6. Cấu trúc luận văn
3.3. Quan hệ hàng xóm, láng giềng
Vùng đất Kẻ Mọc xưa vốn có tên chữ là Nhân Mục, có nghĩa là hiền hòa. Con người ở đây vốn hiền lành, chăm chỉ. Vùng đất này có truyền thống hiếu học và sản sinh nhiều bậc anh tài cho đất nước.
Cũng giống như các vùng nông nghiệp khác, người dân Nhân Chính sống trong một làng có môi giao hòa chặt chẽ với nhau. Tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” là truyền thống từ ngàn đời xưa truyền lại. Trong làng có mấy dòng họ nên đi đâu quanh làng người dân ít nhiều cũng có mối quan hệ họ hàng với nhau. Hơn nữa, mặc dù nói văn hóa làng là văn hóa “đóng” nhưng thực chất nó chỉ “đóng” giữa làng này với làng khác hay giữa làng với xã hội bên ngoài. Còn bên trong làng là không gian “mở” giữa các gia đình. Từ nhà này sang nhà khác đôi khi chỉ là cái hàng rào thấp thấp bằng bụi cúc tần, dâm bụt..., mấy hộ gia đình đi chung một con ngõ, ra vào đều chạm mặt nhau, cổng nhà thường mở cả ngày đến đêm mới cái then sơ sài. Vậy nên ở Nhân Chính mới có câu “đường làng ngõ xóm, sớm tối gặp nhau”. Cũng chính vì sống trong một không gian “mở” như vậy nên người dân
70
trong làng coi nhau như anh em trong nhà. Nếu gia đình nào có việc như cưới xin, ma chay hay mừng thọ, đầy tháng là hàng xóm có mặt ngay để giúp đỡ, san sẻ.
“Quan hệ hàng xóm láng giềng ngày xưa khác bây giờ nhiều lắm. Chúng tôi ở đây cứ nhà ai có việc nhờ vả là sang giúp nhau ngay chứ chả ngại khó ngại khổ đâu. Như hồi ông nhà tôi mất, nhà thì toàn đàn bà con gái, may mà có hàng xóm và đám thanh niên trai tráng trong xóm giúp khiêng áo quan chứ hồi đó làm gì có dịch vụ như bây giờ.”
Nguồn: Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nhài, 89 Chính Kinh
“Nhà nào có đám cưới là xóm giềng sang chuẩn bị giúp từ 1, 2 ngày trước. Vừa làm vừa chuyện trò vui phải biết... .”
Nguồn: Phỏng vấn anh Hoàng Việt Hùng, Giáp Nhất
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu về biến đổi trong quan hệ ứng xử và sử dụng thời gian của người dân vùng chuyển đổi từ xã lên phường (nghiên cứu tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm 2007, của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Con người, nhằm làm rõ thêm đánh giá của người dân về quan hệ làng xóm láng giềng hiện nay, nhóm tác giả đã đưa ra hai quan niệm “bán anh em xa mua láng giềng gần” và “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” để những người tham gia trả lời đánh giá. Với quan niệm “bán anh em xa mua láng giềng gần”, chỉ có 18,7% số người tham gia trả lời cho rằng quan niệm đó vẫn còn đúng trong xã hội hiện nay, 74,0% cho rằng gần đúng và 7,3% cho rằng quan niệm đó hiện nay không còn đúng. Còn với quan niệm “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, 37,3% cho rằng còn đúng và 62,7% trả lời gần đúng.Qua đó có thể thấy, mối quan hệ hàng xóm, láng giềng ở các vùng đô thị mới, mà cụ thể ở đây là phường Nhân Chính đang dần trở nên lỏng lẻo.
Nhân Chính được coi là vùng đất có tốc độ đô thị hóa nhanh với số lượng dân nhập cư lớn. Chính những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh sống vì nhiều lý do khác nhau như vì công việc, dễ làn ăn... đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ cố kết của cộng đồng Nhân Chính xưa. Theo số liệu điều tra khảo sát trên địa bản phường Nhân Chính, thì trong các làng Quan Nhân, Giáp Nhất, Chính Kinh
71
số lượng dân gốc vẫn chiếm đa số, nhưng ở Nhân Hòa và các nhà mặt đường lại chủ yếu là dân nhập cư. Khi được hỏi thì người dân cho biết, những người dân mới từ nơi khác đến đây họ hầu như không quan hệ với hàng xóm xung quanh. Thường thì họ đi làm, đi học cả ngày, cửa đóng then cài, nhà nào biết nhà đấy. Nếu có ra ngõ gặp nhau thì cũng chỉ cười chào nhau một tiếng chứ không có chuyện trò thân mật như những người dân gốc vốn đã quen biết thân thiết từ trước. Cũng như vậy, tâm lý của những người dân mới về đây sinh sống cũng ngại tiếp xúc với người dân địa phương cũ. Vì vậy, mối quan hệ chủ yếu của dân nhập cư là với đồng nghiệp, bạn bè ngoài địa phương.
“Quanh nhà tôi vẫn còn nhiều gia đình là dân gốc ở đây. Nhưng cũng có nhà cắt đất bán nên có người mới đến. Những người này thì cũng vui vẻ thôi, ra đường nhìn thấy nhau thì vẫn chào hỏi nhau nhưng nói chung là xã hội nó thay đổi, ngay cả mối quan hệ với người dân gốc bây giờ cũng không được như xưa nữa.”
Nguồn: Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Gái, 256 ngõ 34 Chính Kinh
“Nhà nào cũng kín cổng cao tường thế này. Người ta đi làm đến tối mới về thì làm sao có thời gian mà thăm hỏi nhau. Mình cũng lo việc của mình chứ giờ tôi cũng chẳng để ý mấy người từ nơi khác đến đây là ai đâu.”
Nguồn: Phỏng vấn bác Nguyễn Hữu Kiều, cụm Kiến Thiết, Nhân Hòa
“Đến nhà bà ngoại không biết bao nhiêu lần rồi nhưng từ ngày bắt đầu có ý tưởng làm luận văn về vùng đất này tôi mới thực sự chú ý đến mối quan hệ giữa người dân trong làng. Hôm nay tôi nhờ bà đưa sang nhà ông Độ, ông là Trưởng ban Di tích lịch sử làng Cự Chính, có họ hàng bên ngoại với bà tôi. Đường vào nhà ông ở xóm trên nên hai bà cháu tôi đi cũng khá lâu mới đến vì bà tôi chân tay cũng yếu rồi. Dọc đường đi, tôi thấy các bà, các bác, các cô đi chợ về hay đi đâu đó đều cười và chào hỏi bà tôi. Tôi thì chỉ biết cười đáp lại vì chẳng biết ai với ai. Hỏi bà thì bà bảo con nhà bà này, con nhà bà kia... Đang ngó nghiêng tìm nhà ông Độ thì có một bà đi chợ về, thấy bà tôi đang nhìn đi nhìn lại. Bà cất giọng hỏi “Bà Bi đi đâu đấy? Tìm nhà ông Độ à? Nhà ông ấy đây này...”
72
Đây có thể xem là một hệ quả tất yếu của sự biến đổi xã hội. Khi một cái mới được tiếp nhận, ắt nó sẽ phá vỡ kết cấu của cái cũ. Tuy nhiên, cái cũ ở đây là mối quan hệ xóm giềng được cố kết từ hàng trăm năm nay ở Nhân Chính không bị biến đổi, thay thế hoàn toàn. Người dân gốc trong làng họ vẫn có quan niệm tiếp nhận những cái mới, tiếp nhận những người hàng xóm mới đến với mình chứ không hề có cái nhìn kỳ thị hay phân biệt “ma cũ ma mới”. Điều mà ta thấy ở đây, sự chuyển biến trong mối quan hệ xã hội, làng xóm là một kết quả tất yếu của một xã hội có sự vận động liên tục. Khác với trước đây, công việc đồng áng khiến cho con người sống không thể tách biệt với cộng đồng thì ngày nay với đặc thù công việc của mỗi người, cùng với cuộc sống gấp gáp của một đô thị mới khiến cho họ không còn nhiều thời gian dành cho nhau.