Giọng “uy mua”

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 87)

Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng là sự đan xen của nhiều giọng điệu nhưng nếu được hỏi đâu là giọng điệu chủ đạo quán xuyến trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng thì người viết không ngần ngại trả lời đó là giọng “uy-mua”. Đó là một dấu ấn rất riêng của tạo nên phong cách của nhà văn Nam Bộ này. Phan Đắc Lập đã từng nhận định: “Nguyễn Quang Sáng là cây bút độc đáo với giọng văn dí dỏm, châm biếm nhẹ nhàng- giọng văn uy-mua (humour)” [82; tr.106]. Thống nhất với quan điểm đó, Bùi Việt Thắng cũng thừa nhận : “Đọc văn của Nguyễn Quang Sáng, thấy ẩn giấu sau mỗi câu chữ là tiếng cười kể cả khi viết về những sự gay cấn, nguy hiểm nhất. Tiếng cười đó làm thư giãn và thanh thản người đọc, giúp họ khỏe hơn, yêu đời hơn” [79; tr.15].

Giọng văn “uy-mua” xuất hiện từ sớm trong các tác phẩm Nguyễn Quang Sáng viết về chiến tranh. Tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm Một truyện vui. Ngay từ nhan đề truyện đã báo hiệu tiếng cười. Rồi cứ thế câu chuyện tự kể của Bảy Ngàn- anh nông dân Nam Bộ mưu trí và dũng cảm, lém lỉnh mà dễ thương- làm người đọc bị cuốn hút say sưa, sảng khoái. Bằng giọng hài hước và sôi nổi, anh hào hứng kể lại một ngày đặc biệt của mình khi chỉ với một súng, một xuồng mà đánh lui được cả tàu mủ lẫn máy bay địch. Dí dỏm sao những khi anh nói phách: “phải nói thật là đạn nó chê mình. Đạn vừa bay tới chỗ tôi thời nó tạt ra hai bên hết”, đáng yêu sao lúc anh bị chọc quê: “quýnh mà nghĩ nhiều như vậy được à?”, và hài hước vô cùng cái hành động anh “xắn quần trỏ...lên” khiêu khích địch. Từ lúc Bảy Ngàn cất tiếng oang oang đến khi “anh đưa tay giằng xuống như nhạc trưởng đang đánh nhịp và nói: - Hết”, chất giọng “vui vui”, “tếu tếu” ấy cứ tràn ngập cả câu chuyện. Nó gợi nhắc những mẩu chuyện cười của bác Ba Phi giữa mênh mông nước trắng Tháp Mười (như rắn tát cá, leo cây ớt gãy chân…). Cũng lối cường điệu

có phần hơi “quá đáng”, cũng lối kết thúc bằng một câu khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ, Một truyện vui sống động, mượt mà âm sắc trào lộng, “sục lên cái mùi vị sông nước Tháp Mười và cả chất Nam Bộ đậm đặc không thể nào trộn lẫn” (Trần Đăng Khoa). Nếu những câu chuyện của bác Ba Phi ẩn chứa tính cách hào hùng của lớp người đi mở đất thì trang viết của Nguyễn Quang Sáng lại gây ấn tượng sâu cho người đọc về phẩm chất anh hùng, lạc quan của con người miền Nam những năm chống Mĩ. Hình như càng mưa bom bão đạn người dân Nam Bộ càng ung dung, tươi trẻ, yêu đời. Chị Bảy (Người đàn bà Tháp Mười) vẫn giữ được sự vui tính: “Con tôi nó nằm trong bụng hàng đàn đây nè. Mỗi lần nhà tôi về, từ trong bụng tôi, nó “dạ” ran lên, nghe mà phát mệt” [61; tr.163]. …Và còn nhiều nữa những trang viết lấp lánh tiếng cười. Có thể nói, bằng giọng điệu uy- mua, Nguyễn Quang Sáng đã làm cân lại những mất mát đau thương mà người dân Nam Bộ phải gánh chịu thời chiến tranh và làm bật lên một phương diện độc đáo trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở mảnh đất Thành đồng.

Y hệt như người nông dân Nam Bộ rất nhạy cảm với cái hài tiềm ẩn trong cuộc đời, Nguyễn Quang Sáng ưa sự hài hước, dí dỏm bởi vậy giọng điệu “uy- mua” càng đậm nét hơn ở những sáng tác của ông sau 1975. Có khi vì người kể chuyện cố giữ vẻ nghiêm trang (“tỉnh bơ”) mà khiến người đọc phải bật cười: “Vậy là mình bị khai. Vào tù gặp thằng Điền, chính nó khai tao. Nó bảo như vầy mày nghe có được không? “Để mầy ở ngoài, tao sợ mày hư”. “Tao hư hồi nào?”. “Sắp làm tư bản mà không hư à? Vào đây để mà rèn luyện. Nhà tù là trường đại học của cách mạng, mầy quên à?” [54; tr.80]. Có khi vì sự rắc rối đáng yêu của nhân vật- như Tấn trong Người bạn lính: “Cha ơi! Cái đêm đầu của vợ chồng, vừa háo hức, vừa bối rối chẳng biết tỏ lòng thế nào cho phải…Chẳng có đứa nào ngủ, cứ trằn trọc chẳng biết nói năng gì, chỉ nghe hơi thở của nhau. Cho đến gần sáng nghe tiếng rền của phản lực, nghe

tiêng bom dội lại từ xa, mình bỗng chợt nghĩ, nếu bom B52 rớt xuống, thì mình mang tiếng là thằng có vợ mà chẳng biết gì. Nghĩ vậy, tao liền bật dậy như một người lính xung trận, “lên cò nổ liền mấy phát”. Sau đó tao hoảng, không biết vợ trách thế nào đây. Không ngờ, cô ta ôm cổ tao thì thầm: - Anh đúng là một anh hùng!” [62; tr.187]. Có khi vì những câu bông đùa được buông ra trong hoàn cảnh căng thẳng: “trong cuộc họp của cấp uỷ có một câu hỏi đặt ra, nếu thành phố có bạo loạn hoặc có một lực lượng phản động nào đó đánh vào thành phố thì ta bảo vệ cơ quan nào trước nhất. Một giả thiết đặt ra làm đầu óc mọi người căng thẳng. Thành viên hội nghị lần lượt phát biểu với lý lẽ riêng. Người thứ nhất bảo, nơi bảo vệ trước nhất là cơ quan Thành uỷ, vì đây là trung tâm lãnh đạo của Đảng. Người thứ hai thì bảo vệ trụ sở Uỷ ban vì đây là trụ sở của trung tâm Chánh quyền. Người thứ ba thì phải bảo vệ Đài phát thanh truyền hình vì đây là cái loa, là hình ảnh của chế độ. Người thứ tư thì phải bảo vệ ngân hàng vì muốn làm gì cũng phải có tiền. Đến người thứ năm, Mười Biện, đại tá công an với sắc phục của ông, ai cũng chú ý, ông đại tá Mười Biện đứng lên trịnh trọng: Với tôi nơi cần bảo vệ đầu tiên- nói đến đây ông dừng lại cho mọi người chú ý- nơi bảo vệ đầu tiên là nhà máy bia” [55; tr.103]…Những tiếng cười như thế cứ cất lên sảng khoái, làm thư giãn và thanh thản người đọc, giúp họ khỏe hơn, yêu đời hơn.

Phải nói rằng giọng điệu uy- mua đã tạo cho Nguyễn Quang Sáng một lối văn rất “hoạt”, làm cho cái rắc rối trở nên giản dị và lấp lánh nụ cười. Cùng một trường đoạn, ông có thể chuyển từ cung bậc nghiêm trang sang hài hước mà không gây hụt hẫng cho người đọc: “Sau 5 năm ra tù bả đi với người khác. Trái đất như sụp dưới chân tao. Tao bị độc thân như tao có lỗi với cách mạng…ha ha!” [54; tr.73]. Trần Đăng Khoa từng gọi vui: đó là lối kể chuyện của “những người uống rượu”- thoải mái, phóng khoáng, hồn nhiên, say sưa,

gần gũi đáng yêu). Có thể nói chính văn hóa Nam Bộ với lời ăn tiếng nói và cốt cách sống mộc mạc, phóng khoáng đã đi thẳng vào văn Nguyễn Quang Sáng và tạo cho ông chất muối đậm đà ấy. Vùng đất giản dị nhưng lại ngầm chứa bên trong bao nhiêu là bí ẩn, say mê. Ra khỏi không gian phù sa màu mỡ ấy, văn Nguyễn Quang Sáng sẽ lạc nhịp, sẽ mất đi vẻ đẹp chân chất, ngang tàng hóm hỉnh rất đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 87)