Lý thuyết xã hội học

Một phần của tài liệu Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội (Trang 26)

Talcott Parsons (1902-19790) là nhà xã hội học người Mỹ, tác giả nổi tiếng của lý thuyết hệ thống xã hội, lý thuyết hành động.

Parsons sử dụng khái niệm cấu trúc và khái niệm hệ thống gần như tương đương nhau với nghĩa là hệ thống có cấu trúc và cả hai đều có chung thành phần nhất định. Khái niệm cấu trúc nhấn mạnh các yếu tố tạo thành khuôn mẫu, định hình hệ thống một cách tương đối ổn định. Khái niệm hệ thống nhấn mạnh một tập hợp các yếu tố được sắp xếp theo trật tự nhất định nghĩa là được định hình vừa độc lập, vừa liên tục trao đổi qua lại với hệ thống môi trường xung quanh.

Về mặt lý thuyết, Parsons xem xét hệ thống trong một tọa độ ba chiều như sau: Thứ nhất là chiều cấu trúc - hệ thống nào cũng có cấu trúc của nó; thứ hai là chiều chức năng - hệ thống luôn nằm trong trạng thái động vừa tự biến đổi vừa tự trao đổi với môi trường và thứ ba là chiều kiểm soát - hệ thống có khả năng điều khiển và tự điều khiển.

Cấu trúc của hành động được triển khai trên các cấp để hệ thống khác nhau trong đó hệ thống xã hội chỉ là một trong các hệ thống của nó. Parsons phân biệt ít nhất bốn cấp độ hệ thống và cho rằng thông qua quá trình xã hội hóa cá nhân, hành động của con người hình thành và biểu hiện trên các cấp độ

hệ thống từ cấp hành vi của cơ thể lên cấp nhân cách, cấp xã hội và cấp văn hóa. Đặc điểm của từng cấp độ hệ thống như sau:

- Cấp hệ thống văn hóa tương ứng với hệ thống biểu trưng. Biểu hiện cụ thể của nó là hệ các niềm tin tôn giáo, hệ ngôn ngữ, hệ các giá trị và chuẩn mực xã hội. Thông qua cơ chế xã hội hóa cá nhân, các hệ thống văn hóa có khả năng biến các giá trị chung của xã hội thành hệ những giá trị riêng của mỗi người và nhờ vậy thực hiện chức năng kiểm soát xã hội, duy trì trật tự và bảo tồn các khuôn mẫu hành động của các cá nhân.

- Cấp hệ thống xã hội gồm tập hợp các cá nhân tương tác với nhau trong các tình huống nhất định. Tập hợp này gồm hai hay các hành thể là cá nhân hay nhóm người. Mối tương tác giữa các hành thể được cấu trúc hóa thông qua văn hóa và hệ các giá trị chung.

- Cấp hệ thống nhân cách có đơn vị cấu thành cơ bản là cá nhân, là chủ thể hành động. Trên cấp độ này Parson đặc biệt quan tâm tới hệ các nhu cầu, động cơ, thái độ hướng tới lợi ích cá nhân, tới lợi nhuận.

- Cấp hệ thống hành vi bao gồm các quá trình sinh lý, vật chất hữu cơ của đời sống con người mà quan trọng nhất là hệ thống hoạt động thần kinh và hệ thống vận động.

Sơ đồ lý thuyết AGIL

Parsons nổi tiếng trong giới xã hội học về sơ đồ lý thuyết hệ thống xã hội viết tắt là AGIL theo bốn chữ cái của bốn tiểu hệ thống. Theo Parsons, hệ thống xã hội được cấu thành từ bốn tiểu hệ thống (hệ thống nhỏ hơn), tương ứng với bốn loại nhu cầu, chức năng cơ bản của hệ thống xã hội. Bốn loại yêu cầu chức năng của xã hội là:

Một là: Thích ứng (Adaptation - ký hiệu là A) với môi trường tự nhiên - vật lý xung quanh.

Hai là: Hướng đích (Goal attainment - G) - huy động các nguồn lực nhằm vào các mục đích đã xác định.

Ba là: Liên kết (Intergration - I) - phối hợp các hoạt động, điều hòa và giải quyết những khác biệt, mâu thuẫn.

Bốn là: Duy trì khuôn mẫu lặn (Latent pattern maintenance - L) - tạo ra sự ổn định, trật tự.

Các tiểu hệ thống quan hệ với nhau theo nguyên lý điều khiển học. Hệ thống ở cấp độ cao hơn về thông tin nhưng yếu về năng lượng (ví dụ hệ thống văn hóa - L) chi phối và kiểm soát hệ thống ở trình độ cao hơn về năng lượng nhưng kém hơn về thông tin (ví dụ hệ thống kinh tế - A).

Các tiểu hệ thống có mối quan hệ qua lại với nhau theo nguyên lý chức năng để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn. Chẳng hạn tiểu hệ thống kinh tế có mối quan hệ qua lại với nhau và với các tiểu hệ thống khác của xã hội để lấy đầu vào và cung cấp các đầu ra là sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, doanh nghiệp sử dụng lao động của công nhân có trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề do tiểu hệ thống giáo dục tạo ra và đổi lại, nó trả công lao động cho công nhân để họ nuôi sống bản thân và gia đình.

Các tiểu hệ thống trao đổi với nhau thông qua một loạt các phương tiện và công cụ xã hội ví dụ tài sản, tiền bạc, quyền lực, sự ảnh hưởng và sự gắn bó và niềm tin. Mỗi một cặp tiểu hệ thống quan hệ trao đổi với nhau thông qua một số loại phương tiện chuyên biệt. Chẳng hạn, tiền công là phương tiện chính để trao đổi giữa tiểu hệ thống kinh tế (A) và tiểu hệ thống duy trì khuôn mẫu (L).Vốn tư bản là phương tiện chính trong quan hệ trao đổi giữa tiểu hệ thống kinh tế và tiểu hệ thống hướng đích. Cần chú ý là các chức năng và các tiểu hệ thống có thể tương ứng đan xen, bù trừ nhau rất phức tạp. Ví dụ, tiểu hệ thông chính trị trong tình huống nhất định có thể đảm nhận cả nhiệm vụ làm kinh tế và những tổ chức kinh tế độc quyền mạnh có thể lũng đoạn chính trị, pháp luật

Một phần của tài liệu Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội (Trang 26)