II. NỘI DUNG TÀI LIỆU: 1 Vì sao giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải tìm hiểu đặc điểm phát triển tâm sinh
4 Đào Thị Oanh Viện NCSP – ĐHSP Hà Nộ
nói: “muốn giáo dục con người về mọi mặt thì trước tiên cần phải hiểu con người về
mọi mặt như thế” [18]. Điều đó cũng có nghĩa rằng, muốn tác động đến người học có
hiệu quả, nhất định phải hiểu được tâm lí người học, do đó, những tri thức cơ bản về đặc điểm phát triển tâm lí học sinh là thực sự cần thiết đối với tất cả các nhà giáo dục, từ nhà quản lí đến người làm chương trình, người trực tiếp giảng dạy, giáo dục học sinh.
Thực tiễn cho thấy, mỗi học sinh bình thường, không có khuyết tật gì, đều có thể học được, nắm được chương trình phổ thông. Tuy ở cùng một độ tuổi, song giữa em này và em kia lại có sự khác biệt về đặc điểm tâm lí cá nhân khiến cho em này có khả năng, sở trường, hứng thú nhiều hơn về mặt này; còn em kia lại có khả năng, sở trường về mặt khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em không học với tốc độ như nhau, đặc biệt, không học với cách thức như nhau: nhiều em có khả năng khái quát hóa rất nhanh và ngược lại, những em khác lại có khuynh hướng tìm ra những khác biệt giữa các vật thể có nhiều tính chất giống nhau. Có những học sinh thích học nhất các môn Khoa học, một số khác – thích môn Âm nhạc, Thể thao v.v…Có những học sinh học tốt nhất khi có một mình, trong khi một số khác lại thành công khi học tập theo nhóm…
Có hai nguyên nhân cơ bản chi phối sự khác biệt tâm lí của con người. Thứ nhất là sự khác biệt về mặt sinh học của con người. Con người có thể khác nhau về giới tính, lứa tuổi, những đặc điểm riêng của cơ thể, kiểu hoạt động thần kinh. Thứ hai, con người còn khác nhau về hoàn cảnh sống, hoàn cảnh hoạt động, điều kiện giáo dục. Đặc biệt, mỗi cá nhân thể hiện mức độ tích cực hoạt động, tích cực giao tiếp khác nhau. Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân cơ bản quyết định sự khác biệt tâm lí của mỗi người.
Tuy vậy, hiện tượng tâm lí không thể tự nhiên xuất hiện. Nó có cơ sở vật chất là bộ não [3;4]. Các quá trình thần kinh luôn đi trước các quá trình tâm lí, vì vậy, cách gần nhất để hiểu về “Cái Tại sao” của các quá trình tâm lí là phải hiểu các quá trình thần kinh dẫn trước các quá trình tâm lí. Vì vậy, Carol Ann Tomlinson – một nhà nghiên cứu về phân hóa giáo dục – cho rằng, để thực hiện tốt công việc giảng dạy và giáo dục học sinh, người giáo viên cần phải: 1/ Hiểu biết về tất cả học sinh của lớp mình dạy ở cấp độ cá nhân; 2/ Hiểu biết não người phát triển như thế nào ở mỗi giai đoạn phát triển.
Tóm lại, điều cần nhấn mạnh ở đây là: mục đích cuối cùng của việc tìm hiểu tâm lí
học sinh là để giáo viên có thể giúp đỡ, hỗ trợ, giáo dục học sinh tốt hơn chứ không phải là để đánh giá, phân loại học sinh.
1.2. Do chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên chủ nhiệm lớp.
Trong nhà trường phổ thông, vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp hết sức quan trọng. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của một giáo viên bình thường, giáo viên chủ nhiệm là người quản lí toàn bộ hoạt động giáo dục của lớp mình, đặc biệt là việc chăm lo,
hình thành, nuôi dưỡng, phát triển nhân cách của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp là cầu nối giữa Hiệu trưởng nhà trường với học sinh, cha mẹ học sinh và đoàn thể ở trong trường mà học sinh đang sinh hoạt.
Trong “Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số: 07/ 2007/QĐ-BGD&ĐT đã quy định, ngoài các nhiệm vụ của một giáo viên bộ môn phải thực hiện, người giáo viên chủ nhiệm còn phải “tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp”[20].
Kinh nghiệm thực tiễn của một số giáo viên chủ nhiệm giỏi cho thấy, một trong những bí quyết để trở thành “chiếc cầu nối đa chiều”, là: giáo viên phải hiểu học sinh, hiểu hoàn cảnh gia đình các em, từ đó mới có được sự phối hợp tác động giáo dục hiệu quả. Mặc dù mỗi học sinh là một thế giới riêng biệt, là một cá thể “độc nhất vô nhị”,
song ở các em có những nét chung của lứa tuổi bởi vì sự phát triển của con người ở từng giai đoạn có tính quy luật. Và người giáo viên chủ nhiệm trước hết cần phải nắm
được những nét chung đó, để rồi từ đó khám phá những nét riêng ở từng học sinh. Chẳng hạn, học sinh THCS không còn nhỏ như học sinh Tiểu học, cũng chưa lớn như các em THPT. Các em đang ở độ tuổi “dậy thì”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi khó bảo”, nên, để giáo dục các em cần phải có biện pháp thích hợp, như: gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ cùng học sinh như một người bạn của các em, tạo điều kiện để các em phát huy vai trò tự quản, tự giác, tự giáo dục; thương yêu, độ lượng với học sinh như với một người thân; quyết đoán đầy trách nhiệm trước học sinh. Ví dụ, vào những ngày đầu tiên của năm học, giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh thảo luận, xây dựng quy chế riêng của lớp. Đối với mọi hoạt động của lớp không bao giờ ra lệnh, áp đặt mà chỉ làm cố vấn, gợi ý để cán bộ lớp đưa ra tập thể lớp trao đổi, bàn bạc và quyết định. Không bao giờ nôn nóng, nếu có hiện tượng học sinh không đồng thuận, giáo viên dành thời gian gặp riêng, trao đổi, thuyết phục.
Khi mới vào trường THCS – lớp 6, học sinh thường có nhiều bỡ ngỡ do chuyển cấp học cùng với sự thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, các thầy cô giáo mới, môi trường học tập mới, bạn bè mới, nhiệm vụ học tập đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía học sinh. Lúc này học sinh rất cần sự hướng dẫn giúp đỡ tận tình từ phía thầy cô giáo, nhà trường. Sự quan tâm, sâu sát của giáo viên chủ nhiệm sẽ giúp học sinh nhanh chóng thích nghi với các điều kiện học tập mới, nhanh chóng xem trường học, lớp học như ngôi nhà chung để học tập, rèn luyện, vui chơi, sinh hoạt tập thể và phát huy được hết khả năng của mình trước tập thể. Đặc biệt, những học sinh “có vấn đề”, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ bớt dần mặc cảm tự ti, kém cỏi để nhanh chóng hòa đồng với tập thể và có ý thức vươn lên trong học tập cũng như rèn luyện.
Còn đối với học sinh lứa tuổi THPT thì lại có những nét khác. Từ lớp 10 lên lớp 11, 12, mỗi em học sinh sẽ có thêm những nhu cầu mới, những nguyện vọng mới. Bởi vậy, việc quản lí, quán xuyến các em từ phía giáo viên chủ nhiệm cần sự nhìn nhận, đánh giá bao quát, kịp thời, chủ động cùng đội ngũ ban cán sự lớp, cán bộ đoàn chú trọng phát huy tính tự quản của học sinh, phát huy khả năng tự đánh giá của các em. Từ đó, những học sinh cá biệt biết điều chỉnh mình để cố gắng vươn lên. Sang lớp 12, nhiều học sinh có biểu hiện học lệch, chỉ tập trung đầu tư cho các môn học theo định hướng thi đại học nên làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như chất lượng các hoạt động chung của lớp. Lúc này rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên chủ nhiệm với các giáo viên bộ môn, cùng nhau nhắc nhở và điều chỉnh suy nghĩ ở học sinh nhằm duy trì và phát huy thành tích trong học tập cũng như trong các phong trào thi đua. Có thể cùng với học sinh xây dựng Câu lạc bộ học tập, tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh xóa bỏ cái nhìn phiến diện về các môn học, kích thích sự hứng thú trong học tập. Hình thức Câu lạc bộ, tổ nhóm học tập, hoạt động phong trào…dưới sự dẫn dắt của giáo viên chủ nhiệm chính là sân chơi để các em thể hiện mình, tự tin hơn khi thuyết trình, phát huy được tính năng động, bộc lộ sở trường. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và phát huy mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực trong nhà trường hiện nay. Mô hình giúp các em học sinh có thêm hành trang để bước vào đời. Đó là sự
tự tin.
Thực tế giáo dục ở trường phổ thông cho thấy, giáo viên thường có biểu hiện mang tính chất động hình về các đặc điểm lứa tuổi của học sinh. Có hai cách thường xảy ra: - Thứ nhất, trong khi cho rằng ở một lứa tuổi xác định nào đó, học sinh chỉ hành động hoặc xử sự ở mức độ tương ứng với lứa tuổi đó thôi, thì đồng thời giáo viên lại nhìn nhận nhiều đặc điểm cá nhân của học sinh như là những lệch lạc, những biểu hiện không bình thường nào đó, và cố gắng đưa chúng trở lại bình thường.
- Thứ hai, trong khi phủ nhận các đặc điểm lứa tuổi của trẻ em, thì giáo viên lại cố làm sao để học sinh xử sự như người lớn mà quên rằng, những “yếu tố tiêu cực” nào đó theo cách hiểu của họ trong hành vi của trẻ, là hoàn toàn tự nhiên đối với lứa tuổi ấy, và rất nhiều biểu hiện đó về sau sẽ tự nó mất đi mà không cần có sự can thiệp của thầy, cô giáo.
Tất nhiên, cả hai cách suy nghĩ trên đây đều không đúng. Bởi vì, trong quá trình giáo dục trẻ, chúng ta cần nắm được quy luật mất cân đối tạm thời, quy luật về tính không đồng đều trong sự phát triển tâm lí ở từng giai đoạn lứa tuổi và nguyên tắc giáo dục đi trước sự phát triển (giáo dục phải kéo theo sự phát triển chứ không phải chạy
theo sự phát triển của trẻ). Muốn thế, rõ ràng không thể khác được là người giáo viên phải hiểu học sinh của mình, trước hết là hiểu những đặc điểm chung của lứa tuổi đó. Vì thế, trong tài liệu này chúng tôi muốn đi sâu phân tích những đặc điểm phát triển tâm sinh lí chủ yếu của lứa tuổi học sinh trung học.