5. Cấu trúc của luận văn
3.1.2.3. Không gian huyền ảo
Không gian huyền ảo trong tiểu thuyết là không gian vừa thực vừa hư, như trong giấc mơ, thường tạo nên vẻ đep kỳ lạ và bí ẩn. Nó là không gian mang những yếu tố kỳ lạ, hoang đường phi hiện thực mà tác giả sáng tạo để hấp dẫn người đọc, tăng sức cuốn hút. Không gian này được thể hiện trong tác phẩm của F. Kafka, Borges, Lý Nhuệ, Mạc Ngôn...
Trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, yếu tố kỳ lạ hoang đường chỉ xuất hiện trong hai chương (hai mươi ba và hai mươi bốn) của tác phẩm nhưng cũng đã tạo nên màu sắc hư ảo, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. Như chúng ta đã biết bản thân nhà văn Dư Hoa là người rất thích đọc những tác phẩm của F. Kafka, Borges... nên trong tác phẩm này của ông chịu ảnh hưởng rất rõ phong cách viết của họ. Trong tiểu thuyết, với việc vận dụng nhuần nhuyễn thủ pháp tả thực tượng trưng và thủ pháp lạ hoá của văn học phương Tây hiện đại, Dư Hoa đã tạo nên một không gian vừa thực vừa hư nhờ sự đan xen giữa cảnh thực và thế giới thần bí với nhau. Không gian này xuất hiện như một hình thức tự sự độc đáo, đưa người đọc đến với một thế giới kỳ lạ, huyền bí không có trong hiện thực. Bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, Dư Hoa đã tạo ra một thế giới siêu nhiên trong tưởng tượng của nhân vật. Đó là thế giới của ông giời, theo quan niệm của dân gian, ông trời là đấng tối cao thiêng liêng nhất trong vũ trụ, có thể biết hết mọi chuyện trong thế giới nhân sinh thậm chí có một quyền lực vô hạn, có thể phù hộ cho con người và cũng có khả năng trừng phạt những con người sống không đúng với đạo lý. Nên trong tác phẩm khi Hà Tiểu Dũng bị xe tải đâm ngã, Hứa Tam Quan đã nói: “Tục ngữ có có câu ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, làm việc xấu xa lại không thừa nhận, cứ tưởng người ta không biết, nhưng mắt ông giời nhìn rõ hết. Ông giời đã có ý định phạt ai, đừng có nói là bị đâm xe, cho dù có đi dưới hiên nhà hẳn hoi, viên ngói cũng sẽ rơi trúng đầu cho mà xem, cho dù đang đi trên cầu, cầu cũng sẽ xập xuống “(20. 239). Hứa Tam Quan tự cho rằng anh có thân thể cường tráng, sức khoẻ dồi dào là giời thưởng cho anh. Còn Hà Tiểu Dũng bị xe đâm là do trời phạt, chính vì vậy hình tượng ông giời đã ăn sâu
vào trong đời sống tâm linh của con người nên khi Hứa Tam Quan dè bửu Hà Tiểu Dũng, Hứa Ngọc Lan nói:“cẩn thận không giời phạt đấy” Mặc dù ông giời là một đấng siêu nhiên là một thế giới vô hình nhưng Hứa Tam Quan lại rất sợ “giời phạt”
nên từ hôm ấy trở đi anh không xí xa xí xớn nữa.
Không gian huyền ảo trong tác phẩm còn được tô đậm hơn qua lời của ông Trần ở Thành Tây nói: “Con người có hai phần, phần hồn và phần xác, thuốc uống chỉ chữa được phần xác, còn phần hồn không trị nổi bởi hồn anh ấy muốn bay đi, thì không thuốc nào giữ lại nổi. Hồn người ta muốn bay đi, đầu tiên là đi ra từ ống khói nhà mình” (20. 244) và ông cho rằng phải cho con trai của Hà Tiểu Dũng leo lên nóc nhà ngồi lên ống khói gọi về đằng Tây “Bố ơi, bố đừng đi, bố trở về” trong nửa giờ thì hồn của Hà Tiểu Dũng sẽ bay trở lại. Nhất Lạc đi gọi hồn của Hà Tiểu Dũng diễn ra trong một không gian hiện thực nhưng thế giới của phần hồn con người lại mang những nét hư ảo, mang tính chất của thế giới tâm linh. Mặc dù thế giới ấy là cõi vô hình nhưng trong thâm tâm của người dân Trung Quốc họ đều rất coi trọng, nó luôn ám ảnh trong cuộc sống của họ.
Để làm phong phú thêm không gian huyền ảo của tác phẩm. Dư Hoa đã để cho nhân vật liên tưởng tới một không gian khác, không gian của Diêm vương, nơi đó là cõi âm có những người bị Diêm vương bắt xuống. Chính không gian này đã tạo nên phần linh thiêng của cuộc sống con người và tăng thêm màu sắc hư ảo cho tác phẩm.
Trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu thế giới thực đã được đặt bên cạnh với thế giới ảo, cõi dương hoà cùng cõi âm đã tạo nên các tầng, các lớp trong không gian nghệ thuật và đem lại một nỗi ám ảnh lớn đối với người đọc. Trong cuốn Cảm nhận mới về văn học Trung Quốc Phó giáo sư Lê Huy Tiêu nói về thế giới ảo rằng: “Tất cả đều là bịa đặt mà lại có sức hút độc giả vì ai cũng ưa sự lạ” (39. 397).
Không gian ảo trong truyện đã góp phần tạo nên sự ly kỳ, hấp dẫn cho tác phẩm, đồng thời đã tạo nên một dấu ấn riêng cho tiểu thuyết. Cùng với không gian hiện thực; không gian tâm tưởng, không gian đồng hiện; không gian huyền ảo đã đem lại cho tác phẩm một không gian mở. Đó là một không gian tự sự đa diện đa chiều khiến cho cuộc sống của con người được đặt trong một môi trường phong phú và những mối tương quan khác nhau giúp cho người đọc có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm