Trong các cách để tạo ra năng lực cạnh tranh của các NHTM, thì lợi thế thông qua con người được xem là yếu tố căn bản. Nguồn lực từ con người là yếu tố bền vững và khó thay đổi nhất trong mọi tổ chức và có tính quyết định của mọi thời đại. Nguồn nhân lực đóng góp cho sự thành công hoạt động NHBL thể hiện trên các khía cạnh chất lượng cao, dịch vụ tuyệt hảo, khả năng đổi mới, kỹ năng trong công việc cụ thể, và năng suất của đội ngũ nhân viên. Đây là những thành tố then chốt mang lại sự thành công cho các NHTM khi triển khai mô hình NHBL.
Phát triển dịch vụ NHBL đòi hỏi VPBank phải chuẩn bị cho mình một nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng được cả yêu cầu về số lượng và chất lượng. Thị trường nhân lực ngành ngân hàng hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Các NHTM hiện nay đều không ngừng mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch nên số nhân lực cần có là rất lớn. Vì thế để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao VPBank cần thực hiện một số biện pháp như:
- Thực hiện chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ, tác phong giao dịch và nhận thức về tầm quan trọng của nâng cao chất lượng dịch vụ NHBL trong hoạt động ngân hàng. Gắn kết quả đào tạo với việc bố trí sử dụng cán bộ theo đúng người, đúng việc, thực hiện luân chuyển cán bộ để sắp xếp công việc phù hợp nhất với năng lực chuyên môn, phát huy tinh thần sáng tạo của cán bộ nhân viên.
- Thực hiện các biện pháp để giữ chân cán bộ cũ như:
(1) Tổ chức các cuộc nghiên cứu về mức độ hài lòng của các cán bộ nhân viên về mức lương do VPBank trả. Mặc dù không phải lúc nào người lao động cũng hài lòng về mức lương được trả nhưng việc đo lường mức độ hài lòng của người lao động là rất cần thiết để ngân hàng chính sách lương đúng đắn.
(2) Tổ chức nghiên cứu xem tính cạnh tranh mức lương của VPBank so với ngân hàng khác. Thu nhập không phải là yếu tố quyết định nhưng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn nơi làm việc của người lao động. Hơn nữa hiện nay nhân sự trong lĩnh vực này đang thiếu thốn, cung không đủ cầu vì vậy nếu mức lương của VPBank không cạnh tranh thì sẽ có rất nhiều cán bộ chuyển sang làm việc tại các ngân hàng khác có mức lương hấp dẫn hơn.
(3) Xem xét xây dựng các chỉ số đánh giá nhân sự hợp lý nhằm đánh giá chính xác hiệu quả làm việc của nhân viên. Những nỗ lực, cống hiến của nhân viên cho ngân hàng được đánh giá một cách khách quan, công bằng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh ngay trong nội bộ, kích thích sự sáng tạo của nhân viên. VPBank cũng cần trao quyền chủ động cho lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp phòng và có chính sách khen thưởng thích hợp và xử phạt nghiêm túc một cách kịp thời (như chế độ thưởng nóng cho nhân viên ngay khi có kết quả kinh doanh tốt mà không phải chờ đến cuối tháng..) trên cơ sở xem xét thường xuyên chất lượng và khối lượng công việc, ý kiến phản hồi từ khách hàng để khuyến khích cán bộ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ.
(4) Tổ chức đánh giá lại các chương trình phúc lợi cho cán bộ nhân viên. Để giữ được chân người tài, hầu hết các ngân hàng phải có được một môi trường và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Thường xuyên động viên cán bộ nhân viên bằng nhiều chế độ phúc lợi như thưởng vật chất, cho đi đào tạo, dự các lớp tập huấn nghiệp vụ trong và ngoài nước, nâng lương trước hạn, đề bạt, cất nhắc... nhằm nuôi dưỡng nhân tài, giữ được cán bộ cốt cán và các chuyên gia giỏi
(5) Xây dựng văn hóa VPBank, người VPBank. Bản sắc, văn hóa riêng của ngân hàng chính là yếu tố quyết định đến sự gắn bó của nhân viên đối với ngân hàng. Các chương trình phúc lợi như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe toàn diện, sự quan tâm kịp thời đến những yếu tố tinh thần... là nguồn động lực lớn lao giúp nhân viên vượt qua mọi khó khăn trong công việc. Việc thành lập các nhóm có những sở thích chung về một lĩnh vực nào đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể nhằm tạo không khí vui tươi, thân thiện cho nhân viên sẽ tạo sự đoàn kết giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau của mọi thành viên. Những nét văn hóa riêng của ngân hàng sẽ tạo cho nhân viên một gia đình thứ hai ngay tại VPBank. Điều đó giúp ngân hàng nâng cao sự gắn bó của nhân viên với sự nghiệp phát triển của VPBank ngay cả khi ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
• Thu hút nguồn nhân lực mới:
Để thu hút nhân sự mới VPBank nên đẩy mạnh thương hiệu của mình tại các tỉnh, thành phố lớn thông qua các hoạt động cộng đồng, hội thảo, trao học bổng cho khối sinh viên các trường kinh tế, ngân hàng. VPBank nên thu thập thông tin về các sinh viên khối kinh tế ngay từ khi các sinh viên đó chưa tốt nghiệp nhằm có chính sách thu hút nhân tài hợp lý. Các kênh tuyển dụng cũng cần được mở rộng, quy trình tuyển dụng cũng cần linh hoạt tùy từng đối tượng, không nhất thiết tất cả các đối tượng đều áp dụng chung theo một quy trình. Ngoài ra, đối với các đợt tuyển dụng lớn trên toàn hệ thống VPBank nên tổ chức “Ngày hội nghề nghiệp”, tại đó không chỉ lãnh đạo ngân hàng sẽ giới thiệu khái quát về VPBank trên các mặt như hoạt động kinh doanh, môi trường làm việc, chính sách nhân sự... mà còn là những chia sẻ của những nhân viên mới vào VPBank về những trải nghiệm, cảm nhận của họ về môi trường làm việc tại ngân hàng. Hoạt động này sẽ góp phần tạo dựng một hình ảnh đẹp về VPBank không chỉ đối với những người tham dự ngày hội nghề nghiệp mà còn đối với quảng đại quần chúng, giúp cái tên VPBank trở nên quen thuộc hơn với nhiều người dân.