5. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Một số nhân vật khác
Bên cạnh nhân vật trung tâm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu còn có một số nhân vật khác tham gia biểu hiện nghệ thuật kể chuyện như: Hứa Ngọc Lan, Lâm Phân Phương, ông Phương thợ rèn ...
Xây dựng nhân vật Hứa Ngọc Lan, Lâm Phân Phương, nhà văn Dư Hoa muốn dẫn dắt người đọc vào sự phong phú, đa dạng của cuộc sống phái nữ. Khi miêu tả về họ, Dư Hoa không miêu tả như những nhân vật nam, mà tác giả có chỗ dừng lại để miêu tả ngoại hình. Đó là một Lâm Phân Phương, “cô gái có mái tóc dài chấm eo, khi cười hàm răng vừa trắng vừa đều tăm tắp, còn có cả cả một cái lúm đồng tiền, cặp mắt to của cô, nếu để anh được ngắm một đời, anh thầm nghĩ mình sẽ một đời sung sướng dễ chịu ...” ( 20. 50) . “Và một cô gái khác xinh đẹp không kém, cô có cái dáng xinh đẹp, giống như con sông chảy xuyên qua thành phố và người ta gọi cô là Tây Thi bánh quẩy, cặp mắt của cô “sáng long lanh”, cô ấy tên là Hứa Ngọc Lan ...” (20. 5) . Miêu tả ngoại hình họ, Dư Hoa thấy họ thay đổi theo thời gian: Sau khi sinh một đứa con trai, một đứa con gái Lâm Phân Phương bắt
đầu béo phì, cô cắt tóc đuôi sam, để tóc ngang vai “ cổ Lâm Phân Phương ngắn lại, vai thô ra, nhìn eo Lâm Phân Phương không còn rõ nét, nhìn thịt trên ngón tay Lâm Phân Phương xù lên như chuối mắn ... chân béo múp míp” ( 20. 148). Còn Hứa Ngọc Lan, từ ngày chị đẻ ba đứa con trai, chị vẫn xinh đẹp... Họ mang đầy đủ những thiên tính nữ: Lâm Phân Phương có lời nói “dịu dàng, mềm mại” và là một người đàn bà kín đáo, làm tốt thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình. Còn Hứa Ngọc Lan là người đàn bà “tháo vát”, lại còn ghê gớm nữa). Bên cạnh đó, chị còn là người đanh đá, đành hanh, hơi tí chị bù lu bù loa, thậm chí còn dám đánh nhau với vợ Hà Tiểu Dũng và đến đòi Hà Tiểu Dũng phải trả tiền cho con ông Phương thợ rèn ... Song chị còn mang đầy đủ những thiên tính của người phụ nữ: chị thường xuyên nũng nịu với chồng và biết tự chăm sóc sắc đẹp cho mình, vì chị nghĩ làm đẹp cho mình là làm đẹp cho chồng. Trong cuộc sống gia đình, chị là một người vợ, người mẹ rất mực yêu chồng, thương con, chăm lo cho chồng, cho con, biết chắt chiu dành dụm, biết tính toán lo xa cho cuộc sống gia đình. Kể từ ngày chị lấy Hứa Tam Quan, ngày nào chị cũng tính toán để sống, hàng ngày mọi việc trong nhà đều do Hứa Ngọc Lan đảm nhiệm. Ngày sinh nhật của chồng, mặc dù cuộc sống rất khốn khó nhưng Hứa Ngọc Lan vẫn nhớ, chị nấu cháo ngô đường nhiều hơn một bát dành cho Hứa Tam Quan. Điều này khiến người đọc xúc động, bởi trong hoàn cảnh đói kém như vậy mà Hứa Ngọc Lan vẫn nhớ tới ngày sinh nhật của chồng, mặc dù món quà chị dành cho anh chỉ là một bát cháo ngô nhưng nó chứa chất bao nhiêu tình cảm trong đó. Chính hành động ấy của Hứa Ngọc Lan đã làm nổi bật lên tính cách chu đáo của chị. Cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng khi biết chồng bán máu, chị rất đau xót, chị khóc sướt mướt. Khi ông đội trưởng của Nhị Lạc đến chơi, chị lo lắng đãi ông một bữa cơm tươm tất để mong ông cho Nhị Lạc nhanh chóng trở về thành phố. Chị rất đau xót khi thấy Hứa Tam Quan đối xử không công bằng với Nhất Lạc, chị sốt ruột lo lắng khi không thấy Nhất Lạc về và giục chồng đi tìm con, đặc biệt lúc Nhất Lạc bị ốm chị đã cùng chồng lo lắng chạy chữa cho con. Chị căm tức người trưởng phòng cung cấp máu đuổi mắng Hứa Tam Quan bao nhiêu thì chị thương chồng bấy nhiêu. Có thể nói thiên tính nữ đã hội tụ đầy đủ ở con người Hứa Ngọc Lan. Vốn là người mang trong mình những phẩm chất của người phụ nữ phương Đông: yêu chồng, thương con. Trong cuộc sống, mặc dù chị không ưa gì Hà Tiểu Dũng, thậm chí nhiều lúc chị trả miếng vợ Hà Tiểu
Dũng những lời nói hết sức cay độc nhưng chị cũng là một con người rộng lượng, có tình thương, chị đã để cho Nhất Lạc đi gọi hồn Hà Tiểu Dũng. Chị nói với Hứa Tam Quan: “ Em thấy vợ Hà Tiểu Dũng cũng thật đáng thương... Trước kia, họ đối xử với mình như thế nào, mình nên cho qua, nói thế nào thì nói, tính mạng của người ta đang nằm trong tay mình, chẳng lẽ bóp chết mạng sống của người ta hay sao ? ”( 20. 252 ). Có thể nói, dưới ngòi bút của Dư Hoa, thiên tính nữ đã làm nên bản sắc và tâm hồn con người phương Đông. Nhân vật này đã góp phần tạo dựng nên bức tranh chân thực của cuộc sống người dân Trung Quốc đương thời. Thông qua nhân vật Hứa Ngọc Lan người đọc như được tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống, con người của đất nước Trung Quốc và cũng đã hiểu một phần nào cuộc sống, con người và đất nước của họ. Nhân vật Hứa Ngọc Lan chính là người dẫn dắt bạn đọc thâm nhập vào thế giới đó.
Để có thể dẫn dắt người đọc đến với môi trường sống đầy yêu thương chia sẻ lẫn nhau, nhà văn Dư Hoa đã xây dựng thêm một số nhân vật: ông Phương thợ rèn, vợ Hà Tiểu Dũng và người dân ở Lâm Phố... Những con người này, không phải là nhân vật chính trong tiểu thuyết nhưng cũng là một công cụ tự sự giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn tình cảm của nhân gian. Ông Phương thợ rèn là hàng xóm của Hứa Tam Quan, con ông bị Nhất Lạc – con của Hứa Tam Quan đập vỡ đầu, nhưng ông rất diềm đạm, bình tĩnh đến gặp vợ chồng Hứa Tam Quan. Vì không có tiền nên bệnh viện không cho con trai ông uống thuốc, ông đành phải đến bắt nợ nhà Hứa Tam QuanTrước khi chở đồ của nhà Hứa Tam Quan ra về, ông Phương lại nói với hai vợ chồng Hứa Tam Quan: “ Hai xe đồ này nhà anh chị, Hứa Tam Quan không bán ngay đâu, tạm thời để mấy hôm ở nhà tôi, tôi cho anh chị ba ngày, bốn ngày cũng được chỉ cần anh chị đem tiền đến, Phương thợ rèn tôi sẽ chở những thứ này về, đặt vào chỗ cũ tử tế „ ( 20. 127 ). Đến khi Nhất Lạc bị ốm nặng phải đi bệnh viện, Hứa Tam Quan tìm đến ông Phương để vay tiền, ông không ngần ngại, móc túi áo ngực lấy ra mười đồng đưa cho Hứa Tam Quan vay. Điều này làm nổi bật rõ nhân tính của dân gian và sự thuần khiết của nhân tình.
Tình cảm dân gian ấy càng được thể hiện rõ nét hơn khi Hứa Tam Quan dến vay tiền nhà vợ Hà Tiểu Dũng, ba mẹ con vợ Hà Tiểu Dũng cho Hứa Tam Quan vay được mười bảy đồng, hành động đó thể hiện rõ tình cảm dân gian, trong hoàn cảnh khó khăn, tình cảm ấy càng được toả sáng hơn. Tình cảm dân gian cao đẹp đó
còn được thể hiện trên đường Hứa Tam Quan đi Thượng Hải, đến Lâm Phố anh ngồi uống nước sông, người dân Lâm Phố thi nhau hỏi thăm và mời Hứa Tam Quan vào nhà uống nước, mọi người đem cho anh muối, có người đem cho anh ba ấm trà nóng, Điều đó khiến cho người đọc cảm nhận được sự ấm áp của dân gian. Những tình cảm tốt đẹp ấy chính là điểm sáng để nhen nhóm lòng tin vào sự vận động tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người.
Qua một số nhân vật Lâm Phân Phương, Hứa Ngọc Lan, ông Phương thợ rèn ... Dư Hoa đã thể hiện được tư tưởng, tình cảm, tài năng của mình, đồng thời ông đã đưa người đọc đến với những môi trường sống đầy tình thương yêu của con người. Đó là tấm lòng cao cả của nhân gian, một nét đẹp mà con người luôn hướng tới.