Chủ trương của Đảng về báo chí

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 33)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Chủ trương của Đảng về báo chí

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí là tiếng nói tự do của Nhà nước, của quần chúng cách mạng và nhà báo là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Đảng cổ vũ, khích lệ báo chí phát triển theo định hướng trên. Nền báo chí xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền tự do thực sự cho mọi công dân trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp, bình đẳng và dân chủ vì sự nghiệp chung. Những ai vi phạm hiến pháp, luật báo chí, luật xuất bản và các quy định khác, cũng như lợi dụng tự do báo chí và báo chí để đi ngược với lợi ích của nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh.

Thực tế đối với chủ nghĩa xã hội, tự do báo chí là một mục tiêu phấn đấu để làm cho mọi thành viên trong xã hội có những điều kiện thoả mãn ngày càng cao các nhu cầu viết báo, đọc báo, mua báo, tức là sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng một cách tự do nhất, được luật pháp và dư luận xã hội bảo đảm. Trong các quyền con người, quyền tự do báo chí, ngôn luận được Đảng và Nhà nước ta chú trọng.

Văn kiện các Đại hội của Đảng từ trước đến nay đều xác định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, cán bộ báo chí và quyền tham gia hoạt động báo chí của công dân.

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã có bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí. Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 63-CT/TW, ngày 25-7-1990 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản. Có thể nói rằng, đây là văn kiện quan trọng đầu tiên nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; đồng thời, xác định các công việc mà Đảng, Nhà nước cần thực hiện để lãnh đạo, quản lý báo chí; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; trách nhiệm, quyền hạn của người phụ trách cơ quan báo chí và việc thành lập các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp báo chí, ngày 31-3- 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) ra Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 18-2-1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng. Trong đó, Đảng yêu cầu phải: Nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí; coi trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách báo chí, nắm vững và chủ động thực hiện đúng đắn, sáng tạo các định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực, chống âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch... Đến Đại hội VIII, lần đầu tiên Đảng đề ra chủ trương sớm hoạch định một chiến lược quốc gia về thông tin, theo hướng: Coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng của thông tin; phát hiện và đề cao các nhân tố mới, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tăng cường công tác thông tin đối ngoại.

Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí nước ta có những khởi sắc đáng

mừng; song, cũng còn bộc lộ những hạn chế trước yêu cầu mới của thực tiễn. Để khắc phục tình trạng đó, ngày 17-10-1997, Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí; trong đó, xác định các quan điểm và định hướng lớn; đồng thời, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí nhận rõ và chủ động khắc phục các yếu kém, khuyết điểm. Trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Đảng yêu cầu: phải hiện đại hoá hệ thống thông tin đại chúng; sắp xếp hợp lý nhằm tăng hiệu quả thông tin; xây dựng và từng bước thực hiện chiến lược truyền thông quốc gia phù hợp đặc điểm nước ta và xu thế phát triển của truyền thông thế giới; ngăn chặn, hạn chế thông tin độc hại, tiêu cực qua mạng internet; không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, chất lượng tư tưởng, văn hoá của hệ thống thông tin đại chúng; khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí; chăm lo đặc biệt về định hướng chính trị, tư tưởng, văn hoá cũng như kỹ thuật đối với báo chí. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, khi đề cập đến công tác lãnh đạo báo chí, tiếp tục khẳng định quan điểm mang tính khoa học: "phát triển đi đôi với quản lý tốt"... Nghị quyết nêu rõ: “Báo chí, xuất bản... làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những gương điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin;... khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, trình độ văn hoá và nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ báo chí, xuất bản".

Để định hướng hoạt động của báo chí, xuất bản trong thời kỳ mới, căn cứ vào tình hình cụ thể, Đảng ta cũng ban hành một số nghị quyết, chỉ thị, thông báo quan trọng. Trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) "Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới", Đảng ta tiếp tục khẳng định:

Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, thông báo, thông tri, kế hoạch nhằm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản, với các nguyên tắc: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với công tác báo chí, xuất bản; phát triển đi đôi với quản lý tốt; nâng cao vai trò của cấp uỷ đảng, cơ quan tham mưu của Đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý báo chí, xuất bản; xử lý nghiêm minh các sai phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, bảo đảm không có báo chí tư nhân, làm tốt công tác tư tưởng và giữ vững trận địa tư tưởng trong bối cảnh tình hình bên ngoài và trong nước có những diễn biến mới, phức tạp.

Nghị quyết và những văn bản chỉ đạo của Đảng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Có thể nêu một số văn bản quan trọng gần đây như: Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay; Thông báo kết luận số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Thông báo kết luận số 68-TB/TW ngày 30-3-2007 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Thông báo số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị về

một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Quyết định số 75- QĐ/TW ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23-4-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Quyết định số 157- QĐ/TW ngày 29-4-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí; Chỉ thị số 25- CT/TW ngày 31-7-2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; Quyết định số 202-QĐ/TW ngày 11-12-2008 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế phối hợp và gắn kết công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận báo chí.

Đề cao trách nhiệm xã hội của báo chí, Đảng ta cũng không hạn chế sự hoạt động của báo chí. Trong hoạt động của mình, thái độ có tính nguyên tắc của Đảng là đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi, hiện tượng tiêu cực, trái với đạo đức cộng sản như bảo thủ, trì trệ, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức quyền, ức hiếp dân chúng... “Cần đưa công khai trên báo, đài hoặc qua các sinh hoạt của các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất"

Để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí của các nhà báo, Nhà nước Việt Nam đã lập ra các trường đại học báo chí, đào tạo nhà báo với trình độ đại học và cao học. Hàng năm có hàng trăm nhà báo ra trường, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực và ý thức trách nhiệm xã hội. Các

trường đào tạo người làm báo ở Việt Nam đã có sự hợp tác, liên kết với các trường đại học báo chí của Pháp và một số nước phương Tây để bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm làm báo. Việt Nam đã cử hàng trăm nhà báo đi bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga,... Báo chí Việt Nam không đóng cửa, biệt lập với thế giới, mà luôn luôn mở rộng quan hệ với các đồng nghiệp ở nhiều nước.

Để bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, giúp nhau bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Việt Nam đã có Hội Nhà báo toàn quốc và các hội địa phương, thu hút hơn 12.000 nhà báo là hội viên. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Hội Nhà báo quốc tế và Liên đoàn Báo chí ASEAN trong nhiều năm qua, tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí khu vực và thế giới, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, tiến bộ và thịnh vượng.

Một phần của tài liệu Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)