5. Cấu trúc của luận văn
3.2.2.2. Thời gian kể chuyện
Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, sự kể, là thời gian của trật tự các sự kiện đã được phân bố trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện có mở đầu và kết thúc, do đó là thời gian hữu hạn. Thời gian tự sự có tốc độ và nhịp độ riêng do người kể có thể kể nhanh hay chậm, có nghĩa là kể lướt hay là tỉ mỉ, dừng lại miêu tả chi tiết. Khi nào diễn đạt khái quát thì thời gian lướt nhanh, khi nào sa vào miêu tả chi tiết thì thời gian như dừng lại. Do thời gian tự sự có tính không đảo ngược cho nên có thể sắp xếp lại trật tự thời gian của sự việc vào trật tự trước sau. Nó có thể đem cái xảy ra sau kể trước và ngược lại đem cái xảy ra trước kể sau. Thời gian trần thuật luôn mang thời hiện tại. Nhân vật đang nói có nghĩa là thời điểm đang hiện tại.
Thời hiện tại ngữ pháp của lời nói ứng với thời hiện tại của người nói. Khi ta đọc một tác phẩm văn học ta nhập thời hiện tại của tác giả vào với thời hiện tại của người đọc là ta và tạo thành một thời gian nghệ thuật, chỉ có trong nghệ thuật.
Nếu như trong Huynh đệ, Dư Hoa sử dụng các thủ pháp xáo trộn, đảo lộn các bình diện thời gian, đồng hiện thời gian để khái quát cuộc sống, khái quát số phận, thể hiện thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của con người thì trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu - câu chuyện về cuộc đời Hứa Tam Quan được kể theo thời gian tuyến tính. Song đôi chỗ người kể chuyện đã có một độ lùi cần thiết để cho nhân vật sống với quá khứ của mình. Cuộc đời Hứa Tam Quan được nhà văn kể lại trong 389 trang (khổ giấy 13x9cm), nhưng mỗi sự kiện lại được kể trong một độ dài văn bản khác nhau. Thời gian được nói tới trong tác phẩm không theo một thời gian tuyến tính thông thường, nó có độ dài ngắn khác nhau, mỗi sự kiện được tác giả kể trong một độ dài văn bản khác nhau. Chẳng hạn cái đói được Dư Hoa miêu tả trong 52 trang, nhưng sự kiện Công xã nhân dân chỉ được kể trong hơn 4 trang sách.
Đọc tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu người đọc cảm thấy dường như kỹ thuật thời gian không được tác giả gọt rũa một cách cầu kỳ, câu chuyện trải dài trong một thời gian tuyến tính, không có sự xáo trộn, sự đảo lộn về trật tự thời gian một cách ghê gớm. Nhưng thực ra đây là một sự sáng tạo của Dư Hoa. Thời gian trong truyện được kể theo phong cách tiểu thuyết truyền thống và được nhìn bằng con mắt chủ quan của nhà văn. Tác phẩm bắt đầu từ khi nhân vật Hứa Tam Quan là công nhân vận chuyển nhà máy tơ về quê thăm ông nội, từ đây người kể đã dẫn dắt chúng ta qua những chặng đường suốt cuộc hành trình bán máu để mưu sinh của Hứa Tam Quan. Với cách kể chuyện khá hấp dẫn, người kể chuyện đã dẫn dắt và đưa chúng ta trở về với những sự kiện lịch sử của đất nước Trung Quốc.
Trong tiểu thuyết, mặc dù Dư Hoa rất ít đưa ra những mốc thời gian cụ thể mà chỉ dùng những trạng từ rất chung để chỉ thời gian, sự kiện: "Tháng sau", "sau đó", "sau khi", "sáng nay", "một lát sau", "một hôm"… nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời gian trôi đi một cách rõ rệt. Qua lời kể của người kể chuyện, người đọc thấy thoáng một cái Hứa Ngọc Lan chung sống với Hứa Tam Quan 5 năm nhưng có những chỗ thời gian kể chuyện dừng lại rất lâu để làm nổi bật tình thế hết sức bi đát của hoàn cảnh nhân vật và tạo nên sự thắc mắc, hồi hộp đối với bạn đọc. Chẳng hạn quãng thời gian Dư Hoa kể Hứa Tam Quan đi bán máu
để lấy tiền đãi ông Đội trưởng của Nhị Lạc, Hứa Ngọc Lan cảm thấy thời gian trôi qua một cách nhanh chóng khiến chị lo lắng và sốt ruột. Bởi thời gian càng trôi nhanh thì bữa cơm đãi ông đội trưởng của Nhị Lạc càng đến gần mà trong nhà chỉ có hai đồng bạc, Hứa Tam Quan đi bán máu mãi không về khiến cho chị "chờ đến cháy ruột cháygan" (20.319). Thời gian ở đây được cảm nhận qua tâm lý của nhân vật, nhịp độ được đẩy nhanh, dồn dập. Dư Hoa đã đẩy cho các sự kiện đó phát triển nhanh hơn và tường thuật với một nhịp độ khẩn trương, đặc biệt không khí đó toát ra từ trong hành động lo lắng cuống quýt của Hứa Ngọc Lan. Người đọc cảm nhận thời gian ở đây trôi nhanh, gấp gáp, kèm theo nhịp độ thời gian là những sự kiện bất ngờ đầy kịch tính. Chỉ trong vòng một tháng Hứa Tam Quan đã phải bán máu đến hai lần, khi Nhất Lạc ốm những lần bán máu của Hứa Tam Quan càng gần nhau hơn. Diễn biến nhanh chóng, dồn dập khác thường so với dòng chảy thời gian sự kiện trong tác phẩm là một cách gây hiệu quả trong việc đặt dấu ấn đặc biệt vào lòng người đọc.
Có thể nói cách xây dựng thời gian tâm lý này đã tạo khả năng xâm nhập một cách hiệu quả vào thế giới bên trong nhân vật. Để thời gian tuân thủ theo dòng chảy tâm trạng, nghĩa là trong đó có sự đảo lộn các yếu tố thời gian, sự dồn nén hay khuếch tán, sự ngưng đọng hay kéo dài, biện pháp dừng nghỉ ngưng đọng hay kéo dài, nhịp điệu nhanh hay chậm… tất cả do sự chi phối của dòng tâm trạng nhân vật.
Mặc dù Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được Dư Hoa kể theo thời gian trật tự niên biểu nhưng nhiều lúc nhà văn để cho nhân vật có những giây phút hoài niệm, sống với quá khứ. Chẳng hạn cứ mỗi lần Hứa Tam Quan bán máu xong vào khách sạn uống rượu nếp cái, ăn gan lợn xào, anh lại nhớ đến kỷ niệm lần đầu tiên anh bán máu cùng A Phương và Căn Long rồi vào khách sạn Thắng lợi ăn gan lợn xào và uống rượu nếp cái. Kỷ niệm ấy cứ trở đi trở lại trong Hứa Tam Quan. Đặc biệt khi Căn Long chết, kỷ niệm về hai người bạn đã dẫn anh đi bán máu lần đầu tiên, đã dạy anh trước khi bán máu phải uống nước... Những kỷ niệm được gọi về trong ký ức của Hứa Tam Quan trước cái chết của Căn Long khiến cho lòng anh se thắt như những cơn gió cuối thu. Thời gian lúc này là thời gian trong tâm tưởng của nhân vật. Từ hiện tại, câu chuyện có thể ngay lập tức trở về với quá khứ theo dòng hoài niệm của nhân vật. Nên khi đọc tác phẩm, chúng ta thường bắt gặp những cụm từ chỉ thời gian: "sau khi", "giữa lúc", "lúc này", "một lúc",… làm cho sự việc, con người được đặt
trong mối liên hệ chặt chẽ giữa quá khứ với hiện tại tạo nên sự đa chiều trong tác phẩm. Nhờ vậy mạch thời gian kể chuyện cũng trở nên linh hoạt hơn.
Trong tiểu thuyết, thời gian kể chuyện thường là thời gian hiện tại, người kể đóng vai trò người chứng kiến và kể lại câu chuyện nên trong tác phẩm, chúng ta hay bắt gặp những cụm từ chỉ thời gian hiện tại "bây giờ", "hôm nay", "lúc này", "hiện giờ"… và lời thoại các nhân vật rất nhiều. Đây là một công cụ hữu hiệu góp phần làm cho thời gian kể chuyện của tác giả có một sức lôi cuốn đối với độc giả.
Bên cạnh đó, Dư Hoa còn dùng hình thức tỉnh lược để kể, chẳng hạn Dư Hoa dùng cụm từ "hai năm sau", "bốn ngày sau", "bốn ngày vừa rồi", "tám năm trước"… biết bao nhiêu là ngày, biết bao nhiêu là sự kiện diễn ra. hình thức tỉnh lược ở đây khiến cho người đọc có cảm giác về thời gian trôi đi rất nhanh và cuộc đời con người cũng biết bao biến đổi. Bên cạnh hình thức trần thuật ngoái lại, tỉnh lược, nhiều lời thoại tạo cảm giác cho người đọc về thời gian đa chiều. Qua đây, ta thấy thời gian được nói tới trong tác phẩm không theo một thời gian tuyến tính thông thường, nó có độ dài ngắn khác nhau. Các sự kiện đôi khi không kể theo một chuỗi liên hoàn, người kể chuyện dẫn dắt độc giả một cách đầy "ngẫu hứng". Đó là: dòng thời gian tuyến tính theo chủ quan của tác giả, nó vừa là thời gian vật lý thông thường lại vừa là thời gian tâm lý. Nó diễn tả được nhịp sống của con người trong xã hội Trung Quốc đương thời. Nó được nhìn dưới góc độ tâm lý nhằm thể hiện những biến động đột ngột, đầy bất ngờ và kịch tính của truyện kể.