7. Cấu trúc của đề tài
3.2.3 Một số giải pháp hỗ trợ
3.2.3.1 Huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực
Với quan điểm và mục tiêu phát triển du lịch Quảng Ninh với tốc độ nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch lớn, hiện đại ở trong nước và khu vực vào năm 2015. Để thực hiện được mục tiêu, việc huy động nguồn lực đầu tư cho con người - nguồn nhân lực du lịch là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực.
Huy động nguồn đầu tư tài chính bao gồm các nguồn:
Nguồn đầu tư từ ngân sách: Đây là nguồn đầu tư rất lớn, chủ yếu dành cho việc xây dựng mới, nâng cấp cở sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo cho cơ sở đào tạo du lịch được trang bị hiện đại đạt chuẩn.
Nguồn đầu tư từ ngành du lịch: Nguồn đầu tư này, rất khiêm tốn bao gồm kinh phí thường xuyên dành cho đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, chủ yếu dành cho việc bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước và nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp.
Nguồn đầu tư từ người học: Chính là học phí của người học đóng cho các cơ sở đào tạo. Đây cũng là nguồn thu lớn phục vụ cho việc đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chi phí thực hành,...
Nguồn đầu tư từ nước ngoài: Đây là nguồn đầu tư không nhỏ nếu biết khai thác các dự án, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nguồn này, thường chi phí cho việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cung cấp, bổ xung đồng bộ trang thiết bị giảng dạy và học tập (trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long đã được dự án phát triển nguồn nhân lực của cộng đồng châu Âu cung cấp trang thiết bị thực hành đạt chuẩn đối với một số nghiệp vụ).
Nguồn đầu tư từ xã hội: Nếu có chính sách, cơ chế thích hợp thì sẽ huy động được nguồn lực này, bởi thực tế du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, dân trí từng bước được nâng cao, môi trường cảnh quan đô thị được đổi mới. Vì
vậy, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ xã hội cho phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ thuận lợi, nguồn thu ngày đóng góp không nhỏ cho sự phát triển nguồn lực.
Huy động nguồn lực tri thức: Tri thức là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, quốc gia nào có nguồn lực tri thức lớn là quốc gia giàu có và phát triển. Cho nên việc khai thác và thu hút nguồn lực tri thức cho phát triển nguồn nhân lực du lịch là vô cùng quan trọng, có tầm chiến lược bởi vì đầu tư cho con người là đầu tư đem lại nhiều lợi ích nhất cho phát triển bền vững.
Có thể thu hút nguồn lực tri thức bằng các hình thức sau: Có chính sách thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên tại các trường đại học, học viện của ngành du lịch, các nghệ nhân có tay nghề giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy cho học viên tại các cơ sở đào tạo của Quảng Ninh. Tăng cường hợp tác quốc tế với những trung tâm du lịch phát triển để tranh thủ được nguồn lực tri thức nước ngoài.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực tri thức thông qua việc cử những người có tài, có đức đi đào tạo ở những nước có ngành du lịch phát triển. Tổ chức các buổi hội thảo mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi trong nước và quốc tế trao đổi về chính sách, kinh nghiệm phát triển du lịch.
3.2.3.2 Tăng cường sự liên kết và tính chủ động của các bên có liên quan
Sự liên kết của các bên có liên quan là: Nhà nước - Cơ sở đào tạo - Chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động). Mỗi bên giữ một vai trò nhất định có mối quan hệ mật thiết, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Nhà nước ban hành hệ thống văn bản pháp lý, tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Hoàn thiện các tổ chức liên quan đến công tác quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, con người cho các cơ sở đào tạo, ban hành các tiêu chuẩn chức danh, định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Cơ sở đào tạo xây dựng, chỉnh sửa, bổ xung chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực của xã hội.
Doanh nghiệp xây dựng chiến lược trong tuyển chọn người lao động phù hợp và đáp ứng yêu cầu từng bộ phận, từng công việc trong từng giai đoạn phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động đặt hàng chi tiết với cơ sở đào tạo để đào tạo và cung cấp cho mình đội ngũ lao động phù hợp với từng vị trí và làm việc được ngay sau khóa đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo thông qua những người đã được cấp chứng chỉ đào tạo viên đã được đào tạo qua dự án EU.
3.2.3.3 Cập nhật, ứng dụng công nghệ mới
Việc cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực là việc không thể thiếu vì nó giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Một điều hiển nhiên là không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên cơ sở công nghệ lạc hậu. Đặc biệt hiện nay tất cả các ngành đang trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa thì việc ứng dụng công nghệ mới là một tất yếu. Công nghệ mới được hiểu là: tư duy, phương pháp thực hiện và những thành tựu của khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Du lịch là ngành đòi hỏi phải có tư duy nhạy bén, nhanh chóng thích nghi với những tiến bộ của các nước có ngành du lịch phát triển, tư duy quản lý hiện đại. Ví dụ: Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nếu không có kiến thức về máy vi tính, không biết sử dụng Internet, không biết thiết kế website, không biết bán tour, đặt phòng, mua vé máy bay qua mạng, bán hàng qua hệ thống phân phối toàn cầu,...thì kinh doanh gặp khó khăn, kém hiệu quả.
3.2.3.4 Xã hội hóa giáo dục
Xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ trong giáo dục, đào tạo, là hình thức giáo dục nâng cao nhận thức chung cho toàn dân, trong đó có nhận thức về du lịch. Để công tác xã hội hóa giáo dục phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực du lịch, Quảng Ninh cần có chủ trương, chính sách và quy chế phối hợp của các ban ngành, địa phương liên quan trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch. Đó là:
Xây dựng môn học khái quát về du lịch với các nội dung về: Vai trò của du lịch đối với đời sống kinh tế - xã hội, cách giao tiếp ứng xử, thái độ với du khách,
với môi trường du lịch, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,...
Tuyên truyền lồng ghép trong chương trình hoặc dùng trong những buổi ngoại khóa tại các trường phổ thông.
Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh (đặc biệt đối với các địa phương và trung tâm có tài nguyên phát triển du lịch) bằng các hình thức: thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể Thanh Niên, Phụ nữ.