Giọng điệu ngợi ca chủ yếu tập trung ở các sáng tác Nguyễn Quang Sáng viết trong thời kì chống Mĩ. Cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vĩ đại của dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh cho ngòi bút của ông viết nên những trang văn hào hùng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Quang Sáng dành tất cả sự ngưỡng mộ, ngợi ca cho người dân Nam Bộ- những con người mộc mạc, giản dị trong đời thường mà rất mực anh dũng, kiên cường trong chiến đấu. Từng câu văn ngân lên đầy khâm phục, tự hào: “Súng B.40, với sức khỏe bình thường của một con người, và theo sách vở đã dạy, mỗi chiến sĩ chỉ được bắn đến viên đạn thứ sáu là nhiều nhất…Nhưng
trong trận đánh vào Bộ tổng tham mưu của bọn Mĩ- ngụy, lúc đánh trả lại các đợt phản kích của xe tăng địch, có một chiến sĩ bắn B.40 thọc họng súng qua các cửa sổ bắn đến viên đạn thứ mười sáu, đến nỗi hai tai anh rỉ máu” [53; tr.64] hay “một chiến sĩ đã bám trận địa suốt bốn ngày đêm. Máu chảy, bụng đói, sức đã kiệt rồi, nhưng không một cánh quân nào vượt khỏi tầm súng của anh. Khi anh hi sinh bên đống gạch đổ nát, anh vẫn ngồi với tư thế chiến đấu. Một tốp lính Mĩ đang tiến, bỗng chợt thấy anh, chúng nó lùi lại, rồi có đứa giơ tay xin hàng” [55; tr.202]. Đọc những dòng chữ ấy, chúng ta xúc động, cảm phục và không thể không nhớ đến hình ảnh anh giải phóng quân ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân:
“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng (…)
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
Đâu chỉ các anh bộ đội mà cả người dân Nam Bộ bình thường cũng luôn luôn đánh giặc chủ động, ở tư thế đứng trên đầu thù. Đó là người phụ nữ có sáu đứa con “mỗi lần nghe tiếng máy bay, sau khi điều các con vào hầm, chị mang súng ra công sự, lên đạn và chờ nó đến” (Người đàn bà Tháp Mười); là ông lão nông dân Ba Đạt (Người quê hương) cần mẫn với công việc đưa cán bộ qua sông hay là anh Ba Hoành, bà Tư Trầu- những người chịu câm lặng để vùng lên quật khởi (Quán rượu người câm)…
Trong tập thể anh hùng đó, Nguyễn Quang Sáng đặc biệt quí trọng, nâng niu các cô gái trẻ- những cô giao liên, du kích, sinh viên…- vừa thủy chung,
tình nghĩa vừa giàu tinh thần xả thân vì cách mạng. Tác giả không tiếc lời ngợi ca Thu (Chiếc lược ngà) “rất thông minh…Cô giao liên ấy có cái mũi rất thính, cô dùng mũi để nghe mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mĩ, thằng nào là nguỵ nữa…Cô vừa chặn địch, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm mà mặt cứ phơi phới” [54; tr.110- 112]; Mì (Bông cẩm thạch) thật kiên cường “ba miểng đạn làm nát bắp vế cô, máu đỏ ướt cả băng nhưng cô vẫn ngồi đong đưa trên võng, đưa tay chỉ đường cho bộ đội tiến quân” [54; tr.122]; Dung (Chị xã đội trưởng) xinh đẹp, dũng cảm và tinh nghịch: “Đứng trong cuộc sống chiến đấu đầy bom đạn, chẳng biết lúc nào mình hi sinh, bị tàn tật, nhưng điều đó không ám ảnh được chị. Chị vẫn sống một cách bình thường, vẫn yêu, yêu một cách rắc rối và hồn nhiên như vậy đó. Và đó là sức mạnh của chị ” [61; tr.158]. Nhiều khi nhà văn còn ngưỡng mộ họ như những “vị thánh sống” - đó là trường hợp Quỳnh Anh trong truyện Người bạn gái. Quỳnh Anh là một cô sinh viên vừa quá hai mươi, mảnh khảnh, nước da xanh lướt với đôi vai gầy. Cô thường mặc chiếc áo dài màu khói lam và quàng cổ chiếc khăn màu sương khói. Trái ngược với vẻ bề ngoài mong manh, yếu đuối, cô lại là một người cán bộ cách mạng đích thực- rắn rỏi và kiên cường. Chính Quỳnh Anh là người tổ chức những đêm hát chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù giữa vòng vây của dùi cui, lựu đạn cay và vòi rồng; tham gia liệng xăng đốt xe Mĩ; cứu các chiến sĩ biệt động giữa đường phố Sài Gòn ngập súng đạn đầu xuân 1968. Ngay cả khi bị bắt giam, tra tấn, cô cũng làm cho tên đồ tể trại Chí Hòa phải lắc đầu ngán ngẩm thậm chí có lúc còn muốn quỳ xuống lạy, xin cô khai giùm cho một lời. Bị đày đi Côn Đảo hai mươi năm trời, Quỳnh Anh vẫn sống và vẫn vẹn nguyên tấm tình với người bạn chiến đấu dù anh đã hi sinh. Lòng chung thủy và tinh thần cao cả của Quỳnh Anh khiến cho những người xung quanh cảm phục đến xốn xang. Còn riêng tác giả, “không hiểu sao mỗi lần ngắm hoa Quỳnh nở tôi lại nghĩ đến em. Một
người bạn đã mang đến cho tôi lòng tin cậy. Một con người sẽ không bao giờ có điều gì sai trái đối với cõi đời này từ trong ý nghĩ đến hành động, cả tiếng nói và nụ cười…Nói vậy, có bạn sẽ cho tôi đã lý tưởng hóa một con người- một cô gái- và lý tưởng một cách quá đáng. Có thể, nhưng mặc tôi, xin cho tôi quyền được hi vọng ít nhất là một người. Một người bạn như vậy, không phải là một cô gái để tôi yêu. Tình yêu thật lớn lao và thiêng liêng nhưng so với tấm lòng tôi nghĩ về Quỳnh Anh, tấm lòng của tôi lớn hơn một tình yêu bình thường của trai gái” [54; tr.195]. Lời tâm sự này cũng chính là lời ngợi ca hào hùng trước những phẩm chất cao quý của con người miền Nam “đất lửa” đã hun đúc nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Dĩ nhiên, không hiếm những lúc trang viết của Nguyễn Quang Sáng chùng xuống nghẹn ngào trước bao mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần mà đồng bào miền Nam phải gánh chịu trong những năm chống Mĩ (Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch…). Nhưng đó chỉ là bè trầm để âm hưởng ngợi ca vút lên hứng khởi và cũng là lời lý giải sâu sắc cho tính tất yếu của cuộc kháng chiến mà nhân dân ta- những người vốn yêu hòa bình- phải tiến hành: “Sống như thế và chết như thế, hỏi vậy làm sao mà chịu được. Chúng ta buộc phải cầm súng” [54; tr.110], “Trong làng, trong cả miền Nam, nhà nào cũng có người bị bắt, bị giết, nhà nào chưa có ai bị giết, bị tù thì không biết lúc nào nhà mình bị tan nát. Con người sống không yên, người ta phải đứng dậy” [61; tr.118].
Có thể nói, giọng ngợi ca, khẳng định là chủ âm trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng thời kì chống Mĩ, tạo nên chất anh hùng, chất thơ tràn ngập trên từng trang viết. Qua đó, người đọc thấy ánh sáng và hơi ấm của niềm tin vô biên vào cách mạng, vào nhân dân anh dũng, vào sức sống và nhân cách con người.