Khi trình độ dân trí càng phát triển, nhu cầu và đòi hỏi của khách hàng đối với hoạt động môi giới cũng ngày một cao hơn. Vì thế hoạt động môi giới buộc phải được phát triển ở một mức độ tương ứng cho phù hợp.
1.3.3.2. Các nhân tố chủ quan
- Bản thân nhân viên môi giới
Đây là nhân tố có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động môi giới. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tài năng và phẩm chất đạo đức của nhà môi giới sẽ quyết định tới chất lượng của hoạt động môi giới.
- Phong cách làm việc và chính sách đãi ngộ của công ty
Phong cách làm việc của công ty sẽ hình thành nên phong cách làm việc cho các nhân viên môi giới. Và một chế độ đãi ngộ quan tâm hợp lý sẽ giúp thu hút được nhiều nhân viên môi giới và tạo ra động lực làm việc cho họ.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ công nghệ thông tin
Đây là những nhân tố phụ trợ rất đắc lực trong việc triển khai nghiệp vụ môi giới, tạo ra nhiều thuận lợi, tiện ích cho khách hàng, từ đó góp phần nâng cao năng
lực phục vụ, tăng uy tín và hình ảnh của công ty, thu hút thêm nhiều khách hàng hơn.
- Các hoạt động kinh doanh khác
Các hoạt động kinh doanh khác của CTCK sẽ giúp bổ trợ và hoàn thiện thêm cho hoạt động môi giới.
- Uy tín và quy mô hoạt động của CTCK
Công ty có uy tín và quy mô hoạt động rộng lớn sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút khách hàng đến với mình.
Tiểu kết:
Chương 1 đã nêu ra những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động môi giới
chứng khoán của CTCK thông qua các nội dung chính sau: khái quát chung về CTCK với các nghiệp vụ kinh doanh chủ yếu theo quy định của pháp luật; tính tất yếu khách quan hình thành nghề môi giới chứng khoán, khái niệm, các hình thức, vai trò, một số rủi ro thường gặp và quản lý những rủi ro đó trong hoạt động Môi giới chứng khoán; đưa ra quan niệm về hiệu quả hoạt động Môi giới chứng khoán, các chỉ tiêu định tính, chỉ tiêu định lượng nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động, và các nhân tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động môi giới chứng khoán.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚITẠI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VNDIRECT TẠI CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VNDIRECT
2.1. Thực trạng hoạt động môi giới chứng khoán của các CTCK ở Việt Nam
10 năm tồn tại và phát triển, TTCK Việt Nam đã dần khẳng định được vị trí, vai trò và tính hấp dẫn của mình đối với nền kinh tế đất nước. TTCK thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp cũng thấy được nhiều cơ hội hơn khi huy động vốn qua TTCK. Năm 2010 là năm kỷ lục của doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK với tổng giá trị huy động vốn lên tới 110.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2009 và tăng 4 lần so với năm 2008. Cùng với sự phát triển của các môi trường kinh tế, xã hội và pháp lý, số lượng CTCK thành viên cũng theo đó tăng lên đáng kể, từ 14 công ty năm 2005 lên đến 105 công ty năm 2009, và hiện nay có 102 công ty có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, có 30 công ty vốn điều lệ nhỏ hơn 100 tỷ đồng, khoảng 41 công ty vốn điều lệ từ 100- 400 tỷ đồng. Đối với 31 công ty còn lại hoặc là vốn điều lệ trên 500 tỷ, hoặc là CTCK của các ngân hàng, tập đoàn lớn6.
Bảng 2.1: Số lượng CTCK ở Việt Nam qua các năm
Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010
Số CTCK
thành viên 14 55 74 95 105 102
(Nguồn: Tổng hợp từ HOSE và HNX)
Số lượng tăng, quy mô vốn lớn, các CTCK không ngừng cạnh tranh, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhà đầu tư. Vì thế, đòi hỏi hoạt động môi giới của các CTCK cũng phải phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhằm tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường, và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của công ty mình. Nhờ sự hoạt động tích cực đó mà số lượng tài khoản giao dịch tăng lên khá nhanh, từ năm 2005 với 24.000 tài khoản, đến năm 2010 đã tăng lên hơn 1.000.000 tài khoản.