6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Hôn nhân
Làng xã Việt Nam xưa có một đặc điểm là tính cố kết cộng đồng. Mọi việc liên quan đến cá nhân cũng đồng thời liên quan đến cộng đồng, kể cả việc hôn nhân vẫn được xem là việc cá nhân của mỗi người. Từ xa xưa, phong tục kết hôn ở vùng Mọc cũng có nhiều điểm chung với nghi lễ truyền thống của người Việt. Các cụ trước đây chọn lựa con dâu, con rể rất kỹ càng. Các gia đình có con đến tuổi dựng vợ gả chồng thường chọn con nhà nề nếp, môn đăng hộ đối, tốt nết tốt nái, đối tuổi hợp nhau. Khi tất cả các điều kiện đều đáp ứng đầy đủ thì nhà trai sẽ đem cơi trầu sang dạm hỏi. Được nhà gái chấp thuận thì đôi trẻ sẽ chuẩn bị cho ngày cưới. Thường thì lễ vật nhà gái thách cưới gồm: 100 bánh dầy, 100 bánh cốm, 100 gói nem, một chóe rượu trắng, buồng cau tươi, 20 hộp chè, kèm theo vòng, nhẫn và một số đồ trang sức khác. Trong ngày cưới, ở nhà trai có tế tơ hồng cầu khấn ông tơ bà nguyệt phù hộ cho đôi trai gái được nhân duyên bền chặt. Ở nhà gái thì có tục chăng dây đóng cổng. Người ta quan niệm đám cưới nào có càng nhiều trẻ em chăng dây đẹp thì càng có nhiều phúc lộc. Trước đây, trai gái không tự do tìm hiểu yêu đương như bây giờ mà thường thông qua các bà mối. Nếu tất cả các điều kiện đều được đáp ứng đầy đủ thì hai bên gia đình sẽ tổ chức lễ cưới theo đúng truyền thống.
Ngày nay, người dân Nhân Chính có cái nhìn tiến bộ và tích cực hơn về hôn nhân gia đình. Trong những người được hỏi thì phần lớn đều có quan niệm yêu đương, kết hôn là việc của hai người, cha mẹ chỉ là người định hướng cho con cái. Tuy nhiên, những quan niệm truyền thống như xem ngày giờ tổ chức, xem tuổi cô dâu, chú rể... vẫn được người dân coi trọng. Với tâm lý “có kiêng có lành” của đại bộ phận người dân thì vào những ngày trọng đại như cưới xin không thể thiếu việc nhờ thầy xem xét cho kỹ càng.
60
“Yêu ai là kệ chúng nó chứ, bố mẹ có can thiệp chúng nó cũng có nghe đâu. Thôi thì xã hội thay đổi rồi. Chúng nó tự lựa chọn thì sướng khổ chúng nó tự chịu”
Nguồn: Phỏng vấn chú Vũ Minh Thắng, Tổ trưởng Tổ 1, khu Đình, phố Chính Kinh
“Trước anh chị cưới bố mẹ vợ cũng phản đối đấy, vì các cụ bảo không hợp tuổi, lấy nhau về lại khổ. Nhưng mình cứ quyết tâm lấy thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi”.
Nguồn: Phỏng vấn anh Nguyễn Trọng Toàn - 9/26, tổ 2, Giáp Nhất
“Nói chung theo bác lấy vợ lấy chồng cũng phải xem xét cho cẩn thận. Chuyện cả đời người không thể tùy tiện được. Những cái cơ bản mà mình chấp nhận được thì cũng được rồi.
Nguồn: Phỏng vấn bác Viên Thị Đông – số 2ª, tổ 2, Giáp Nhất
Hiện nay, cách thức tổ chức cưới hỏi ở Nhân Chính cũng có sự thay đổi so với trước đây. Nghe bà tôi kể lại, ngày trước do tình làng nghĩa xóm bền chặt, hễ nhà ai có việc chỉ cần nhờ một tiếng trước là đến hôm đó hàng xóm láng giềng sang giúp đỡ. Trước đây, mỗi khi có đám cưới, họ hàng, bạn bè, hàng xóm thường sang từ ngày hôm trước để giúp dựng rạp, chuẩn bị cho hôn lễ. Thường tối hôm trước ngày cử hành hôn lễ anh em xóm giềng đến chia vui với gia chủ và cô dâu, chú rể. Họ đến uống chén nước, ăn cái bánh cái kẹo và nói chuyện rôm rả, vui vẻ lắm.
Ngày nay, mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, tuy nhiên, với bộ phận dân gốc Nhân Chính, quan hệ láng giếng vẫn chặt chẽ dù không được khăng khít như xưa. Trong số những người tham gia điều tra là người dân gốc trong vùng, họ vẫn muốn gìn giữ những thói quen từ xưa để lại. Họ vẫn có quan niệm, tổ chức đám cưới tại nhà vừa ấm cúng lại tiết kiệm. Mặc dù có mong muốn như vậy, nhưng hiện nay trên địa bàn phường, những hộ gia đình có điều kiện sân nhà rộng rãi để tiến hành tổ chức tại gia không nhiều. Theo số liệu thống kê từ phiếu điều tra trên địa bàn phường cho thấy, 67,3% số người được hỏi đều cho rằng tổ chức ở nhà hàng, khách sạn hoặc thuê địa điểm như hội trường, nhà văn hóa để tổ chức tiệc cưới tiện hơn, chỉ có 32,7% thì có điều kiện tổ chức ở nhà.
61
TT Hình thức tổ chức Phần trăm
1 Tại nhà hàng, khách sạn 67,3%
2 Tại nhà riêng 32,7%
Tổng 100%
Bảng 3.1 Hình thức tổ chức cưới hỏi tại Nhân Chính hiện nay
Hình thức tổ chức cưới hỏi
67,30% 32,70%
Tại khách sạn, nhà hàng Tại nhà riêng
Biểu đồ 1. Hình thức tổ chức cưới hỏi
(Nguồn: Thu thập từ phiếu điều tra)
Cách thức tổ chức cũng có sự khác biệt so với trước đây. Người dân vẫn giữ “tâm lý làng”, chuyện cưới xin như cái “nợ miệng”, nghĩa là mình đi ăn cỗ nhà người ta, đến khi nhà mình có đám thì cũng phải mời lại. Mặc dù một bộ phận cư dân đã có sự thay đổi trong suy nghĩ nhưng nhìn chung cái nếp xưa trong việc ăn uống tổ chức vẫn chưa thể thay đổi được. Đa số các đám cưới vẫn tổ chức tiệc mặn, số lượng mâm tùy vào mỗi gia đình nhưng cũng phải vài chục mâm trở lên. Thành phần tham dự cũng có xu hướng thu hẹp trong địa bàn sinh sống và mở rộng ra các mối quan hệ bên ngoài xã hội như công việc, bạn bè... Thường thì ngoài những người thân trong gia đình, họ hàng, người ta chỉ mời vài người hàng xóm thân thiết, còn lại là khách làm ăn của bố mẹ, con cái và bạn bè của họ. Như vậy có thể thấy, mối quan hệ làng xóm ở Nhân Chính (cả mối quan hệ giữa những người dân gốc và
62
người nhập cư) đang có xu hướng lỏng lẻo dần. Họ chỉ dừng lại ở mối quan hệ xã giao chứ không còn sâu sắc như xưa.