Nghề nghiệp, chuyên môn, việc làm

Một phần của tài liệu Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động dạy nghề cho học sinh giáo dưỡng tại trường giáo dưỡng số 2 – Yên Mô – Ninh Bình (Trang 28)

1. Các khái niệm công cụ

1.6.Nghề nghiệp, chuyên môn, việc làm

Nghề nghiệp được nảy sinh, phát triển, tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, khi trình độ sản xuất còn thấp kém, con người chỉ biết chế tạo công cụ đơn giản thô sơ, biết lao động để kiếm sống và biết tổ chức nhau lại thành cộng đồng để cùng tồn tại. Ở thời kỳ này chưa có sự

phân công lao động rõ ràng theo một chuyên môn nhất định, vì vậy khái niệm nghề nghiệp chưa được hiểu một cách rõ ràng, rành mạch.

Để làm sáng tỏ khái niệm nghề nghiệp, cần phải phân tích tìm hiểu các khái niệm có liên quan đến nhau: Chuyên môn, việc làm, nghề nghiệp.

Chuyên môn là một dạng lao động đặc biệt, mà qua đó con người dùng sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của mình để tác động vào những đối tượng cụ thể nhằm biến đổi những đối tượng đó theo hướng phục vụ mục đích, yêu cầu và lợi ích của con người.

Như vậy chuyên môn là một khái niệm hẹp so với khái niệm nghề, nó phân biệt sự khác nhau về từng chuyên môn trong nghề.

Khái niệm việc làm theo giáo sư Lê Thi: Đó là công việc đem lại lợi ích cho người lao động, tạo thu nhập để nuôi sống gia đình và bản thân, bất cứ ngành nghề gì và khu vực kinh tế nào (quốc doanh, tập thể, tư nhân) và không bị pháp luật ngăn cấm.

Theo một số nhà giáo dục học thì việc làm là một vị trí xác định cụ thể của những người có cùng chức danh, thực hiện những nhiệm vụ và công việc tương tự như nhau. Ví dụ: Sửa chữa ô tô tải, sửa chữa ô tô khách là các việc làm trong nghề sửa chữa ô tô. [15.tr.153]

Nghề nghiệp là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng được nhu cầu của xã hội nhằm duy trì sự tồn tại của bản thân mỗi người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

- Định hướng nghề nghiệp

Trong Tâm lý học thì định hướng nghề nghiệp được coi là một quá trình chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp. Sự sẵn sàng tâm lý đó chính là tâm thế lao động - một trạng thái tâm lý tích cực trước hoạt động lao động.

Các nhà giáo dục học hiểu định hướng nghề nghiệp như một hệ thống tác động giúp thế hệ trẻ có cơ sở khoa học trong việc chọn nghề phù hợp với những yêu cầu của sự phân công lao động xã hội, có tính đến hứng thú và năng lực của

từng cá nhân. Xét trên bình diện khoa học lao động, hướng nghiệp là sự xác định tính phù hợp của từng con người cụ thể trên cơ sở xác định sự tương thích giữa những đặc điểm tâm - sinh lý của họ với những yêu cầu của một nghề nào đó đối với người lao động.

Về phương diện kinh tế học, định hướng nghề nghiệp được hiểu là hệ thống những biện pháp dẫn dắt, tổ chức cho người học lựa chọn nghề để họ đi vào lao động nghề nghiệp nhằm sử dụng hợp lý tiềm năng lao động trẻ tuổi của đất nước. Hướng nghiệp góp phần tích cực vào quá trình phấn đấu nâng cao năng suất lao động.

Xét trên quy mô toàn xã hội, định hướng nghề nghiệp góp phần phân bố hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vốn quý cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại phồn vinh cho đất nước. Do vậy, hướng nghiệp có một ý nghĩa to lớn, một khởi đầu quan trọng cho quá trình phát triển lực lượng sản xuất của mỗi quốc gia và ai cũng hiểu.

Như vậy, định hướng nghề nghiệp là hệ thống các biện pháp giúp con người lựa chọn và xác định nghề nghiệp của bản thân trong cuộc sống tương lai trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu xã hội.

- Nguyên tắc chọn nghề

Từ cơ sở khoa học của việc định hướng nghề và chọn nghề trên có thể tổng hợp được những nguyên tắc chính trong chọn nghề như sau:

+ Nguyên tắc thứ nhất: Không chọn những nghề mà bản thân không đủ

điều kiện tâm lý thể chất hay xã hội để đáp ứng yêu cầu của nghề. Chạy theo những nghề mà không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề đề ra thì nhiều khi (không phải mọi trường hợp) sẽ thất vọng, sẽ rất tốn kém thời gian và sức lực cho việc theo đuổi những nghề đó

+ Nguyên tắc thứ hai: Không chọn những nghề nằm ngoài kế hoạch phát

triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng (nếu người chọn nghề muốn ở lại địa phương để sinh sống) và của đất nước nói chung. Đây là yếu tố khách quan phải tính đến, nếu không, khi học nghề xong sẽ rất khó xin được việc làm. Trong trường hợp chọn được một nghề nào đó mà nó đang cần được thay thế bằng nghề

khác thì không nên theo đuổi làm gì. Trong thời gian tới, khá nhiều nghề cũ sẽ mất đi, nhiều nghề mới sẽ xuất hiện phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội.

+ Nguyên tắc thứ ba:không chọn những nghề mà bản thân không thích.

Để có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn cần tìm hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ nhất, có sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố khác nhau, được coi là cơ sở khoa học của việc chọn nghề nghiệp mà các nhà xã hội học đưa ra, được kiểm nghiệm qua thực tiễn như về bản thân, về thế giới nghề nghiệp cũng như nhu cầu của xã hội kết hợp với những nguyên tắc chọn nghề nhất định để có một sự lựa chọn hoàn hảo nhất.

Một phần của tài liệu Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động dạy nghề cho học sinh giáo dưỡng tại trường giáo dưỡng số 2 – Yên Mô – Ninh Bình (Trang 28)