vũ trang của quần chúng nhân dân
Tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, phân tích thực tiễn các phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chế độ thực dân bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu kẻ yếu rồi” [65, tr. 96]. Do vậy, không thể ảo tưởng trông chờ vào sự rủ lòng thương của bọn đế quốc thực dân, không thể cầu xin mà có được, mà phải dùng cách mạng bạo động. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tấm gương cách mạng Tháng Mười đã soi sáng nhận thức của Hồ Chí Minh về cách mạng bạo lực trong cuộc đấu tranh đánh đổ cường quyền áp bức. Bạo lực cách mạng được hiểu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của quần chúng nhân dân. Do vậy, để tiến hành cách mạng, phải tổ chức, xây dựng được cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang trong sự kết hợp đúng đắn, hài hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bạo lực cách mạng ở Việt Nam là bạo lực của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm hai lực lượng cơ bản: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Theo Người, lực lượng chính trị là lực lượng đông đảo của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, là lực lượng cơ bản, nền tảng của cách mạng và là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, là nguồn tiếp sức vô
49
tận cho phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân. Do đó, muốn xây dựng vũ trang nhân dân, phải xây dựng lực lượng chính trị vững mạnh. Lực lượng chính trị quần chúng phải được xây dựng rộng khắp ở thành thị, nông thôn, rừng núi, lấy giai cấp công nông là động lực chủ yếu trên cơ sở đó tập hợp mọi lực lượng yêu nước khác. Đấu tranh chính trị ở thời kì 1930-1945, theo Hồ Chí Minh là một hình thức đấu tranh cơ bản, quyết định suốt quá trình phát triển, thành công của cách mạng. Đấu tranh chính trị tạo cơ sở hình thành lực lượng vũ trang, hỗ trợ cho đấu tranh vũ trang, đồng thời còn là lực lượng tiến công vào bọn thực dân, phong kiến. Càng về cuối, vai trò của đấu tranh chính trị càng được khẳng định. Hồ Chí Minh nói: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị lên hình thức quân sự... hiện nay đấu tranh chính trị trọng hơn quân sự” [51, tr. 129]. Nó được chứng minh, đặc biệt sau năm 1941, lực lượng chính trị của toàn dân được tập hợp trong MTVM, Đảng lãnh đạo xuống đường biểu tình, thị uy, bãi công, bãi sở, bãi khóa, bãi chợ... làm tê liệt bộ máy chính quyền địch, đẩy chúng vào chỗ hoang mang, tạo thời cơ thuận lợi cho tình thế cách mạng của ta.
Vạch rõ bản chất dã man, tàn bạo của CNĐQ, Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ ra rằng, với chính sách chia để trị và chính sách dân ngu dễ trị, thực dân Pháp đã biến nước ta từ một dân tộc có truyền thống hiếu học trở thành một dân tộc “dã man” với hơn 95% dân số không biết chữ. Muốn tập hợp 20 triệu đồng bào, để họ nhận thức được mục tiêu đấu tranh, hiểu rõ được mình cần phải làm gì và làm như thế nào, để họ nắm được đường lối của Đảng, của cách mạng, trở thành lực lượng chính trị đông đảo, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng hiểu được mục tiêu cách mạng hướng tới. Theo Hồ Chí Minh, có rất nhiều phương pháp để tuyên truyền vận động, giác ngộ ý thức cách mạng cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền giác ngộ cho giai cấp công nhân, nông dân là lực
50
lượng đông đảo nhất của cách mạng. Hồ Chí Minh xem tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm theo. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”. Trong công tác tuyên truyền, “những người cộng sản phải học cách tuyên truyền một cách dễ hiểu nhất, dễ vào nhất, sinh động nhất và rõ ràng nhất đối với những công nhân và nông dân bình thường. Chỉ có hoạt động tuyên truyền theo cách ấy mới tạo ra được mối liên hệ chặt chẽ và sự hợp tác qua lại giữa những người cộng sản và đông đảo quần chúng; “chỉ có sự liên hệ như thế với quần chúng thì những người cộng sản mới tăng cường được vai trò lãnh đạo của mình trong phong trào quần chúng, mới có thể lãnh đạo quần chúng đấu tranh, mới mở rộng, làm gay gắt thêm và chỉ đạo được cuộc đấu tranh của quần chúng” [117 tr. 603]. Để công tác tuyên truyền hiệu quả, thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trước hết phải xây dựng đội ngũ tuyên truyền sâu rộng, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, làm cho quần chúng hiểu và tham gia vào các hoạt động chính trị. Hồ Chí Minh từng nói: Muốn có đội quân võ trang phải có đội quân tuyên truyền, vận động, đội quân chính trị trước đã. Nên việc này phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông.
Một phương tiện chủ yếu để tiến hành tuyên truyền không thể thiếu và quan trọng nhất, đó là báo chí với mục tiêu khẳng định niềm tin, chỉ ra trách nhiệm, động viên mọi người đồng tâm, hiệp lực, “lấy quần chúng tổ chức quần chúng, lấy quần chúng tuyên truyền quần chúng, đưa dần đức tin của quần chúng vào cách mạng, đưa lý luận cách mạng giáo hóa quần chúng dần dần” [117, tr.180]. Cùng với báo chí, mỗi Đảng viên phải hết sức làm việc, dầu không có kết quả tức khắc cũng không vội chán nản; phải bền lòng, cương quyết mà tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh, khi nào cũng phải đinh ninh rằng cái khí giới độc nhất của mình là sự giác ngộ của
51
quần chúng mà thôi. Phải thiệt tín nhiệm vào năng lực của Đảng và quần chúng thì công tác sẽ có kết quả tốt [117, tr.206].
Sự tuyên truyền cổ động có tổ chức, có kế hoạch đúng và chuyên cần là hết sức cần thiết. Trong khi tuyên truyền, cổ động cần hết sức tránh những sai lầm, hạn chế sau: Nhận thức sai về tư tưởng của Đảng nên dẫn đến tả khuynh; tuyên truyền không có kế hoạch cụ thể, gặp sao làm vậy, tuyên truyền sơ sài, rời rạc không khớp với các khẩu hiệu đấu tranh hàng ngày; báo chí và tài liệu tuyên truyền chưa đưa sâu rộng trong quần chúng…[117, tr.254]. Nhìn chung, công tác vận động, tuyên truyền phải theo nguyên tắc “thật rộng, thật sâu làm cho quần chúng hiểu sự nhu yếu tranh đấu, hiểu đấu tranh vì mục đích gì và phải làm cho quần chúng thảo luận những điều yêu cầu cho náo nhiệt, cho rộng rãi. Có làm như vậy mới mong quần chúng tranh đấu dẻo dai, hăng hái và mới mong thắng lợi được. Đó là điều kiện căn bổn trước khi tổ chức tranh đấu” [117, tr. 239] và “việc cổ động tuyên truyền rất cần phải lấy quần chúng làm trung tâm điểm, làm việc để thu phục cho được rất đông quần chúng thợ thuyền và dân cày theo ảnh hưởng của Đảng... phải hết sức tổ chức công việc trong các nhà máy, hầm mỏ và ở nhà quê” [117, tr. 259].
Để xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, cần hết sức chú ý công tác tổ chức, vì sức mạnh của cách mạng, của lực lượng chính trị bắt nguồn từ nguồn sức mạnh của quần chúng, mà sức mạnh của quần chúng phải là hành động tự giác có tổ chức. Hồ Chí Minh nói: “Cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công” [66, tr. 274]. “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công” [117, tr. 175], vì vậy, phải hình thành các tổ chức, đoàn thể cứu quốc phù hợp với lứa tuổi, giới… Nông dân phải vào “Nông dân cứu quốc hội”; trẻ nhỏ vào “Nhi đồng cứu quốc hội”; thanh niên phải vào “Thanh niên cứu quốc hội”; phụ nữ vào “Phụ nữ cứu quốc hội”; công nhân vào “Công
52
nhân cứu quốc hội”… Từ những “hội” đó mà tuyên truyền, giáo dục, thức tỉnh quần chúng đấu tranh.
Đấu tranh chính trị thôi chưa đủ, chưa thể khuất phục được kẻ thù, chúng ta phải kết hợp đấu tranh vũ trang khi cần thiết. Do đó, vận động quần
chúng đấu tranh chính trị cần phải chuẩn bị cả đội tự vệ vũ trang, để: một mặt,
bảo vệ đội quân chính trị đấu tranh khi có tình huống bạo lực xảy ra; mặt khác, chuẩn bị về mặt vũ trang khi thời cơ đến sẽ khởi nghĩa giành chính
quyền cách mạng, lật đổ chế độ phong kiến và thực dân. Trong tác phẩm Con
đường giải phóng, Hồ Chí Minh khẳng định: Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước đoạt lấy chính quyền. Đó là cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự. Và cuộc khởi nghĩa sắp diễn ra ở Việt Nam là một cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc do toàn dân tiến hành, lấy công nhân và nông dân làm lực lượng chủ yếu, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo.
Tiếp thu quan điểm bạo lực cách mạng của học thuyết Mác - Lênin và qua thực tiễn cuộc đấu tranh dân tộc, Hồ Chí Minh sớm đề cập đến khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Theo Người, để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở đó trước hết phải có “tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc, theo phương pháp của các nhà cách mạng trước đây” [65, tr. 468, 469]. Hồ Chí Minh đã biên soạn và biên dịch một loạt tài liệu để huấn luyện quân sự như: Cách đánh du kích; Kinh nghiệm du kích Nga; Phép dùng binh của Tôn Tử; Mười điều kỷ luật; Cách huấn luyện cán bộ quân sự… Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của tất cả dân chúng được giác ngộ, tổ chức và cuộc khởi nghĩa vũ trang là đỉnh cao của quá trình vận động quần
53
chúng; cuộc khởi nghĩa ấy phải được chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia của đông đảo dân chúng, phải được tổ chức chặt chẽ, nổ ra đúng lúc...
Trên quan điểm “người trước súng sau”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra phải đi từ chính trị lên vũ trang, lực lượng quân sự nhất thiết phải được xây dựng và phát triển trên nền tảng lực lượng chính trị của quần chúng. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện vác súng thì mới thắng được. Cơ sở chính trị mở rộng đến đâu, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đến đó. Và “các đoàn thể cách mạng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng và tiến hành đấu tranh vũ trang”. Để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định cần thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, lựa chọn những người ưu tú nhất thành lập các đội tự vệ, đội du kích để từ đó chọn lọc số cán bộ và đội viên trung kiên nhất, hăng hái nhất lập ra đội quân chủ lực. Từ các hội nông dân, phụ nữ, thanh niên… dần dần tổ chức ra các lực lượng vũ trang để bảo vệ cuộc đấu tranh quần chúng, chống đàn áp, khủng bố. Các tổ chức quần chúng cách mạng càng phát triển, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội cách mạng và tiến hành đấu tranh vũ trang.
Trong lực lượng vũ trang của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm và có những quan điểm sáng tạo về vấn đề du kích cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu đặc thù của các hoạt động du kích là quấy rối và tiêu hao lực lượng phản động, tạo điều kiện thuận lợi cho thắng lợi chung của các giai cấp lao động dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Người đã đề cập các vấn đề cụ thể như cách thức tổ chức, lãnh đạo, huấn luyện... du kích cách mạng.
Về nguyên tắc tổ chức, theo Hồ Chí Minh, phong trào du kích cần phải tuân thủ các điều kiện căn bản sau: 1). Tổ chức phải mềm dẻo và cần phải có
54
một số cấp có khả năng hoạt động độc lập với nhau; 2). Tổ chức phải cơ động; có khả năng hoạt động nhanh; có thể xoay chuyển cực nhanh khi hoàn cảnh đòi hỏi chuyển từ điều kiện bí mật sang công khai và ngược lại, và kết hợp đúng đắn các phương pháp công khai, bán công khai và bí mật; 3). Cấu trúc phải làm sao cho Đảng thực hiện quyền lãnh đạo về chính trị và tác chiến của mình; 4). Cấu trúc phải đơn giản, dễ hiểu đối với quần chúng và phù hợp với phong tục tập quán của họ, bảo đảm tiếp tục phát triển lực lượng mới.
Về cách thức tổ chức, theo Hồ Chí Minh, cần phải tính toán đến những nét đặc thù của từng nước, mục tiêu của phong trào du kích ở từng thời kỳ, vũ khí hiện có, sự bí mật. Về đại thể, ở thời kỳ đầu, những nhóm chiến đấu nhỏ, ít nhiều có cùng nhiệm vụ gồm năm, tám hoặc mười người, được hình thành từ làng nọ đến làng kia và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các làng, thông qua các chỉ huy của họ, tới các Uỷ ban quân sự xã, huyện và đại diện của họ tại các làng. Khi phong trào phát triển, các nhóm nhỏ đó hợp thành những đơn vị lớn; những đơn vị đó, đến lượt nó, có thể được tập hợp thành những đơn vị lớn hơn. Một điều quan trọng là mỗi đơn vị du kích cần phải có một số lượng đầy đủ các chiến sĩ trinh sát được huấn luyện thích hợp, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ thông tin liên lạc, các kỹ sư và y tá.
Về vai trò lãnh đạo du kích, Đảng của giai cấp vô sản chỉ có thể lãnh đạo tốt phong trào du kích nếu như Đảng có ảnh hưởng tới nông dân, nếu như nông dân chấp nhận những khẩu hiệu và cuộc đấu tranh của Đảng để thực hiện những khẩu hiệu đó. Ở những nơi đã có các tổ chức quần chúng nông dân, Đảng cần phải phấn đấu giành ảnh hưởng và hướng dẫn phong trào du kích cả trực tiếp lẫn thông qua phong trào quần chúng. Chìa khoá dẫn tới những thắng lợi của các toán du kích là sự liên hệ mật thiết với quần chúng nông dân. Hoạt động du kích là việc phi thường trong tình thế cách mạng, là sự sôi sục cách mạng trong quần chúng nông dân. Cuộc đấu tranh du kích
55
phải phản ánh được lợi ích của quảng đại quần chúng nông dân và phải có tình thế cách mạng trực tiếp thì mới có thể giành thắng lợi.
Về công tác huấn luyện tác chiến cho du kích, Hồ Chí Minh khẳng
định: Nhiệm vụ chính yếu của những người tổ chức và những người lãnh đạo, nhất là ở những nước mà nông dân chưa bao giờ học nghệ thuật chiến tranh thì trước hết là phải dạy cho họ sử dụng thành thạo các loại vũ khí cầm tay. Dạy cho du kích biết một ít cách sử dụng các loại vũ khí mà họ có ở thời điểm