II. NỘI DUNG TÀI LIỆU: 1 Vì sao giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải tìm hiểu đặc điểm phát triển tâm sinh
2. Giáo viên chủ nhiệm cần phải tìm hiểu những gì ở học sinh?
Hoạt động tìm hiểu học sinh là quá trình giáo viên chủ nhiệm tổ chức thu thập
thông tin về học sinh, phân tích, phân loại, hệ thống hóa thông tin thu được bằng các phương pháp, kĩ thuật tìm hiểu mang tính khoa học, khách quan, đặc thù. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, sự tập trung và tinh thần trách nhiệm rất cao từ phía giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì, những thông tin về học sinh sẽ là cơ sở quan trọng để giáo viên thực hiện hoạt động giáo dục học sinh có hiệu quả. Ngày nay, học sinh và các điều kiện giáo dục học sinh đã khác trước rất nhiều, vì vậy, nội dung cũng như cách thức tìm hiểu, xử lí thông tin về học sinh cần được cập nhật, thể hiện đậm nét tính khoa học.
2.1. Giới hạn phạm vi lứa tuổi học sinh Trung học. Quan niệm về “Cấu trúc nhân cách” và “Đặc điểm tâm lí” của học sinh hiện nay cách” và “Đặc điểm tâm lí” của học sinh hiện nay
a/ Giới hạn phạm vi lứa tuổi học sinh Trung học:
Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển tâm lí người, cuộc đời của con người có thể phân ra một cách tương đối thành các giai đoạn sau: a/ Thai nhi; b/ Sơ sinh; c/ Ấu thơ; d/ Nhi đồng; e/ Thanh xuân ; f/ Thanh niên; g/ Người lớn; h/ Tuổi già. Nếu nói rằng cuộc đời con người có hai cao trào sinh trưởng và phát triển, thì cao trào thứ nhất là giai đoạn từ “thai nhi” đến “sơ sinh” còn cao trào kia là thời kì “thanh xuân”.
Ở các quốc gia khác nhau, sự bắt đầu và kết thúc thời kì thanh xuân có khác nhau, song nhìn chung ở vào khoảng 10-12 tuổi đến 17-18 tuổi. Dưới góc độ sinh lí học, lứa tuổi này được gọi là lứa tuổi “dậy thì”. Đó là thời kì trưởng thành sinh dục, theo đó, con người phải trải qua những biến đổi lớn về cấu trúc cơ thể, về các chức năng cũng như các hành vi. Đây là một sự cải tổ, một bước ngoặt cơ bản trong đời sống của mỗi người. Giới hạn của tuổi này cũng như ý nghĩa của nó đối với sự phát triển cá nhân có thể thay đổi tùy theo giới tính, đặc điểm cá nhân và môi trường sống (khí hậu, địa lí, kinh tế - xã hội, văn hóa). Tuổi dậy thì ở nam và ở nữ có sự khác nhau. Nhìn chung, nữ dậy thì sớm hơn nam khoảng 2 tuổi. Các em gái có thể bước vào giai đoạn này từ 10 đến 12 tuổi và kết thúc vào 15-16 tuổi. Các em trai bước vào và kết thúc chậm hơn so với các em nữ khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này ngự trị quy luật về tính không đồng
đều của sự phát triển cá nhân: một học sinh THPT này đã đạt được sự chín muồi về
giới tính (đã qua giai đoạn dậy thì), trong khi đó một em khác lại mới chỉ ở đoạn giữa của thời kì dậy thì. Tương tự, tính không đồng đều còn thể hiện ở sự phát triển trí tuệ, xã hội và đạo đức. Quan trọng hơn, trình độ phát triển của các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống cũng không trùng hợp. Một nam thanh niên có thể đã là một người lớn về mặt thể chất, trong khi đó, về mặt trí tuệ và đạo đức thì vẫn còn là một thiếu niên, hoặc ngược lại.
Theo cách phân giai đoạn nêu trên, học sinh Trung học – từ lớp 6 đến hết lớp 12 - tương ứng với thời kì tuổi “thanh xuân”, và bao gồm trong đó: lứa tuổi “thiếu niên” (học sinh THCS) và lứa tuổi “đầu thanh niên” (học sinh THPT). Giai đoạn thanh xuân
này được xem là giai đoạn quá độ, chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, khi đứa trẻ không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa đạt được trình độ phát triển của một người lớn trưởng thành. Nói đến tuổi dậy thì là nói đến giai đoạn ở trẻ bắt đầu có những biến đổi quan trọng về thể chất cũng như tâm lí. Giai đoạn tuổi này nhìn chung kéo dài trong khoảng thời gian 5 năm và được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là:
* Giai đoạn “tiền dậy thì”: ở nữ là 10-12 tuổi, còn ở nam là 12-14 tuổi. * Giai đoạn “dậy thì chính thức”: ở nữ là 13-15, còn ở nam là 15-17 tuổi. * Giai đoạn “sau dậy thì”: từ 14-15 đến 17-18.
Dưới đây sẽ tách ra trình bày lần lượt các đặc điểm phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi học sinh THCS và học sinh THPT để các giáo viên có thể nhận dạng trong quá trình làm việc với những học sinh của mình. Tuy nhiên, ranh giới giữa các lứa tuổi này chỉ mang tính tương đối. Không phải ngẫu nhiên mà các học sinh THPT hay học sinh của các trường nghề thường lúc thì được gọi là thiếu niên, lúc thì lại được gọi là thanh niên.
b/ Khái niệm “Cấu trúc nhân cách” và “Đặc điểm tâm lí”:
- “Nhân cách” nhìn chung được hiểu là “toàn bộ những đặc điểm, phẩm chất tâm lí quy định giá trị xã hội và hành vi xã hội của cá nhân. Nhân cách của con người phải được phân tích và đánh giá ở ba mức độ khác nhau: mức độ bên trong cá nhân, mức độ bên ngoài cá nhân, mức độ siêu cá nhân” [19].
Về cấu trúc nhân cách có liên quan nhiều đến quá trình giáo dục – đào tạo, có một số quan niệm khác nhau. Chẳng hạn, quan niệm coi nhân cách gồm 3 lĩnh vực: nhận thức, tình cảm, hành động ý chí; hay quan niệm coi nhân cách bao gồm 4 tiểu cấu trúc: xu hướng, kinh nghiệm, đặc điểm tình cảm xúc cảm, các thuộc tính sinh học; hay quan niệm về các “tầng” của nhân cách, gồm: các tầng “nổi”, sáng rõ (ý thức, tự ý thức, ý thức nhóm) và tầng “sâu”, tối tăm (tiềm thức, vô thức); hay quan niệm về các mặt đào tạo của nhân cách, gồm: Trí, Đức, Thể, Mĩ…; hay quan niệm về 4 thuộc tính phức hợp của nhân cách là: xu hướng, tính cách, năng lực, khí chất.
Tuy nhiên, bao quát, phù hợp hơn cả với khái niệm nhân cách nêu trên và được chấp nhận khá phổ biến là cấu trúc nhân cách bao gồm 4 “khối” hay 4 bộ phận sau đây:
Xu hướng nhân cách: đó là hệ thống những thúc đẩy quy định tính lựa chọn của các thái độ và tính tích cực của cá nhân. Xu hướng bao gồm nhiều thuộc tính khác nhau, gồm một hệ thống các nhu cầu, hứng thú, niềm tin, lí tưởng tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó có một thành phần nào đó chiếm ưu thế và có ý nghĩa chủ đạo, đồng thời các thành phần khác giữ vai trò chỗ dựa, làm nền.
Những khả năng của nhân cách: bao gồm một hệ thống các năng lực, bảo đảm cho hoạt động có kết quả. Các năng lực của cá nhân là tiền đề tâm lí bảo đảm cho những xu hướng của nhân cách trở thành hiện thực, chúng liên quan và tác động qua
lại với nhau. Thông thường có một năng lực nào đó chiếm ưu thế, còn các năng lực khác thì phụ thuộc vào nó và tăng cường cho nó (tức là năng lực chủ đạo).
Phong cách hành vi của nhân cách: phong cách là do tính cách và khí chất của nhân cách quy định. Tính cách là hệ thống thái độ của con người đối với thế giới xung quanh và bản thân, được thể hiện trong hành vi của họ. Tính cách tạo nên phong cách hành vi của con người trong môi trường xã hội và phương thức giải quyết những nhiệm vụ thực tế của họ.
Hệ thống điều khiển của nhân cách: đó chính là “cái Tôi” của nhân cách. Đây là một cấu tạo tự ý thức của nhân cách, thực hiện sự tự ý thức, sự tự điều chỉnh – tăng cường hay giảm thiểu hoạt động, tự kiểm soát và sửa chữa các hành vi và hành động , dự kiến và hoạch định cuộc sống cũng như hoạt động của cá nhân. Tùy theo mức độ phát triển mà hệ thống tự điều chỉnh này được củng cố và con người trở thành chủ nhân của các sức mạnh của mình. Tùy thuộc vào sự giáo dục và lối sống của đứa trẻ mà người lớn và phẩm chất của “cái Tôi” được xác định, khả năng tự điều chỉnh các sức mạnh và phương tiện của bản thân được xác định. Biểu tượng về “cái Tôi” của bản thân sẽ quy định mức độ kì vọng, mức độ phát triển của các năng lực.
Trong cách nói của người Việt Nam chúng ta, các bộ phận trên trong cấu trúc của nhân cách được sắp xếp thành hai mặt thống nhất với nhau là “Đức” và “Tài”, hay “Năng lực” và “Phẩm chất”.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học tâm lí nói chung và tâm lí học nhân cách nói riêng, quan niệm về cấu trúc nhân cách đã có những thay đổi và trong nội hàm của nó được bổ sung thêm những nội dung mới. Chẳng hạn, khi nói đến năng lực trí tuệ, thì không chỉ đề cập đến trí tuệ hàn lâm mà có thêm các loại trí tuệ khác. Tương tự như vậy là khi đề cập đến các phẩm chất của nhân cách, theo đó, gần đây có nói nhiều đến các “giá trị sống”, các “kĩ năng sống” như là một bộ phận không thể tách rời trong nhân cách con người của xã hội hiện đại. Trong tài liệu này những vấn đề đó sẽ được cập nhật ít nhiều ở những kết quả nghiên cứu thực tiễn trên học sinh Việt Nam trong thời gian gần đây.
- Thông thường, “Đặc điểm” là thuật ngữ được dùng để chỉ những dấu hiệu riêng biệt, nổi bật, làm căn cứ để phân biệt hay so sánh giữa các sự vật, hiện tượng này với các sự vật, hiện tượng khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác, hoạt động này với hoạt động khác. Từ đây, có thể hiểu “Đặc điểm tâm lí” là nét tâm lí nổi bật, bền vững và tương đối ổn định, phản ánh tính chất đặc trưng cho tâm lí của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, biểu hiện thông qua hoạt động thực tiễn, giúp phân biệt được sự khác nhau giữa người này và người khác, nhóm người này với nhóm người khác.
Đặc điểm tâm lí của một người không chỉ được hình thành trên cơ sở các đặc điểm sinh học của người đó. Mà còn bởi các yếu tố xã hội khác. Do đó, đặc điểm tâm lí của cá nhân không chỉ mang dấu ấn đặc trưng của cá nhân đó trong hoạt động, mà còn phản ánh những nét chung của nhóm người mà họ là một đại diện tích cực.