Bình đẳng giới trong gia đình là một nét mới trong thời CNH-ĐTH hiện nay. Sự biến đổi về lối sống gia đình của người dân Lào nói chung và người dân huyện
Văng Viêng nói riêng trong sự phát triển CNH-ĐTH đang theo xu hướng bình đẳng giới bao gồm việc người phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong sản xuất, tái sản xuất, trong tiếp cập các nguồn lực phát triể, trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến đời sống gia đình, trong việc tham gia các công việc sinh hoạt của cộng đồng và thụ hưởng lợi ích, phúc lợi gia đình… Bên cạnh đó, bình đẳng bao gồm sự chia sẻ gánh nặng, nghĩa là các thành viên khác trong gia đình chia sẻ gánh vác trong các công việc gia đình như: nấu nướng bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, tham gia sản xuất kinh doanh, tham gia hoạt động xã hội, chăm sóc người già người ốm và trẻ con… trong gia đình để tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia kinh tế, góp phần thiết thực giúp phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường CNH-ĐTH.
Văng Viêng là một địa bàn có tốc độ CNH-ĐTH diễn ra khá mạnh mẽ. Do vậy, các gia đình ở địa phương cũng có những biến đổi ngày càng phù hợp với xu thế chung, cả về quy mô gia đình và mối quan hệ giữa các thành viêng trong gia đình. Về quy mô gia đình, các nhà nghiên cứu nhận định rằng gia đình truyền thống là loại gia đình được hình thành từ nền văn hóa bản địa, chứa nhiều yếu tố dường như bất biến, ít thay đổi. Theo đó hình thái các gia đình ở Lào cũng như ở các xã hội phương Đông nói chung, là hình thái gia đình mở rộng gồm nhiều thế hệ của các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống và thường bị chi phối bằng chế độ “gia trưởng”. Trong quá trình phát triển, gia đình truyền thống đã thể hiện được các ưu điểm về sự gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình về việc bảo lưu các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ và phát huy tốt nề nếp gia phong… Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, gia đình mở rộng là một trong những nhân tố tham gia vào quá trình kìm hãm năng lực phát triển của các cá nhân. Do vậy, trong thời kỳ CNH-ĐTH, gia đình mở rộng không còn là khuôn mẫu của gia đình hiện đại nữa, và sự hình thành cấu trúc gia đình mới là một điều tất yếu. Kết quả điều tra ở huyện Văng Viêng cho thấy rõ về sự biến đổi quy mô gia đình nhiều thế hệ (gia đình mở rộng) này thành quy mô gia đình hai thế hệ (gia đình hạt nhân) chiếm tỷ lệ (27,2%). Một nam nông dân nhận xét rằng:
Ở nhiều khu vực, kể cả đô thị và nông thôn hiện nay thì do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp hóa, giao thông vật tải đã phát triển, nhiều hộ gia đình đã di chuyển tìm chỗ thích hợp để kiếm sống. Trong khi đó đất đai bị thu hẹp, không còn đất sản xuất như trước đây nữa và số lao động được tiếp nhận vào các khu công nghiệp tại địa bàn thường hạn chế, chỉ ở nhóm những người có độ tuổi trẻ và có trình độ học vấn nhất định. Vậy thì cần có
kế hoạch hóa gia đình để phù hợp với sự phát triển của thời hiện đại ngày nay… (PVS, nam 43 tuổi).
Quy mô gia đình như vậy tạo điều kiện cho sự biến đổi về cách phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình khi gia đình chỉ có bố mẹ và con cái, và trong khi không còn hoàn cảnh “mẹ chồng, nàng dâu” thì những người vợ có thể sẽ có tiếng nói quyết định về các lĩnh vực hoạt động của gia đình nhiều hơn và có sự bình đẳng giới giữa vợ và chồng, nhất là khi họ xây dựng gia đình trên cơ sở tình yêu.
Những biến đổi về kinh tế xã hội thời kỳ CNH-ĐTH, cùng với việc thực thi các chính sách của Nhà nước, mối quan hệ giữa vợ và chồng về quyền làm chủ đã thay đổi theo hướng phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội hơn. Trước đây, người đàn ông/người chồng làm chủ gia đình nhiều hơn so với người phụ nữ/người vợ. Điều này bắt nguồn từ bản chất của chế độ hôn nhân phụ hệ trong xã hội truyền thống của Lào (ngoại trừ một số dân tộc có chế độ hôn nhân mẫu hệ). Việc thay đổi về quyền nắm giữ các tài sản có giá trị lớn trong gia đình giải thích phần nào lý do người chồng có tiếng nói quyết định và làm chủ hộ gia đình cao hơn người vợ trong cộng đồng làng, xã.
Một phụ nữ bán hàng nhỏ lý giải về sự thay đổi này: Việc người chồng được làm chủ hộ và có tiếng nói quyết định chung trong lĩnh vực hoạt động của gia đình hồi trước là do sức mạnh của anh ấy, nam là người dám nói, dám làm và dám chấp nhận, dù việc đó đúng hay sai. Một cái nữa là anh ấy có thể tự mình quyết định những công việc nặng nhọc của gia đình. Ví dụ, việc xây nhà, làm ruộng và kiếm tiền nuôi gia đình… Chính vì điều này mà anh ấy xứng đáng là người làm chủ hộ và có tiếng nói quyết định trong gia đình. Nhưng bây giờ không còn như vậy nữa, phụ nữ cũng làm được ruộng, kiếm được tiền nên việc xây nhà thì không vấn đề gì, nếu mình có tiền thì có thể thuê các thợ xây cho… (PVS, nữ 33 tuổi).
Xu hướng biến đổi của sự phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình còn thể hiện ở mức độ chia sẻ công việc giữa vợ và chồng trong gia đình và việc đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của gia đình. Kết quả thu được từ nghiên cứu này đã thống nhất với kết quả của các nghiên cứu trước đây rằng sự phân công lao động theo giới có xu hướng bình đẳng hơn ở các gia đình đô thị, nhóm giầu, nhóm những người có trình độ học vấn cao. Trong những hộ gia đình mà cả hai vợ chồng cùng đi làm bên ngoài, công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người già được người chồng chia sẻ hơn. Bù lại, người vợ cũng
có thể ra bên ngoài kiếm tiền đóng góp cho kinh tế gia đình và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh sự thay đổi về sự phân công lao động trong gia đình, sự thay đổi tâm thế của người chồng cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới sự biến đổi về địa vị của người phụ nữ trong gia đình. Tác giả Nguyễn Hữu Minh (2008) cũng khẳng định điều này như sau:
Cho đến nay cũng chưa có những số liệu so sánh đủ tin cậy ở quy mô toàn quốc về xu hướng biến đổi phân công lao động theo giới trong gia đình. Tuy nhiên, những khác biệt về phân công lao động giữa các nhóm tuổi ở các cuộc Điều tra gia đình Việt Nam 2006 hay khảo sát thực trạng bình đẳng giới 2005 gợi ra rằng hiện nay tỷ lệ người chồng tham gia vào các công việc nội trợ trong gia đình đã tăng lên so với trước đây. Sự biến đổi của xã hội theo hướng công nghiệp hóa đã tạo nên nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ và sự tham gia của họ vào lực lượng lao động xã hội ngày càng tăng. Đóng góp vào thu nhập gia đình cũng tăng lên. Những yếu tố đó sẽ góp phần dẫn đến việc tăng thêm sự tham gia của người chồng vào các công việc gia đình [18, tr. 48).
Một chiều cạnh khác của sự phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình là quyền quyết định các công việc trong gia đình. Quá trình tăng cường CNH- ĐTH dẫn đến xu hướng người vợ có thể có tiếng quyết định cùng với người chồng hoặc người vợ quyết định đối với những công việc trong gia đình, nhất là ở thành thị. Xu hướng thay đổi quyền quyết định này được thể hiện rõ nhất ở nhóm những người có trình độ học vấn cao hơn, nhóm những người làm phi nông nghiệp và sống ở thành thị, nhất là khi cần một tiếng nói quyết định trong trường hợp cả hai vợ chồng đã bàn nhưng chưa thống nhất. Kết quả nghiên cứu cho rằng xu hướng cả hai vợ chồng nên bàn bạc và thực sự thống nhất chiếm tỷ lệ chủ đạo trong hầu hết các quyết định, bao gồm cả những quyết định mà trước đây người chồng hoặc người vợ quyết định là chính như: Công việc sản xuất, kinh doanh, thuê các dịch vụ điện, nước, internet…; mua sắm đồ đạc đắt tiền hay đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, v.v. Chẳng hạn, có những công việc trong thực tế vẫn do người chồng quyết định là chính như mua sắm các đồ đạc đắt tiền thì xu hướng đồng thuận rằng cả hai vợ chồng nên cùng quyết định chiếm tỷ lệ tương đối cao (46,8%) trong các ý kiến phản ánh mong đợi của các đối tượng khảo sát. Ngay cả những quyết định về các quan hệ gia đình với họ hàng bên vợ và ho hàng bên chồng, tỷ lệ cac ý kiến cho rằng việc đó nên do hai vợ chồng cùng bàn bạc và thống nhất cũng chiếm tỷ lệ khá cao, tương ứng với 59,7%, đối với vấn đề này quan hệ họ hàng bên vợ là (60,2%) và vấn đề quan hệ họ hàng bên chồng cũng tương đối cao. Mặc dù chưa phải đã là thực tế, nhưng ít ra những ý kiến trả lời này cũng giúp
phản ánh xu thế tương đối về sự thay đổi trong quyền quyết định các vấn đề quan trọng của gia đình. Tác giả Vũ Tuấn Huy đưa ra nhận định về vấn đề nay như sau:
Định hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đồng nghĩa với phát triển kinh tế và những biến đổi trong lĩnh vực xã hội khác như quá trình dân chủ hóa, thế tục hóa, di động xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng dân cư. Trong quá trình đó gia đình là một trong những thiết chế xã hội cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân và xã hội. Một mặt, những tác động của biến đổi xã hội dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu chức năng của gia đình. Mặt khác gia đình cũng là một tác nhân quan trọng cho sự ổn định và phát triển của xã hội [32, tr. 13].
Đây là nhận định rất quan trọng làm cơ sở cho việc đưa ra dự báo xu hướng biến đổi gia đình nói chung và xu hướng biến đổi về sự phân công giữ vợ và chồng trong gia đình ở huyện Văng Viêng nói riêng trong thời gian tới.