Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 48)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.4Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Thành công nổi bật trong nghệ thuật tự sự của Dư Hoa ở Chuyện Hứa Tam Quan bán máu là nhà văn đã khắc hoạ thành công nhân vật. Nếu như những tác phẩm của Dư Hoa viết những năm 80 của thế kỷ XX, nhân vật thường là đạo cụ để chở tư tưởng chứ chưa có tính cách thì những tác phẩm sau này, nhà văn đã chú ý miêu tả tính cách nhân vật. Giống như nhà văn Lỗ Tấn, Dư Hoa cũng đã khắc hoạ những nhân vật rất bình thường, giản dị, họ là những con người ở đâu đó ngoài đời nhà văn từng bắt gặp. Đó là ông trưởng phòng cung cấp máu, những người bán máu ...

Xây dựng các nhân vật: Hứa Tam Quan, Hứa Ngọc Lan, ông Lý ... nhà văn không phú cho nhân vật tính cách bên ngoài mãnh liệt như nhân vật Lý Trọc trong tác phẩm Huynh đệ và cũng không giải phẫu trực tiếp tâm lý sinh tồn của nhân vật như anh Từ Phú Quý trong tác phẩm Sống, nhưng tiểu thuyết vẫn thể hiện được sự phong phú thâm hậu của tính cách, nhân vật luôn có sự xung đột, giằng xé bên trong, nhiều lúc sự giằng xé ấy rất quyết liệt. Thực tình trong lòng Hứa Tam Quan rất yêu thương Nhất Lạc nhưng vì lòng ghen và lòng tự trọng trỗi dậy nên anh tỏ ra ghét Nhất Lạc, điều này anh đã tự nhận thấy: “ kỳ thực trong ba đứa con, anh thích nhất Nhất Lạc song rút cục Nhất Lạc lại là con người khác. Có lúc nằm trong sạp mây, Hứa Tam Quan cứ nghĩ, nghĩ mà xót xa trong lòng, đau đớn rơi nước mắt” ( 20. 94 ). Đó là những giọt nước mắt của sự giằng xé đến đau đớn, xót xa trong tâm hồn anh, bởi một mâu thuẫn: đứa con mà anh yêu quý nhất lại không phải là giọt máu của mình. Chính vì vậy trong con người Hứa Tam Quan tồn tại hai mặt đối lập của tính cách: anh vừa nhân ái, bao dung độ lượng lại vừa ích kỷ, tầm thường.

Nghiên cứu nhân vật của Dư Hoa trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu từ góc độ nghệ thuật khắc hoạ nhân vật, chúng tôi thấy, nhà văn sử dụng cả những thủ pháp truyền thống và hiện đại. Những nét truyền thống được Dư Hoa sử dụng để khắc hoạ nhân vật ở đây là miêu tả nhân vật qua ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, qua mối quan hệ với các nhân vật khác, song trong cách xây dựng nhân vật của mình, Dư Hoa vẫn có sự sáng tạo riêng. Trong văn học truyền thống, nhân vật thường xuất hiện qua miêu tả ngoại hình mang tính ước lệ của nhà văn. Còn trong

Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, ngoại hình nhân vật được nhà văn miêu tả đã thoát khỏi tính chất công thức, ước lệ mà đi vào tả thực. Đặc biệt miêu tả ngoại diện nhân vật nữ nhà văn miêu tả khá chi tiết từ mái tóc, hàm răng, lúm đồng tiền, cặp mắt đến cái cổ, vai, eo,... nhưng khi khắc hoạ nhân vật Hứa Tam Quan, Dư Hoa rất ít đề cập đến những chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật mà những yếu tố ngoại hình được Dư Hoa tái hiện dần dần trong quá trình triển khai sự kiện. Ở đầu tiểu thuyết, nhà văn không hề miêu tả ngoại hình nhân vật Hứa Tam Quan như thế nào mà người đọc chỉ biết ngoại hình của Hứa Tam Quan qua sự cảm nhận của Hứa Ngọc Lan: “ xét dáng dấp Hứa Tam Quan điển trai hơn Hà Tiểu Dũng”( 20. 62 ). Đến cuối tác phẩm, nhà văn nhắc đến ngoại hình của Hứa Tam Quan gắn liền với sự kiện đi bán máu lần cuối cùng trong cuộc đời ông: “ mái tóc bạc phơ, răng rụng mất bảy cái, nhưng mắt rất tinh, tai rất thính, vẻ mặt tươi vui”. Qua những yếu tố ấy người đọc cảm nhận được ngoại hình của nhân vật Hứa Tam Quan.

Trong tiểu thuyết, chủ yếu nhà văn khắc hoạ nhân vật qua hành động, những hành động ấy của nhân vật đều liên quan đến nội tâm của họ, nội tâm đều được bộc lộ qua hành động. Hành động đến xin ông Lý được bán máu của Hứa Tam Quan gắn liền với tâm trạng lo lắng mong muốn tìm lối thoát cho cuộc sống.

Để làm nổi bật tính cách nhân vật, trong tiểu thuyết nhà văn đã miêu tả nhân vật trong mối tương quan với nhân vật khác. Bởi qua các mối quan hệ, nhân vật có điều kiện cọ sát với nhau, nhận xét về nhau. Trong tác phẩm, nhiều khi qua những lời nhận xét của các nhân vật về nhau, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc về nhân vật, như đoạn Hứa Ngọc Lan nói về Hứa Tam Quan: “ con không biết anh Hứa Tam Quan tốt như thế nào đâu, có kể đến mấy ngày, mấy đêm cũng không hết cái sự tốt của anh ấy, những chuyện khác tôi không nói, chỉ xin nói mỗi việc bán máu của anh ấy. Vì tôi, vì Nhất Lạc, vì gia đình, hôm nay anh Hứa

Tam Quan nhà tôi đi bán máu...”( 20.144 ). Có thể thấy, ở đây Dư Hoa đã để cho nhân vật tự nói về nhau, tự cảm nhận về nhau. Đây cũng chính là thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để nhà văn tạo nên tính chân thực cho nhân vật.. Những lời nói và cảm nhận trên của Hứa Ngọc Lan đã tạo cho nhân vật Hứa Tam Quan có một điểm nhấn và tính cách con người anh hiện ra đầy đủ hơn, đồng thời giúp người đọc cảm nhận được sự hy sinh cao cả của Hứa Tam Quan cho gia đình và gieo vào lòng người đọc sự cảm phục trước tấm lòng cao cả ấy của nhân vật. Miêu tả nhân vật trong mối tương quan với các nhân vật khác khiến cho tính cách, con người nhân vật được bộc lộ đầy đủ, chân thực, sinh động hơn. Nhà văn đặt nhân vật Hứa Tam Quan trong mối quan hệ gia đình với ông, với chú thì anh là người sống có hiếu; với vợ, với con, anh là một người chồng người cha tốt, hết lòng vì vợ, vì con, nhiều lúc anh hy sinh cả bản thân mình cho vợ, cho con; Còn đặt Hứa Tam Quan vào trong mối quan hệ với bạn bè, hàng xóm thì anh là người sống rất ân tình, ân nghĩa. Như vậy đặt nhân vật trong mối tương quan với nhau, các nhân vật sẽ tự soi sáng và tự làm nổi bật tính cách cho nhau, đây là một trong những thủ pháp nghệ thuật đem lại giá trị nghệ thuật rất lớn trong nghệ thuật kể chuyện của Dư Hoa.

Tài năng khắc hoạ nhân vật của Dư Hoa trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu còn thể hiện ở chỗ nhà văn xây dựng những nhân vật giàu nội tâm. Điểm đáng lưu ý là trong Chuyện Hứa Tam Quan bánmáu dường như chúng ta không thấy nhà văn miêu tả hành động “chết”của tâm lý, tất cả những hành vi của nhân vật người đọc có thể nghe được, nhìn thấy được. Trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, mặc dù nói và hành động là hai phương thức chính thể hiện nhân vật, nhưng Dư Hoa cũng rất chú ý thể hiện nội tâm nhân vật. Ông tỏ ra là người tài năng trong việc nắm bắt những biến thái sâu sắc, những rung động tinh vi trong tâm hồn con người, từ những quá trình tâm lý đơn giản cho đến những biểu hiện muôn hình, muôn vẻ của tình cảm, của ý chí. Dưới ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật của Dư Hoa, thế giới tâm lý con người hiện lên là cả một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn và phức tạp. Nhà văn đã thể hiện rõ biệt tài của mình khi lách sâu vào tâm hồn con người, nắm bắt và miêu tả sắc nét những trạng thái tâm lý phức tạp. Đó là tâm trạng của Hứa Tam Quan lần đầu tiên bán máu được nhiều tiền, anh phân vân, tính toán, tiền xương máu này sẽ tiêu như thế nào? Và những định tính của anh: “Chú Tư ạ, vừa giờ đứng lên cháu đột nhiên nghĩ đến việc lấy vợ, coi như số tiền bán máu cháu đã

tiêu đúng chỗ” ( 20. 49 ). Hiện tượng lưỡng tính trong tâm lý nhân vật Hứa Tam Quan cũng được nhà văn thể hiện rõ: có những lúc bề ngoài Hứa Tam Quan tỏ ra ghét Nhất Lạc, gọi Nhất Lạc là “thằng lỏi lạc loài”, không cho Nhất Lạc tiêu vào tiền bán máu của anh và còn hắt hủi Nhất Lạc nhưng bên trong con người anh đang diễn ra một nỗi đau ngấm ngầm bởi đứa con mà anh thích nhất là Nhất Lạc song rút cuộc Nhất Lạc lại là con người khác. Một trong những động tác thể hiện tâm trạng của nhân vật là chảy nước mắt. Trong tiểu thuyết, Hứa Tam Quan đã khóc khá nhiều lần: lần thì nghĩ về Nhất Lạc không phải con của mình mà anh đau đớn rơi nước mắt; ...Anh đến bệnh viện không thấy Nhất Lạc, anh tưởng Nhất Lạc chết anh đã khóc, nhưng khi nhìn thấy Nhất Lạc, anh đã khóc, khóc vì trông thấy Nhất Lạc vẫn còn sống. Đó là giọt nước mắt của niềm sung sướng, hạnh phúc tột cùng của một người cha giàu lòng yêu thương con. Có thể nói, khóc là phương tiện thể hiện tình cảm duy nhất của Hứa Tam Quan. Ở mỗi cảnh huống, nhân vật lại có những tình cảm riêng, sự đan xen các trạng thái tình cảm của nhân vật làm cho nhân vật hiện lên không đơn giản một chiều mà luôn sinh động và đa diện.

Để góp phần làm nổi bật nội tâm nhân vật trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những đoạn độc thoại nội tâm xen vào những hành vi cử chỉ của nhân vật. Đây là một thủ pháp có vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện tâm lý nhân vật, tạo được yếu tố khách quan cho đời sống mỗi nhân vật, làm cho hình tượng nhân vật trở nên chân thực, sinh động hơn. Đồng thời độc thoại nội tâm giúp nhân vật phô bày cái tôi cá nhân của mình, nghĩa là nhân vật tự thể hiện bản chất tâm hồn của mình, tự thú lương tâm, trách nhiệm của mình với cuộc sống. Qua độc thoại nội tâm, nhân vật hiện lên đầy đủ, phong phú về đời sống tâm hồn, chiều sâu tâm lý, nên độc thoại nội tâm trở thành thủ pháp cơ bản, hữu hiệu nhất giúp nhà văn thể hiện tâm lý nhân vật. Có những lúc trong tiểu thuyết, nhà văn để cho nhân vật tự ý thức về bản thân mình trong mối quan hệ với xung quanh, tự mình bộc lộ với mình những cảm xúc và suy nghĩ trung thực nhất. Điều này thể hiện rõ khi Hứa Tam Quan nghĩ cuộc Đại Cách mạng văn hoá là dịp để trả thù cá nhân nên“ mấy hôm nay nằm trên giường anh cứ đăm chiêu suy nghĩ, có nên tìm ra một kẻ thù, viết một tờ báo chữ to, báo mối thù xưa” ( 20. 269). Với việc đi sâu vào tâm lý nhân vật, đặc biệt là bằng việc sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm, nhân vật trong tiểu thuyết được tiếp cận thêm một hướng mới, bởi vì: “ Sự sống đích thực của nhân cách chỉ có thể hiểu được bằng cách

thâm nhập vào nó dưới dạng đối thoại, một sự đối thoại mà cá nhân tự nó sẽ bộc lộ bản thân mộtcách tự do để đáp lại ” (2.145).

Trong tiểu thuyết người đọc luôn thấy nhân vật băn khoăn, day dứt tự trách, nghĩ thầm... Thông qua dạng độc thoại này, nhân vật tự biểu hiện tư tưởng, tình cảm với chính bản thân mình, những chuyển biến hay những suy nghĩ thầm kín mà thực ra chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”. Với độc thoại nội tâm, Dư Hoa vừa vẽ ra diện mạo tinh thần bên trong vừa phơi mở được những suy nghĩ sâu kín nhất của nhân vật, nhờ đó mà bộc lộ trực tiếp quá trình bộc lộ tự thân của tư tưởng cũng như sự mâu thuẫn phức tạp của tình cảm con người. Tuy nhiên trong quá trình miêu tả tâm lý nhân vật, Dư Hoa không thể hiện tập trung tất các nét, các đặc điểm này hay khác của tâm lý, tính cách nhân vật trong một đoạn tác phẩm mà rải chúng khắp tác phẩm. Nhà văn thường xuyên bố trí xen kẽ những đoạn miêu tả tâm lý với những đoạn thể hiện thế giới sự vật bên ngoài. Chính cách bố trí ấy đã tạo nên những điểm dừng trong tác phẩm và nhờ vậy nhân vật và độc giả có điều kiện cùng chiêm nghiệm đời sống. Tât cả những thủ pháp nghệ thuật khắc hoạ nhân vật trên của Dư Hoa đã tạo nên một kiểu nhân vật khác xưa – kiểu nhân vật đa dạng, phong phú nhưng vẫn thống nhất trong tính cách.

Tiểu kết

Xây dựng nên những nhân vật sinh động có tính cách, có thể nói đó là thành công lớn của Dư Hoa. Các nhân vật người bán máu, người mua máu... không chỉ là những nhân vật chở tư tưởng của nhà văn mà chúng còn tham gia đắc lực vào việc dẫn dắt truyện kể. Thông qua các nhân vật trên, người đọc có thể thâm nhập vào những môi trường khác nhau của cuộc sống ở đất nước Trung Quốc, đồng thời thấy được tư tưởng tình cảm mà nhà văn được mã hoá trong đó. Đặc biệt thủ pháp khắc hoạ nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện sự sáng tạo lớn của Dư Hoa trong nghệ thuật kể chuyện.

Chƣơng 3: KHÔNG GIAN, THỜI GIAN TỰ SỰ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 48)