Theo quan điểm triết học, thời gian là phương thức tồn tại của vật chất. Đó là hình thức tồn tại có tính liên tục; có độ dài, hướng, nhịp độ; có ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và có tính chất không thể đảo ngược. Đấy là thời gian khách quan chứ chưa phải là thời gian nghệ thuật.
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Thời gian nghệ thuật không phải là thời gian khách quan vận động theo trật tự một chiều, trước sau không thể đảo ngược mà là thời gian được soi sáng bởi tư tưởng, tình cảm nhà văn, được nhào nặn và sáng tạo để trở thành hình tượng nghệ thuật, phù hợp với quan niệm của nhà văn về con người và thế giới. Vì thế thời gian nghệ thuật có thể nhanh hay chậm, dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng theo một lôgic riêng không hoàn toàn trùng khớp với thời gian khách quan. Nói như một nhà nghiên cứu văn học thì “thời gian trong tác phẩm văn học được chuyển hóa thành thời gian nghệ thuật, thành ký mã nghệ thuật không đồng nhất với thời gian hiện thực”. Tuy nhiên, không phải mọi thứ liên quan đến thời gian trong tác phẩm văn học đều là thời gian nghệ thuật. Nằm sâu trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ chuyển hóa thành thời gian nghệ thuật khi nó cùng các yếu tố khác như kết cấu, không gian…thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nhà văn có thể chọn điểm ban đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, có thể đảo lộn trật tự thời gian trong truyện bằng cách đan xen quá khứ, hiện tại, tương lai theo quy luật tâm lý của nhân vật hoặc theo trật tự hồi ức, liên tưởng của người kể chuyện. Mỗi nhà văn luôn có cách tổ chức thời gian khác nhau trong tác phẩm của mình. Xuân Diệu là nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi sự
trôi chảy của thời gian. Với thi sĩ, mỗi phút giây trôi đi là cuộc đời, sự sống đang rời bỏ nhà thơ. Cuộc sống hiện tại và cuộc đời trần thế đối với ông là đáng yêu nhất vì thế thời gian nghệ thuật trong sáng tác Xuân Diệu là thời gian hiện tại. Còn với Tố Hữu, nhà thơ của những niềm vui lớn, tình cảm lớn thì thời gian trong sáng tác của ông chủ yếu là “ngày mai” huy hoàng, thời gian của niềm tin và hi vọng: “Ngày mai đây tất cả sẽ là chung. Tất cả sẽ là vui và ánh sáng” (Liên hiệp lại). Đối với Nam Cao, sáng tác của ông xoay quanh thời gian của cuộc sống hàng ngày. Trong cái vòng luẩn quẩn của hiện thực hàng ngày, nhân vật của Nam Cao bị giam hãm, tù túng trong những lo âu thường nhật cơm áo, gạo tiền để rồi mòn mỏi, bế tắc trong cuộc đời tù đọng…
Từ góc độ lý thuyết về thời gian nghệ thuật soi chiếu vào truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, chúng tôi thấy nổi rõ lên hai hình thức thể hiện thời gian: thời gian quá khứ qua cái nhìn hồi tưởng và thời gian hiện tại qua các mảng màu tâm trạng với không ít khám phá đặc sắc.