Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Quang Sáng tạm rời quê hương Đồng Tháp vào Sài Gòn. Cùng với đó, các sáng tác của ông sau 1975 được nảy sinh trong bối cảnh thành phố ồn ã, nghiêng về cảm hứng thế sự với bao trăn trở trước sự phức tạp của cuộc đời. Vì vậy, dễ hiểu tại sao không gian phố thị Sài Gòn lại trở thành không gian nghệ thuật chủ đạo trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng thời kì này.
Khác với Đồng Tháp Mười mênh mang nước và bạt ngàn nắng gió, Sài Gòn là một mảnh đất chật hẹp, đông đúc, xô bồ “nhiều nhà, nhiều khuôn mặt, nhiều quần nhiều áo, nhiều ánh đèn, nhiều xe, nhiều bụi” [55; tr.59]. Tính chất khép hẹp của không gian này được toát lên từ những tín hiệu nghệ thuật cụ thể như ngôi nhà, đường phố, ngõ hẻm.
Còn đâu hình ảnh ngôi nhà sàn rộng rãi, nhìn ra bờ sông lộng gió, ngày đêm nghe tiếng sóng thì thầm, nhà ở Sài Gòn bị thu hẹp lại thành không gian sinh hoạt chật chội, bẩn thỉu. Đó là cái chuồng heo cũ mà hai vợ chồng Nam (Con mèo của Foujita) “ở đậu trong Xóm Củi. Một cái chuồng heo nghĩa địa, đắp đất lên làm vách, lợp mái, kê mấy miếng ván chớ không có được một cái
giường…Có một đêm mưa đầu mùa phân heo lâu đời dưới cái nền bốc dậy lên muốn bể đầu” [54; tr.74]. Đó là “cái chòi trên khoảnh đất nhỏ ở Cầu Tre” hay cái nhà ổ chuột “lợp tôn thấp và bé nhỏ như chuồng chim, rác rưởi đường mương nước cống xông lên nồng nặc” che giấu bí mật cuộc đời Linh Đa (Linh Đa). “Sang” nhất thì có “căn hộ không quá hai mươi mét vuông, toa- let thì toa-let tập thể”, nơi đạo diễn Trần Chính (Tạo hoá giữa trần gian) ấp ủ những ước mơ nghệ thuật. Đi liền với những ngôi nhà thấp bé là những đồ đạc rách nát, cáu bẩn: cầu thang mục ruỗng, chiếu rách, giường mọt, sách cũ…và những gương mặt người nhàu nhĩ, nghèo khổ, lam lũ. Chính cái không gian nhỏ bé riêng tư đã phơi bày sự thật về các kiếp người: lật tung cuộc đời nhơ nhớp của Linh Đa mà không son phấn nào che nổi, kéo Trần Chính từ lý tưởng hão huyền về thực tại và thức tỉnh Nam về sức mạnh khôn lường của đồng tiền. Hơn thế, không gian hẹp này còn là hình ảnh có tính biểu tượng của nhà văn về một thế giới ngột ngạt, tù túng tồn tại trong lòng Sài Gòn đô hội.
Ở thành phố, tìm đâu ra con đường chạy giữa hàng xoài xanh mát mà chỉ toàn những con phố đông đúc và ngóc ngách chằng chịt. Trang truyện của Nguyễn Quang Sáng như dẫn người đọc vào “mê hồn trận” của ngõ hẻm Sài Gòn: “Dừng tại đầu đường, tôi theo một cái ngõ dài với những ngôi nhà nhỏ hơn, lại rẽ vào tay phải theo một cái hẻm hẹp hơn, một cái hẻm dài lồi lõm nhiều ổ gà với hai dãy nhà tôn: đến số 32, tôi lại rẽ vào tay trái theo một cái hẻm dài như một cái đường mương, bùn đất lầy lội, nhà chen khít nhau, cái lồi cái lõm như đang xô lấn nhau tìm cuộc sống” [55; tr.60]. Ngay cả người sống lâu ở đây cũng có lúc ngạc nhiên: “Không thể ngờ ngay giữa trung tâm thành phố lại có con hẻm như vậy. Hẻm là con đường đất, nếu hai chiếc xe Honda chạy ngược chiều thì không tránh nhau được, cả hai đều phải xuống xe, ép mình dẫn qua. Con đường đất lầy lội, có lẽ không ai quét, đầy rác. Số
nhà thì khi có khi không, trồi sụt” [61; tr.33]. Bước vào các con hẻm trong truyện Nguyễn Quang Sáng, ánh hào quang của “hòn ngọc Viễn Đông” bỗng chốc bị lu mờ, chỉ còn lại một không gian sống chật chội, tồi tàn của một đô thị đang phát triển. Đó mới là thế giới thật của những người lao động nghèo khó, bộ mặt thật của Sài Gòn.
Có thể thấy Nguyễn Quang Sáng không chỉ rất thành công khi tái hiện không gian miền quê phóng khoáng, rộng lớn mà còn tỏ ra sở trường trong việc khắc hoạ không gian thành phố hạn hẹp, ồn ào. Không gian ấy khiến con người nhỏ bé đi, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh nhanh chóng bị bỏ rơi, lãng quên. Ngoài ra, không gian hẹp còn có chức năng khám phá hiện thực xã hội, phơi bày những nghịch lý tồn tại giữa đời thường.
Không chỉ đông đúc, chật chội, phố thị Sài Gòn dưới cái nhìn của Nguyễn Quang Sáng còn là một môi trường xã hội ô trọc, truỵ lạc, nhiều cạm bẫy với khách sạn, nhà hàng, quán bia ôm, quán bar mọc lên nhan nhản: “phố xá thay đổi quá nhiều. Người ta đập, người ta xây, khách sạn mi- ni hết cái này đến cái khác mọc lên, cửa hàng, cửa tiệm, tấm quảng cáo nào cũng lộng lẫy, đêm- những bóng đèn li ti mọc lên từ bên này đường qua tận bên kia đường, chớp nháy như đom đóm trên cây bần. Con đường không quá hai cây số mà mọc lên sáu cái nhà hàng máy lạnh” [54; tr.179].
Bước vào những nơi đó, khách hàng được thoả thú ăn chơi, được yêu chiều như Thượng đế: đơn giản nhất là “vừa xong chén cơm thì cô phục vụ mặt mày son phấn, dầu thơm sực nức, chực một bên, hai tay nâng lấy chén, xúc cơm cho cậu” [54; tr.77], hay phức tạp hơn thì “cần gì bày đặt yêu đương, cứ vào nhà hàng karaoke, muốn gì có nấy” [54; tr.65]. Điều kiện duy nhất là chỉ cần có tiền- tiền sẽ biến ông già thành “anh yêu” trong mắt những cô gái đáng tuổi con mình, đưa bọn trai trẻ chíp hôi thành “ông nọ, ngài kia”.
Tiền mua được tất cả: món trứng rùa trái mùa, sự kính trọng đến quỵ luỵ của ông thày giáo cũ hay cái trinh trắng của các cô thôn nữ miền Tây. Chẳng thế mà cậu nhân viên miền Bắc phải ngỡ ngàng thốt lên: “Bữa nay em được làm vua bác ạ” (Con mèo của Foujita) và người anh hùng dọc ngang suốt thời chống Mĩ lần đầu tiên vào quán bia ôm cũng không che giấu được sự mãn nguyện: “đêm nay như là đêm đầu tiên tao bước vào đời” (Người bạn lính).
Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, sung sướng, đó lại là những nơi chứa chất đầy dối trá, lọc lừa. Chẳng ai biết được đằng sau những món ăn ngon lành của nhà hàng ông giáo Viết là cả một “công nghệ chế biến” đỉnh cao
(Đổi nghề), ai dám tin vào tự thuật của các cô tiếp viên quán bia ôm bởi cô nào chẳng “bôi trát” cho cuộc đời thêm bi kịch (Con ma da). Và đấy cũng là những “cạm bẫy người”. Ánh đèn mờ nhịp nhàng, điệu nhạc gợi tình mùi mẫn, bia rượu đổ tràn, tiền vung tứ phía đã biến những cô thôn nữ trong sáng, ngây thơ như Hiền (Con ma da), Nguyễn Thị Đa (Linh Đa), Thiều (Tạo hoá giữa trần gian) thành gái làm tiền lọc lõi. Phút chốc, Sài Gòn hiện nguyên hình một thế giới của những kẻ lừa đảo, lưu manh, đĩ điếm. Nó là hoàn cảnh, môi trường phi nhân tính làm con người trở nên tha hoá, phức tạp, bần cùng.
Với không gian phố thị Sài Gòn, Nguyễn Quang Sáng đã phản ánh một cách sâu sắc bức tranh cuộc sống hôm nay với tính đa tạp, đa diện của nó. Ẩn sau đó là những nỗi xót xa cho nhân tình thế thái và nỗi giận thương cho thân phận con người. Đặt bên cạnh không gian sông nước Tháp Mười, nó tạo nên sự tương phản gay gắt giữa miền quê thanh bình và đô thị ồn ào, giữa quá khứ đẹp đẽ và thực tại phũ phàng. Bởi vậy, Nguyễn Quang Sáng đã dựng lên một cầu nối không gian tâm tưởng với hình ảnh chủ đạo là cảnh trí Tháp Mười trong quá khứ, giúp các nhân vật và cả chính mình tìm lại cội nguồn, neo đậu tâm hồn giữa chốn phố thị phồn hoa (đã trình bày ở phần 2.1.1).