3.3.2.1 Diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực
Trong những năm đầu thế kỷ XXI đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường…cục diện đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển, nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế…Đặc biệt, bước sang thế kỷ XXI, Mỹ ngày càng tỏ ra quan tâm hơn đến khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Mỹ vẫn giữ được vị trí siêu cường, có sức mạnh áp đảo về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với Ấn Độ nói riêng.
Thế kỷ XXI thế giới chứng kiến khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp cùng với sự nổi lên của hàng loạt các vấn đề toàn cầu như khủng bố, buôn lậu…. Những yếu tố này được đánh giá là làm thay đổi cục diện thế giới. Điều đó tác động mạnh mẽ đến sự điều chỉnh quan hệ (kinh tế) giữa các quốc gia và khu vực. Sự điều chỉnh này, tất yếu có tác động tới sự phát triển của Ấn Độ về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
3.3.2.2 Sự nổi lên của Trung Quốc
Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI này, Ấn Độ còn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt về kinh tế, thương mại quân sự từ sự nổi lên của hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil… trong đó Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ, kèm theo đó, hiện nay về quân sự Trung Quốc cũng đã đạt quy mô và trình độ một cường quốc quân sự thế giới. Theo nghiên cứu mới đây của hãng ICD Research, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,5% lên 104,62 tỷ USD trong năm 2012. Trong 5 năm tới, dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ gia tăng ngân sách quân sự hàng năm; và đến năm 2017 sẽ đạt 174, 9 tỷ USD.Chính vì vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở khu vực và trên thế giới. Bởi vậy những cách tiếp cận của Trung Quốc gần đây đối với khu vực Ấn Độ Dương, vốn được coi là sân sau của Ấn Độ đã khiến cho Ấn Độ đang hết sức lo ngại . Sự hiện diện của Trung Quốc tại các quốc gia ven Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, sân bay, thành phố kinh tế và thương mại ở Maurtius; xây dựng sân bay quốc tế và cảng thương mại Hambantota, mở rộng và hiện đại hóa cảng Colombo, sửa chữa và xây dựng đường bộ và đường sắt ở Sri Lanka; xây dựng hải cảng mới tại Kyaukryu tới tỉnh Vân Nam để có thể chuyển khí đốt và dầu mỏ sản xuất tại Myanmar cũng như dầu mỏ do các tàu chở dầu chuyển từ khu vực Tây Á và châu Phi thẳng về Trung Quốc mà không cần phải đi qua eo biển Malacca; và xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc kết nối Rangoon với Vân Nam.
Trung Quốc cũng đang thương lượng với Bangladesh về hiện đại hóa cảng Chitagong và kết nối hệ thống đường sắt của Bangladesh với hệ thống đường sắt của Myanmar.
Đặc biệt hơn nữa, thời gian gần đây Trung Quốc đang rất tích cực xây dựng cơ sở vật chất cho cảng Gwadar của Pakistan, một địa điểm rất gần với biên giới Iran, cho thấy Trung Quốc có kế hoạch biến nó thành một căn cứ hải quân và là một địa điểm chiến lược nằm trong “chuỗi ngọc trai”. Nếu căn cứ này được thành lập, quân đội Trung Quốc sẽ có năng lực rất lớn trong việc kiểm soát và điều khiển tàu chiến của họ, phục vụ cho âm mưu “tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương” của nước này.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn thông qua các dự án cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự để tăng cường quan hệ với Pakistan, Sri Lanka và Myanmar.
Thêm vào đó, dường như hải quân Trung Quốc đang tích cực xây dựng “năng lực do thám hàng hải” và có thể sử dụng tàu ngầm nguyên tử cùng với những vũ khí hiện đại nhất của họ như tên lửa chống hạm DF-21D để đe dọa Ấn Độ cũng như vị thế của nước này trong khu vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư về kinh tế bao vây Ấn Độ, hay như việc chưa đồng ý với nguyện vọng của Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực HĐBA - một địa vị ngang bằng với Trung Quốc cho thấy chính sách kiềm chế, bao vây Ấn Độ trên mọi mặt trận.
3.3.2.3 Nhân tố Pakistan, Kashmir
Đặc biệt thách thức liên quan đến Pakistan và vùng tranh chấp Kashmir. Kashmir là vùng đất tranh chấp từ lâu chủ yếu giữa Ấn Độ và Pakistan. Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Kashmir. Pakistan luôn đòi chủ quyền đối với Kashmir bởi vì dân số ở vùng đất này phần lớn là người Hồi giáo, 60% dân số của bang Jammu và Kashmir thuộc Ấn Độ là người Hồi giáo. Đây là bang duy nhất của Ấn Độ có người Hồi giáo chiếm đa số. Hơn 50 năm qua, Ấn Độ và Pakistan luôn ở trong quan hệ thù địch. Sự thù địch này bắt nguồn từ nguyên nhân tôn giáo, lịch sử, và leo thang thành một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Cuộc tranh chấp này ngày càng phức tạp hơn vì có thêm những thế lực bên ngoài tham gia , việc Trung
Quốc đã giúp đỡ xây dựng cho Pakistan hai lò phản ứng plutonium từ những năm 70, điều này tạo điều kiện thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân và việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật, những loại vũ khí được quân đội Pakistan sử dụng trên chiến trường mà sẽ đặt ra cho Ấn Độ nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc trả đũa nếu Delhi sở hữu những vũ khí nguy hiểm nhưng không cân xứng với Pakistan [49, pg 157]. Sự lo lắng ngày một tăng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan đang ngày càng phát triển, trở thành những đồng minh “trong mọi thời tiết” của nhau. Sự hậu thuẫn này là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề Kashmir trở nên phức tạp. Ngoài ra, quan hệ Mỹ- Pakistan cũng đang tiến triển tốt đẹp. Pakistan là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là cuộc chiến ở Afghanistan. Hiện nay, Pakistan chính là con bài để Trung Quốc và Mỹ mặc cả với Ấn Độ. Như vậy, có thế thấy nhân tố Pakistan, Kashmir chính là những nhân tố không nhỏ mà Ấn Độ đang phải đối mặt.