Kết cấu truyện lồng trong truyện

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 74)

Để xây dựng một tác phẩm tự sự, một trong những điều kiện quan trọng đối với nhà văn là phải lựa chọn cho mình chỗ đứng thích hợp để kể lại câu chuyện. Việc tìm chỗ đứng này xác lập cho người kể chuyện một điểm nhìn trần thuật để từ đó câu chuyện được bắt đầu. Một truyện ngắn nói chung được kể theo ngôi thứ nhất hoặc thứ ba, mà phổ biến hơn cả là ngôi thứ nhất- xưng Tôi. Tôi có lúc vừa là nhân vật vừa là nhân chứng của câu chuyện, cũng có lúc chỉ là người khách quan bên ngoài quan sát, tường thuật lại câu chuyện do người khác kể lại.

Trong một số truyện ngắn của mình, Nguyễn Quang Sáng sử dụng cùng một lúc hai nhân vật Tôi (tức là hai người kể) để tạo ra một kiểu kể chuyện kép mà ta có thể gọi là kiểu truyện lồng trong truyện. Thực chất toàn bộ diễn

biến tác phẩm do nhân vật Tôi thứ hai kể lại, Tôi thứ nhất chỉ đóng vai phụ dẫn chuyện. Sự vận dụng linh hoạt hình thức nhiều người kể chuyện góp phần tạo nên điểm nhấn độc đáo cho truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng.

Một trong những truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu nhất của Nguyễn Quang Sáng viết trong cuộc kháng chiến chống Mĩ là Chiếc lược ngà. Có thể nói truyện được kể hai lần vì tác giả mở đầu bằng câu: “Tôi được nghe câu chuyện này của một đồng chí già kể lại. Ông vốn là người hay kể chuyện…” [54; tr.100]. Từ sự giới thiệu dẫn dắt của một người lính- người kể chuyện thứ nhất, toàn bộ nội dung truyện do nhân vật ông Ba- người kể chuyện thứ hai đảm nhiệm: “Chuyện xảy ra cách đây hơn một năm rồi, mà mỗi lần nhớ lại, tôi cứ bàng hoàng như vừa thấy một giấc mơ” [54; tr.103].

Là người trực tiếp chứng kiến những giây phút chia ly cảm động giữa người cha và đứa con gái bướng bỉnh, ông Ba hiểu rõ tình cảm cha con sâu đậm và muốn sẻ chia, bù đắp cho cô gái giao liên, con người bạn đã hi sinh. Người kể chuyện thứ hai vừa là người thuật lại, vừa là một nhân vật trong câu chuyện của mình: “Nỗi mừng gặp gỡ bất ngờ khiến tôi chưa hết bàng hoàng thì phải chia tay. Nhìn cháu tôi bỗng buột miệng nói: - Thôi, ba đi nghe con! Tôi không nghe cháu đáp lại, chỉ thấy đôi môi tái nhợt của cháu mấp máy”. Rõ ràng, ở truyện ngắn này, người kể chuyện thứ hai không chỉ là một nhân vật trong truyện mà đã trở thành trung tâm kết cấu, quyết định toàn bộ diễn biến cốt truyện và chi phối các hoạt động khác. Tính chân thực, các sắc thái cảm xúc trong truyện phụ thuộc rất nhiều vào vai trò dẫn dắt, thâu tóm của người kể chuyện này.

Nếu như người kể chuyện thứ hai có tác động trực tiếp tới diễn biến, kết quả và ý nghĩa của câu chuyện thì người kể chuyện thứ nhất lại đóng vai trò bổ sung cho chính người kể thứ hai. Chẳng phải nhờ việc kể lại câu chuyện cho những đồng đội trẻ mà người lính già kia tiếp tục được bộc lộ suy nghĩ,

hành động của mình ngay cả khi câu chuyện đã kết thúc? “Lúc chia tay tôi không nghe cháu gọi tôi là ba. Nhưng những lúc nằm một mình, nhớ lại thì tôi nghe tiếng gọi “ba” của cháu, và tiếng “ba” như vang lên từ trong tâm tôi” [54; tr.120]. Điều đó có nghĩa tình phụ tử kia là bất diệt, mãi mãi tạo dư ba trong lòng người. Tóm lại, việc người kể chuyện xuất hiện với sự đa dạng, nhiều dáng vẻ đã đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của truyện ngắn

Chiếc lược ngà.

Dưới ngòi bút Nguyễn Quang Sáng, truyện lồng trong truyện còn cho ta một cảm giác về những cuộc đời. Trong cuộc đời của ta có một phần cuộc đời của người khác, cứ như thế nó tạo nên những lớp người, mà càng trải nhiều, người ta càng giàu có về vốn sống, về kinh nghiệm để vững vàng hơn. Câu chuyện thứ hai thường được người kể chuyện kể trong thì quá khứ, nó giúp người ta nhìn lại những gì đã qua để ngày hôm nay sống tốt hơn. Bàn thờ Tổ của một cô đào là một truyện ngắn như thế. Mở đầu tác phẩm là lời kể dẫn dắt vào truyện của nhân vật Tôi, nhưng trong diễn biến tiếp theo Tôi lại được nhân vật Thanh Sa thuật lại cho nghe về chính cuộc đời làm sân khấu của cô. Lời kể của Thanh Sa vừa dứt cũng là lúc nhân vật Tôi rút ra được một chân lý cho mình để bước tiếp trên chặng đường đời: “Tôi nghĩ chúng ta, dù lớn, dù nhỏ, những ai là người đang có sự nghiệp nhứt định, chắc rằng trong mỗi chúng ta, đều có một người nào đó đã hạ xuống cho ta bay lên- Người ấy, ta có thể không gọi là ông Tổ, cũng không thờ, nhưng đó là những con Người không thể quên” [54; tr.170]. Lời bình luận của nhân vật Tôi xuất hiện đúng lúc khiến nội dung của một câu chuyện cá nhân bỗng dưng mang tầm phổ quát cho nhiều cuộc đời, đồng thời khiến cho khoảng cách giữa người kể (Thanh Sa) và độc giả được rút ngắn lại trong sự trải nghiệm chung.

Kiểu truyện lồng trong truyện cũng được thể hiện khá rõ trong Người đàn bà đức hạnh. Trong truyện ngắn này, nhân vật Tôi kể câu chuyện mình

được nghe do một lão nghệ sĩ già thuật lại. Qua lời kể của lão nghệ sĩ, đó là câu chuyện về Năm Thanh, một cô đào nổi tiếng, người đàn bà đã hi sinh đức hạnh đời mình cứu một người điên. Qua lời kể của Tôi, đó còn là câu chuyện về một ông già biết đánh giá đức hạnh một con người không theo chuẩn mực thông thường. Hai người kể khiến truyện xuất hiện hai lớp lồng vào nhau, tạo thành cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa những người tri âm tri kỉ “nếu cõi này có cả thế giới bên kia thì hai linh hồn nghệ sĩ chắc gặp nhau. Họ đã để lại trần gian những điều thiện, điều đẹp, linh hồn họ chắc thanh thản, phiêu diêu” [54; tr.228]. Lời kết của nhân vật Tôi cho thấy kiểu kết cấu truyện lồng trong truyện đâu chỉ khiến cốt truyện thêm phong phú, đa dạng mà còn tạo điều kiện cho độc giả được cùng trò chuyện, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người kể chuyện cũng như của nhân vật. Người kể trong câu chuyện thứ hai dễ dàng tạo được sự đồng cảm, khơi dậy những niềm tin và những tình cảm tốt đẹp đối với nhân vật xưng Tôi ở đầu chuyện cũng như đối với độc giả.

Có thể nói, kết cấu truyện lồng trong truyện đã chứng tỏ sự nỗ lực tìm tòi về hình thức nghệ thuật của Nguyễn Quang Sáng. Thực tế chứng minh, nỗ lực này đã được đền đáp khi các tác phẩm của ông chạm được đến trái tim người đọc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)