Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã có một nhận xét khá tinh tế: “phải là người lịch lãm, trải nghiệm và dễ xúc động, nghĩa là nhạy cảm mới thích đọc Nguyễn Quang Sáng” [79; tr.12]. Quả đúng như vậy, với những thành công khi khám phá con người trong đời sống riêng tư, truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng thường dễ nhận được sự đồng cảm và lấy đi nhiều nước mắt của độc giả. Từ đó, nhân vật của ông hiện lên với đầy đủ đặc trưng phẩm chất của con người Nam Bộ: coi trọng nghĩa tình, dứt khoát rõ ràng nhưng cũng đầy thiết tha nhạy cảm.
Từ xa xưa, miền đất phương Nam vốn là nơi sản sinh và tụ họp của những con người phóng khoáng, hào hiệp, giàu tình nghĩa. Hầu hết chỉ là những người dân lao động nghèo khổ nhưng họ coi trọng nhân nghĩa hơn tiền tài, danh vọng. Bông cẩm thạch là câu chuyện kể về một kỉ vật tình yêu mà cha Mì tặng má Mì trong ngày cưới. Đó là đôi bông cẩm thạch rẻ tiền được ông mua bằng toàn bộ số tiền dành dụm được trong mùa gặt mướn. So với vòng vàng, nhẫn hột xoàn thì món quà ấy thật đơn sơ, mọn mằn. Giá trị vật chất chẳng đáng là bao nhưng kể từ ngày cha Mì mất, đôi bông được má con Mì hết lòng gìn giữ, nâng niu. Má Mì chẳng đã từng nói: “Có nghèo đến cạp đất ăn má cũng không bán đâu” [54; tr.125]. Còn Mì, định đeo đôi bông cho đến suốt đời dẫu cho dáng thon cùng màu xanh của viên cẩm thạch chẳng hợp chút nào với gương mặt thỏn và màu da bánh mật của cô. Với má con Mì, bông cẩm thạch đâu phải là một món trang sức được tính bằng tiền mà là kỉ vật vô giá về người cha rất mực hi sinh vì vợ con.
Con người Nam bộ trong truyện của Nguyễn Quang Sáng trọng việc ăn ở có trước có sau, thậm chí vì tình nghĩa họ sẵn sàng nhận phần thiệt thòi, hi sinh về mình. Thanh Sa, Châu (Bàn thờ tổ của một cô đào), Năm Thanh
(Người đàn bà đức hạnh), Thanh (Bé Hai), Hai Thể (Cô gái bán sầu đâu),…là những con người như thế.
Tất cả các gánh cải lương ở Nam bộ cũ, gánh nào cũng có một bàn thờ Tổ. Đào cũng như kép đều nhất mực tôn trọng khi nhắc đến và gìn giữ khi bước qua chốn linh thiêng này. Riêng đào Thanh Sa, một cô đào được ngưỡng mộ nhất so với những ngôi sao đương thời, có đến hai bàn thờ Tổ, một cái chung của gánh và một cái riêng của cô được dựng lên trước bàn hoá trang. Đêm nào, trước khi ra sân khấu, đào Thanh Sa cũng thắp một nén nhang thành kính xá trước bàn thờ Tổ của mình. Năm nào, cô cũng làm lễ giỗ ông Tổ riêng, rất trang nghiêm. Ông Tổ của Thanh Sa là một người có thực, thậm chí rất bình thường: Châu- nhân viên quản trị của đoàn cải lương. Ngày ấy, khi Thanh Sa mới bước vào nghề, lần đầu tiên sắm vai chánh trong sự hằn học, ganh ghét của bao người thì chính anh đã giúp đỡ cô. Anh sẵn sàng “hạ xuống để Thanh Sa bay lên” trong vở diễn và lên đỉnh vinh quang trong sự nghiệp. Mặc cho những lời chế giễu, bôi xấu của mọi người, Châu cứ âm thầm bước bên cạnh cô như một người bạn, người anh. Rồi anh chết- ngã vỡ đầu khi cố đu sợi dây sờn để Thanh Sa “phơi phới bay lên như một nàng tiên” [54; tr.170]. Ra đi không một lời trăng trối nhưng anh nhân viên quèn đã để lại cho ngôi sao cải lương một bài học về nhân nghĩa ở đời: sống là hi sinh không vụ lợi. Và suốt cả cuộc đời, Thanh Sa không một phút nguôi quên.
Giống Thanh Sa, Năm Thanh cũng là một cô đào lừng danh. Chỉ có điều tiếng hát và nhan sắc lại đem đến cho cô một chuyện đời buồn. Năm ấy, Năm Thanh vừa tuổi ba mươi. Ở cái tuổi đầy đặn của người đàn bà thì dù đã có chồng, cô vẫn được một vị công tử giàu có, nhỏ hơn gần mươi tuổi, yêu say đắm: “Từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ miền Tây đến miền Trung, không thể nhớ bao nhiêu sân khấu, bao nhiêu đêm diễn, đêm nào chúng tôi cũng thấy vị
công tử trên ghế thượng hạng và đêm nào đào Năm Thanh cũng nhận một bó hoa với một lá thư của chàng công tử si tình” [54; tr.222]. Sợ hãi, Năm Thanh tìm đủ cách trốn tránh mối tình si. Nhưng một ngày cô lại tự nguyện đến với chàng công tử khi anh ta ở trong…trại thương điên. Thương cho người đàn ông vì mình mà mang cơn bệnh hiểm, Năm Thanh giấu chồng, giấu mọi người đi thăm nuôi người điên. Cô làm tất cả để cứu chàng công tử ra khỏi cơn điên tình, kể cả đó là lựa chọn đau xót nhất: “em rước ảnh về Sài Gòn, thuê phòng cho ảnh ở. Đêm qua em cho ảnh hết rồi anh Ba? Cho xong, em hỏi ảnh: “Anh thấy chưa? Tôi có gì để cho anh phải mơ ước, phải khao khát đến phải điên? Tôi cũng là một người đàn bà, một người đàn bà bình thường, đừng thêu dệt thêm về tôi nữa. Thôi, anh về, tịnh tâm cưới vợ, đẻ con, sống như mọi người” [54; tr.227]. Tiếng khóc nhói đau, nức nở, vật vã của cô đào sau đêm ấy như cào xé tâm hồn người đọc. Không! Năm Thanh không có lỗi với chồng, không phải là người đàn bà hư hỏng. Hi sinh chính mình, cô đã cứu một người điên. Cô là người đàn bà đức hạnh!
Không phải đối diện với những nghịch lí trớ trêu của đời thường nhưng Thanh (Bé Hai), Hai Thể (Cô gái bán sầu đâu) lại bị tổn thương bởi cuộc chiến tranh tàn khốc. Và họ đã vượt qua mọi hiểu lầm, mất mát bằng lòng vị tha, sự thuỷ chung cùng lối cư xử cao thượng, nghĩa cả rất…anh Hai.
Thanh yêu Bé Hai bằng mối tình thơ mộng, trong sáng để rồi đau đớn tột cùng khi thấy cô thuộc về viên trung uý đồn trưởng bên kia chiến tuyến. Trong nỗi tuyệt vọng vì nghĩ mình bị phản bội, lừa dối, Thanh lao vào chiến trường nguy hiểm nhất hòng tìm lấy cái chết. Hai mươi năm trôi đi, Bé Hai không một lần gặp lại Thanh để nói về công tác binh vận “đặc biệt” và trái ngang một thời. Thế nhưng Thanh vẫn cảm thông, lặng lẽ giúp đỡ người xưa những lúc khó khăn: “Mấy năm trước con bé gái của em tốt nghiệp lớp mười
hai, rớt đại học, đang tìm việc làm thì có người giúp đỡ. Người đó là lính của anh Thanh. Anh Thanh nhận nó vào công ty tạo điều kiện cho nó học Anh ngữ với vi tính. Con nhỏ khoe, bác thủ trưởng thương con lắm” [61; tr.208]. Cái tình không đến được với nhau nhưng cái nghĩa giữa con người lúc nào cũng tràn đầy.
Trong Cô gái bán sầu đâu, Hai Thể cũng có tình yêu đẹp với cô Hai Sào Đâu. Hai người hẹn ước cưới nhau nhưng rồi cô Hai bất ngờ bị trực thăng bắn chết trên đồng nước Tháp Mười. Vậy mà ba mươi sáu năm sau, hễ nghe nói chỗ nào có vựa sầu đâu, trong lòng Hai Thể lại thắp lên ngọn lửa hi vọng: “Biết đâu cô Hai còn sống? Biết đâu bây giờ cô Hai là chủ vựa sầu đâu ở đất Sài Gòn?” [54; tr.193]. Và ông già cứ lần địa chỉ đi tìm vì “nếu không đi thì cả đời cũng không yên”. Giản dị và cảm động là vậy cái tình cái nghĩa của người Nam Bộ. Môtip tìm lại người xưa, khơi lại kỉ niệm còn được Nguyễn Quang Sáng sử dụng trong hàng loạt truyện ngắn khác: Linh Đa, Tím bằng lăng, Nhớ anh trên bước đường về… gieo vào lòng người đọc ấn tượng đằm thắm về tính cách thuỷ chung, nặng tình vẹn nghĩa của con người đất phương Nam.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng tâm sự: “Ai chê văn tôi thì tôi cũng chỉ biết cười… trong bụng. Mấy năm trước Trần Đăng Khoa chê truyện Tím bằng lăng viết nghiệp dư, không phải cái tạng Nam Bộ xù xì mạnh mẽ góc cạnh của tôi, nhưng đàn ông Nam Bộ đâu phải chỉ xù xì góc cạnh, cũng lãng mạn trữ tình lắm”. Lời chia sẻ ấy đã gợi mở cho chúng ta tìm hiểu về một đặc tính nổi bật nữa của con người Nam Bộ trong truyện Nguyễn Quang Sáng: vừa bộc trực, dứt khoát, rạch ròi vừa rất mực thiết tha, nhạy cảm.
Đặc tính ấy trước hết được Nguyễn Quang Sáng “đặc sánh” trong hình ảnh những người đàn ông Nam Bộ. Đọc Ông Năm Hạng, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Bạn hàng xóm… độc giả không khỏi rưng rưng, thấm thía
trước những người cha bề ngoài thì mạnh mẽ, nóng nảy mà bên trong thì tha thiết yêu thương.
Đúng như nhận xét của đồng chí đội trưởng du kích xã, ông Năm Hạng nóng nảy lắm. Nghe dự đoán phong thanh đứa con trai duy nhất đi làm Việt gian mà “hai hàm răng ông nghiến chặt, hai góc xương hàm nổi gồng lên, và mắt long lên nảy lửa”. Ông quát lên: “để cha nó sẽ xử nó” và to tiếng quả quyết: “dòng máu của bác không đẻ ra thằng con như vậy”. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và sử dụng ngôn ngữ đã phát huy tác dụng, giúp Nguyễn Quang Sáng khắc hoạ thành công hình ảnh người cha góc cạnh, rạch ròi trong tình cảm. Nhưng ở một góc độ khác thì đây lại là một ông già đau đớn, da diết trong nỗi thương con: “Ông thường nói với tôi, người giết con ông, không chỉ giết con ông thôi mà còn giết cả cuộc đời ông nữa. Mấy năm trời nay không có nó, ông đã chết mòn vì cô độc. Bà vợ của ông mất từ khi nó mới mười lăm, mười sáu. Cuộc đời ông có gì đâu? Một miếng đất cắm dùi không có. Ông chỉ có nó” [61; tr.117]. Từng lời xa xót rớt ra, day dứt cả tâm can. Ông Năm Hạng phải chăng là một Lão Hạc thứ hai?
Ở truyện Bạn hàng xóm, ba Cứng thậm chí là người đàn ông dữ đòn và khắc nghiệt với con cái. Hồi nhỏ ở nhà, vì học dở mà Cứng bị đòn muốn chết. Ngày ngày, ông vặn đồng hồ bắt Cứng thức từ bốn giờ để học, học sao cho vượt bạn đứng đầu lớp khiến cậu khổ sở hết sức. Thậm chí khi thi rớt cấp hai, Cứng bị “nhốt vô nhà tắm, đánh một trận bán sống bán chết, năm sáu ngày đít còn lằn roi” [55; tr.219]. Sau này lớn lên Cứng mới hiểu ra nỗi lòng sâu kín của cha mình: “Tội nghiệp ông già, ổng muốn cho tôi tiến bộ”. Từ ngày Cứng hi sinh, “ông thày thuốc bắc có tiếng với một lớp học chữ nho, nề nếp và nghi lễ” đâm ra nghiện ngập be bét. Nỗi thương con khiến ông ngây dại tưởng chừng phát điên.
chế được tính nóng nảy của mình. Trong cơn giận đứa con gái bướng bỉnh, anh “vung tay đánh vào mông nó và hét lên: Sao mày cứng đầu quá vậy hả?”. Để rồi những ngày sau ở rừng, anh Sáu cứ day dứt ân hận mãi. Nỗi nhớ con da diết cùng lời dặn: “Ba về! Ba mua cho con cây lược nghe ba!” đã thúc đẩy anh nghĩ tới việc làm chiếc lược ngà cho con. Hình ảnh người đàn ông ngồi “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”, “gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: Yêu nhớ tặng Thu, con của ba” khiến người đọc xúc động ngậm ngùi trước tình cha con thắm thiết sâu nặng. Đã có nhiều tác phẩm văn học nói về tình mẫu tử, còn tình phụ tử, chúng tôi nghĩ đây chính là một đóng góp của tác giả Chiếc lược ngà.
Đâu chỉ những người đàn ông mới thể hiện rõ hồn cốt Nam Bộ, dưới ngòi bút Nguyễn Quang Sáng kể cả phụ nữ, con trẻ như chị Bảy (Người đàn bà Tháp Mười), Thu (Chiếc lược ngà), Mì (Bông cẩm thạch)… cũng rõ ràng, dứt khoát mà không kém phần tinh tế trong tình cảm.
Điểm giống nhau giữa hai cô gái nhỏ Thu và Mì là đều phải gánh chịu những bi kịch mà chiến tranh gây ra. Sinh ra và lớn lên tám năm không biết mặt ba, đến ngày ba được về nghỉ phép thì Thu sợ hãi không chịu nhận bởi vết thẹo to tướng trên mặt khiến ông không giống trong tấm hình đã chụp. Còn Mì thì đau đớn khi tưởng người mẹ yêu thương rũ bỏ kỉ niệm và tình yêu với người cha quá cố để chạy theo làm vợ một tên Việt gian. Thế là cả hai cô bé đã phản ứng lại dữ dội. Thu nhất định không chịu gọi anh Sáu là “ba”, hất văng cái trứng cá mà anh gắp cho ra khỏi bát, bị đánh bỏ ngay về ngoại sau khi cố ý khua dây xuồng rổn rảng thật to. Còn Mì thì “cứ tới bữa cơm bưng chén ra ngồi một góc, lần nào rửa chén cũng chừa lại cái chén của cha dượng. Có lần dượng bồng đứa em của nó, chờ ông đi, nó kéo em vào nhà tắm, xối nước, kì cọ đến con nhỏ phải kêu khóc” [54; tr.134]. Bằng sự am hiểu tâm lí trẻ thơ, Nguyễn Quang Sáng đã khắc hoạ thành công tình cảm sâu sắc, mạnh
mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi của hai cô bé. Thật ra, sự ương ngạnh, cứng đầu của cả Thu và Mì hoàn toàn không đáng trách. Hai tâm hồn trong trắng, ngây thơ ấy sao có thể hiểu hết được những tình thế khắc nghiệt, éo le của thời buổi chiến tranh. Phản ứng tâm lí như vậy là hoàn toàn tự nhiên, nó còn chứng tỏ các em có cá tính mạnh mẽ, tình cảm chân thật. Bản tính Nam Bộ đã chảy trong huyết quản con người đất phương Nam từ thuở ấu thơ.
Cứng cỏi là vậy nhưng những phút yếu đuối, những tình cảm nồng thắm của hai cô gái đã khiến không biết bao thế hệ người đọc phải rơi nước mắt. Tiếng kêu “Ba…a…a…ba” của Thu vang lên bất ngờ trong phút chia tay như xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Tiếng kêu từ sâu thẳm trái tim, tiếng gọi mà anh Sáu đã tìm đủ mọi cách để ép nó cất lên trong mấy ngày qua, tiếng gọi gần gũi cho Thu niềm sung sướng của đứa con có ba. “Nó vừa kêu vừa chạy xô tới dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “nó hôn ba nó cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má”, “chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba, nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó và đôi vai của nó run run” [54; tr.107]. Nỗi khao khát tình cha con mà Thu cố đè nén bao năm nay bấy giờ mới bật ra, nồng nàn da diết. Vẻ ngoài bướng bỉnh, ngang ngạnh của Thu bỗng chốc vỡ tung trong giây phút ấy, chỉ còn lại một cô bé giàu tình cảm, nức nở với khoảnh khắc yêu thương.
Mì cũng vậy, nhìn bề ngoài cô nghiêm nghị, khắc khổ. Sự hiểu lầm khiến Mì “trừng phạt” mẹ thật lạnh lùng: căm giận ra mặt, không thèm gặp gỡ, đổi cả họ tên. Nhưng sau đó nỗi đau đớn lại giày vò, tàn phá thể xác và tinh thần cô gái hơn cả vết thương do bom đạn gây ra. Mì đã trăn trở và đầm đìa nước mắt không biết bao đêm khi nghĩ về quyết định tái hôn của mẹ. Trên đường hành quân, nghe tiếng mẹ gọi thảm thiết, Mì chạy đi, giả tảng không biết nhưng “mái tóc cứ rung lên”. Chính những mâu thuẫn nội tâm chua xót đó đã làm nên vẻ đẹp của nhân vật Mì: chân thực và chan chứa tình người.
Có thể nói, những truyện ngắn thành công nhất của Nguyễn Quang Sáng là những câu chuyện khai thác vẻ đẹp của con người trong đời sống riêng tư. Kể cả trong lượng lớn tác phẩm ông viết thời kì chống Mĩ thì bối cảnh chiến tranh được biến thành phông nền để tôn lên những tình cảm đẹp đẽ của con người. Chẳng thế mà một bà má miền Nam đã từng tuyên bố: “trong cuộc chiến tranh này, chúng ta không chỉ bắt kẻ thù trả lại từng thước đất, không chỉ bắt kẻ thù phải đền nợ máu, mà còn bắt kẻ thù trả lại từng kỉ niệm nhỏ của yêu thương” [61; tr.91]. Chẳng thế mà những khuất khúc, những hiểu lầm trong chiến tranh và cuộc đi tìm hạnh phúc gian nan mà quyết liệt của mỗi