6. Kết cấu của luận văn
2.1.3. Tình hình phát triển du lịch thời gian qua ở Việt Nam
Tầm quan trọng của du lịch đã có sự đổi mới và nâng cao về nhận thức. Toàn ngành đã tập trung nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn phát triển du lịch trong nước và quốc tế, từng bước đề xuất hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển du lịch với Đảng và Nhà nước, thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, trong Nghị quyết số 45/CP ngày 22/6/1993, Chỉ thị 46 CT/TW ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Trung Ương và Thông báo số 179TB/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị, theo đó ngành Du lịch được Đảng và Nhà nước xác định là “Một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” với mục tiêu “Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa nước ta thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”. Quan điểm đó được thể nghiệm trong thực tiễn phát triển du lịch Việt Nam suốt nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX được nâng lên “Phát triển nhanh du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định: Du lịch là một trong các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao cần được “ưu tiên phát triển” cần “tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng” [5, tr. 201]. Các địa phương trong cả nước đã có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và hiệu quả của sự phát triển du lịch. Nhiều nơi xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, một hướng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa, tạo việc làm cho các tầng lớp dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch dần được kiện toàn, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhìn chung, giai đoạn từ tháng 10/1992 trở về trước, hệ thống tổ chức bộ máy ngành du lịch chưa thực sự được định hình và thiếu tính thống nhất dẫn đến quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp còn lỏng lẻo, kém hiệu lực dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao. Ngày 18/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2003 NĐ/CP về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về du lịch trong phạm vi cả nước, quản lý nhà nước các dịch vụ công trong du lịch. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đến nay, ngành du lịch và Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Sự thay đổi này đã kết hợp được Du lịch và Văn hóa trong cùng một bộ, là điều kiện để phát huy giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với ngành du lịch.
Chính sách và cơ chế quản lý Nhà nước về du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch các vùng du lịch và các trọng điểm du lịch đã được xây dựng; trên 50 Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung Ương và một số khu, tuyến, điểm du lịch đã có quy hoạch. Hàng trăm dự án quy hoạch chi tiết du lịch và hàng chục dự án quy hoạch du lịch khác đang được khẩn trương thực hiện, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần quản lý, khai thác tài nguyên du lịch ngày một hiệu quả.
Pháp lệnh du lịch 1999 và Luật Du lịch 2005 hiện nay là khung pháp lý cao nhất, là bước ngoặc quan trọng khẳng định vai trò của ngành và thể chế hóa đường lối phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển đi vào nề nếp và có định hướng mục tiêu rõ ràng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như xuất, nhập khẩu, cư trú đi lại cho người Việt Nam, cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung. Thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, hải quan… liên tục được cải tiến tạo thuận lợi hơn cho du khách và nhà đầu tư. Việc áp dụng miễn thị thực song phương cho các công dân ASEAN và một số quốc gia khác, miễn thị thực đơn phương cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, 4 nước Bắc Âu và triển khai miễn thị thực cho một số nước khác là giải pháp chủ động, tích cực và khá mạnh bạo trong bối cảnh an ninh hiện nay để thu hút khách du lịch quốc tế và nước ta tăng lên.
Lực lượng kinh doanh du lịch từng bước phát triển, thích nghi dần với cơ chế mới và kinh doanh hiệu quả. Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, kể cả liên doanh 100% vốn nước ngoài. Theo báo cáo của Tổng cục du lịch đến cuối năm 2007, cả nước đã có 10.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh du lịch nội địa và có trên 600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có hàng nghìn hộ tư nhân kinh doanh du lịch hoạt động ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Ngành du lịch đã huy động được ngày một nhiều hơn các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đồng thời thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngành du lịch đã tranh thủ được nhiều tổ chức quốc tế, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho phát triển du lịch trong các lĩnh vực: quy hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, xây dựng văn bản pháp luật…
Cơ sở vật chất cho kinh doanh du lịch từng bước được nâng cao.
Theo số liệu thống kê hơn 10 năm trở lại đây, cả nước đã nâng cấp xây mới hơn 50.000 phòng khách sạn. Đến nay, cả nước có khoảng 9.000 cơ sở lưu trú với 180.000 buồng, trong đó có 4.618 cơ sở được xếp hạng đạt tiêu chuẩn từ 1 sao đến 5 sao với tổng số 112.527 buồng. Mục tiêu đến năm 2015: Việt Nam có tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; năm 2020: có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao [4].
Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường,
với chất lượng và tính chuyên nghiệp ngày một nâng cao. Ngành du lịch đã chủ động phối hợp với Hàng không Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí… tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch ở nước ngoài như: tham gia Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF), tổ chức Năm/Tháng/Tuần/Ngày Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người và du lịch Việt Nam ở nhiều nước trên khắp các châu lục; Triển khai các chương trình Roadshow giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường Châu Á –
Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Phi, Mỹ, Öc. Tổng cục du lịch đã liên tục xuất bản sách hướng dẫn, sản xuất băng video và đĩa CD-Rom giới thiệu về đất nước, con người và du lịch Việt Nam đến các nước trên thế giới. Tăng cường thông tin đối ngoại và du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước như phát thanh, truyền hình Trung Ương và địa phương, các đài báo lớn của nước ngoài như CNN, Canal+, NHK Internet. Hiện nay có 13 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã đặt 23 văn phòng đại diện ở 12 nước trên thế giới, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch.
Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng với khoảng 40 trường, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên 30 trường và nhiều trung tâm dạy nghề được hình thành và phát triển nhanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch được nâng cấp, xây dựng mới, trang bị ngày càng đồng bộ và hiện đại; đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên tăng nhanh về số lượng, nâng dần về kiến thức nghiệp vụ ngoại ngữ. Chương trình đào tạo được chuẩn hóa, chất lượng đào tại được nâng lên. Lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế được hình thành. Những cố gắng này của công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đội ngũ lao động của ngành.
Sự phối kết hợp giữa các ngành và các địa phương từng bước được coi trọng. Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến du lịch. Có 51 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch địa phương. Các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của đất nước được khai thác tốt theo hướng đa dạng hóa và nâng dần chất lượng sản phẩm, tăng khả năng hợp tác và cạnh tranh.
Tính liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch thể hiện qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương, xây dựng các chương trình du lịch theo các tuyến liên vùng, tăng cường công tác quảng bá và phối hợp đào tạo, bồi
dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Một số chương trình du lịch đã được triển khai và bước đầu đạt hiệu quả như: “Con đường di sản miền Trung”, “Du lịch qua các kinh đô ngàn năm tuổi”… Các sự kiện du lịch được tổ chức tại mỗi địa phương đã được các địa phương khác hưởng ứng và tham gia tích cực tạo ra chuỗi sự kiện đều khắp cả nước, thể hiện rõ tính liên vùng. Hoạt động kinh doanh du lịch nhờ thế có điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập của du lịch mỗi địa phương và cả nước.
Việc hợp tác quốc tế về du lịch được mở rộng, bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm lực bên ngoài. Với nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, du lịch Việt Nam đã ký và thực hiện tốt 26 hiệp định hợp tác du lịch song phương với các nước là thị trường du lịch trọng điểm, tăng cường hợp tác du lịch với các nước khác. Tham gia các tổ chức quốc tế về du lịch như UNWTO, PATA, hợp tác du lịch Tiểu vùng sông Mêkong, hợp tác ASEAN, APEC, ASEM… Có quan hệ bạn hàng với 1.000 hãng của 60 nước và vùng lãnh thổ. Nhờ vậy đã tranh thủ được vốn, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, chủ động gắn kết hoạt động du lịch Việt Nam với khu vực và thế giới.