Không gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 61)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.2.Không gian tâm tưởng

Trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, bên cạnh không gian hiện thực, Dư Hoa còn miêu tả không gian tâm tưởng.

Không gian tâm tưởng là không gian được tạo ra thông qua tưởng tượng, suy nghĩ của nhân vật. Nó xuất hiện ở bên trong nhân vật, trong tâm trạng của người kể chuyện hoặc xuất hiện vào những lúc người kể hướng ra thế giới bên ngoài do sự thúc đẩy từ cuộc sống bên trong. Không gian này xuất hiện không nhiều trong tác phẩm nhưng nó có ý nghĩa làm bật tư tưởng tình cảm của tác phẩm. Không gian ấy được thể hiện chủ yếu ở những lần Hứa Tam Quan nhớ lại kỷ niệm nơi anh và mấy người bạn cùng bán máu, cùng ngồi ở khách sạn Thắng Lợi và Nhất Lạc hình dung ra bố mẹ cùng hai em của mình ngồi ăn mì xào ở khách sạn ... Đặc biệt thể hiện rõ nhất trong đoạn văn Dư Hoa miêu tả ngày sinh nhật của Hứa Tam Quan. Trong hoàn cảnh đói kém miếng ăn đối với con người rất quý. Mấy đứa con của Hứa Tam Quan thèm được ăn cơm, ăn thịt, cá và muốn ăn thức ăn xào mỡ. Chính vì vậy nhân vật đã tưởng tượng ra một không gian của buổi sinh nhật Hứa Tam Quan với những món ăn khoái khẩu của các thành viên trong gia đình nhưng những món ăn ấy lại được xào bằng mồm và nghe, ăn bằng tai. Mặc dù những món ăn : cơm, thịt kho tàu, cá trích hầm, gan lợn xào chỉ là những món ăn được thưởng thức trong tưởng tượng nhưng mọi người trong gia đình Hứa Tam Quan ai cũng nuốt nước bọt. Đó là cảnh Tam Lạc: “ Dỏng tai lên mà nghe... Gắp một miếng bỏ vào mồm nhai, mùi vị sẽ là thịt mỡ ngậy mà không ngấy, thịt nạc sần sật ứa ra đầy mồm” ( 20. 202). Và là cảnh Hứa Tam Quan làm cho Hứa Ngọc Lan món cá trích hầm. Ở đây, Dư Hoa tạo ra một không gian tâm tưởng bằng một giọng văn hài hước hóm hỉnh. Qua đó, người đọc không chỉ thấy một miền không gian trong tưởng tượng của nhân vật mà không gian ấy còn cho chúng ta thấy hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương của con

người. Trong hoàn cảnh đói khát họ đã tìm thấy sự no đủ của mình trong tâm tưởng. Dường như không gian tâm tưởng đó là lối thoát duy nhất của cuộc sống hiện thực đói khát đang bủa vây họ. Trong văn học Việt Nam, Thạch Lam cũng rất thành công trong việc xây dựng không gian tâm tưởng này. Tạo ra không gian sinh nhật này, Dư Hoa cũng đã tô đậm thêm sự đối lập giữa cuộc sống trong tưởng tượng với cuộc sống ngoài hiện thực, đồng thời làm nổi bật tính cách nhân vật. Trong hoàn cảnh đói kém ấy, họ vẫn cưu mang nhau, vẫn sống đầm ấm và hạnh phúc.

Không gian tưởng tượng trong tác phẩm còn được thể hiện: Sau mỗi lần bán máu, Hứa Tam Quan vào khách sạn ăn gan lợn xào và uống rượu nếp cái anh lại nhớ đến kỷ niệm mình với Căn Long và A Phương. Hay khi Hứa Tam Quan đến bệnh viện không thấy Nhất Lạc, anh thấy đầu choáng váng và anh lại nghĩ đến không gian nơi có chiếc giường Căn Long chết đã bỏ không, anh đã khóc. Không gian tâm tưởng này có ý nghĩa tô đậm thêm bản chất con người nhân vật. Đó là một con người dễ xúc động, thương con rất mực. Không gian này đã góp phần tạo nên tính đa diện, sinh động cho tác phẩm.

Bên cạnh không gian tâm tưởng, trong Chuyện HứaTam Quan bán máu, nhà văn còn tạo ra không gian đồng hiện. Không gian này xuất hiện trong tiểu thuyết không nhiều nhưng nó đã làm nên tính đa chiều cho tác phẩm.

Không gian đồng hiện không tuân theo trình tự lần lượt của thời gian mà tuân theo nguyên tắc đồng thời hay còn gọi là nhiều tuyến cùng phát triển. Kiểu không gian đồng hiện cũng tương tự như thủ pháp dựng cảnh phim song hành hay đan xen trong điện ảnh. Cách tổ hợp không gian theo kiểu này dễ dàng tạo nên những so sánh đối chiếu về hình tượng, hình thành nên một không khí khẩn trương, gấp gáp. Chẳng hạn đoạn văn miêu tả Hứa Ngọc Lan và Hứa Tam Quan nghe tin đồn Nhất Lạc không phải con Hứa Tam Quan thì “Ở trong nhà anh đang nghiến răng, nghiến lợi, thì ở ngoài Hứa Ngọc Lan cũng vừa khóc vừa tố khổ”( 20. 74). Không gian đồng hiện còn thể hiện ở chỗ người kể chuyện tận mắt nhìn thấy đưa ra chứng cớ, nhiều nhân vật xuất phát từ góc nhìn riêng của mỗi người, kể lại cùng một sự kiện. Độc giả liên tục bị dẫn dắt trở lại với đầu mối của câu chuyện, câu chuyện được lặp lại từ đầu nhiều lần, mỗi lần lại xuất phát từ những quan điểm khác nhau, để phán đoán về cùng một sự việc “Đó là sự việc Nhất Lạc bỏ nhà đi, mọi người quen biết Hứa Tam Quan đến nói với anh: “Nhất Lạc nhà anh khóc hu hu đi

về đằng Tây...Nhất Lạc nhà anh không nhận anh là bố nữa... Nhất Lạc nhà anh đâu đâu cũng nhận bố, y như ăn mày...”(20. 232). Chính không gian đồng hiện này là môi trường đa dạng để nhà văn miêu tả cuộc sống, khiến cho hiện thực cuộc sống hiện ra đầy đủ hơn với sự đa diện của nó.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 61)