Giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 79)

Thuật ngữ “giọng điệu” tồn tại ở phạm vi chủ yếu là trong văn học. Nhưng muốn thấu tỏ nó một cách toàn vẹn, trước hết nên hiểu nó với vai trò là một yếu tố để nhận biết mỗi cá nhân con người. Với tư cách này, “giọng” phản ánh thái độ, tình cảm, tâm trạng, nhận thức của con người trong một thời điểm nào đó, thể hiện qua cách lựa chọn ngôn ngữ và sử dụng ngữ điệu, với sự can thiệp của trường độ, cường độ, âm sắc, âm lượng của nó.

Giọng điệu trong văn học được coi là một phạm trù thẩm mĩ thể hiện tài năng và khả năng sáng tạo của tác giả. Nó liên quan đến các yếu tố tạo nên văn phong bao gồm: cách diễn đạt, hình tượng, cú pháp, âm thanh, nhịp điệu. Giọng điệu thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả: “chẳng hạn trong thơ tình yêu của Thế Lữ, theo Hoài Thanh có giọng điệu lẳng lơ, xa vời mà thiếu tình ấm áp, thể hiện ở cách gọi thiếu nữ là cô em, do chưa đủ thân mật để gọi bằng em; giọng điệu ngọt ngào, êm ái trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; giọng điệu

suồng sã, đay nghiến trong Chí Phèo của Nam Cao; giọng điệu mỉa mai, châm biếm trong Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc” [21; tr.134].

Giọng điệu trong tác phẩm văn chương thuộc lĩnh vực hình thức nhưng là “hình thức mang tính nội dung”, vì qua hình thức có thể hiểu được nội dung. Nó có khả năng liên kết các yếu tố hình thức khác nhau trong văn bản làm cho tác phẩm cùng mang một âm hưởng và cùng chung một khuynh hướng nhất định. Do vậy, giọng điệu trở thành một yếu tố quan trọng góp phần tạo ra đặc trưng riêng cho mỗi loại hình văn học và hơn thế là một mốc xác định phong cách mỗi nhà văn. Nền văn học Việt Nam hiện đại đã xuất hiện nhiều nhà văn có giọng điệu rất riêng như Nguyễn Công Hoan với giọng châm biếm hài hước, Vũ Trọng Phụng với giọng trào phúng chua cay, Thạch Lam với giọng thủ thỉ tâm tình, Nguyên Hồng với giọng thống thiết cảm thương…Còn Nguyễn Quang Sáng? Theo từng chặng đường lịch sử, chi phối truyện ngắn của ông có lúc là giọng điệu ngợi ca khẳng định, có khi là giọng cảm khái xót xa. Và bao trùm hơn cả là giọng “uy- mua” mang đậm chất hài hước Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 79)