Sự đánh giá về công việc thích hợp giữa vợ và chồng trong gia đình

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ xã hội học: Thực trạng phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình của người dân Lào hiện nay (Trang 52)

Công việc trong gia đình thường được chia thành các loại hình như nội trợ, sản xuất kinh doanh, chăm sóc con cái, người già, người ốm, tiếp khách… Các công việc này đến lượt mình lại được phân ra chi tiết hơn. Chẳng hạn, công việc nội trợ thường được hiểu là công việc tái sản xuất liên quan đến việc chăm sóc và duy trì hộ gia đình như: Nấu ăn, giặt giũ, mua sắm thức ăn, đồ dùng, dọn dẹp nhà cửa… Còn công việc sản xuất kinh doanh cũng được hiểu là công việc trồng trọt, chăn nuôi, lâm ngư nghiệp, dịch vụ. Trên cơ sở sự phân loại như vậy, các nghiên cứu về phân công lao động trong gia đình thường tập trung vào việc nêu lên thực trạng ai làm việc gì trong gia đình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào vợ và chồng.

Theo kết quả điều tra thực tế ở huyện Văng Viêng, đa số các ý kiến trả lời rằng việc sản xuất-kinh doanh phù hợp với người đàn ông/người chồng, trong khi đó có khoảng 2 phần 5 trong tổng số 201 đã được điều tra cho rằng việc sản xuất- kinh doanh phù hợp với cả nam và nữ/chồng và vợ và chỉ có một số ít các ý kiến cho rằng việc sản xuất-kinh doanh phù hợp với người phụ nữ/người vợ. Kết quả này tương tự như những phát hiện nghiên cứu ở Việt Nam về sự phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình.

Trong đó, những kết quả điều tra Gia đình Việt Nam 2006 chỉ ra sự bảo lưu của khuôn mẫu phân công lao động theo giới truyền thống trong các gia đình. Kể cả về nhận thức và hành vi, người phụ nữ và nam giới đều được gán cho những loại công việc nhất định, mà được coi là phù hợp với giới của mình. Chẳng hạn, đối với người phụ nữ/người vợ đó là các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, giữ tiền, chăm sóc người già/người ốm, còn người đàn ông/người chồng chịu trách nhiệm với công viêc sản xuất kinh doanh, tiếp khách lạ, thay mặt gia đình giao tiếp với chính quyền. Tỷ lệ quan niệm rằng phụ nữ thích hợp với công việc nội trợ là 90,1% người từ 61 tuổi trở lên; 90,4% nhóm những người từ 18 - 60 tuổi và 79,3% là nhóm những người từ 15 – 17 tuổi và chưa xây dựng gia đình [23, tr. 76].

Biểu đồ 2.5: Ai thể hiện những công việc sản xuất-kinh doanh (Đơn vị %).

Nhìn biểu đồ 2.6, ta thấy tỷ lệ các ý kiến cho rằng công việc sản xuất kinh doanh phù hợp với nam giới/người chồng và người phụ nữ/người vợ là 50,2% so với 7,5%. Nhìn chung những con số này có sự chênh lệch đáng kể giữa người vợ và người chồng trong việc sản xuất-kinh doanh.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ xã hội học: Thực trạng phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình của người dân Lào hiện nay (Trang 52)