Thánh về làm lễ yên vị. Cũng như các làng Cự Chính, Giáp Nhất, lễ hội của làng đều do Trưởng ban di tích lịch sử cùng Hội người cao tuổi, chi bộ Đảng, Hội phụ nữ... đứng ra lo liệu.
Hội làng Quan Nhân cũng như các hội làng khác trong vùng Nhân Chính và các làng truyền thống đồng bằng Bắc bộ. Lễ hội gồm hai nội dung chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức bắt buộc phải được thực hiện đúng nguyên tắc. Phần hội có sự tham gia của đông đảo quần chúng với những trò diễn mang đậm tính dân gian như đánh cờ người, chọi gà, ngâm thơ, hát dân ca quan họ... Mặc dù lễ
82
chính hội là ngày 11 nhưng từ trước đó mấy ngày tại đình làng đã diễn ra những nhiều hoạt động. Vào ngày mùng 8 tháng Hai, các tiểu ban làm lễ trình tại đình. Ban khánh tiết và ban nghi lễ bày voi, ngựa, nghi trượng rước, kiệu... trên sân. Sang đến ngày mùng 9, mùng 10 các hoạt động tổng duyệt được chuẩn bị kỹ càng cho ngày chính hội. Vào sáng ngày mùng 10, tại ao làng diễn ra lễ khai mạc đánh cờ người. Phía ngoài diễn ra các trò chơi, phía trong các gia đình, dòng họ trong làng mang lễ vật lên dâng hương lễ Thánh.
Chính hội làng Quan Nhân diễn ra vào ngày 11 tháng Hai. Hội làng được tổ chức long trọng và trang nghiêm mang đậm màu sắc địa phương với những đám rước linh đình. Đúng 8 giờ sáng, đội tế nam trong trang phục áo thụng xanh chỉnh tề làm lễ tại đình. Dưới phủ Dục Đức đội tế nữ dâng hương với đồng phục áo thụng đỏ, đầu đội khăn vành. Sau lễ tế là lễ rước được người dân mong chờ hơn cả. Theo người dân làng Quan Nhân cho biết, do làng Quan Nhân thờ cả Đức Thánh Ông và Đức Thánh Bà nên trong ngày hội làng hay Đại hội 5 làng Mọc thì kiệu Đức Thánh Bà cũng được rước nhưng chỉ được rước ra đến đình Hội Xuân thì quay về chờ đến khi kiệu ông về.
Có thể thấy, làng Mọc Quan Nhân có truyền thống mở hội từ lâu đời. Tuy có thời kỳ lễ hội dân gian của làng bị gián đoạn nhưng từ năm 1989 đến nay, lễ hội làng được khôi phục và duy trì đều đặn. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của làng Quan Nhân nói riêng và các làng trong vùng Nhân Chính nói chung.
Hội làng Mọc Giáp Nhất
Làng Giáp Nhất theo tục truyền là làng anh Cả nên cứ 5 năm làng Giáp Nhất mới mở hội một lần trùng với Đại hội 5 làng. Vào những năm thường thì làng chỉ sửa soạn lễ nhỏ, đèn hương và bầy đồ nghi trượng chứ không tổ chức tế lễ hay rước linh đình. Đến kỳ Đại hội thì hội làng Giáp Nhất lại được tổ chức rất trọng thể, linh đình với nhiều nghi thức truyền thống, nhiều trò diễn hấp dẫn. Theo các cụ làng Giáp Nhất cho biết, tổ chức hội làng vào đúng kỳ Đại hội là nét đẹp truyền thống của dân làng Giáp Nhất, người ta quan niệm mở hội để rước Thánh du xuân và
83
thưởng lãm cảnh quan 5 làng. Cũng giống như các làng anh em trong vùng, hội làng Giáp Nhất được chuẩn bị rất chu đáo từ nhiều tháng trước. Đình chùa, đường sá được chính quyền và người dân sửa sang, trang hoàng sạch đẹp, lỗng lẫy. Người dân trong vùng, không ai bảo ai, người người nhà nhà nô nức chung tay chuẩn bị khiến cho không khí càng thêm tưng bừng, náo nhiệt. Từ sáng sớm ngày 12 tháng Hai âm lịch, sân đình Giáp Nhất cờ hoa giăng kín trời, khói hương của những người đến viếng đình chùa nghi ngút tạo nên một sắc thái vừa linh thiêng vừa ấm áp. Gần trưa lần lượt các kiệu Thánh các làng, đội múa rồng, bát bửu, chấp kích, cờ quạt, đội tết, dâng hương... đi theo nhịp trống và dàn nhạc bát âm về đến đình làng Giáp Nhất rước Thánh về ngự tại đình làng. Sau đó các nghi thức tế lễ được tiến hành trọng thể. Trước bàn thờ Thánh của 5 làng người ta chuẩn bị sẵn một hương án có biện sẵn đồ lễ. Sau ba hồi trống thì nghi thức tế lễ được bắt đầu. Sau phần lễ, Ban tổ chức lễ hội làng Giáp Nhất để tỏ lòng hòa hiếu với các làng anh em và quan khách đã chuẩn bị cỗ cùng các trò vui mọi người thưởng lãm.
Những làng Mọc ở Nhân Chính từ xưa đến nay dù có ít nhiều điểm khác biệt trong cách tổ chức lễ hội song có thể nhận thấy một điều những giá trị văn hóa truyền thống đã được con người Nhân Chính trân trọng và gìn giữ cẩn thận.