Nâng cao năng lực tài chính

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp sản phẩm thép xây dựng của công ty cổ phần thương mại và tư vấn Tân Cơ (Trang 68)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG ĐẤU THẦU CUNG CẤP SẢN PHẨM THÉP XÂY DỰNG

3.2.2. Nâng cao năng lực tài chính

Như đã phân tích ở trên, năng lực tài chính phản ánh năng lực cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp nói chung cũng như trong đấu thầu nói riêng. Doanh nghiệp nào có nguồn lực tài chính mạnh, bền vững sẽ tạo được sự an tâm với các chủ đầu tư, do đó sẽ tăng đáng kể sức cạnh tranh trong đấu thầu.

Năng lực tài chính thể hiện ở nguồn lực tài chính tự có, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Xét về năng lực tài chính của công ty Tân Cơ, bên cạnh một số mặt được thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà công ty cần sớm có biện pháp khắc phục trong thời gian tới, để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong đấu thầu. Phòng Kế toán – Tài chính thực hiện việc quản lý nguồn lực tài chính của công ty phải có sự phối hợp đồng bộ với các phòng ban khác, chịu sự chỉ đạo của ban lãnh đạo công ty để giúp công ty hoạt động hiệu quả trong kinh doanh và cụ thể trong đấu thầu. Một số biện pháp công ty cần thực hiện trong thời gian tới như sau

3.2.2.1. Tăng cường huy động vốn

(i) Tăng cường huy động nguồn vốn nội bộ

Huy động nguồn vốn nội bộ, tức là sự đóng góp thêm từ các cổ đông, nguồn vốn nhàn rỗi của cán bộ, nhân viên của công ty. Khi nguồn vốn tự có của công ty chiếm tỉ lệ lớn hơn, công ty sẽ chủ động hơn trong các hoạt động kinh doanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn vốn bên ngoài, qua đó giảm độ rủi ro trong sử dụng vốn. Chủ đầu tư sẽ đánh giá cao những công ty có vốn tự có lớn khi mà rất khó tiếp cận các khoản vốn vay trong điều kiện hiện nay.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả, trước hết cần phải xây dựng các quy định về góp vốn và vay vốn đối với các tổ chức cá nhân, đồng thời phải linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất để kích thích mọi người tăng cường gửi vào. Nhưng lãi suất tiền gởi nên nằm trong khoảng giữa tiền gởi tiết kiệm và lãi vay ngân hàng. Giả sử gọi:

LTK: Lãi suất tiền gởi tiết kiệm vào ngân hàng.

LVNH: Lãi vay phải trả nếu doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng L: Lãi suất mà công ty phải trả cho cá nhân gởi vào công ty Thì lãi suất mà công ty trả cho cá nhân phải nằm trong khoảng:

LTK L LVNH

Để đạt được điều này thì công ty phải đảm bảo duy trì đúng kế hoạch, tiến độ thực hiện các gói thầu, dự án, tiết kiệm hạ giá thành, chấp hành đúng chế độ phân phối lợi nhuận để huy động tối đa nguồn vốn.

(ii) Tăng cường huy động vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tư cách là các nhà tài chính trung gian, các tổ chức này thực hiện việc khơi thông, tích tụ và tập trung vốn trong xã hội với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với công ty CP TM&TV Tân Cơ

thì nguồn vốn vay ngân hàng cho việc thực hiện các dự án luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn và có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động kinh doanh hiện nay của công ty. Trong điều kiện thị trường vốn nước ta hiện nay vẫn đang phát triển thì có thể xác định nguồn vốn vay ngân hàng sẽ là nguồn tài trợ chủ yếu. Đối với các ngân hàng, thông thường khi cho vay thì họ thường xem xét kỹ đến khả năng và thời hạn trả tiền của dự án. Vì vậy, để có thể tăng huy động vốn vay ngân hàng, công ty cần tiến hành lựa chọn các dự án trọng điểm để đấu thầu, tập trung vào các dự án có tần suất đầu tư không lớn, hiệu quả đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn ngắn. Rà soát lại danh mục các dự án, nên tránh việc tham gia đấu thầu vào các dự án đang được đầu tư tràn lan hiện nay.

Với các khoản nợ đến hạn phải trả, công ty cần nỗ lực trả đúng hạn, như vậy sẽ tạo được uy tín với các ngân hàng, giúp công ty dễ dàng hơn trong các lần vay nợ sau. Mở rộng quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thắt chặt mối quan hệ lâu năm với các ngân hàng lớn như VIETINBANK, AGRIBANK, BIDV để công ty có nguồn tài trợ vốn lâu dài, bền vững.

3.2.2.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Trong thời gian vừa qua công tác sử dụng vốn có rất nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung hiệu quả vẫn chưa cao, tốc độ luân chuyển vốn lưu động còn thấp, vốn tồn đọng trong các dự án dở dang và bị chiếm dụng vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên công ty cần thực hiện tốt các việc sau:

(i) Tận dụng tối đa việc mua trả chậm, hiện nay cùng với việc phát triển kinh tế thị trường và tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Đây là cơ hội tốt để công ty có thể tận dụng, vì trong quá trình cạnh tranh để bán được hàng hoá thì các nhà cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau trong việc giảm giá và kéo dài thời hạn thanh toán. Với sản phẩm thép xây dựng, công ty lựa chọn từ hai đến ba nhà cung cấp bán trả chậm có thời gian dài nhất và giá cả cạnh tranh nhất luân phiên nhau cung cấp. Lãnh đạo công ty cần thường xuyên củng cố mối quan hệ của công ty với các đối tác cung cấp chính như Thép HÒA PHÁT, Thép VIỆT ĐỨC để có thể nhận được những ưu đãi khi mua thép của họ.

(ii) Công ty cần phải xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý trong từng giai đoạn, phổ biến thực hành tiết kiệm chống lãng phí tới từng cán bộ nhân viên, từng phòng ban. Phòng Kế toán – Tài chính phải thường xuyên kiểm tra sổ sách, tình hình thu

chi sau đó báo cáo cho ban lãnh đạo, nhằm tránh hiện tượng thất thoát vốn mà không rõ nguyên nhân. Mặt khác, công ty cũng phải tìm cách giảm bớt các chi phí đầu vào bằng cách đầu tư vào phương tiện vận chuyển, tìm kiếm các đối tác cung cấp sản phẩm với giá cả cạnh tranh.

3.2.2.3. Tăng cường huy thu hồi vốn

Hiện nay, trong các dự án, gói thầu mà công ty tham gia, lượng vốn bị chủ đầu tư chiếm dụng là khá lớn, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động kinh doanh của công ty do yêu cầu quay vòng vốn. Vì vậy, để nguồn vốn của công ty có thể luân chuyển nhanh, phục vụ các hoạt động kinh doanh cũng như dự thầu thì công ty cũng cần có những biện pháp tăng cường thu hồi vốn sau:

(i) Giảm tối đa việc bị chiếm dụng vốn, nếu công nợ thu hồi chậm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của công ty, nhất là trong bối cảnh mà phần lớn nguồn vốn của công ty phải đi vay ngân hàng. Nếu thanh toán với ngân hàng không đúng hạn sẽ rất khó khăn trong việc vay vốn cho dự án tiếp theo. Thực tế hiện nay tình trạng chậm trễ trong khâu thanh toán có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do nhiều dự án nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước chậm trễ, việc thanh toán phải qua rất nhiều khâu, nhiều cửa, thái độ làm việc của một số nhân viên ở các nơi này nhiều lúc quan liêu, nhũng nhiễu. Thứ hai việc chuẩn bị hồ sơ cho công tác nghiệm thu, hoàn công chưa được tốt, hay bị thiếu sót lúc thì thủ tục này, lúc thì giấy tờ khác phải chờ bổ sung nên dẫn đến chậm trễ kéo dài thời gian thanh toán. Thứ ba là do biến động lạm phát, giá cả thị trường, giá nguyên nhiên vật liệu, do vậy hầu hết những hợp đồng của doanh nghiệp là “hợp đồng có điều chỉnh giá”, thanh toán theo từng thời điểm thi công thực tế nên việc cập nhật giá cả kịp thời cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán. Vì vậy, công ty cần phải nắm bắt thật kỹ các thông tin về nguồn vốn, kế hoạch vốn hàng năm của chủ đầu tư. Thực hiện tốt công tác nghiệm thu, thực hiện xong phần nào thì đề nghị chủ đầu tư cho tiến hành nghiệm thu ngay để giảm bớt khối lượng dở dang, rút ngắn thời gian từ đó sẽ giúp tăng vòng quay của vốn. Mặt khác, kiến nghị với chủ đầu tư cần đơn giản hóa thủ tục thanh toán và có biện pháp nghiêm khắc đối với nhân viên quan liêu, nhũng nhiễu.

(ii) Bán các khoản nợ khó đòi cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Đây là giải pháp mang tính tình thế khi có những khoản nợ không có khả năng thu hồi trong khi doanh nghiệp đang cần vốn kinh doanh. Khi bán thì công ty sẽ phải chịu một số thiệt hại nhưng xét chung về tổng thể thì vẫn có ích lợi trong

việc góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính đồng thời cũng thu được một số vốn.

Thực hiện tốt những biện pháp nêu trên, công ty sẽ có được tiềm lực tài chính ổn định, bền vững, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty trong quá trình tham gia dự thầu.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp sản phẩm thép xây dựng của công ty cổ phần thương mại và tư vấn Tân Cơ (Trang 68)