6. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác Ngoại giao tại các Bộ, ngành
Hiện nay, hầu hết các Bộ, Ban, Ngành đều có bộ phận Hợp tác quốc tế hay có những cán bộ chuyên trách về công tác đối ngoại. Đây là lực lượng quan trọng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam. Người cán bộ làm công tác đối ngoại cần phải là một nhà Việt Nam học, có kiến thức tốt về lịch sử, văn hóa, truyền thống… của đất nước mình, từ đó mới có thể truyền đạt tình yêu quê hương đất nước, thuyết phục người nước ngoài hiểu, thông cảm và có thiện cảm với đất nước Việt Nam. Do vậy, người cán bộ cần dành thời gian trang bị kiến thức trong một số lĩnh vực cụ thể sau:
- Hệ thống chính trị, đường lối chính sách đối nội, đối ngoại, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội (hiến pháp, các luật cơ bản như dân sự, hình sự, luật đầu tư nước ngoài, đánh giá tổng kết…)
- Kiến thức chung về Việt Nam đất nước, con người, phong tục, tập quán, các danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng…
- Những hiểu biết và tư liệu về các di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận, các lễ hội… nhằm phục vụ cho công tác quảng bá văn hóa, du lịch, thu hút du khách đến Việt Nam.
Khi đã xác định được nội dung của Ngoại giao văn hóa và nêu bật truyền thống văn hóa ngoại giao tốt đẹp của cha ông ta thì việc xây dựng cái “nền văn hóa” của đội ngũ cán bộ ngoại giao là một trong những khâu then chốt nhất để triển khai thắng lợi công tác Ngoại giao văn hóa. Bởi vì, cán bộ ngoại giao, trước hết là tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, là những “vật chủ” mang văn hóa dân tộc. Người nước ngoài tiếp nhận và có ấn tượng đầu tiên về văn hóa Việt Nam như thế nào chính là qua tiếp xúc với những “vật chủ” ấy. Hơn nữa, cán bộ ngoại giao cũng chính là lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động Ngoại giao văn hóa của Nhà nước ta ra nước ngoài; đồng thời là một trong những cầu nối quan trọng đưa tinh hoa văn hóa của thế
giới đến với Việt Nam để làm phong phú hơn, hiện đại hơn, tiến bộ hơn văn hóa dân tộc ta.
Sứ mệnh cao cả của Ngoại giao văn hóa là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc. Muốn thực hiện sứ mệnh đó, cán bộ ngoại giao phải không ngừng học tập để mở rộng kiến thức về văn hóa dân tộc Việt nam và văn hóa nước ngoài.
Chúng ta đã từng vui sướng và thán phục khi Đại sứ Ấn Độ R. Sivaramakrishnan trích thơ Kiều của Nguyễn Du trong bài phát biểu tại Hải Phòng, sau đó dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh và tổ chức cả một buổi thuyết trình về văn học Việt Nam tại Ba Lan sau đó, khi ông sang công tác sau nhiệm kỳ ở Hà Nội. Chúng ta cũng từng ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi Tổng thống Chile Ricardo Lagos Escobar trích thơ Trần Thánh Tông trong bài diễn văn tại Phủ Chủ tịch để diễn tả cảm xúc khi trở lại thăm Việt Nam (2003) vào những ngày Thu thanh bình sau bao năm chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng:
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh Kim niên du thắng cựu niên du…
Tạm dịch:
Trăng thanh bình chiếu người nhàn hạ Nước mùa thu lồng trời đượm thu Bốn biển đã trong, bụi đã sạch Chuyến đi này hơn chuyến đi xưa…
Chúng ta cũng vô cùng tự hào và khâm phục khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại giao ở bất kỳ nước nào, Người cũng đều nắm vững văn hóa, lịch sử, thậm chí cả ngôn ngữ của nước đó, Chính vì vậy, Người đã tạo được tình cảm sâu đậm và sự ủng hộ nhiệt thành của các nước đó đối với Việt
Nam. Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về Ngoại giao văn hóa, ngoại giao tâm công, “tứ hải giai huynh đệ”, “quan san muôn dặm một nhà”.
Trong khâu tiếp xúc đối ngoại, người cán bộ ngoại giao không chỉ cần biết văn hóa dân tộc mình mà còn phải biết cả văn hóa dân tộckhác thì mới tạo được cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa khác, tránh những “sự cố” do khác biệt văn hóa. Điều này đặc biệt quan trọng khi giao tiếp “liên văn hóa” đã trở thành một hoạt động không thể thiếu được trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Người Hồi giáo sẽ không hài lòng khi được tặng tranh ảnh hay tượng phụ nữ và sẽ bất bình khi được mời ăn thịt lợn. Người Ấn Độ giáo sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi được mời thức ăn có thịt bò. Người Sikh có thể nổi giận khi được mời hút thuốc lá và cũng kiêng thịt bò nhưng lại rất vui lòng nếu được mời uống rượu. Người Nhật rất kiêng con số 4 và 9 (trên máy bay của hãng Nippon Airlines không có các số ghế này) và sẽ không hài lòng khi được tặng hoa sen – thứ hoa người Nhật chỉ dung trong các lễ tang (cũng giống như người Việt Nam không tặng nhau hoa huệ). Một doanh nhân châu Âu đã bị hủy một hợp đồng lớn với một nước Trung Đông vì đã có động tác gallant là giơ tay đỡ một quý bà Hồi giáo từ trên xe buýt xuống. Hãng Honda của Nhật đã không bán được ôtô ở một số nước Bắc Âu vì nó mang nhãn hiệu “Fitta” – theo tiếng các nước này nghĩa là từ chỉ… bộ phận sinh dục. Một hãng sản xuất nước chấm của Anh sáu tháng liền không tiêu thụ được sản phẩm của mình tại Bắc Ấn Độ vì tên gọi của sản phẩm đó (Bundh) theo tiếng địa phương nghĩa là … hậu môn. Còn rất nhiều những chuyện về “xung đột văn hóa” như vậy mà cán bộ ngoại giao cần phải biết khi hoạt động trong môi trường quốc tế.
Ngoài ra, cần đưa nội dung Ngoại giao văn hóa vào giảng dạy một cách phù hợp tại một số trường Đại học chuyên ngành như Học viện Ngoại giao, Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và tuyên truyền và các trường có chuyên ngành liên quan nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên, thanh niên đối với công tác ngoại giao văn hóa. Tăng cường và mở rộng hoạt động giao lưu văn hóa giữa
học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức du lịch cho các cán bộ ngoại giao tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh đất nước cũng như thu hút du khách và vốn du lịch.
3.2.3. Mỗi người dân Việt Nam cần trở thành đại sứ văn hóa, đại sứ du lịch
Một dân tộc có bề dày văn hiến, đã đánh thắng những đế quốc xâm lược từng làm mưa làm gió trên địa cầu như đế quốc Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII mà vó ngựa xâm lược đã xéo nát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn từ Á sang Âu nhưng ba lần xâm lược Việt Nam đã bị quân dân đời Trần đánh cho tan tác, ấy thế mà vào cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, tên nước Việt Nam đã bị xóa trên bản đồ thế giới thay vào đó chỉ còn là một xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Cách mạng Tháng 8/1945 đã làm hồi sinh đất nước, các cuộc kháng chiến chống xâm lược tiếp theo đã nâng cao và làm rạng rỡ hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng từ đỉnh cao chiến thắng, đất nước lại rơi vào tình trạng suy thoái và lạc hậu về kinh tế để chịu thân phận là một nước kém phát triển. Mỗi người Việt Nam yêu nước cần phải biết thấm nỗi đau đó để có nghị lực phấn đấu đưa đất nước bứt lên. Cả dân tộc phải biết quảng bá hình ảnh của đất nước mình bằng bản lĩnh của chính mình và bằng sự chủ động chìa bàn tay thân thiện và hữu nghị với thế giới.
Khi chỉ nhà ngoại giao, nhà chính khách cần nâng hàm lượng văn hóa của mình, bản thân mỗi người Việt cũng phải tự bồi thêm vốn văn hóa của Việt Nam và thế giới, để góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam. Đề cập vấn đề này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Mỗi người dân Việt Nam phải là một sứ giả của nền văn hóa dân tộc. Nếu không quan tâm giáo dục, bồi dưỡng ý thức của người dân, dù ở trong nước hay ở nước ngoài thì hiệu quả truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc sẽ bị hạn chế, thậm chí có thể bị triệt tiêu”.
“Nụ cười Việt Nam”, đó là hình ảnh được những người nước ngoài từng tới Việt Nam, tiếp xúc với người Việt trong và ngoài nước lưu giữ lại trong ký ức khi nhắc về ấn tượng mang tên Việt Nam.
Dù Việt Nam có tốt cả trăm điều cũng không đổi lại được cảm giác khó chịu khi thiếu một nụ cười trên môi nữ tiếp viên hàng không và do cái nhăn nhó, khó chịu hay thái độ cáu gắt của nhân viên hải quan khi vừa bước xuống sân bay.
Nếu những hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa khiến bạn bè và du khách quốc tế yêu Việt Nam, kéo họ tìm đến Việt Nam thì điều níu chân họ và cuốn hút họ trở lại và mang một phần Việt Nam trong trái tim mình, lại là những hành xử có văn hóa của người Việt, những “đại sứ nhân dân”.
Có hình thức nào giới thiệu truyền thống hiếu học của người Việt hơn là việc một người Việt Nam được xướng tên trong danh sách những người có kết quả học tập hàng đầu ở quốc gia đó, hay là danh sách học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế. Có hình thức nào giới thiệu người Việt Nam thân thiện, hòa hiếu hơn nụ cười Việt Nam rạng rỡ chào đón bạn bè quốc tế.
Điều quan trọng trong Ngoại giao văn hóa là không chỉ “biết mình” mà còn phải “hiểu người”. Biết mình nghĩa là phải nắm được cái gốc, cái cốt văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ đó giới thiệu, quảng bá những cái hay nhất, tinh túy nhất của văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế. Đồng thời, trong hội nhập, chúng ta cũng phải hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa bạn, để trân trọng và tôn vinh những giá trị văn hóa đó. Khi hai bên ghi nhận lẫn nhau, trân trọng giá trị của nhau, thì kết quả của sự “hiểu mình – biết người” ấy sẽ được nảy mầm và sinh sôi, giống như cây sen Việt – Nhật, là sản phẩm lai tạo của sen truyền thống Nhật Bản và sen nghìn năm Việt Nam vậy.
Những cuộc trình diễn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ giảm phần nào ý nghĩa khi những giá trị văn hóa của nước bạn không được trân trọng tại Việt Nam. Những nỗ lực tạo dựng sự hiểu biết, hợp tác giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa thông qua việc đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa một khi văn hóa nước bạn không được trân trọng và đánh giá đúng mực ở Việt Nam. Cái gốc văn hóa càng sâu rộng, thì trước hết và trên hết, phải được thể hiện bằng hành động nhỏ thể hiện sự trân trọng văn hóa của nước khác.
Nền văn hóa có đậm đà trước hết được đánh giá và ghi nhận bằng việc xem cách ghi nhận, đánh giá của người Việt Nam với những giá trị văn hóa của bên ngoài. Nếu chỉ biết mình mà không biết người thì cuộc tiếp xúc ấy thực chất chỉ là cuộc đối thoại của những người câm.
Hơn nữa, “hiểu người” còn nằm ở việc nắm rõ và thực hiện tốt những chuẩn mực văn hóa chung trong giao tiếp. Những quy định lễ tân có vẻ rườm rà chính là đúc kết của chuẩn mực văn hóa thế giới mà khi hội nhập, Việt Nam cần phải tuân theo. Nó giống như một luật chơi đã được định hình và được ghi nhận mà Việt Nam phải tuân thủ khi tham gia sân chơi chung.
3.2.4. Nâng cao hàm lượng văn hóa trong các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao và du lịch
Ngoại giao văn hóa là làm ngoại giao bằng biện pháp văn hóa, hàm lượng văn hóa biểu hiện trong từng hoạt động ngoại giao, chính trị, kinh tế, du lịch, thậm chí cả quốc phòng. Nói cách khác, văn hóa ấn dấu ấn đặc thù Việt Nam lên các hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng, ngoại giao và du lịch.
Tăng hàm lượng văn hóa tức là không quên khía cạnh văn hóa ngay cả khi tổ chức hội chợ kinh tế hay hội chợ xúc tiến du lịch. Bước vào không gian hội chợ dành cho Việt Nam, nếu khách có thể nhận ra không chỉ đặc trưng khu trưng bày châu Á, mà nhận ra khu của Việt Nam vì những lý do hay, tốt, đó là hàm lượng văn hóa. Người ta dễ nhận ra Việt Nam qua nét nhẹ nhàng, hấp dẫn kiểu Việt Nam, đó là hàm lượng văn hóa trong hoạt động kinh tế đối ngoại.
Những năm đầu thế kỷ XXI, khi hàm lượng kinh tế tăng nhanh thì hàm lượng văn hóa đang từng bước tìm chỗ đứng, đặc biệt trong việc “mở những cánh cửa khép vì lý do chính trị”.
Nhìn sáng đất nước mặt trời mọc, nước này xác định truyện tranh manga, phim hoạt hình anime… là nét hấp dẫn thu hút sự chú ý đối với văn hóa Nhật Bản. Do đó, ngoại trưởng Taro Aso đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền mình ngâm cứu các bộ truyện tranh Nhật Bản…
Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị truyền thống và ngoại giao kinh tế được khởi xướng
cách đây gần 10 năm. Cũng giống như làm ngoại giao chính trị và kinh tế, muốn làm ngoại giao văn hóa thì trước hết phải hiểu văn hóa. Mỗi nhà ngoại giao cần nâng hàm lượng văn hóa dân tộc và hiểu biết về gốc rễ văn hóa dân tộc.
Việt Nam đã có những bài học đầu tiên của mình trong những hoạt động này:
Trong dịp diễn ra Lễ hội Việt – Nhật tại Tokyo, một doanh nghiệp ở Hải Phòng đã mang sang giới thiệu các sản phẩm làm từ da cá sấu của mình. Theo ông Nguyễn Á Phi, chuyên viên Vụ Văn hóa UNESCO, một nhà báo Nhật đã nói với ông rằng, việc trưng bày các sản phẩm từ động vật, theo thông lệ quốc tế được coi là hoang dã, chỉ nên diễn ra trong các hội chợ, chứ không phải trong các lễ hội mang tính văn hóa, nhân văn là chính. Cùng thời gian đó, báo chí Nhật cũng đăng bức ảnh khỏa thân của một nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật với thông điệp “thà khỏa thân còn hơn mặc áo lông thú”.
Một bài học lớn hơn nhiều đối với việc quảng bá hình ảnh đất nước là sự thất bại của chương trình quảng cáo du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch cách đây ít năm do sự thiếu hiểu biết về văn hóa. Trong thời gian lễ Ramadan, cơ quan này đã triển khai hoạt động quảng bá du lịch tại Trung Đông với tiết mục múa Chàm và món nem để làm biểu tượng cho văn hóa Việt Nam. Phong cách trang phục và thành phần thịt lợn trong nem đã đi ngược lại với truyền thống người Hồi giáo là mặc áo dài, khăn đen trùm kín tóc và tối kỵ ăn thịt lợn.