b. Nguyên nhân chủ quan
3.1.1.1. Từ môi trường vĩ mô
Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với các khó khăn về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Những tháng đầu năm được dự báo sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng sau đó thị trường sẽ ổn định trở lại. Một khi nền kinh tế ổn định trở lại thì Việt Nam vẫn sẽ là một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chính sách, biện pháp mạnh mẽ của cơ quan nhà nước trong việc minh bạch hoá thị trường, hoàn thiện khung pháp lý, cho phép ra đời các sản phẩm mới, ngăn chặn việc thao túng thị trường trong thời gian vừa qua sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn, qua đó giúp thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp nhân sự mới sau Đại hội Đảng hy vọng sẽ có tác động tích cực đến các chính sách, rõ ràng hơn đối với các nhà đầu tư; dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu trở lại, thị trường minh bạch hơn, nhiều hàng hóa chất lượng hơn, kinh tế toàn cầu dần đi vào ổn định hơn, tỉ giá sẽ có thể được kiểm soát tốt hơn; nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn sẽ tiếp tục tăng cao do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn rất cao; thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên rẻ hơn và hợp lý hơn so với các thị trường khác trong khu vực...
Ít có quốc gia nào lãi suất cho vay lại cao như của Việt Nam hiện nay, từ 16%-20%/năm, thậm chí đến 23%/năm nếu vay qua thẻ tín dụng. Các ngân hàng cũng ý thức được rằng đẩy lãi suất lên cao nữa ngân hàng sẽ phải đối diện với rủi ro lớn hơn, vì khách hàng không thể có lợi nhuận trả ngân hàng. Bên cạnh đó, các biện pháp ổn định tỉ giá, kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cũng sẽ hỗ trợ giảm lãi suất. Ngân hàng nhà nước cũng định hướng điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất điều hành theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Từ đó, nguồn vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ huy động dễ dàng hơn, tạo đà phát triển, từ đó, tăng lợi nhuận, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên TTCK.
Sự tàn phá nặng nề sau thảm họa 11/3/2011 của Nhật Bản, nguy cơ nhiễm phóng xạ tăng cao do các vụ nổ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật Bản, đã khiến “nền kinh tế lớn thứ ba thế giới” gặp rất nhiều khó khăn về: lương thực, thực phẩm, công nghệ điện tử, xuất khẩu ô tô… Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2011, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất qua Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, phần lớn là các loại sản phẩm may mặc, thủy sản, giày dép, gỗ và các sản phẫm gỗ. Do tình trạng nhiễm phóng xạ từ các lò năng lượng hạt nhân bị rò rỉ khiến họ phải tạm thời đóng cửa nhà máy thủy sản. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều có năng lực chế biến thành sản phẩm chất lượng cao, nên việc phía đối tác tạm dừng hoạt động sản xuất thì các nhà phân phối nước này cũng sẽ phải tìm nguồn thay thế từ Việt Nam. Điều đó tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên TTCK sẽ tăng lên, qua đó sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến TTCK.