Thời gian cốt truyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 66)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.1.Thời gian cốt truyện

Thời gian cốt truyện là thời gian mà câu chuyện diễn ra, đó còn gọi là thời gian hiện thực, thời gian khách quan hay thời gian vật lý. Nó là thời gian sự kiện được nói tới. Đây chưa phải là thời gian nghệ thuật nhưng là cơ sở của nó. Thời gian cốt truyện bao gồm: Thời gian sự kiện, thời gian nhân vật, thời gian thiên nhiên.. Đọc Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, người đọc thấy nổi bật lên thời gian sự kiện. Đó là thời gian tiền sử là thời gian của tuổi thơ Hứa Tam Quan: khi Hứa Tam Quan chạc mười ba tuổi, bố đẻ của anh đã qua đời, mẹ của Hứa Tam Quan đi theo một người đàn ông khác, một mình anh sống bơ vơ giữa thành phố, rồi anh về quê tìm ông nội. Còn thời gian truyện là độ dài của câu chuyện xoay quanh cuộc đời, số phận của nhân vật trung tâm - Hứa Tam Quan. Đó là thời gian được tính từ khi Hứa Tam Quan hơn hai mươi tuổi làm công nhân vận chuyển kén tằm trong thành phố cho đến khi Hứa Tam Quan ngoài sáu mươi. Như vậy thời gian cốt truyện của Chuyện Hứa Tam Quan bán máu khoảng hơn bốn mươi năm. Song trong khoảng thời gian bốn mươi năm của cuộc đời con người ấy diễn ra biết bao sự kiện, bao nhiêu biến cố. Lần đầu tiên Hứa Tam Quan bán máu, anh còn rất trẻ mới ngoài hai mươi tuổi. Lần bán máu này, anh đã có tiền cưa đổ và lấy Hứa Ngọc Lan. Thời gian sự kiện Hứa máu đầu tiên của cuộc Tam Quan cưa đổ và lấy Hứa Ngọc Lan chỉ trong vòng một tháng. Trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, thời gian sự kiện đáng chú ý được nhắc đến bằng những con số cụ thể là thời gian của sự kiện thành lập Công xã nhân dân:“ năm một nghìn chín trăm năm mươi tám”- thời điểm của cuộc sống tập thể, nên tất cả ruộng đất, xoong nồi, bát đĩa … của nhân dân đều bị thu sạch. Đây là thời kỳ người dân Trung Quốc phải đến ăn cơm ở nhà ăn tập thể rất vất vả. Nhưng thời gian lịch sử của cuộc sống “bao cấp” ấy chỉ tồn tại trong thời gian một năm. Các nhà ăn toàn thành phố vừa ngày nào vẫn đông đúc xô đẩy, chen lấn nhau nay “đều đã đóng cửa”, người dân lại phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Thời gian trên là thời gian hiện thực của thời đại trong và sau Công xã nhân dân. Khoảng thời gian này không được tác giả miêu tả nhiều nhưng nó đã để lại trong lòng bạn đọc một dấu ấn về lịch sử của đất nước Trung Quốc. Đó là không khí của thời đại Công xã nhân dân bao trùm lên toàn bộ đất nước Trung Quốc: từ nông thôn

đến thành phố. Qua đây chúng ta thấy được bức tranh cuộc sống của người dân Trung Quốc trong những ngày tháng đặc biệt ấy. Sau những tháng ngày của Công xã nhân dân, người dân Trung Quốc từ nông thôn đến thành phố lại sống trong những ngày lụt lội và đói kém. Khoảng thời gian lụt lội đã được người kể chuyện thống kê khá cụ thể “ Trong một năm sáu tháng, gia đình Hứa Tam Quan có bảy ngày thành ao, nước chảy ra chảy vào trong nhà anh, buổi tối lúc đi ngủ vẫn còn nghe thấy tiếng sóng” ( 20. 189). Thời gian này cái đói bao trùm cả không gian nông thôn, lan sang thành phố khiến cho người ăn xin đổ về thành phố ngày càng nhiều. Có thể nói đây là khoảng thời gian khốn khó thê thảm nhất của người dân Trung Quốc, cái đói hành hạ họ khiến cho:“khuôn mặt họ mỗi ngày mỗi khác, càng ngày càng gầy tóp đi” ( 20. 189). Mọi hoạt động của cuộc sống con người bị ngừng trệ. Nhà Hứa Tam Quan đã phải húp cháo ngô trong vòng năm mươi bảy ngày. Khoảng thời gian năm mươi bảy ngày ấy là khoảng thời gian của đồng hồ, thời gian của vật lý nhưng thời gian ấy được nhân vật nhìn nhận qua cuộc sống đói kém của mình nên người đọc có cảm tưởng thời gian ấy như kéo dài ra rất lâu. Khoảng thời gian này có ý nghĩa tô đậm cuộc sống lay lắt đầy thảm thương của gia đình Hứa Tam Quan nói riêng, của tất cả người dân Trung Quốc nói chung. Trong khoảng thời gian trôi qua một cách nặng nề ấy, gia đình Hứa Tam Quan đã tìm cho mình một lối thoát qua tâm tưởng của nhân vật. Điều này thể hiện rõ ở cách nấu ăn chiêu đãi vợ con trong ngày sinh nhật của Hứa Tam Quan.

Thời gian lịch sử của tác phẩm còn thể hiện rõ nét trong thời Đại Cách mạng văn hoá. Đó là cảnh đường phố đông nghìn nghịt, rồi cảnh ông chủ tịch huyện vừa cầm chiếc chậu rách vừa gõ vừa tự chửi mình là chó ... Đó là thời đại có những cảnh đánh đập, hành hạ con người rất dã man, tàn bạo, thời đại của con người tôn sùng người đứng đầu chính quyền một cách mù quáng. Điều này thể hiện khá rõ qua việc người dân Trung Quốc “tuyệt đối trung thành” với Mao chủ tịch.

Trong tác phẩm, thời gian tự sự về cảnh phê đấu của cách mạng văn hoá đã để lại một dấu ấn lịch sử sâu sắc trong lòng bạn đọc. Đó là thời gian của những ngày Hứa Ngọc Lan bị phê đấu ở khắp nơi. Đó là cảnh Hứa Ngọc Lan cứ dăm ba hôm lại bị dong đi từ sáng cho đến chiều. Đối với Hứa Ngọc Lan, những ngày này trôi đi một cách nặng nề nhất. Qua thời gian lịch sử của cuộc Đại Cách mạng văn hoá này, người đọc thấy một thời đại lịch sử tàn nhẫn có một không hai ở đất nước

Trung Quốc. Qua đây, nhà văn ít nhiều cũng bộc lộ thái độ phê phán lịch sử. Có thể nói trong tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu Dư Hoa đã đề cập tới những mốc thời gian thay đổi sơn hà, thịnh suy của xã hội, nó được đánh dấu bằng những ngày thành lập Công xã nhân dân, lũ lụt đói kém và những ngày của cuộc Đại Cách mạng văn hoá... Tất cả mọi cái đó làm thay đổi cuộc sống và số phận con người. Tái hiện những sự kiện lịch sử ấy, Dư Hoa nhằm khám phá ra những phẩm chất tâm hồn cũng như số phận bi kịch của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng dân tộc trong những biến cố của thời đại. Nhờ có những chi tiết cụ thể và cặn kẽ về thời gian sự kiện đã làm cho câu chuyện gần gũi với cuộc sống hơn và tạo được độ tin cậy đáng kể nơi bạn đọc.

Trong tiểu thuyết, thời gian sự kiện những lần bán máu của Hứa Tam Quan được miêu tả khá rõ nét. Anh bán máu lần đầu tiên khi anh mới hơn hai mươi tuổi, sau đó mười năm anh lại bán máu để lấy tiền đền cho con nhà hàng xóm vì bị Nhất Lạc đập vỡ đầu. Từ đây khoảng cách những lần bán máu của Hứa Tam Quan ngày càng rút ngắn lại.

Có thể nói thời gian sự kiện trong tác phẩm đã làm nổi bật được cuộc sống con người. Trải qua thời gian con người có những thay đổi vì sức khoẻ, ngoại hình, nó làm cho con người già đi. Trải qua thời gian hơn sáu mươi năm của cuộc đời “mái tóc của Hứa Tam Quan đã bạc phơ, răng ông đã rụng mất bảy cái” (20.400).

Thời gian cốt truyện còn được thể hiện qua thiên nhiên. Đó là thời gian theo mùa xuân, hạ, thu, đông, của sáng, trưa, chiều, tối và thời gian ấy được thể hiện thông qua ánh nắng ráng chiều và ánh trăng… Thời gian thiên nhiên trong tác phẩm có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm hồn của nhân vật. Trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu dấu ấn của mùa đã in đậm trong tác phẩm đó là mùa hè với cái nắng oi ả, mùa thu với cái se lạnh của cuối thu và mùa đông với cơn gió lạnh đến tê người. Thời gian mùa ở đây còn có ý nghĩa diễn tả tâm lý nhân vật. ánh nắng mùa đông chiếu vào khuôn mặt Hứa Tam Quan khiến cho mặt anh hồng hào, phải chăng cũng có ý nghĩa biểu hiện niềm vui trong lòng Hứa Tam Quan. Chính nhờ ánh nắng ấy khiến cho mặt anh trở nên hồng hào và anh bán được máu. Thời gian thiên nhiên trong tiểu thuyết được miêu tả thông qua ánh nắng, bóng đêm, ánh trăng và ráng chiều. Những hình ảnh thiên nhiên đó mang đậm cảm thức về thời gian và nó biểu tượng cho những khoảng thời gian trong ngày: Sáng, trưa, chiều, tối và

đêm. Thời gian thiên nhiên này như một dấu hiệu lấn át làm nhoè thời gian sự kiện. Người đọc, có thể nhận biết rõ các buổi sáng, trưa, chiều, tối và nhận biết rõ mùa với những biểu tượng riêng độc đáo nhưng buổi sáng, trưa…, mùa đó ở ngày nào, năm nào thì lại rất khó xác định.

Thời gian trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu xuất hiện dày đặc. Nó như một nhân tố nghệ thuật tác động đến yếu tố thẩm mỹ, tư tưởng của tác phẩm. Dù có cách tân táo bạo hay phiêu lưu trong nhiều tuyến thời gian nhưng tác giả đã khéo léo kết hợp tính truyền thống và hiện đại. Trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu

ngoài một mốc thời gian cụ thể năm Công xã nhân dân thành lập thì không có một mốc thời gian cụ thể nào khác mà chỉ có số liệu chỉ thời gian "Hai năm sau", “trong vòng 5 năm”, "Mười ngày nay"… và các từ chỉ thời gian ước chừng của tác giả như: "Sau đó", "mùa hè năm ấy", "lúc này", "bây giờ"… xuất hiện với tần số dày đặc. Song người đọc vẫn có thể xác định được thời gian của câu chuyện nhờ những chi tiết "Trên đường phố đông nghịt người nào cũng đeo băng đỏ trên ngón tay, đi diễu hành, viết biểu ngữ, dán, giấy chữ to "(20.267). Thời gian ở đây gắn liền với biến động cuộc đời nhân vật.

Thời gian trong Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được tính bằng: "Vài phút sau", "một lát", "hai hôm", "một tháng", "chín năm"… Tất cả các yếu tố thời gian trên vừa là cái khung cho nhân vật hoạt động và suy nghĩ vừa là yếu tố nghệ thuật góp phần tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm. Cùng xuất hiện với các sự kiện lịch sử, xã hội, thời gian đã dựng lại một bức tranh xã hội Trung Quốc trước và sau cách mạng văn hoá, đồng thời góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của Dư Hoa qua tiểu thuyết Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (Trang 66)