Điểm nhìn bên ngoài

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 26)

5. Cấu trúc của luận văn

1.3.2.2.Điểm nhìn bên ngoài

Điểm nhìn bên ngoài gần giống với điểm nhìn Zero, nhân vật kể chuyện nằm ngoài câu chuyện và chỉ miêu tả lời nói, hành động của nhân vật, không miêu tả nội tâm, không phân tích tâm lý cũng không đánh giá chủ quan. Todorov gọi người kể này nhỏ hơn hoặc bằng nhân vật.

Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được Dư Hoa sử dụng bút pháp trần thuật khá linh hoạt. Trong tiểu thuyết, người tự sự giữ vai trò kể chuyện ngôi thứ ba số ít - người đứng từ bên ngoài quan sát và kể lại diễn biến câu chuyện. Nhưng cái ấn tượng sâu sắc nhất của người đọc về người kể chuyện ngôi ba này là ở chỗ: điểm nhìn của người kể chuyện không hề bị đóng khung bởi một điểm nhìn bên ngoài duy nhất mà người kể chuyện luôn có sự chuyển dịch một cách rất linh hoạt.

Có thể thấy, điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện xuất hiện trong

Chuyện Hứa Tam Quan bán máu không nhiều như điểm nhìn Zero. Tất cả những biến cố về cuộc đời của nhân vật cũng như những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước Trung Quốc đều được kể thông qua một nhân chứng bên ngoài theo

phương pháp khách quan, nhưng thông báo bị giới hạn bởi vẻ bên ngoài và độc giả dường như không hề biết được suy nghĩ của nhân vật này. Ngay phần mở đầu tác phẩm chúng ta đã bắt gặp người kể chuyện đứng ở bên ngoài quan sát rồi kể lại với một thái độ dửng dưng vô can, chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt câu chuyện: “ Ông nội gật gật đầu, nước dãi chảy ra mép, mồm ông méo sệch, hít trở về một ít nước dãi. Ông hỏi (...) Hứa Tam Quan đáp... Ông nội anh tiếp tục hỏi (...) Ông nội Hứa Tam Quan lắc đầu, Hứa Tam Quan nói...” (20. 26). Người kể ngôi ba ở đây không phân tích tâm trạng của ông nội và Hứa Tam Quan mà chỉ kể lại những gì mà anh ta nghe thấy, nhìn thấy. Có những đoạn người kể chuyện giấu mặt kể lại những sự kiện mà không hề có một dòng bình luận hay đánh giá nào về sự kiện ấy. Cụ thể khi kể về sự kiện cách mạng văn hoá, có những lúc tác giả như lùi xa để quan sát những biến chuyển của lịch sử giai đoạn ấy. Những sự kiện ấy được kể một cách khách quan. Chẳng hạn ở chương hai mươi lăm kể về cuộc Cách mạng văn hoá với những sự kiện phê đấu Hứa Ngọc Lan đã thể hiện rất rõ về vấn đề đó. Lời kể ở đây không hề có sự phê phán, không tụng ca, cách kể hết sức giản đơn song đã tạo nên tính khách quan, chân thực cho truyện kể và có khoảng cách nhất định đối với nhân vật, tạo được sự tin cậy cao cho người đọc.

Trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, có lúc người kể chuyện kể theo con mắt máy ảnh- một cách trình bày sự kiện hoàn toàn từ bên ngoài và mang tính “ hành vi”. Nên đọc nhiều đoạn trong tiểu thuyết giống như một bản sao do máy quay phim ghi lại, thiếu vắng điểm nhìn bên trong và có cái nhìn tĩnh tại của máy quay phim khiến sự vật, hiện tượng hiện ra trước mắt độc giả và độc giả có cảm giác như đang được chứng kiến trực tiếp những sự vật, hiện tượng đó: “ Sau khi bán máu ở bệnh viện Hoàng Điếm, Hứa Tam Quan dẫn hai người ra khách sạn bờ sông, anh ngồi ở chỗ sát cửa sổ, anh em Lai Hỉ mỗi người ngồi một bên anh, Hứa Tam Quan nói với hai người ...” (20. 380).

Kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện hàm ẩn, nếu không vận dụng khéo léo sẽ gây cho độc giả cảm nhận về sự thiếu tin cậy của câu chuyện được kể lại. Nhưng ở đây, Dư Hoa đã sử dụng lối kể chuyện điểm nhìn từ bên ngoài một cách khéo léo nên khiến cho câu chuyện sinh động và tạo được một độ tin cậy của độc giả với truyện kể. Theo Diệp Tú Sơn điểm nhìn bên ngoài có điểm nhìn chủ quan và điểm nhìn khách quan, dù là tác giả chủ quan hay tác giả khách quan cũng

đều sử dụng góc nhìn toàn tri để tự sự. Trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, để tạo nên một góc nhìn đa diện, đa thanh, đôi chỗ Dư Hoa đã sử dụng cả góc nhìn chủ quan của mình để kể chuyện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy điểm nhìn chủ quan của tác giả trong tác phẩm ít hơn điểm nhìn khách quan. Bởi vì Dư Hoa là người hiểu hơn ai hết rằng nếu sử dụng quá nhiều điểm nhìn chủ quan mà không có sự gia công đến nơi đến chốn, tác giả thường xuyên vô cớ cắt ngang câu chuyện thì sẽ phá vỡ mạch cảm xúc của độc giả làm ảnh hưởng đến hứng thú theo dõi. Vì thế Dư Hoa không trực tiếp bày tỏ sự nhận xét, đánh giá bằng những đoạn văn dài trong tác phẩm.

Bên cạnh việc sử dụng điểm nhìn chủ quan, người kể chuyện trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, còn sử dụng điểm nhìn khách quan. Qua sự quy chiếu lý thuyết về góc nhìn khách quan, sau khi khảo sát tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, chúng tôi nhận thấy điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện chủ yếu được thể hiện thông qua điểm nhìn khách quan. Với điểm nhìn này, người kể chuyện tái hiện thế giới từ bên ngoài, thông qua hành động và sự việc thể hiện được hoàn cảnh, tâm lý và tính cách nhân vật. Ở đây, người kể không hề bộc lộ thái độ tình cảm của mình trước đối tượng được miêu tả nhưng vẫn tạo được sự tin cậy nơi bạn đọc. Chúng ta đã bắt gặp kiểu tự sự này ở cây bút Lỗ Tấn. Cách tự sự toàn tri khách quan có chút gần với xu hướng nghiêng về phương pháp bộc lộ ý tưởng một cách tự nhiên từ bối cảnh đến tình tiết. Chẳng hạn đoạn văn người kể chuyện kể về hành vi và thái độ của Hà Tiểu Dũng đối với Nhất Lạc. Khi Nhất Lạc đến nhận Hà Tiểu Dũng là bố: “ Hà Tiểu Dũng túm luôn cổ áo Nhất Lạc, nhấc bổng cậu lên, đi mấy bước, Hà Tiểu Dũng nhấc không nổi, liền đặt cậu xuống, sau đó kéo lê xềnh xệch... Hà Tiểu Dũng lôi Nhất Lạc ra đến đầu ngõ mới đúng lại, đẩy Nhất Lạc ra ngoài đường, dí ngón tay vào mũi Nhất Lạc đe...”(20.230). Qua đoạn trích trên, chúng ta thấy người kể chuyện là một người biết hết mọi hành động và thái độ của Hà Tiểu Dũng đối với Nhất Lạc. Trước những thái độ và hành động tàn ác, dã man của Hà Tiểu Dũng người kể chuyện chỉ kể lại một cách chân thực theo đúng sự việc diễn ra chứ không bày tỏ một thái độ bất bình, căm giận hay ủng hộ nhân vật. Chính cách trần thuật khách quan này khiến nhà văn giữ được khoảng cách với nhân vật và hiện thực được kể lại một cách chi tiết, cụ thể, khách quan, chính xác tạo được sự tin tưởng cao cho sự việc được kể.

Như vậy cùng với điểm nhìn chủ quan, điểm nhìn khách quan đã góp phần đem lại tính chân thực sinh động cho truyện kể, đồng thời tạo được một sự tin cậy lớn đối với độc giả. Bên cạnh đó điểm nhìn khách quan cũng tạo được khoảng cách giữa tác giả và sự vật, sự việc được trình bày. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa góc nhìn chủ quan và góc nhìn khách quan trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu của người kể chuyện đã tạo nên cái nhìn đa chiều cho tác phẩm và làm cho tiểu thuyết có sức thuyết phục cao đối với bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 26)