6. Cấu trúc luận văn
1.4.2.2. Vài nét về văn hóa vùng Mọc – Nhân Chính
Nho giáo
Nằm trong các xã ven đô Nhân Mục Môn là một xã có truyền thống nho học khá nổi bật. Do là vùng đất hiếu học nên từ xưa nơi đây đã có nhiều người đỗ đạt cao. Các cụ cao niên trong làng khi lý giải về điều này đã cho rằng: Nhân Mục là có nếp sống “nhân nghĩa và hòa mục”; Quan Nhân là làng có nhiều người học vấn cao, có bản lĩnh đảm nhận chức vụ Nhà nước để cống hiến cho xã
26
hội; Minh Kinh là thông minh, sáng suốt, thuộc làu các sách kinh, sách sử; Giáp Nhất là làng có người đậu thứ nhất khoa Giáp; Cự Lộc được hưởng lộc nước, lộc vua ban, để phúc lộc cho con cháu đời sau. Nhìn vào tên làng, tên địa danh, hay thậm chí tên ao, tên đất cũng cho người ta thấy được sự tiềm ẩn “chữ nghĩa” trong con người Nhân Mục Môn: “Vì làng này có thế đất Ao Bút, Đài Nghiên, lại có gò đất hình quả ấn (Ấn Sơn) nên phát sinh nhiều người văn hay chữ đẹp, mà võ cũng giỏi…”.[5, tr 33]. Từ xa xưa, trong các thôn của Nhân Mục Môn cũng có trường tư dạy chữ nho cho lớp trẻ, chủ yếu là các cụ đồ nho dạy ở nhà riêng. Nội dung dạy chủ yếu là dạy con cháu “đạo hiếu đối với cha mẹ”, biết báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đối với đất nước thì phải “trung ư quốc”, đối với mọi người thì phải “nhân nghĩa”…
Phật giáo
Phật giáo được coi là tín ngưỡng quan trọng và thiêng liêng trong đời sống của cư dân vùng Mọc – Nhân Chính. Vì vậy, mảnh đất Nhân Mục Môn từ lâu đã có nhiều chùa chiền: thôn Quan Nhân có chùa Sùng Phúc, thôn Hoa Kinh có chùa Bồ Đề, thôn Giáp Nhất có chùa Phúc Lâm, thôn Cự Lộc có chùa Quan Âm. Đến thời Nguyễn, triều Minh Mệnh, thì chùa Phúc Lâm ở Giáp Nhất trở thành một “trung tâm Phật học” với tên gọi Phúc Lâm viện. Có thể nói, vai trò Phật giáo rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân vùng Nhân Mục Môn, nó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các cụ, các bà. Số lượng các vãi khá đông, hầu như làng nào cũng có mấy chục bà vãi: “Ở chùa Sùng Phúc, thôn Quan Nhân số lượng các vãi khá đông, ở chùa Bồ Đề thôn Chính Kinh có khoảng 40 bà, chùa Phúc Lâm, thôn Giáp Nhất có khoảng 30 vãi”. [5, tr 34]. Nếp sinh hoạt chùa chiền ở đây giống như một “câu lạc bộ tôn giáo” của lớp người già, đặc biệt là phụ nữ. Nó là nơi mà người ta hướng đến như một cách để giải thoát cho những mệt mỏi, lo toan hàng ngày, là nơi mà người ta tìm thấy một phần thánh thiện trong con người mình để rũ bỏ mọi tham, sân, si trong cuộc sống và nó giúp họ cân bằng được cuộc sống âm – dương vốn đã ăn sâu trong đời sống của người dân Việt.
27
Tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng
Nhân dân năm làng Mọc, trong đó Quan Nhân, Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc (thuộc Nhân Mục Môn) và Phùng Khoang (thuộc Nhân Mục) đều tin rằng, thành hoàng của năm làng là năm anh em. Điều này đến nay vẫn còn in đậm trong phong tục tín ngưỡng của nhân dân năm làng với lễ hội chung “Năm làng Mọc” được tổ chức năm năm một lần thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhân dân trong vùng cũng như vùng phụ cận. Đặc điểm của các Thành hoàng vùng Kẻ Mọc là đều là nhân thần, nghĩa là họ là những “con người thực” có công với dân với nước. Ngày nay, làng nào cũng có đền có đình thờ phụng Thành hoàng rất kính cẩn, trang nghiêm và đều được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa nghệ thuật.
Thành hoàng làng Quan Nhân là Trung Nghĩa Đại Vương hay còn gọi là Hùng Lãng Công và phu nhân là Trương Mỵ Nương có công đánh giặc Nam Chiếu giữa thế kỷ IX. Hàng năm, nhân dân tổ chức rước kiệu Thánh Ông và Thánh Bà và mở hội vào ngày 10 tháng Hai âm lịch.
Làng Chính Kinh và làng Cự Lộc thờ chung một Thành hoàng là Lã Đại Liêu, vốn là tướng của Ngô Quyền, có công đánh đuổi quân Nam Hán. Khi triều đình họ Ngô tan rã thì ông trở thành một trong mười hai sứ quân. Hàng năm hai làng Chính Kinh và Cự Lộc (gọi tắt là Cự Chính) đều mở hội tế ông tại đình Cóc vào ngày 18 tháng 10 và 12 tháng Giêng âm lịch.
Làng Giáp Nhất thờ tướng Phùng Luông, là cháu gọi vua Phùng Hưng bằng chú, có công đánh Cao Chính Bình giải phóng thành Đại La, chấm dứt ách nô lệ nhà Đường. Hằng năm cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại mở hội tế lễ tại đình để ghi nhớ công đức của Ngài.
Việc thờ Thành hoàng là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt nói chung và của người dân Nhân Mục Môn nói riêng. Ngày nay, tại Nhân Chính việc thờ cúng Thành hoàng vẫn được duy trì đều đặn, các đình đền đều được xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ mà nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân trong vùng đóng góp. Điều đó cho ta thấy, dù xã hội hiện đại có nhiều biến động nhưng những gì đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của những con người gắn bó với làng quê Việt thì không dễ gì bị mai một.
28
Ngoài những điều nêu ở trên, Nhân Chính còn chứa đựng trong mình một di sản văn hóa quý. Không chỉ là nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà ngay trong những nếp nhà, trong mỗi gia đình đều lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Phong tục thờ cúng tổ tiên được mọi gia đình ở Nhân Chính rất coi trọng. Hệ thống nhà thờ họ ở Nhân Chính được xây dựng công phu và bảo tồn tương đối tốt.
Ngoài ra, những phong tục tập quán hàng ngày cũng có nhiều nét đặc sắc, đáng bàn như tục cưới xin, ma chay... Các mối quan hệ giữa làng xóm và trong gia đình cũng mang nhiều nét văn hóa thuần Việt.
Một điều làm nên bản sắc văn hóa Mọc đó là lễ hội làng Mọc. Khi nói đến lễ hội, từ già đến trẻ, nam hay nữ đều hồ hởi, nhiệt tình tham gia. Lễ hội của từng làng được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần đã thu hút được không những người dân trong làng tham dự mà cả những người dân từ vùng khác. Ngoài hội lệ của từng làng, một lễ hội lớn được tổ chức năm năm một lần với sự tham gia của đông đảo người dân, đó là LỄ HỘI NĂM LÀNG MỌC: “Vui nhất mở hội năm làng. Để cho thiên hạ phố phường vào xem”. Gọi là năm làng Mọc bởi ngoài bốn làng ở Nhân Chính còn có thêm làng Phùng Khoang (nay thuộc phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Năm làng cùng nhau tổ chức lễ hội rước thánh có căn nguyên từ một truyền thuyết đẹp mà người dân năm làng đến nay vẫn kể cho nhau nghe và truyền lại cho con cháu. Các già làng cho biết, lễ hội năm làng được tổ chức để rước thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan năm làng. Phong tục xưa vẫn được gìn giữ đến ngày nay, đó là qui ước của năm làng sẽ vẫn mãi cùng nhau tổ chức lễ hội và rước sách tế thần cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội được tổ chức chính thức vào ngày 11 tháng 2, nhưng trên thực tế, lễ hội đã được rục rịch từ trước đó khá lâu. Người ta sắm sửa, chỉnh trang lại đền chùa cho khang trang, sạch đẹp. Xung quanh khu vực đình trung tâm, người ta dựng lên những lều quán san sát để làm nơi biểu diễn tuồng chèo, những trò chơi dân gian truyền thống. Một màn độc đáo được nhiều người dân trong vùng mong đợi nhất trong lễ hội là màn rước kiệu và kiệu bay. Về với lễ hội năm làng Mọc, ta có thể ví như một bảo tàng sống động về sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Lễ hội đã chuyển tải những nét văn hóa đặc trưng của vùng Kẻ Mọc tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ.
29