Thời gian hiện tại qua các mảng màu tâm trạng

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 62)

Không chỉ nặng lòng với quá khứ, Nguyễn Quang Sáng còn viết rất đều tay về hiện tại, cả trong thời chiến lẫn trong thời bình. Được lọc chiếu qua các mảng màu tâm trạng, thời gian hiện tại trong truyện ngắn của ông đã góp phần bộc lộ một thế giới nội tâm có bản sắc cùng một quan niệm nghệ thuật độc đáo về cuộc đời, con người.

Năm 1966, từ Hà Nội, Nguyễn Quang Sáng vượt Trường Sơn trở lại quê hương. Về chiến trường miền Nam lần này, ông như người vừa rời ghế nhà trường bắt đầu vào đời, cuộc sống chiến tranh đầy mới mẻ, ngỡ ngàng. Bất cứ điều gì, chuyện gì xung quanh: tiếng súng, tiếng bom, tiếng gầm rít của máy bay phản lực, đường khói dài của B52, tiếng lạch xạch của trực thăng, hình ảnh anh bộ đội, cô giao liên, bà má chiến sĩ... đều tỏa ra hấp lực lớn với tâm hồn nhà văn. Hiện thực cuộc chiến đấu đang diễn ra trên Đất lửa, dưới cái nhìn của Nguyễn Quang Sáng, là “một bài ca hùng tráng, một bài ca trữ tình, nó thành thật dâng sẵn và đón chờ” (Phạm Văn Đồng).

Những ngày ấy, đồng bào Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ trong điều kiện vô cùng gian khổ nhưng họ luôn nhìn vào hiện tại với tất cả niềm lạc quan, tin tưởng. Trinh (Người bạn mới quen) là một nữ sinh quen sống cuộc đời nhung lụa “quần áo có ba bốn chục bộ trong tủ” nhưng vì muốn giãy dụa khỏi cảnh bế tắc ngột ngạt của Sài Gòn nên đã trốn ra vùng giải phóng. Trong lá thư gửi về cho bạn, Trinh nói: “Ở đất Củ Chi, nơi mình đang sống, đưa tay hốt lấy một nắm đất, bàn tay có thể bị chảy máu vì miểng bom

pháo của Mĩ ngụy... Hàng ngày mình sống mặt đối mặt với tội ác của chúng... Mình sống ở đây cực khổ hơn, nhiều lần suýt chết nhưng lại thấy vui” [53; tr.66]. Niềm vui giản dị ấy còn ngời lên trong nét mặt, nụ cười, lối sống của biết bao người dân Nam Bộ khác. Thu (Chiếc lược ngà) “vừa chặn địch, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm mà mặt cứ phơi phới”. Dung, Ánh (Chị xã đội trưởng) đối mặt với những trận càn bỏng rát lửa napan mà vẫn nghịch ngợm, nhí nhảnh, hồn nhiên. Chính họ đã tô điểm cho cuộc sống thêm tươi vui. Và cũng chính họ khiến cuộc đời này thêm lãng mạn, đáng yêu, đáng sống. Thanh (Bé Hai), Nhung (Chị Nhung)… ngày ngày thổi vào bức tranh chiến trận làn gió tươi trẻ, mộng mơ. Thanh là một chàng trai nông thôn khoẻ mạnh lúc nào cũng sẵn sàng trong tư thế một người lính: “đang ngồi ăn bánh xèo mà vẫn đeo sợi dây nịt Mĩ với bình toong, lựu đạn, đèn, nón và sợi dây súng cacbin vẫn xéo qua người” [55; tr.199]. Đặc điểm nổi bật nhất của Thanh là trừ lúc ăn lúc ngủ, hầu như lúc nào anh cũng hò cũng hát. “Xa xa giọng hò của Thanh cất lên, lan dài theo cánh rừng. Tiếng pháo xa nổ ùng oành cũng lan dài theo nước. Tiếng pháo chết người ấy nghe như tiếng đệm trầm cho giọng hò của Thanh” [55; tr.199]. Giọng hò vời vợi mênh mông giữa đêm rừng nước phút chốc đưa người lính già đã hơn nửa năm không biết gì đến một đời sống bình thường “như thoát khỏi tâm trạng chiến tranh”, thanh thản yên bình đến lạ. Cũng như thế, tiếng hát thiết tha, diệu vợi của Nhung cất lên trong đêm giữa sông Vàm Cỏ không chỉ làm nhẹ bớt những đoàn thuyền tải lương mà còn gieo vào lòng người cảm xúc bâng khuâng.

Niềm vui của Trinh, tiếng hát của Thanh, trò trêu đùa của Ánh, cùng những tiếng cười rộ lên “hứ hé xì xịt” của các chị khi nghe Một chuyện vui… đã tạo nên chất thơ, chất anh hùng tràn đầy trong cuộc sống chiến đấu của đồng bào Nam bộ. Gian khổ mà lại vui tươi, mất mát mà lại hào hùng. Tưởng rằng nghịch lý mà hoàn toàn hợp lý bởi những năm tháng ấy con người Việt Nam được trưởng thành dưới ánh sáng của lý tưởng cách mạng. Thời gian qua

đi nhưng ngày nay nhìn lại mỗi câu chuyện viết về hiện tại chiến tranh của Nguyễn Quang Sáng vẫn thấy tươi rói một vẻ đẹp sự sống, vẻ đẹp tuổi trẻ.

Cũng vẫn là thời gian hiện tại nhưng khi Nguyễn Quang Sáng viết về thời bình, độc giả lại bắt gặp một diện mạo và sắc thái khác hẳn. Đọc Xin được chết sớm, Người bạn lính, Về lại bức tranh xưa, Nỗi niềm sân cỏ, Tôi và Nhi..., ta có cảm giác con người buồn hơn, trăn trở và day dứt hơn trước muôn mặt đời thường. Hiện tại vì thế cũng phủ một màu ảm đạm khác với vẻ tươi sáng đã từng có trong những năm kháng chiến.

Với những người lính phục viên như Tấn (Người bạn lính), Mười Biện (Về lại bức tranh xưa)... sự thay đổi này hiển hiện rõ nét nhất. Bước ra khỏi chiến tranh, trở về với đời thường họ đầy bỡ ngỡ, lạ lẫm đôi khi lạc lõng, cô đơn. Để lại sau lưng những tháng năm tuổi trẻ oanh liệt nơi chiến trường, Trần Đình Tấn “vào thành phố, với cương vị là trung tá trong ban quân quản, trong tay anh không biết bao nhiêu là nhà cao cửa rộng, nhưng anh lại chọn một ngôi nhà trong hẻm. Bạn bè của anh, người cùng cương vị anh hoặc thấp hơn, nhờ ở mặt tiền, nhờ ở vila, chỉ cần cho thuê, cho mướn cũng đủ sống. Còn anh, lương trung tá, vợ chuyên viên hai, những năm gạo châu củi quế không đủ sống, phải nhờ gạo viện trợ của hai bên bố mẹ dưới quê” [62; tr.188]. Phải chăng cuộc sống mới những năm đầu sau giải phóng khiến Tấn ngỡ ngàng chưa kịp đổi thay? Nào phải vậy, mấy năm sau, chuyển ngành “về phụ trách tổ chức của một xí nghiệp, Tấn vẫn thấy công việc không phù hợp với mình. Anh tự thấy mình không đủ sức hiểu người trên, người dưới và những người xung quanh. Họ không dễ hiểu, dễ nhận như những người lính của anh. Người ta tặng quà anh không dám nhận, được mời đi tiệc tùng anh cũng e ngại. Anh thấy đằng sau những buổi tiệc linh đình là một cái gì đó sẽ đến với anh. Có được một bữa nhậu tình nghĩa thật là hiếm hoi” [62; tr.189]. Hóa ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: bản chất chân thật, thẳng thắn của người

lính khiến Tấn không thể nào hòa nhập nổi với lối sống giả tạo, thực dụng xung quanh. Phút chốc, anh hùng Trần Đình Tấn - tâm điểm của thời chiến - bị biến thành người thừa giữa thời bình. Anh đành xin nghỉ hưu như tìm một lối thoát. Mà lối thoát này đâu có gì sáng sủa hơn trước. Vợ anh thỉnh thoảng lại bị sốt rét rừng tái phát mỗi ngày mỗi yếu. Hai đứa con bị thua thiệt đủ đường “muốn xem tivi màu phải xem nhờ hàng xóm, đi học thì nhờ bạn bè chở giúp”. Còn bản thân anh thì trở thành thợ đóng bàn, đóng ghế cho các quán cà phê, quán bia ngoài vỉa hè. [62; tr.190]. Một bức tranh hiện tại u ám khiến người đọc không khỏi xót xa! Thực tại ấy có nhiều nét tương đồng với cảnh ngộ buồn bã của ông tướng Thuấn trong Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp hay cảm giác thừa thãi của trung tá Đông trong Mùa lá rụng trong vườn

- Ma Văn Kháng.

Với những người lính còn mang nặng dư âm hào hùng của cuộc chiến, hiện tại thời bình phức tạp và buồn phiền hơn thì đã đành một nhẽ. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Quang Sáng, ngay cả những con người sinh ra, lớn lên trong hòa bình cũng không tránh khỏi tâm trạng chán chường, thất vọng trước muôn mặt cuộc sống hôm nay.

Thật lạ, lớp trẻ bây giờ đâu phải đối diện với gian khổ, thiếu thốn như thế hệ cha anh ngày trước nhưng hình như chính cuộc sống phủ phê, không lý tưởng làm họ mất định hướng: “Tôi là thằng con trai hai mươi bốn tuổi. Hai lần trượt đại học, tôi chán, tôi nghĩ: không đại học thì không sống được hay sao, trên thế giới này có nước nào toàn dân học đại học đâu? Biết bao người không đại học trước mắt tôi họ vẫn sống phây phây. Như bố mẹ tôi đây, chưa qua lớp chín. Bố tôi làm đại lý thuốc lá, mẹ tôi có phần hùn trong nhà hàng karaoke, chức danh không có gì sang trọng nhưng giàu có. Như mấy thằng bạn của tôi, trượt đại học, không nghề nghiệp, nhưng được cái là con giám đốc. Bọn trẻ chúng tôi cái gì cũng nhứt, xe xịn nhứt, quần áo mốt nhứt, ngồi

nhà sang nhứt. Mỗi lần gặp nhau chỉ có mấy việc để bàn: chừng nào đua, đua đường nào, chơi đâu, ăn đâu...Vui thật nhưng đôi lúc cũng thấy chán" [55; tr.135]. Cuộc sống thời bình trong Tôi và Nhi không còn cảnh “ngày không có gạo ăn, ăn toàn là bắp”, “chiều chạy chống càn, xuồng vừa là nhà, vừa là công sự”, “quần áo bùn đất bê bết, ám mùi thuốc súng” nhưng cũng mất luôn tiếng cười ngày trước. Chỉ còn lại nỗi chán chường hiện rõ trên những khuôn mặt sớm già dặn trước trường đời.

Không chỉ chán chường, mặt trái của cuộc sống hiện tại còn khiến người ta thất vọng. Trong Nỗi niềm sân cỏ, Nguyễn Quang Sáng ghi lại nỗi ngán ngẩm của một tín đồ túc cầu giáo trước những biến ảo thật - giả, đỏ - đen của cuộc đời: “Biết tỉ số rồi, ra sân làm gì. Niềm vui bóng đá là niềm vui bất ngờ. Trước khi đá họ đã dàn xếp, họ mua bán trước rồi. Chỉ đạo những trận đấu bây giờ không phải là huấn luyện viên mà là những thằng cá độ, những cầu thủ bán độ. Đá đã dở lại còn đá giả, đá không củi lửa gì, lạnh tanh, ai coi. Chẳng biết bao giờ người hâm mộ mới trở lại sân cỏ” [55; tr.150]. Giọng buồn thấm thía cứ thế lan tỏa toàn bộ câu chuyện thành một nỗi niềm day dứt. Trong nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Quang Sáng như Linh Đa, Tạo hóa giữa trần gian, Con ma da, Thua trận, Thằng bé đi xa, Người đàn bà đức hạnh..., thời gian trở thành bạn đường của nỗi buồn, sự chán chường và thất vọng. Hiện tại được phủ gam màu u ám khiến người đọc không khỏi xót xa.

Tóm lại, thời gian hiện tại đã được Nguyễn Quang Sáng tái hiện rất sống động, chân thực qua các mảng màu tâm trạng. Hiện tại thời chiến tươi sáng trong niềm vui rạo rực, hiện tại thời bình ảm đạm vì nỗi buồn ám ảnh. Đó là cách xây dựng thời gian nghệ thuật của một nhà văn giàu trải nghiệm, đã tận mắt chứng kiến những bước thăng trầm của cuộc sống con người Việt Nam gần một thế kỉ qua.

cả về quá khứ và hiện tại. Từ hai hình thức thể hiện thời gian nghệ thuật trên, ông bộc lộ niềm tự hào chính đáng cùng với nỗi buồn thương chính đáng trước đất nước nhân dân, trước thế sự cuộc đời. Qua đó, ta hiểu thêm một phương diện thi pháp quan trọng trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, thấy được quan niệm nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam thế kỉ XX.

Chương 3: KẾT CẤU- GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 62)