Với tư cách là nhà giáo dục, GVCN cần phải:
2.1.Phát triển tập thể HS thành môi trường lớp học thân thiện
Vì sao cần xây dựng tập thể HS thành môi trường học tập thân thiện?
GVCN được giao chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của cả lớp, như vậy đương nhiên GVCN phải tổ chức tác động giáo dục đến tất cả HS của lớp trong tính chỉnh thể của nó.
− Hơn nữa, muốn giáo dục học sinh trong lớp GVCN không thể giáo dục riêng rẽ từng HS, mà phải tổ chức xây dựng lớp thành một tập thể đoàn kết, thân thiện, biết tự quản lý các nhiệm vụ của tập thể lớp, để từ đó tập thể tác động đến từng cá nhân. Chính vì vậy giáo dục trong tập thể, thông qua tập thể, bằng tập thể và phương pháp tác động song song đã trở thành một nguyên tắc tổ chức giáo dục trong lí luận giáo dục. Một tập thể phát triển là môi trường lí tưởng để HS học tập và phát triển nhân cách.
- Trong các nghiên cứu về giáo dục hiện nay cho thấy môi trường học tập, giáo dục trở thành một yếu tố đảm bảo chất lượng. Môi trường học tập thân thiện trong đó các mối quan hệ/ tương tác giữa GV-HS và giữa HS với nhau tuân thủ các nguyên tắc dân chủ, tôn trọng quyền và nhu cầu… có không khí thân thiện nhằm tạo ra môi trường cảm thông, chia sẻ, hợp tác trong lớp học là yếu tố không thể thiếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, giáo dục.
− Mô hình trường học thân thiện với các thành tố: hòa nhập, bình đẳng, hoan nghênh và chào đón, tôn trọng tất cả HS không có sự phân biệt về giới tính, thể chất , trí tuệ, tâm lí, hoàn cảnh xuất thân và những đặc điểm khác. Môi trường học tập thân thiện còn là môi trường học tập an toàn, gần gũi, yêu thương, tôn trọng, không phân biệt đối xử với tất cả HS thuộc các thành phần xã hội tôn giáo khác nhau. GV đáp ứng nhu cầu đa dạng của HS trong học tập và cách ứng xử đối với các em. Mối quan hệ giữa GV và HS dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ và đồng cảm; đảm bảo sự tham gia, có chương trình học tập chất lượng và phù hợp... đang được thực nghiệm ở hơn 40 quốc
gia trên thế giới và Việt Nam cũng đang phát động phong trào xây dựng trường học thân thiện.
Theo đó nội dung xây dựng tập thể và môi trường học tập thân thiện bao gồm[1].: • Xây dựng văn hóa và truyền thống của lớp
Văn hóa lớp học được hiểu là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử,... đặc trưng của một lớp học, tạo nên sự khác biệt với các lớp học khác, một phong cách riêng để mỗi khi nhắc về lớp mình, mọi thành viên đều có thể nhớ được và tự hào về truyền thống, phong cách đặc trưng của lớp mình. Như vậy, văn hóa của một tập thể lớp liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của lớp học. Nó biểu hiện trước hết ở tầm nhìn, sứ mạng, triết lí, mục tiêu, các giá trị, phong cách quản lí lớp, bầu không khí tâm lí trong lớp học,... thể hiện thành hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử,... được xem là tốt đẹp và được mỗi thành viên trong lớp học chấp nhận và trở thành truyền thống mà mọi người trong lớp đều trân trọng giữ gìn, để mỗi khi nhắc về lớp mình, mọi thành viên đều có thể nhớ được và tự hào về truyền thống, phong cách đặc trưng.
Vì vậy, ngay từ đầu năm học GVCN cùng mọi thành viên trong lớp cần xác định cụ thể các vấn đề như:
- Các giá trị chung của tập thể lớp?
- Truyền thống nào của lớp học cần tạo dựng, giữ gìn và phát huy ? - Các mối quan hệ trong tập thể lớp phải như thế nào ?
- Hiện tượng tiêu cực nào trong quan hệ cần xóa bỏ, hiện tượng nào cần ủng hộ, khuyến khích?
- Các viễn cảnh của tập thể lớp cần đạt được?
• Lôi cuốn sự tham gia của HS trong việc xây dựng nội quy lớp học
Nội quy, nề nếp kỷ luật là những điều rất cần thiết để giáo dục, nuôi dưỡng, và bảo đảm sự phát triển lành mạnh, an toàn cho HS em. Chính vì vậy, việc thiết lập nội quy, quy tắc ứng xử trong lớp học là rất quan trọng.
Nội quy, nề nếp một mặt cũng phản ánh văn hóa, truyền thống của tập thể lớp, mặt khác là cơ sở cho HS hiểu xem những hành vi nào là phù hợp, những hành vi nào là không phù hợp và đâu là giới hạn không được vượt qua.
Việc lôi cuốn HS tham gia vào quá trình ra quyết định trong lớp học có ý nghĩa quan trọng.Sự tham gia của HS là một nét đặc trưng của môi trường học tập thân thiện. Đồng thời, nếu HS được tham gia xây dựng nội quy thì các em mới tự giác thực hiện chính những điều mình tự nguyện đặt ra, mà không bị cảm giác bị áp đặt.
Cách thực hiện
Căn cứ vào Điều lệ và nội quy của nhà trường, nhiệm vụ năm học, GVCN yêu cầu HS quán triệt và có thể bổ sung thêm những giá trị , chuẩn mực khác tạo nên văn hóa riêng của tập thể lớp. Điều này lại có mối quan hệ mật thiết với tầm nhìn, viễn cảnh, mục
tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển tập thể lớp. Các bước tổ chức xây dựng nội quy lớp học với sự tham gia của mọi HS có thể được tổ chức như sau:
Bước 1: GVCN nêu vấn đề, các tổ thảo luận các câu hỏi:
- Em mong muốn lớp mình trở nên như thế nào? - Em mong muốn gì ở GV và bạn bè?
- Để đạt được những điều mong đợi đó mỗi người nên làm gì? Không nên làm gì?
Bước 2: Làm việc chung toàn lớp
- Yêu cầu các tổ trình bày ý kiến của mình trước lớp
- GV cùng cả lớp dựa trên ý kiến của các tổ thảo luận xây dựng, thống nhất nội quy của lớp.
- GV cùng cả lớp tiếp tục thảo luận về chế độ khen thưởng, kỉ luật đối với những hành vi đáng khen và đáng chê trên cơ sở các câu hỏi sau:
- Ai sẽ giám sát việc thực hiện nội quy lớp học?
- Điều gì sẽ cản trở việc thực hiện nội quy lớp học? Mỗi người cần phải vượt qua những thách thức, thói quen nào? Liệu có thể vượt qua hoặc thay đổi không ?
- Nếu vi phạm nội quy thì sẽ xử lí như thế nào? Nếu thực hiện tốt nội quy thì sẽ được khen thưởng như thế nào?
Bước 3: Viết nội quy lớp học bằng chữ đẹp, khổ lớn, trang trí bắt mắt và treo Nội quy
lớp học ở vị trí ai cũng có thể đọc được.
Có thể bổ sung thêm kế hoạch xây dựng những hành vi tốt và loại bỏ những hành vi không tốt bằng cách sử dụng những phiếu màu ghi những việc nên làm ( màu xanh) , không nên làm ( màu đỏ).và dán lên tờ giấy khổ to. Hàng tuần , hàng tháng có thể rà soát xem có thể loại trừ những việc đã thực hiện tốt ( ví dụ không còn hiện tượng đi học muộn nữa thì có thể bỏ quy định này và bổ sung quy định về những vấn đề mới nảy sinh)
• Khích lệ mọi thành viên trong lớp suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân và hành động vì sự phát triển của tập thể lớp
Sau khi đã cùng các thành viên trong lớp xác định mục tiêu, viễn cảnh, tầm nhìn cũng như văn hóa tổ chức của lớp mà thể hiện tập trung nhất ở nội quy lớp học, GVCN cần khích lệ mọi thành viên suy nghĩ xem mình có thể làm gì để cùng với các bạn trong lớp, cô giáo xây dựng được tập thể như mong muốn. Cần xây dựng những cam kết tập thể ( tổ) và cá nhân nhưng phải xuất phát từ nhận thức sâu sắc và ý chí quyết tâm của các em, tránh hình thức. Có thể thông qua một buổi thảo luận theo chủ đề về “trách nhiệm của học sinh lớp …” với các bước cụ thể như sau:
- GVCN cùng HS điểm lại những nội dung cơ bản trong mục tiêu, nội quy, chuẩn mực, giá trị, truyền thống của lớp.
- Từng thành viên (HS và GVCN) suy nghĩ xem mình có thể làm được gì để góp phần đạt được mục tiêu, duy trì và củng cố các giá trị , truyền thống, đảm bảo nội quy của lớp…tạo ra môi trường học tập thân thiện, tập thể lí tưởng. Đồng thời từng HS viết ra lời hứa những điều mình có thể làm để tạo ra môi trường tập thể như mong đợi. Trong khi HS viết, GV cũng lập danh mục những việc mình cần làm, những rào cản cần khắc phục…
- Thảo luận việc làm theo lời hứa dễ hay khó? Bằng cách nào mỗi HS trong lớp có thể giúp mình và bạn giữ lời hứa? Sau khi cân nhắc cẩn thận chốt lại những việc có thể làm là khả thi.
- Từng người đưa ra lời hứa trước lớp, những lời hứa này được treo ở vị trí ai cũng có thể thấy.
- Hàng tuần, hàng tháng xem xét việc thực hiện lời hứa. Cố gắng tìm ra những mặt tích cực, tiến bộ dù rất nhỏ để động viên khen ngợi.
- Chú ý điều chỉnh danh mục những lời hứa dựa trên những kết quả đạt được • Xây dựng dư luận tập thể lành mạnh
Thái độ, hành vi của con người được điều chỉnh bằng hai yếu tố: yếu tố bên ngoài là dư luận xã hội (hay dư luận tập thể) và yếu tố bên trong là ý thức về sự tất yếu phải hành động theo chuẩn mực xã hội, là lương tâm, trách nhiêm của từng cá nhân. Khi con người có ý thức tự giác, trình độ phát triển đạo đức, pháp luật cao thì có thể tự kiểm soát hành vi của mình bằng lương tâm, trách nhiệm, dù có người nhìn thấy hay không nhìn thấy họ đều hành động phù hợp với chuẩn mực xã hội. Còn những người ý thức tự giác chưa thật cao thì hành vi của họ có phù hợp với chuẩn mực của xã hội hay không còn phụ thuộc vào yếu tố kiểm soát bên ngoài là dư luận xã hội, hay dư luận tập thể - nơi mà họ là một thành viên.
Chính vì vậy, để có thể giáo dục từng HS thông qua tập thể và bằng tập thể thì GVCN cần rất quan tâm đến việc xây dựng dư luận tập thể lành mạnh. Dư luận tập thể lành mạnh chính là những thái độ, ý kiến, quan điểm đúng, tiến bộ, vì sự tiến bộ của mỗi thành viên và sự phát triển chung của tập thể đối với những hành vi tốt và chưa tốt của các thành viên trong tập thể lớp. Những hành vi đúng, tốt thì được dư luận tập thể ủng hộ, khích lệ hoặc bảo vệ , còn những hành vi chưa đúng, hành vi tiêu cực thì sẽ bị dư luận tập thể phản đối. Dư luận tập thể lành mạnh không chỉ điều chỉnh được thái độ, hành vi của các thành viên trong đó, mà còn có khả năng định hướng suy nghĩ cho họ.
Để hình thành được dư luận tập thể lành mạnh, trước hết mỗi thành viên trong tập thể cần có nhận thức rõ ràng về giá trị, có chính kiến và thái độ riêng, đồng thời có ý thức vì tập thể, luôn đứng về lẽ phải; biết bảo vệ cái chân, thiện, mĩ và biết lên án những hành vi, lối sống tiêu cực, cộng với sự đoàn kết nhất trí giữa các thành viên trong lớp.
GVCN cần biết khuyến khích dư luận lành mạnh trong tập thể lớp chủ nhiệm bằng cách khơi dậy ý thức trách nhiệm và vì mục tiêu chung của tập thể, vì sự tiến bộ của bạn, tránh thái độ thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước những hiện tượng xảy ra trong đời sống lớp học. Đồng thời, GVCN cũng cần nhạy cảm ngăn chặn những hiện tượng a dua theo số đông mà không dựa trên chính kiến về cái đúng, cái sai, về giá trị, phi giá trị, giá trị đích thực và không xác thực…Vì sự a dua còn nguy hiểm hơn sự thờ ơ, vô cảm.
Khi sử dụng dư luận tập thể để điều chỉnh thái độ, hành vi không mong đợi của HS, GVCN cần lưu ý là để HS nhận ra những thái độ, hành vi tiêu cực của mình không chỉ ảnh hưởng đến tập thể mà còn có hại đối với chính mình. GVCN cũng cần lưu ý tập thể khi muốn thể hiện thái độ, ý kiến, quan điểm đối với thái độ, hành vi không mong đợi của HS nào đó phải thể hiện sự thiện chí và tôn trọng nhân cách của bạn, đặc biệt là cần phân biệt giữa hành vi và nhân cách, không đồng nhất hành vi tiêu cực với giá trị nhân cách của bạn. Đặc biệt, dư luận tập thể lành mạnh cần được thể hiện trước những hành động tích cực ( ủng hộ, bảo vệ, khuyến khích) cũng như những hành động tiêu cực ( không đồng tình, ngăn cản, thậm chí là lên án) của bất cứ ai, không phụ thuộc bạn đó như thế nào, có vị thế nào trong lớp, xuất thân từ hoàn cảnh gia đình nào…
Dư luận tập thể cần được thể hiện một cách nghiêm túc thông qua cuộc họp chung của lớp. Trong đó các thành viên của tập thể được chia sẻ cởi mở, chân thành những chính kiến trước những thái độ, hành vi không mong đợi của bạn và biết lắng nghe bạn một cách tích cực, đồng thời có thái độ thiện chí khi nhìn nhận vấn đề của bạn.
• Xây dựng các mối quan hệ nhân văn
Theo nhà tâm lí học Maslow, nhu cầu con người có nhiều và được phân chia theo 5 tầng :
- Tầng thứ nhất (Physiological): là các nhu cầu thuộc về “thể lý” bao gồm các nhu cầu như: Đồ ăn, thức uống, thở, nghỉ ngơi, chỗ ở, quần áo, bài tíêt, tình dục.
- Tầng thứ hai (Safety): nhu cầu an toàn về thân thể, sức khỏe, việc làm, tài sản… - Tầng thứ ba (Love/belongging): nhu cầu xã hội như tình cảm, tình bạn, muốn được trực thuộc một nhóm cộng đồng nào đó.
- Tầng thứ tư (Esteem): bao gồm các nhu cầu được kính trọng, được quý mến, tin tưởng, địa vị, danh tiếng, thành đạt…
- Tầng thứ năm (Self-actualization): là các nhu cầu tự thể hiện bản thân như khả năng trình diễn, khả năng sáng tạo…
Theo sự phát triển của lứa tuổi và trình độ phát triển của mỗi cá nhân, con người sẽ có và muốn được thỏa mãn các nhu cầu từ tầng thấp đến cao. Đối với học sinh THPT các em đã có đầy đủ các nhu cầu bậc cao và rất muốn được thỏa mãn
những nhu cầu này trong nhóm, tập thể gồm các bạn cùng trang lứa. Khi xây dựng kế hoach chủ nhiệm, GVCN cần tính đến điều này trong sứ mạng coi đây là nhu cầu của HS trong lớp.
Để thỏa mãn nhu cầu của HS từ tầng thứ hai đến tầng thứ năm, tập thể HS cần đạt đến giai đoạn phát triển, ở đó không chỉ có mục tiêu chung, đội ngũ tự quản tốt, có dư luận tập thể lành mạnh, có kỉ luật mà còn có hệ thống các mối quan hệ nhân văn dựa trên các giá trị như: tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết có tinh thần trách nhiệm, biết cách giải quyết các xung đột không bằng bạo lực…, có không khí thân thiện nhằm tạo ra môi trường cảm thông, chia sẻ, hợp tác trong lớp học. Môi trường học tập thân thiện là môi trường hòa nhập bình đẳng, hoan nghênh và chào đón, tôn trọng tất cả HS không có sự phân biệt về giới tính, thể chất , trí tuệ, tâm lí, hoàn cảnh xuất thân và những đặc điểm khác. Môi trường học tập thân thiện còn là môi trường học tập an toàn, gần gũi, yêu thương, tôn trọng, không phân biệt đối xử với tất cả HS thuộc các thành phần xã hội tôn giáo khác nhau, trong đó GV đáp ứng nhu cầu đa dạng của HS trong học tập và ứng xử phù hợp đối với các em. Mối quan hệ giữa