Tổng quan nghiên cứu liên quan:

Một phần của tài liệu phân tích sự ảnh hưởng của các thuộc tính địa phương đến sự hài lòng của doanh nghiệp tại tỉnh phú yên (Trang 30)

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

1.3 Tổng quan nghiên cứu liên quan:

Những đề tài về marketing địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp về các vấn đề đầu tư, kinh doanh cũng đã được nhiều tác giả lựa chọn nghiên cứu và bàn luận. Tuy nhiên mô hình nghiên cứu định lượng về sự tương quan giữa thuộc tính địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp lại có rất ít.

1.3.1 Nghiên cứu của Hà Minh Trung (2010):

Cụ thể nghiên cứu của Hà Minh Trung đề cập đến các yếu tố tác động đến sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ của các Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tỉnh Bình Dương. Mô hình nghiên cứu của Hà Minh Trung dựa trên lý thuyết về mối quan hệ giữa sự hài lòng và chất lượng dịch vụ, thang đo SERVPERF được sử dụng để đo lường và có sự điều chỉnh theo phương pháp chuyên gia. Trong đó, tác giả chia sự hài lòng của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi 5 nhân tố (với 38 biến quan sát): (1) phương tiện hữu hình, (2) sự tin cậy, (3) mức độ đáp ứng, (4) sự đảm bảo, (5) sự cảm thông. Bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định thang đo (Cronbach Alpha), tác giả đã xác định có đến 6 nhân tố (22 biến quan sát). Thông qua kỹ thuật hồi quy tuyến tính bội để xác định mối quan hệ giữa các nhân tố và sự hài lòng của doanh nghiệp, kết quả cho thấy có 3 nhân tố có tác động (ở mức ý nghĩa 5%) đến sự hài lòng của doanh nghiệp: (1) Năng lực và thái độ phục vụ của ban quản lý KCN và công ty kinh doanh khai thác cơ sở hạ tầng KCN, (2) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN, (3) Điện ổn định và các dịch vụ giải trí, nhà hàng, khách sạn.

1.3.2 Nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI:

Hiện nay, những nghiên cứu khảo sát về môi trường kinh doanh của các địa phương do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện hàng năm được xem là cơ sở dữ liệu quan trọng về đánh giá của doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cung cấp đánh giá và cảm nhận của trên 8.053 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (trong đó có 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam đến năm 2012) về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo

VCCI, có nhiều cách để phân loại các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cấp tỉnh, trong đó có cách phân loại theo nhóm yếu tố truyền thống (như điều kiện tự nhiên – địa lý, xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường…) và nhóm yếu tố nguồn lực mềm bao gồm những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, những khía cạnh này chịu tác động trực tiếp từ thái độ và hành động của chính quyền cấp tỉnh. Nhóm yếu tố truyền thống là những nhân tố căn bản, quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng rất khó hoặc thậm chí không đạt được trong thời gian ngắn. Nhóm yếu tố nguồn lực mềm là nhân tố quyết định đến sự hấp dẫn đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xác định theo các tiêu chí xác định khả năng của nguồn lực mềm và chỉ số PCI hiện nay được cấu thành từ hệ thống bao gồm 9 chỉ số thành phần nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh về chất lượng điều hành cấp tỉnh tại Việt Nam: (1) Chi phí gia nhập thị trường, (2) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, (3) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (4) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, (5) Chi phí không chính thức, (6) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, (7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, (8) Đào tạo lao động, (9) Thiết chế pháp lý. Chỉ số này được xây dựng dựa trên 3 bước: (1) thu thập dữ liệu bằng phiếu điều tra doanh nghiệp và dữ liệu từ các nguồn khác, (2) tính toán 9 chỉ số thành phần và chuẩn hóa theo thang điểm 10, (3) tính trọng số cho chỉ số PCI trung bình của 9 chỉ số thành phần trên thang điểm 100. Báo cáo này đã đóng góp một phần rất lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành trên cả nước; giúp cho các chính quyền địa phương nhận biết được đâu là điểm mạnh và điểm yếu của địa phương mình, từ đó đề ra hướng giải quyết nhằm phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, đưa kinh tế địa phương phát triển.

1.3.3 Nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2005):

Nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện tại tỉnh Tiền Giang năm 2005 là nghiên cứu đầu tiên ứng dụng lý thuyết marketing địa phương của Philip Kotler để xây dựng mô hình nghiên cứu định lượng về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các thuộc tính địa phương.

Theo đó, các thuộc tính địa phương được các doanh nghiệp quan tâm gồm 3 nhóm thuộc tính: (1) nhóm các thuộc tính về cơ sở hạ tầng đầu tư, (2) nhóm các thuộc

tính về chế độ, chính sách, dịch vụ đầu tư và kinh doanh, (3) nhóm thuộc tính môi trường sống và làm việc.

Bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), kiểm định thang đo (Cronbach Alpha) và qua kỹ thuật hồi quy tuyến tính bội cho thấy có 4 biến thuộc tính địa phương: (1) hỗ trợ của chính quyền, (2) ưu đãi đầu tư, (3) đào tạo kỹ năng, (4) môi trường sống và một biến đặc điểm doanh nghiệp (loại hình doanh nghiệp) có ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp.

Nhóm tác giả cũng sử dụng phương pháp phân tích vị trí đa hướng nhằm xác định vị trí địa phương so với các địa phương cạnh tranh (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long) thông qua 4 biến trên. Kết quả cho thấy, Tiền Giang được đánh giá cao nhất ở thuộc tính môi trường sống. Thuộc tính kỹ năng lao động và chính sách ưu đãi đầu tư được đánh giá rất thấp, chỉ xếp thứ 5 trong 7 tỉnh thành so sánh.

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang cũng cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp tại Tiền Giang là các yếu tố nguồn lực mềm, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng) không ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp. Điều này chưa được các tác giả nhắc đến trong nghiên cứu của mình.

1.3.4 Nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn (2012):

Áp dụng mô hình nghiên cứu của Thọ và Trang, nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn phân tích sự ảnh hưởng của các thuộc tính địa phương tác động đến sự hài lòng của doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Nha Trang. Các thuộc tính trong nghiên cứu này được chia thành 3 nhóm chính: (1) Hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, (2) Chế độ, chính sách, dịch vụ kinh doanh và (3) Môi trường văn hóa, tự nhiên sống và làm việc.

Sự hài lòng của doanh nghiệp được thể hiện qua việc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại Nha Trang với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng như mong muốn, doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dài hạn và sẵn lòng mở rộng quy mô kinh doanh tại địa phương.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 235 mẫu doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang và sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), kiểm định thang đo (Cronbach Alpha) và hồi quy tuyến tính bội đánh giá độ phù hợp của mô hình, kiểm định các mối quan hệ, cũng như đánh giá độ tin cậy và độ giá trị của các thang đo.

Kết quả phân tích hồi qui cho thấy, trong nhóm 13 thuộc tính địa phương chỉ có 4 nhóm thuộc tính tác động đến sự hài lòng của doanh nghiệp được sắp xếp theo thứ tự mức độ quan trọng của thuộc tính: (1) Sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch; (2) Thủ tục sau đăng ký kinh doanh; (3) Dịch vụ kinh doanh và (4) Chi phí điện nước. Kết quả cũng cho thấy doanh nghiệp có quy mô từ vừa đến lớn (trên 20 nhân viên) có mức độ hài lòng cao hơn và các doanh nghiệp trong tiểu ngành lưu trú có mức độ hài lòng kém hơn các doanh nghiệp khác như nhà hàng, lữ hành …

Một phần của tài liệu phân tích sự ảnh hưởng của các thuộc tính địa phương đến sự hài lòng của doanh nghiệp tại tỉnh phú yên (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)