Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân số, coi đó là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là đẩy mạnh các nghiên cứu trong lĩnh vực dân số.
Ngày 9/6/1999, Việt Nam đã được Liên hiệp quốc trao tặng giải thưởng quốc tế về dân số. Tuy nhiên việc giảm tỷ lệ gia tăng dân số không đồng đều giữa các vùng và công tác dân số ở Việt Nam cho tới thời điểm này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số và một phần nào về cơ cấu và phân bố dân số. Về chất lượng dân số chưa có điều kiện nghiên cứu ở phạm vi rộng và với quy mô lớn.
Năm 2001, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia với sự giúp đỡ của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc đã xây dựng Báo cáo quốc gia về Phát triển con người ở Việt Nam.
Trong thời gian 1999 - 2001, Ban Khoa giáo Trung ương và một số cơ quan có liên quan đã tiến hành nghiên cứu “Điều tra, đánh giá về những dịch vụ xã hội cơ bản có liên quan đến chất lượng dân số ở nông thôn Việt Nam”
thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến chất lượng dân số và đề xuất những chính sách phù hợp về dân số và phát triển bền vững”. Đề tài nhánh do GS.TS. Phạm Tất Dong làm chủ nhiệm. Tại đề tài nhánh này, lần đầu tiên ở Việt Nam đã xây dựng được 4 bộ chỉ số mới để đo chất lượng dân số và các dịch vụ xã hội cơ bản. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các tác giả đã đề xuất một số kiến nghị về định hướng chính sách nâng cao chất lượng dân số nông thôn Việt Nam.
Năm 2002 - 2004, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa chủ trì nghiên cứu đề tài cấp Đại học quốc gia Hà Nội “Kiến tạo chỉ số để đánh giá nhanh chất lượng dân số cộng đồng nông thôn Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu đã kiến tạo chỉ số PQI và bộ chỉ thị đơn hợp lý hơn dựa trên 4 yếu tố thể chất, trí tuệ, tinh thần và môi trường, trên cơ sở đó áp dụng PQI trong đánh giá nhanh chất lượng dân số của 3 xã thuộc 3 vùng sinh thái nông thôn là Thái Nguyên (Miền núi phía Bắc), Quảng Ngãi (Ven biển Trung Bộ) và Nam Định (Đồng bằng
Sông Hồng) và đề xuất phương hướng cải thiện chất lượng dân số 3 xã nghiên cứu trên.
Năm 2004 - 2006, GS. TS. Phạm Tất Dong đã chủ trì nghiên cứu, triển khai Đề tài nhánh“Nghiên cứu các yếu tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số” thuộc đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu một số yếu tố sinh học, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số và đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp”. Đề tài đã hoàn thiện bộ công cụ đánh giá chất lượng dân số, bao gồm bộ các chỉ số chất lượng dân số (PQI), chỉ số phát triển cộng đồng (CDI), các dịch vụ xã hội cơ bản (BSM) và một số chỉ số khác. Đồng thời cũng đã xác định được mối tương quan và tác động giữa một số yếu tố kinh tế - xã hội và chất lượng dân số. Chỉ số PQI của đề tài xây dựng để đánh giá chung cho cả địa bàn đô thị và nông thôn.
Trong thời gian 2006 - 2007, Viện Khoa học Dân số Gia đình và Trẻ em phối hợp với Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng và đề xuất giải pháp hạn chế một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số trên địa bàn Hà Nội. Nội dung của cuộc điều tra, khảo sát bao gồm: xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số trên địa bàn Hà Nội; đánh giá hiểu biết, nhận thức và thái độ của người dân và các cán bộ chủ chốt các cơ quan liên quan về một số nội dung của “chất lượng dân số”; đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nâng cao chất lượng dân số Hà Nội trong thời kỳ 2006 - 2010. Kết quả điều tra cho thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nâng cao chất lượng dân số Hà Nội.
Vào quý III năm 2007, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách “Chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số Hà Nội theo hệ tiêu chuẩn mới” của tác giả Đoàn Kim Thắng (Viện Xã hội học). Kết quả nghiên cứu đã phân tích, đánh giá thực trạng vấn đề chất lượng dân số Hà Nội hiện nay thông qua điều tra khảo sát một số chỉ tiêu về chất lượng dân số (chỉ
số phát triển con người; các chỉ tiêu về y tế và chăm sóc sức khoẻ; chỉ số dân số và việc làm; chỉ số tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ xã hội).
Đối với Đề tài "Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội" chúng tôi muốn xây dựng chỉ số đo chất lượng dân số (PQI) để tính riêng cho địa bàn đô thị, đặc biệt là đô thị Thành phố Hà Nội. Đề tài cũng phân tích và làm rõ 11 yếu tố kinh tế xã hội tác động đến chất lượng dân số đô thị ở Thành phố Hà Nội bao gồm: Thu nhập và phân phối thu nhập; Lao động và việc làm; Giao thông liên lạc; Sức khoẻ; Giáo dục; Nhà ở; Môi trường; Cuộc sống gia đình; Sự tham gia công tác xã hội của phụ nữ; Trật tự an toàn công cộng; Văn hoá và giải trí.