Báo chí thông tin sai sự thật

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.2. Báo chí thông tin sai sự thật

* Tình trạng thông tin sai sự thật, suy diễn, quy chụp một cách tùy tiện, thiếu căn cứ trên một số báo chí đang ngày càng gây nên những bức xúc cho nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị và trong xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm của người làm báo chưa cao, quy trình làm báo không bảo đảm, có tư tưởng tự cho mình quyền phán quyết mà thiếu tôn trọng tính khách quan nên thường dẫn đến những sai phạm nói trên.

Báo chí Việt Nam thông tin sai rất nhiều việc, đem lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Có không ít tin báo chí làm cho người ta khuynh gia bại sản, mang bao bất công, oan khất.

Xin dẫn chứng một vài trường hợp đã xảy ra và có thể còn xảy ra nếu nhà báo thiếu tỉnh táo và còn tiếp tục “lao” theo kiểu “chụp giật” thông tin, chưa có sự kiểm chứng, hoặc không cần kiểm chứng, miễn rằng mình có được thông tin sớm, báo có được sự kiện “tươi rói” để thu hút người đọc và thể hiện tính “vượt trội” của bản báo mình. Kiểu đó không ít nhiều đã gây tai hại

cho nhiều phía: Phía người đọc, vì đã nhận nhầm thông tin; phía toà báo vì cung cấp thông tin thiếu chính xác; phía cơ quan điều tra mất công thẩm định, kiểm chứng làm rõ; phía người được báo đề cập thì chịu thất thiệt về uy tín và dĩ nhiên là phản ứng, kêu kiện. Chung quy là nhà báo và toà báo bị suy giảm lòng tin và sự mến mộ của nhân dân và người đọc.

Vụ PMU18 là một vụ án được coi là đặc biệt nghiêm trọng, các báo chí trong nước đã thông tin với tổng số khoảng 1.200 tin, bài. Sai phạm của báo chí xoay quanh vụ việc này có nhiều tính chất, mức độ khác nhau, có tác dụng tiêu cực đến xã hội, gây nhiễu cho việc nhìn nhận và giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng tới uy tín của một số lãnh đạo cao cấp vào thời điểm nhạy cảm, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình... Nhiều thông tin xâm phạm vào đời tư, làm tổn hại đến uy tín, nhân phẩm. Ngày 22/3/2007, cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 258 và Điều 263 Bộ luật Hình sự. Ngày 21/3/2008, cơ quan an ninh đã khởi tố bổ sung vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật Hình sự. Ngày 12/5/2008, Bộ Công an đã khởi tố hai cán bộ cảnh sát điều tra và hai nhà báo. Ngày 1/8/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký các quyết định thu hồi thẻ của một số nhà báo có một phần lỗi do trực tiếp viết bài, duyệt bài để lọt những thông tin sai sự thật nghiêm trọng.

Bên cạnh đó còn có nhiều vụ việc báo chí thông tin sai sự thật đã bị xử lý theo pháp luật. Ngày 7/5/2010, báo Lao động đã có bài viết thừa nhận "Việc giải quyết chính sách của UBND thành phố Đà Nẵng đối với bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Lành là thấu tình đạt lý". Trước đó đúng vào ngày 29/3/2010, báo Lao động - bản báo in số kỳ xuất bản 96 - đã có bài viết “Chắc lép với bà mẹ VNAH”. Bài báo nói trên (“Chắc lép

với bà mẹ VNAH") của báo Lao Động phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả thực hiện chính sách cho gia đình có công cách mạng, đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng xã hội và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện trong suốt thời gian qua; ảnh hưởng đến uy tín của Đà Nẵng. Ngay sau khi bài báo phát hành, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản phản hồi khẳng định: “Việc giải quyết chế độ chính sách đối với bà mẹ VNAH Phạm Thị Lành là hoàn toàn thấu tình đạt lý, trên cơ sở quan tâm đến điều kiện hoàn cảnh, cùng những nguyện vọng của mẹ, giải quyết nhà đất theo hướng ưu tiên có lợi cho mẹ Lành và gia đình.” Theo thẩm quyền, ngày 18/5/2010, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đã có Quyết định số 356/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với báo Lao động. Theo quyết định này, báo Lao động đã bị xử phạt 4.000.000 đồng do đưa "một số thông tin sai sự thật" trong bài viết “Chắc lép với bà mẹ VNAH” trong số báo ra 96 ngày 29/3/2010.

Câu chuyện "Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời" được chương trình “Người xây tổ ấm” thực hiện tại trường quay S10, Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 17/12/2010 (phát trên VTV1 ngày 25/1/2011), nhân vật có tên là Lượm kể lại cuộc đời của mình đầy xúc động. Khi chương trình “Người xây tổ ấm”phát sóng đã gây xúc động người xem, đã có rất nhiều nhà hảo tâm tỏ ý giúp đỡ tiền để cho đứa con cô mổ tim, giúp cô có công việc để nuôi con. Và cũng sau chương trình này, rất nhiều dân ở tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế, khi xem xong chương trình lại bức xúc. Bởi nhân vật Lượm họ vừa xem đã quen mặt, biết tên và có cha mẹ, công ăn việc làm, chồng con đàng hoàng. Họ bức xúc vì tất cả khán giả đều bị nhân vật này lừa. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng đối với VTV vì đã “thông tin sai sự thật, gây

ảnh hưởng nghiêm trọng” trong chương trình Người xây tổ ấm phát sóng ngày 25/1/2011. Đây là chương trình có nội dung đã được VTV chính thức khẳng định là hoàn toàn không có thật trong buổi phát sóng tối 8/3/2011. Ngoài tiền phạt, VTV còn phải thực hiện cải chính, xin lỗi theo đúng quy định của Luật Báo chí. Theo quy định về cải chính thông tin sai sự thật, khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận nội dung thông tin sai, cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí phải thực hiện việc cải chính và đăng phát nguyên văn văn bản kết luận đó.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đã chủ động trong công tác quản lý thông tin, kịp thời ngăn chặn, xử lý các cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực trong xã hội hoặc thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không có lợi cho công tác đối ngoại và lợi ích của đất nước, của nhân dân. Hình thức làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí để rút kinh nghiệm, uốn nắn kịp thời những sai sót, lệch lạc trong hoạt động báo chí đã cho thấy hiệu quả bước đầu trong công tác chỉ đạo, quản lý thông tin.

Để có được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và Chính phủ đối với hoạt động báo chí. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thể hiện qua việc chỉ đạo thông tin kịp thời, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí một cách nghiêm minh, đủ sức răn đe nhưng vẫn đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí theo luật định, đồng thời giúp cho các cơ quan báo chí phát triển ngày càng tốt hơn.

Tại Hội thảo “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã trình bày “Một số kết quả bước đầu trong việc đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý báo chí”. Theo đó, qua thống kê sơ bộ cho thấy, nhờ làm tốt công tác định

hướng, quản lý thông tin nên số vụ vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm Luật Báo chí có chiều hướng giảm. Đơn cử, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính năm 2008 là 561 triệu đồng, nhưng đến năm 2009 giảm chỉ còn 216 triệu đồng. Nếu như năm 2008 có tới 15 phóng viên, trong đó có 6 lãnh đạo cơ quan báo chí bị thu hồi thẻ nhà báo thì năm 2009 chỉ có 4 trường hợp bị thu hồi thẻ. Những con số trên chứng tỏ sự vươn lên, cố gắng của cơ quan báo chí và của đội ngũ những người làm báo, cho thấy hiệu quả của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí là rất đáng ghi nhận.

2.4.3. Báo chí làm lộ bí mật quốc gia, gây tổn hại tới lợi ích của quốc gia, dân tộc

Trong khi xử lý mối quan hệ giữa một mặt là yêu cầu mở rộng thông tin và thông tin nhanh các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội... của đất nước, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, với mặt khác là yêu cầu giữ gìn và bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, báo chí Việt Nam còn có những lúng túng và thiếu sót, thậm chí đã có một số trường hợp làm lộ bí mật Nhà nước, gây bất lợi cho công việc chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ.

Bảo vệ bí mật Nhà nước là công việc của mọi quốc gia trên thế giới. Chính phủ ở những nước tư bản cũng đều có các quy định về việc giữ gìn bí mật, không tiết lộ các thông tin mật cho báo chí. Nhiều thông tin về các hoạt động của Chính phủ hoặc các cơ quan Nhà nước được bảo mật tới hàng chục năm, thậm chí có những thông tin được quy định sau 50 năm mới được công bố. Chính vì thế, dù có tự do thông tin đến đâu, báo chí nhiều nước trên thế giới đều hiểu được trách nhiệm công dân trước pháp luật về việc giữ gìn bí mật quốc gia.

Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ bí mật quốc gia. Ngày 28/10/1991, Uỷ ban Thường

vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, trong đó quy định rõ: “Bảo vệ bí mật Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ bí mật Nhà nước”. Pháp lệnh cũng đã quy định rõ phạm vi bí mật Nhà nước phải được bảo vệ và giao cho Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Sau khi Pháp lệnh được ban hành, ngày 9/3/1992, Hội đồng Bộ trường (nay là Chính phủ) đã ra Nghị định số 84/HĐBT ban hành “Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước”, quy định: Người đứng đầu cơ quan Nhà nước cấp Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước, xác định độ “Tuyệt mật” và “Tối mật” trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định và quyết định danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đoàn thể... ở Trung ương đều đã xác lập được danh mục bí mật Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định phê duyệt các danh mục bí mật Nhà nước đó.

Luật Báo chí ngày 28/12/1989 cũng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước. Ngày 20/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 133-HĐBT quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, trong Điều 4 ghi rõ: “Báo chí không được làm trái những quy định trong pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28/10/1991.” Nghị định còn quy định: “Việc sử dụng các văn kiện của Đảng và Nhà nước

chưa được công bố, tài liệu nội bộ của các tổ chức phải được các tổ chức, hoặc người có trách nhiệm trả lời đồng ý bằng văn bản thì mới được đưa tin, khai thác trước khi đăng, phát.”

Song những văn bản pháp luật trên đây chưa được phổ biến sâu rộng tới từng cơ quan báo chí và nhiều cơ quan báo chí chưa thật sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này.

Không ít phóng viên, biên tập viên báo chí chưa được học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật trên đây hoặc chưa có ý thức đầy đủ trong việc giữ gìn bí mật Nhà nước khi làm nhiệm vụ thu thập, khai thác, bảo quản và sử dụng tài liệu trên báo chí.

Mấy năm qua, tuy không nhiều nhưng đã từng xảy ra các vụ làm lộ bí mật Nhà nước trên báo chí, có những vụ việc nghiêm trọng gây tác hại không nhỏ tới việc xử lý các mối quan hệ trong nước với nước ngoài. Một số tờ báo đã đăng tin, bài làm lộ bí mật Nhà nước trong hoạt động hàng không, dầu khí, thăm dò và khai thác khoáng sản, tiết lộ cả việc mua máy bay chuyên cơ, số liệu bí mật về địa điểm, hàm lượng và trữ lượng một số mỏ kim loại quý hiếm...

Trước tình hình đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các đồng chí Tổng Biên tập, Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ quan thông tin đại chúng lưu ý không sử dụng các văn bản, tài liệu liên quan đến hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc chưa có ý kiến chính thức của Văn phòng Chính phủ.

Cần khẳng định, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí, không ai có quyền ngăn cản báo chí làm nhiệm vụ này. Ngay trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước cũng đã ghi rõ: “Nghiêm cấm việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp

luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội”. Ngày 7/4/1997, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 218/TTg về tăng cường công tác thông tin, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan Chính phủ cũng nhấn mạnh các cơ quan Nhà nước không được lạm dụng các loại dấu “Mật” để hạn chế thông tin cho nhân dân biết các chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những quy định trên đây cùng quyết định khác của Đảng, Chính phủ là nhằm bảo đảm cho hoạt động báo chí được rộng mở, bảo đảm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí đem lại hiệu quả thiết thực. Nhưng không thể chỉ căn cứ vào những quy định đó để thoái thác việc thực hiện các quy định về giữ gìn bí mật Nhà nước, tuỳ tiện hoặc thiếu cân nhắc trong việc đưa tin trên báo.

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)