Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 68)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Những hạn chế còn tồn tại

Mặc dù báo chí Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, trên một số mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của Ðảng, Nhà nước, mong muốn của nhân dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực chưa thường xuyên, chặt chẽ; chỉ đạo, định hướng thông tin cho báo chí, nhất là đối với các sự kiện lớn, phức tạp, nhạy cảm, có lúc, có việc chưa kịp thời. Có tình trạng buông lỏng quản lý đối với hoạt động báo chí, nhất là quản lý việc liên kết trong sản xuất các chương trình truyền hình. Một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế do Ban Bí thư ban hành về quan hệ phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Quy định của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Một số cơ quan chủ quản báo chí xử lý các sai phạm của cơ quan báo chí của mình chưa nghiêm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức... Đội ngũ cán bộ quản lý báo chí còn thiếu và yếu, một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công tác kế hoạch, quy hoạch, tổ chức bộ máy quản lý nhìn chung chưa hợp lý. Trình độ, khả năng phát hiện, nắm bắt các vấn đề nghiệp vụ chuyên môn của một số cán bộ, chuyên viên chưa theo

kịp yêu cầu của báo chí thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Trong hoạt động báo chí, một số cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, cả báo viết và báo mạng, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí, thiếu nhạy cảm về chính trị, có những bài viết không phù hợp với định hướng thông tin, với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của tờ báo; đưa tin quá nhiều về các vụ án, các vụ việc tiêu cực trên một số báo, một trang báo gây cảm giác nặng nề, phản ánh không đúng không khí xã hội và tình hình đất nước; thông tin sai sự thật, sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, đi sâu vào đời tư của cá nhân, mô tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, đưa thông tin và những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam...

Tuy chỉ có một số ít cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên có sai phạm nhưng gây ra ảnh hưởng và tác động xấu đối với tư tưởng và dư luận xã hội; trong đó có tờ báo sai phạm kéo dài, chậm khắc phục; có phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý theo pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của người cán bộ báo chí và nền báo chí cách mạng.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại trên là do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hoá làm cho báo chí phát triển nhanh theo chiều rộng và chiều sâu nên khối lượng công tác quản lý nhà nước về báo chí ngày càng nhiều và phức tạp. Sự bùng nổ thông tin qua Internet, sự suy giảm kinh tế thế giới, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường... tác động làm cho một số cơ quan báo chí phải điều chỉnh kế hoạch, thậm chí xin dừng hoạt động, giảm kỳ, giảm số lượng, giảm số trang phát hành.

Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại trên một phần là do hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực hoạt động báo chí còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. Trình độ nghiệp vụ chuyên môn, luật pháp, ngoại ngữ; khả năng nắm bắt các vấn đề nghiệp vụ, kỹ thuật công nghệ mới, nhất là trên lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử của nhiều cán bộ lãnh đạo và phóng viên báo chí còn hạn chế.

Công tác lãnh đạo của cơ quan quản lý báo chí chưa kiên quyết, kịp thời, nhất là với những vấn đề nhạy cảm, đột xuất. Công tác tập huấn, giáo dục các quy định mới về pháp luật báo chí cho cán bộ báo chí chưa rộng khắp. Nguyên tắc phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt chưa được quán triệt đầy đủ. Một số cơ quan chủ quản báo chí chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí còn buông lỏng lãnh đạo, né tránh trách nhiệm trong xử lý cơ quan báo chí thuộc quyền khi họ có vi phạm khuyết điểm.

Một số Uỷ ban nhân dân và Sở Thông tin truyền thông tỉnh, thành phố chưa nhận thức hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các đài phát thanh - truyền hình của mình, nhất là hệ thống các đài cấp huyện, cấp xã; việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, hiện đại và phức tạp của công tác quản lý báo chí ở địa phương còn hạn chế...

Trong khi đó, cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của kẻ thù hiện nay đang đặt ra cho việc quản lý báo chí nhiều vấn đề phải giải quyết, đòi hỏi phải có nhận thức mới trên nhiều phương diện. Chính điều đó sẽ giúp cho những người làm báo nhìn thấy rõ tính hai mặt của cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay trong bối cảnh của toàn cầu hoá, khu vực hoá và có thái độ vững vàng trước những khẩu hiệu loè bịp về “tự do báo chí” mà các thế lực phản động vẫn đang rêu rao hòng che đậy bản chất xấu xa của xã hội tư bản.

Để tiếp tục khẳng định vị trí của báo chí nước ta trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục tạo ra những tác động tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, điều quan trọng nhất đối với hệ thống báo chí là phải tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức. Muốn vậy, càng cần phải tăng cường sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí theo quan điểm phát triển phải đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng. Theo nhà báo Phan Quang, định đề và cũng là xuất phát điểm của tự do báo chí Việt Nam gắn với trách nhiệm công dân. Tự do hay trách nhiệm đều được thể chế hóa bằng pháp luật và quy ước đạo đức nghề nghiệp. Khi đã có định hướng, có hành lang pháp luật thông thoáng thì càng mở rộng dân chủ càng phát huy sáng kiến, càng gặt hái được nhiều sáng tạo.

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 68)